Khơi sức dân làm đường đẹp, làng xóm sạch
Khi nhắc đến con đường nhựa asphalt với hoa chiều tím, hoa cúc đẹp như trong tranh vẽ… thì từ người già đến trẻ nhỏ của thôn Chi Đông, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng, Nam Định) đều rất đỗi tự hào. Con đường dài 1.150m, rộng 5m, có điện chiếu sáng kéo dài từ đầu làng đến cuối làng là sự đóng góp của người dân trong thôn và những người con xa quê của thôn Chi Đông.
“Ý Đảng, lòng dân”
Về xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay từng ngày của những làng quê nơi đây. Đường làng, ngõ, xóm đều được rải nhựa hoặc bêtông, không những vậy bên cạnh những con đường đó được trang trí những loài hoa như chiều tím, mười giờ, râm bụt… Trò chuyện với chúng tôi, cụ Nguyễn Xuân Hy (80 tuổi, thôn Chi Đông, xã Nghĩa Phú), không giấu được niềm tự hào: “Nhìn thấy quê hương từng ngày thay đổi, người dân có ý thức hơn, cuộc sống của nhân dân đã được cải thiện, hạ tầng giao thông nông thôn được mở rộng, làm mới, tôi rất vui mừng”.
Nói về sự “thay da đổi thịt” của xã nhà, ông Phạm Hồng Quảng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú cho biết: Để có được sự thành công như hôm nay, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Phú đã đoàn kết hướng về mục tiêu chung là đưa địa phương có những bước phát triển mới, nâng cao đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, việc huy động được nguồn lực, đóng góp của nhân dân vào quá trình xây dựng NTM đã mang lại nhiều kết quả tích cực, qua đó thể hiện sự đoàn kết, nhất trí “ý Đảng, lòng dân”.
Các công trình văn hóa tâm linh được nhân dân đóng góp tôn tạo. (ảnh: Minh Ngọc)
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh thôn Chi Đông, ông Phạm Hồng Quảng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú đã giới thiệu những công trình của địa phương như: Cầu đá bắc qua sông, nhà văn hóa, cổng làng, chùa Tiên… “Đây đều là sự đóng góp của nhân dân địa phương và những người con xa quê” – ông Quảng nói.
Video đang HOT
Ngoài ra còn rất nhiều công trình được đóng góp như: Trường mầm non, nghĩa trang liệt sĩ, ngôi điện thờ bà chúa, đặc biệt là xây dựng cây cầu đá bắc qua sông Tiêu được Công ty TNHH Hải Ánh ủng hộ 2 tỷ đồng.
Phát huy những thành quả đạt được
Nghĩa Phú Có được diện mạo nông thôn thay đổi như ngày nay, ngoài việc huy động, đóng góp của tập thể còn có sự vào cuộc của các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh…
Chị Nguyễn Thị Hà – hội viên Hội Phụ nữ thôn Chi Đông cho hay: “Hội Phụ nữ phân công từng tổ cứ 3 ngày cắt cỏ, tỉa hoa trên con đường nhựa asphalt/lần. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thu gom rác thải đúng nơi quy định”.
Ông Trần Phi Thường – Bí thư Chi bộ thôn Chi Đông cho biết, tuyến đường nhựa asphalt chạy dọc theo bờ kênh của thôn được hoàn thành tháng 12/2018 chính là nhờ công sức, sự đóng góp của người dân trong xóm, của những người con xa quê.
Được biết, thôn Chi Đông hiện có 350 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1% (2 hộ), 11 hộ cận nghèo, là thôn về đích NTM đầu tiên của xã Nghĩa Phú. Việc thực hiện nếp sống văn hóa được lan tỏa đến từng hộ gia đình. Theo đó, nhà nào cũng có 2 thùng rác vô cơ và hữu cơ, một hố xử lý rác hữu cơ tại nhà; 3 ngày/tuần tổ thu gom đi thu rác về nơi xử lý tập trung.
“Đến nay, các công trình xây dựng trên địa bàn thôn với tổng trị giá 18 tỷ đồng, nhiều công trình do nhân dân đóng góp xây dựng” – ông Thường cho biết thêm.
Sau khi được công nhận làng văn hóa, những người cao tuổi, cán bộ, nhân dân trong làng đã xây dựng hương ước của làng gồm 6 chương. “Ý thức được việc xây dựng làng văn hóa là một quá trình lâu dài, chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là những người con xa quê, chung sức xây dựng thôn Chi Đông ngày một khang trang” – ông Thường chia sẻ.
Theo Danviet
Góp phần "truyền lửa" cho sinh viên
Những ngày đầu năm mới, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV)-Đại học Quốc gia Hà Nội trở nên nhộn nhịp, sôi nổi.
