Khối sắt khổng lồ “bay” khỏi xe đầu kéo
Chiếc xe tải đang chở thiết bị cho nhà máy thủy điện từ Hòa Bình lên Cao Bằng, do bị đứt dây chằng nên khối sắt khổng lồ đã rơi khỏi xe, lao xuống đường.
Khoảng 2h sáng nay (10/9), chiếc xe đầu kéo BKS 20C – 068.84 kéo theo rơ-moóc 20R – 002.11 (chưa xác định được danh tính lái xe) đang lưu thông trên QL 3 theo hướng Thái Nguyên – Cao Bằng. Khi đến địa phận phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn thì khối hàng bằng sắt rất lớn trên xe đã bất ngờ rơi xuống lòng đường.
Vụ việc đã gây ra một tiếng động lớn khiến nhiều người dân trong khu vực hoảng hốt.
Hiện trường vụ việc khối sắt khổng lồ rơi khỏi xe trong đêm qua.
Tại hiện trường, lái xe cho biết, trên xe đang chở một thiết bị được dùng trong nhà máy thủy điện từ Hòa Bình lên Cao Bằng, khi đến địa điểm trên thì bị đứt dây chằng, thiết bị khổng lồ rơi xuống đường.
Theo quan sát của PV Dân trí tại hiện trường, thiết bị bằng sắt có kích thước rất lớn nên đã chắn ngang gần hết làn đường theo hướng Bắc Kạn – Cao Bằng, khiến cho đoạn đường không thể lưu thông.
Sau khi xảy ra sự việc, Công an TP Bắc Kạn đã phối hợp với các lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để phong tỏa, phân luồng và hướng dẫn các phương tiện đi tạm vào phần đường ngược chiều.
Một đoạn đường đã bị hư hỏng sau vụ tai nạn.
Video đang HOT
Ngay trong sáng nay, một chiếc cần cẩu cũng đã được huy động để giải phóng hiện trường, nhưng do thiết bị có khối lượng quá lớn nên không cẩu được.
Đến khoảng 15h30 chiều nay, các lực lượng chức năng vẫn chưa giải phóng được hiện trường.
Cơ quan chức năng đang tìm hướng giải quyết vụ việc.
Thái Cường
Theo Dantri
Thủy điện gây sạt lở biển Cửa Đại?
Hầu hết các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, nguyên nhân bờ biển Cửa Đại sạt lở nặng trong mấy năm qua chủ yếu là do thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn ngăn sông, suối không cho cát và bùn đổ về.
Ngày 7/9, tỉnh Quảng Nam đã mời các nhà khoa học trong nước cùng các nước Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Nhật Bản... tổ chức hội thảo "Cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông" để lấy ý kiến khắc phục tình trạng bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nặng trong mấy năm qua.
Hơn 30 nhà khoa học trong và ngoài nước cùng gần 200 đại biểu tham gia hội thảo để bảo vệ bờ biển Cửa Đại, Hội An
Bãi biển Cửa Đại cũng như khu phố cổ Hội An từ lâu được biết đến là một trong những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã xảy ra hiện tượng xói lở và bồi lấp ở khu vực Cửa Đại, sông Thu Bồn và bãi biển Cửa Đại.
Hiện tượng này xảy ra ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Việc bồi lấp đã tạo ra sự quan ngại về sự an toàn về vật chất cũng như con người và gây ra sự thay đổi nghiêm trọng về địa hình của khu vực này; đồng thời gây thiệt hại lớn đối với các dịch vụ du lịch ở đây.
Một khu nghỉ dưỡng ở bãi biển Cửa Đại bị sóng đánh làm mất bãi biển, doanh nghiệp phải kè bằng đá. Doanh nghiệp này cho biết, bãi biển bị mất cũng làm cho lượng khách đến với khu nghỉ dưỡng giảm hơn một nửa
GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và nhóm nghiên cứu đã có những nghiên cứu tổng quan tình hình xói lở và bồi lấp các cửa sông ven biển Miền Trung. Các tác giả cho thấy các diễn biến, biến động cửa sông ven biển là rất phức tạp và ảnh hưởng lớn đến đời sống và phát triển kinh tế xã hội của cả vùng.
Bên cạnh các nguyên nhân do thiên tai, các tác giả cũng đã chỉ ra các nguyên nhân chủ quan như nạn khai thác cát quá mức, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn...
