Khối thạch nhũ trong hang động đẹp nhất xứ Nghệ hút du khách tham quan
Có nhiều khối thạch nhũ trong hang động đẹp bậc nhất ở miền Tây Nghệ An thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng.
Hang Bua cách TP Vinh khoảng 160km, nằm ở phía trước dãy núi đá vôi, thuộc bản Na Nhang, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, từ thuở trời đất mới khai thiên lập địa.
Xưa kia, nơi đây là vùng đất trù phú, người dân được thần núi che chở nên cuộc sống yên bình, no ấm, hạnh phúc…
Tương truyền, trong một trận đại hồng thủy xảy ra, người dân mang tất cả cồng, chiêng và các vật dụng đi vào trong hang núi này. Nếu những người vào trong hang không ca hát, nhảy múa thâu ngày suốt đêm thì sẽ bị hoá đá.
Cô Tâm, giáo viên ở huyện Quỳ Châu, giới thiệu hang Bua – niềm tự hào của người Thái ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy
Bởi lời nguyền như thế nên đồng bào người Thái vào đây lánh nạn đều vui chơi, nhảy múa, ca hát nhiều ngày liền. Tuy nhiên, do vui chơi rất nhiều ngày liên tục nên ai cũng mệt mỏi và người dân đã ngủ quên, hoá thành các nhũ đá như ngày hôm nay.
Cũng theo người dân ở nơi đây, trong hang có những hình thù giống những sinh hoạt của người xưa như ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, bồ đựng lúa, cây cổ thụ bằng đá tỏa bóng, thửa ruộng hình bậc thang,… Trong hang còn có giếng tiên với nguồn nước mát lạnh, mùa hè khi trời nóng bức, uống một ngụm nước trong hang sẽ cảm thấy vô cùng mát mẻ.
Ở trên cao nhất của hang, khối thạch nhũ đặc biệt như một chiếc giường của công chúa đang hiện hữu. Tuy nhiên, vị trí này khá khó khăn để leo lên chiêm ngưỡng nên du khách chủ yếu nghe qua lời kể.
Hang Bua được biết đến là một thắng cảnh tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của của đồng bào dân tộc Thái xưa. Trong lớp trầm tích tìm thấy ở 2 cửa hang trước và sau có hóa thạch các loài động vật.
Video đang HOT
Nhiều cột đá được hình thành qua hàng triệu năm từ thạch nhũ. Ảnh: Quốc Huy
Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí – Nu – Phá – Hủng) và thần nước (Phí – Nặm – Huồi – Hạ) giao tranh. Chuyện tình Tạo Khủn – Tinh và nàng Ni (nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá..)
Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Du khách khi đến hang Bua sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của phong cảnh sơn thủy hữu tình. Phía trước cửa chính hang Bua quay mặt về hướng Nam, trên vách đá cheo leo, có hàng chục đàn ong làm tổ.
Phía trước là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, với những bản làng của người Thái sầm uất, yên vui. Đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông: sông Quàng, sông Việc và sông Hạt, sau đó hợp lưu thành sông Hiếu.
Đến Quỳ Châu, du khách không chỉ vào tham quan hang Bua mà còn có thể thưởng thức nhiều đặc sản được chế biến công phu ở vùng đất này – Ảnh: Quốc Huy
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) cho biết, lễ hội hang Bua diễn ra ngày 20 – 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh về vui chơi.
Ngày hội ở hang Bua mang đậm bản sắc của đồng bào Thái với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền như: Chơi hang, ném còn, khắc luống, chơi tọ lẹ, biểu diễn cồng chiêng, nhảy sạp, thi bắn nỏ, thi đi cà kheo, thi hát các làn điệu dân ca. Và đặc biệt nhất là cuộc thi người đẹp hang Bua, trong đó các cô gái biểu diễn các trang phục truyền thống của đồng bào người Thái nơi đây.