Dọc lối đi là những băng rôn, áp phích giới thiệu các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường. Theo lời giới thiệu của TS Trần Bách Hiếu, Bí thư Đoàn Trường ĐHKHXH&NV, chúng tôi tìm gặp Trần Thị Thu Linh, người được thầy cô, bạn bè dành nhiều lời ngợi khen về sự năng động, tâm huyết trong các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên.
Nằm sâu trong khuôn viên trường, dãy nhà BC được bao bọc bởi hàng phượng cổ thụ. Trong căn phòng nhỏ, Thu Linh đang có buổi giới thiệu với các đồng chí trong Ban chấp hành Đoàn trường kế hoạch phối hợp tổ chức hoạt động Cuộc thi viết "Mặt trời đầu tiên". Thu Linh có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt ưa nhìn, hành động nhanh nhẹn và dứt khoát. Hướng về chiếc máy chiếu đang chạy những thông tin, hình ảnh minh họa cho cuộc thi, Thu Linh nhập tâm trình bày: "Đúng như nghĩa từ nguyên, ngày Mồng Một Tết Nguyên đán luôn khiến chúng ta bâng khuâng, xúc động. Đó cũng là lúc nhiều hoạt động đón chào năm mới trở thành thói quen trong nếp sống mỗi gia đình như: Mua muối trắng, thắp hương cúng gia tiên, xông nhà, chúc nhau những lời lành, ý tốt...". Và rồi, Thu Linh lần lượt giới thiệu mục đích, ý nghĩa, thể lệ của cuộc thi. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi Thu Linh giới thiệu ban giám khảo cuộc thi là các nhà phê bình văn học, những nhà văn nổi tiếng như: PGS, TS Phạm Xuân Thạch, nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn Đỗ Phấn... Danh sách ban giám khảo góp phần khẳng định ý nghĩa lớn cho cuộc thi nhỏ của các bạn sinh viên do Thu Linh làm trưởng ban tổ chức.
Thu Linh nhập vai trong chương trình "Đêm kịch Khoa Văn mở rộng".
Sau buổi giới thiệu cuộc thi viết, Thu Linh dành thời gian tâm sự với chúng tôi về hành trình trở thành thủ lĩnh sinh viên. Sinh ra tại Hà Nội, ngay từ nhỏ, Thu Linh đã sớm bộc lộ niềm yêu thích văn chương, nghệ thuật. Để thỏa ước đam mê, năm 2017, Linh quyết định thi vào Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV-Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi trúng tuyển, ngoài thời gian học tập, Thu Linh chủ động tham gia các hoạt động đoàn, phong trào thanh niên của khoa và nhà trường. Trong nhiều hoạt động, Linh đã khẳng định tài năng của mình thông qua các chương trình: "Đêm kịch Khoa Văn mở rộng", "Tiếng hát cán bộ Đoàn-Hội USSH by night", tham gia biểu diễn cho Câu lạc bộ Nghệ thuật SOL...
Nhắc đến Trần Thị Thu Linh, TS Trần Bách Hiếu nhận xét: "Thu Linh là cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt huyết trong công tác. Dù phải kiêm nhiều "vai" như Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường, Bí thư Liên chi đoàn Khoa Văn học, Ủy viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật SOL... nhưng em vẫn luôn là người "truyền lửa" trong các hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên của nhà trường".
Không chỉ thành công trong công tác đoàn, Thu Linh còn có bảng thành tích học tập đáng nể. Sau hai năm học, em đã đạt số điểm tích lũy 8.9, điểm rèn luyện 95. Ghi nhận những thành tích đạt được, Thu Linh được nhận nhiều khen thưởng như danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2018, danh hiệu Sinh viên 5 tốt Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2017-2018. Ngoài ra, em còn được tặng thưởng học bổng Văn khoa năm học 2018-2019, học bổng AEON năm học 2018- 2019.
Thu Linh rất tâm đắc với câu nói: "Đừng thu mình trong vỏ ốc, hãy tự tin vươn ra bên ngoài chứng minh cho mọi người thấy rằng bạn vẫn đang tồn tại, đang sống có ích". Em tâm sự: "Trong học tập, sinh hoạt chung, nhiều sinh viên còn có thói quen sống nhút nhát, thu mình. Chính vì vậy, khi đề xuất, xây dựng các hoạt động phong trào, em luôn cố gắng hướng đến các hoạt động gần gũi, thu hút các bạn sinh viên tự tin tham gia để khẳng định mình".
Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC
Theo qdnd.vn
Đảm bảo vệ sinh môi trường trong thu gom, vận chuyển rác Sở Giao thông - vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải ô tô phải đảm bảo vệ sinh môi trường trong thu gom, vận chuyển rác. Xe thu gom vào đổ rác trong điểm trung chuyển rác ở ấp 5, xã Tam An (huyện Long Thành)....