Vấn đề xói lở biển Cửa Đại đã được tỉnh Quảng Nam và ngành nông nghiệp tổ chức nhiều hội thảo để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; tuy nhiên một giải pháp tổng thể vẫn chưa được vạch ra trong khi đó bãi biển Cửa Đại ngày càng bị xâm thực nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi Miền Trung - cho rằng việc bãi biển Cửa Đại sạt lở cần phải có số liệu chính xác và giải quyết một cách tổng thể chứ không thể riêng lẻ. Tuy nhiên, giải pháp giải quyết vấn đề như thế nào thì ông Việt không thể nói trước vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Khu vực biển công cộng đang được kè mềm để người dân tắm biển
Trong khi nhà nước và nhà khoa học vẫn còn đang loay hoay tìn giải pháp thì các doanh nghiệp sở hữu các khu nghỉ dưỡng ven biển Cửa Đại mỗi năm phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để chống sạt lở; nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.
Ông Nguyễn Trung Việt cho rằng, hiện nay rất cần liên kết 3 nhà là Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp mới có thể giải quyết nhưng vấn đề đáng băn khoăn là vốn. "Muốn giải quyết tận gốc vấn đề phải có hàng nghìn tỉ đồng", ông Việt nói.
Ông Việt cũng cho rằng, "tiềm năng" gây sạt lở ở biển Cửa Đại là do suy giảm bùn cát. Muốn khắc phục phải bổ sung lượng bùn cát nhưng bổ sung bao nhiêu, thời điểm nào thì ai là người sẽ đứng ra chủ trì trong 3 nhà nói trên?
GS.TS. Hitoshi Tanaka (nguyên Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường vùng Châu Á Thái Bình Dương, hiện là Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản) cũng đồng quan điểm với ông Nguyễn Trung Việt, cho rằng nguyên nhân "tiềm năng" là do sự duy giảm bùn cát từ thượng lưu.
Ông nói: "Suy giảm bùn cát là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên, số liệu đầu vào chưa chi tiết nhưng đây là nguyên nhân chính gây sạt lở biển Cửa Đại. GS.TS. Hitoshi Tanaka chia sẻ rằng vấn đề ở biển Cửa Đại hiện nay cũng giống như ở Nhật Bản cách đây vài chục năm. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thì dùng phương pháp bờ kè cứng, còn bãi biển ở Cửa Đại phục vụ du lịch nên không thể sử dụng biện pháp bờ kè cứng mà phải dùng bờ kè mềm.
"Nên giảm việc khai thác cát trên dòng sông để cát tăng cường về cửa sông thì bờ biển sẽ phục hồi nhưng quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm. Bên cạnh đó là kết hợp với việc nuôi bãi cát, hoặc đổ cát vào bờ biển nhưng giải pháp này không phải ngày một ngày hai", GS.TS. Hitoshi Tanaka đưa ra giải pháp.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho rằng, việc sạt lở bờ biển Cửa Đại đang được dư luận xã hội quan tâm. Đây là vấn đề phức tạp nhưng phải nghiên cứu hết sức cẩn thận nếu không sẽ còn sạt lở khủng khiếp hơn. Phải tìm ra giải pháp căn cơ, lâu dài.
Theo ông Thanh, một trong những nguyên nhân sạt lở là do xây dựng thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn làm ngăn bùn, cát bồi đắp. Do đó, việc khai thác cát phải được kiểm tra, rà soát lại kể cả việc khai thác có phép và nhất là khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn và Vu Gia.
Ông Thanh cũng cho biết việc xây dựng thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn đang được rà soát để giãn tiến độ và có cái chấm dứt. "Việc phát triển thủy điện phải đảm bảo an sinh xã hội ở vùng hạ du, phải đảm bảo việc chống sạt lở", Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu.
Trước mắt, giải pháp tình thế đối với vùng bờ biển ở Cửa Đại là trong mùa mưa bão đến theo ông Thanh thì phải di dời dân và du khách ra khỏi vùng sạt lở.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng cho hay, khi đã có kết luận chính thức của các nhà khoa học sạt lở biển Cửa Đại là do thủy điện thì buộc các nhà máy thủy điện phải cùng nhau phòng chống sạt lở.
Về lâu dài, theo Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, tỉnh đang được Bộ NN-PTNT giúp đỡ và phối hợp với các nhà khoa học Nhật Bản tìm giải pháp bền vững để bảo vệ bờ biển này.
Công Bính
Theo Dantri
Ông bị liệt, bà ung thư vú, hai đứa trẻ mờ mịt tương lai Căn bệnh ung thư vú đã "ăn" một bên ngực của bà Lan từ mấy năm nay. Khi nhìn thấy bà vạch áo lên để lộ ra những vết lở loét một bên ngực, đứa cháu nội của bà ngây ngô hỏi tôi: "Chú ơi ! bệnh của bà cháu có chết không?" khiến ai cũng nghẹn ngào. Bà Quách Thị Lan (51...