Một số hình ảnh bên trong hang Bua
Bên trong có nhiều thạch nhũ cổ kính
Hàng chục đàn ong làm tổ trên dãy núi đá cheo leo
Du khách khám phá trong hang động đẹp bậc nhất Nghệ An
Nhiệt độ bên trong rất mát về mùa hè
Đàn ong làm tổ trên cao
Những cột nhũ thạch được nhiều người ghi lại
Một du khách trèo lên cao dự định khám phá chiếc giường công chúa nhưng không thành
Cô gái Thái giới thiệu niềm tự hào hang Bua, nét đẹp văn hoá truyền thống thu hút du khách – Ảnh: Quốc Huy
Tham quan hang Cội Hàng Da Kiên Giang
Gắn với truyền thuyết về Thạch Sanh - Lý Thông được truyền kể trong dân gian, hang Cội Hàng Da - nằm trong hệ thống 14 hang động của núi Đá Dựng (thành phố Hà Tiên, Kiên Giang)- được xem là nơi Thạch Sanh từng sống, khiến du khách đến thăm thích thú.
Quần thể 14 hang động ở núi Đá Dựng được đặt tên dựa theo 3 nguyên tắc: truyền thuyết, hình dạng đá thạch nhũ và cảm giác của động mang lại cho du khách khi khám phá. Mỗi hang động đều mang nét kỳ bí đặc thù gắn với cái tên của nó. Trong đó, có lẽ hang Cội Hàng Da đặc biệt hơn những hang khác. Sở dĩ có tên hang Cội Hàng Da vì trước cửa hang có cội hàng da buông rễ gần chục mét từ trên cao xuống rồi ăn sâu vào đá, phát triển như những thân cây vững chắc. Trong những năm chiến tranh, hang này được sử dụng làm nơi trú ẩn của lực lượng Biệt Động nên có tên khác là hang Biệt Động. Tuy vậy, du khách vẫn thích gọi đây là "nhà" của Thạch Sanh và kể cho nhau nghe về chuyện khi xưa đang ngồi trước hiên nhà, chàng Thạch Sanh đã gặp một con đại bàng khổng lồ cắp một cô gái bay ngay qua. Chàng đã ra tay bắn hạ đại bàng hung hãn, mới hay nàng con gái đó chính là công chúa... Câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi được gắn vào hang động này một cách hợp lý, khơi gợi trí tưởng tượng, hình dung khung cảnh ấy như một thước phim đang chậm lướt qua trước mắt.
Ngoài trời nóng 36-37 độ C nhưng khi bước vào cửa "nhà" của Thạch Sanh, không khí trở nên mát dịu. Càng vào sâu bên trong, nhiệt độ càng xuống thấp, mát lạnh. Đứng từ trong hang nhìn ra, miệng hang rộng lớn, có thể chạy ô tô vào bên trong. Khác với hệ thống các hang lân cận, "nhà" của Thạch Sanh trông ra một khoảng không mênh mông và thơ mộng. Cánh đồng biên giới vàng rực một màu lúa chín. Mưa xuống, cánh đồng này ngập nước loang loáng như biển hồ mênh mông. Xa xa là những rặng núi như những hòn đảo nhấp nhô trên biển. Cũng dựa vào truyền thuyết, động Lầu Chuông, nơi Thạch Sanh bị Lý Thông giam giữ sau khi cứu được công chúa, gắn với đoạn truyện: vừa thất vọng về người anh kết nghĩa, vừa buồn nhớ đến công chúa, chàng Thạch Sanh giải khuây bằng cách gõ vào các thạch nhũ. Không ngờ đá phát ra những âm thanh trầm bổng, ai oán như nỗi lòng của chàng. Bài ca theo gió đến tận cung đình, vang đến tai công chúa. Biết được nỗi lòng và nơi giam giữ Thạch Sanh, nàng bèn nhờ vua cha đến giải thoát cho chàng.
Xung quanh "nhà" của Thạch Sanh còn có những động gắn với hình dáng thạch nhũ. Động Dơi có những thạch nhũ hình bình hồ lô; động Thần Kim Quy với khối đá màu vàng hình con rùa đang ngẩng đầu; động Bồng Lai có hình bàn tay Phật in ở vách đá; hay động Sám Hối có một tượng đá to như hình nhà sư đang cúi đầu vào vách đá trầm tư. Những động được đặt tên theo cảm giác của du khách như động Cổng Trời càng đi sâu, động càng nhỏ, mang đến cảm giác đang đi sâu vào lòng đất âm u, nhưng thật ra, động ăn dần lên cao và thông ra khoảng không đầy ánh sáng bên ngoài. Động Xã Lộc Kỳ có hai "giếng trời" như nắp động thông lên bên trên với dây leo, hằn rõ lên vách đá vôi có hình vân kỳ lạ. Động Trống Ngực, khi du khách đưa tay vỗ vào ngực, thì vách động dội lại thanh âm giống như tiếng trống...
Từ hơn 300 năm trước, khi mới khai phá trấn Hà Tiên, Đá Dựng đã được nhắc đến trong thơ văn và được liệt vào "Hà Tiên thập cảnh" với bài "Châu nham lạc lộ" (dịch nghĩa: Cò về núi ngọc). Ngọn núi cao khoảng 100 mét này nằm khuất tầm nhìn của du khách khi đặt chân đến miền biên viễn xứ Mỹ Đức- Hà Tiên. Nằm trơ trọi giữa đồng, núi có hình thang cân như một viên ngọc lớn. Hè về, phượng vĩ thắp lửa "nung" đỏ viên ngọc này. Mùa xuân, hoa giấy khoe sắc trắng và tím, bao phủ phần lớn ngọn núi. Do phải đi bộ liên tục qua 14 cửa hang nên địa danh này ít được đưa vào điểm đến trong hành trình du lịch Hà Tiên. Nhưng thật sự đây là ngọn núi có những hang động đẹp, được mệnh danh là "động Thiên Đường" của phương Nam. Bên trong các hang động Bồng Lai, Kim Quy, Khổ Qua, Trống Ngực, Cổng Trời, Mẹ Sanh, Dơi... là những cột thạch nhũ được hình thành từ hàng ngàn năm trước. Ngành du lịch địa phương đầu tư hệ thống đèn màu nghệ thuật để pha chiếu tạo vẻ lung linh, huyền ảo cho hang động.
Đá Dựng là một điểm đến thú vị cho giới trẻ ưa khám phá. Trong số 14 hang động ở núi Đá Dựng này, có nhiều hang ăn thông với nhau trong lòng núi. Tuy nhiên, ngành du lịch địa phương chưa chú ý thiết kế những tour khám phá, mạo hiểm để thu hút du khách. Gần Đá Dựng là Thạch Động, nơi có những "dấu ấn" rõ rệt của chàng Thạch Sanh năm xưa. Đây cũng là điểm đến của nhiều du khách vì đường xá dễ đi và trong động có cơ sở tín ngưỡng. Từ hai ngọn núi hang động kỳ vĩ này, di chuyển thêm khoảng 4-5 cây số là đến Mũi Nai, địa danh thu hút nhiều du khách bởi vùng biển hiền lành, mát mẻ. Đi dọc từ Mũi Nai về Hà Tiên theo đường ven biển sẽ đi ngang Núi Đèn, nơi có ngọn hải đăng trên cao và cũng là vị trí ngắm hoàng hôn tuyệt vời nhất trên vùng biển Tây Nam. Trong nội ô thành phố Hà Tiên có nhiều điểm du lịch tâm linh gắn với lịch sử khai phá vùng đất biên ải này của công thần Mạc Cửu, đó là Bình San- lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung... Ngày nay, cộng đồng các dân tộc Kinh- Hoa- Khmer bản địa vẫn thường đến đây chiêm bái để cầu bình an và ghi nhớ công ơn tiền nhân.
Là một trong số những cảnh quan để lại nhiều ấn tượng cho du khách cả về vẻ đẹp lẫn điển tích, "nhà" của Thạch Sanh đã góp phần không nhỏ trong việc làm giàu thêm các điểm tham quan thú vị trong các tour du lịch miền Tây của du khách.
Chiêm ngưỡng "Cung điện" tráng lệ được tạo ra từ những giọt nước Trải qua hàng triệu năm, những giọt nước nhỏ bé đã góp phần hình thành những cột thạch nhũ, những chiếc rèm... đa màu sắc, đa hình thái và thỏa sự tưởng tượng của du khách khi lạc bước vào tham quan Động Thiên Đường... Được mệnh danh là "hoàng cung trong lòng đất", động Thiên Đường thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng...