Khôi phục phát triển thủy sản sau mưa lũ
Đợt mưa lũ kéo dài đầu tháng 9 vừa qua đã gây ngập úng trên diện rộng khiến nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ngọt bị thiệt hại.
Để khắc phục tình trạng trên, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung nhân lực, vật lực hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.
Người dân xã Thọ Xương (Thọ Xuân) khôi phục nuôi cá lồng trên sông Chu.
Huyện Yên Định là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 333,4 ha diện tích NTTS bị ngập tràn, chủ yếu là các loại cá truyền thống nước ngọt. Ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngay từ đầu mùa mưa, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động thực hiện xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao nuôi. Đối với những ao nuôi đạt kích cỡ thương phẩm thì khẩn trương thu hoạch. Những ao mà đối tượng nuôi còn nhỏ, thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ ao chắc chắn, đủ khả năng chống chịu khi xảy ra mưa lũ lớn. Chủ động đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa lũ kéo dài và khi mực nước trong ao quá lớn; nạo vét, khơi thông cống, rãnh, kênh mương bảo đảm thoát nước tốt khi xảy ra mưa lớn. Ngay sau khi nước rút, phòng nông nghiệp đã yêu cầu các xã trên địa bàn huyện có diện tích NTTS bị ngập tràn tổ chức thu gom các loại cá nuôi còn sót lại và tiến hành xử lý môi trường, rải vôi bột, hóa chất diệt khuẩn, cải tạo ao hồ chuẩn bị cho vụ nuôi mới.
Trong đợt mưa lũ đầu tháng 9-2019 vừa qua, toàn tỉnh có 1.189,3 ha NTTS bị ảnh hưởng, chủ yếu là nuôi cá nước ngọt truyền thống. Trong đó, các huyện Yên Định có 333,4 ha, Vĩnh Lộc 296,7 ha, Thạch Thành 281,95 ha, Thọ Xuân 133,25 ha, Ngọc Lặc 58,2 ha… NTTS bị ảnh hưởng. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, Chi cục Thủy sản đã hướng dẫn các giải pháp khắc phục đối với hoạt động NTTS. Cụ thể, đối với ao, đầm NTTS, người nuôi cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao. Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, độ PH bị giảm đột ngột nên cần rải vôi xung quanh bờ ao, kết hợp bón vôi cho ao đầm nuôi, để ổn định PH nước và môi trường ao nuôi. Cùng với đó, bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Ngoài ra, tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với lồng, bè NTTS, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao và chủ động di chuyển hệ thống lồng nuôi trên sông, hồ chứa về địa điểm an toàn, có điều kiện môi trường thuận lợi; đối với những trường hợp lồng bè không thể di chuyển được cần có giải pháp làm giảm tốc độ của dòng chảy. Che chắn lồng bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để tránh các đối tượng nuôi ra ngoài. Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước; treo túi vôi trước dòng chảy hoặc khu vực cho cá ăn để khử trùng môi trường nước, diệt tác nhân gây bệnh cho cá nuôi.
Video đang HOT
Đến nay, tại các địa phương có diện tích bị thiệt hại nặng, người dân đã bắt đầu cải tạo, sửa chữa công trình bị hư hỏng, vệ sinh môi trường ao nuôi để đầu tư sản xuất vụ nuôi mới. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê cụ thể các mức thiệt hại do mưa lũ gây ra, bảo đảm kê khai đúng đối tượng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cùng với việc kiểm tra, hướng dẫn nông dân về biện pháp kỹ thuật, để sớm ổn định sản xuất sau mưa lũ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở, đơn vị sản xuất, cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh tập trung sản xuất giống các loại cá truyền thống nước ngọt, bảo đảm chất lượng con giống phục vụ người dân nuôi thả vụ mới.
Bài và ảnh: Hải Đăng
Theo Baothanhhoa
Vì sao dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại Nghệ An?
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được phát hiện tại Nghệ An từ tháng 3-2019 và đến tháng 8 thì cơ bản được khống chế, với 123 trong số 174 ổ dịch công bố hết dịch.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay, dịch tái bùng phát và lây lan nhanh tại nhiều địa phương, số lượng lợn mắc dịch buộc phải tiêu hủy cao gấp nhiều lần đợt trước.
Dịch bùng phát sau mưa bão
Diễn Nguyên là một xã nổi tiếng về chăn nuôi lợn của huyện Diễn Châu cũng như tỉnh Nghệ An. Có thời điểm, đàn lợn của Diễn Nguyên lên đến 10 nghìn con, trong đó có khoảng 1.000 con lợn nái để cung cấp lợn giống cho cả vùng. Trước thời điểm DTLCP diễn ra, Diễn Nguyên có gần 500 hộ chăn nuôi lợn theo hình thức nhỏ lẻ với khoảng 3.000 con lợn, trong đó có 500 con lợn nái và lợn cồi giống. Thế nhưng, những ngày đầu tháng 10 này, cảnh vườn không, chuồng trống diễn ra ở hầu khắp các hộ nuôi lợn ở Diễn Nguyên. Gia đình bà Đào Thị Hương ở xóm 7 vừa phải tiêu hủy một con lợn nái và sáu lợn con. Bà Hương buồn rầu cho biết: Gia đình làm nghề nông, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nuôi một con lợn nái từ bảy năm nay để "góp ống" tích cóp kinh tế. Giờ chỉ mong địa phương sớm hết dịch để tái đàn.
Trong những ngày qua, hầu hết các gia đình ở quanh nhà bà Hương cũng như làng trên, xóm dưới đã quen với cảnh hằng ngày chứng kiến cán bộ xóm, xã chở lợn nhiễm dịch đi tiêu hủy. Nhiều gia đình ở đây nổi tiếng có đàn lợn nái và lợn cồi giống cung cấp cho cả vùng như gia đình ông Chu Đình Hoạt ở xóm 4, ông Phan Văn Thắng ở xóm 3... cũng không bảo vệ được đàn lợn trước dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên, Đàm Xuân Chính cho biết: DTLCP bắt đầu xuất hiện trên địa bàn xã Diễn Nguyên từ ngày 23 đến 27-5. Mặc dù địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp để dịch không lây lan và đã cơ bản khống chế được dịch. Nhưng sau cơn bão số 4, xác lợn chết từ đầu nguồn sông Bùng trôi về cùng với nạn côn trùng và chuột không kiểm soát được đã khiến DTLCP tái bùng phát. Nhất là từ đầu tháng 9 đến nay, có những ngày cả bảy xóm trong xã đều phải tổ chức tiêu hủy lợn dịch với trọng lượng lên đến hàng tấn. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Đàm Xuân Chính: Lo sợ dịch bệnh kéo dài, người dân ở đây đã có "sáng kiến" tổ chức giết thịt những con lợn còn khỏe để chia cho các hộ chung quanh hay cất trong tủ lạnh ăn dần nhằm giảm thiệt hại. Hiện nay, đàn lợn ở Diễn Nguyên cơ bản đã bị xóa sổ, toàn xã chỉ còn khoảng 200 con cùng 50 con lợn nái.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Diễn Châu Nguyễn Thế Hiếu: DTLCP xuất hiện trên địa bàn huyện Diễn Châu từ ngày 1-5; đến cuối tháng 6, dịch xảy ra tại 194 hộ ở 56 xóm thuộc 20 xã. Địa phương đã phối hợp tỉnh và các ngành liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, khống chế dịch; trong đó cấp hơn sáu tỷ đồng cùng 4.509 lít hóa chất, 199 tấn vôi bột, tổ chức năm đợt tiêu độc khử trùng chung quanh chuồng trại, lối đi và tại các chốt kiểm soát dịch..., kết quả tình hình dịch bệnh có chiều hướng giảm. Đến ngày 8-8, toàn huyện còn sáu xã có DTLCP chưa qua 30 ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn trên địa bàn toàn huyện làm ngập lụt nhiều xã. Nước và chất thải chăn nuôi từ vùng có dịch sang vùng không có dịch; từ các huyện Đô Lương, Yên Thành chảy về qua hệ thống sông Bùng làm phát tán mầm bệnh ra diện rộng và gây bùng phát dịch sau mưa lụt. Đến đầu tháng 10, DTLCP bùng phát tại 37 trong số 39 xã, thị trấn trong huyện với 2.624 hộ chăn nuôi tại 187 xóm. Tổng số lợn mắc bệnh dịch đã tiêu hủy hơn 13.500 con, với tổng trọng lượng hơn 500 tấn. Tổng đàn lợn của huyện Diễn Châu có khoảng 40 nghìn con, ngoài số lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy, một lượng lớn lợn không bị bệnh trong vùng dịch, người dân buộc phải giết thịt để tránh lây lan dịch.
Triển khai đồng bộ, cấp bách các giải pháp phòng, chống dịch
Theo báo cáo của Sở NN và PTNT Nghệ An: DTLCP ở Nghệ An diễn tiến qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, bắt đầu từ ổ dịch tại một hộ chăn nuôi ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu được phát hiện vào ngày 13-3-2019, sau đó lác đác xuất hiện ở một số địa phương khác. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch cho nên đến cuối tháng 8, dịch cơ bản được khống chế, có 123 trong số 174 ổ dịch công bố hết dịch. Số lợn buộc phải tiêu hủy trong đợt này là 16.071 con với trọng lượng 730 tấn. Giai đoạn hai, kể từ ngày 1-9 đến nay, dịch có diễn biến phức tạp, bùng phát và lây lan ra nhiều xã, nhiều huyện trong tỉnh, số lượng lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy hằng ngày cao. Có ngày có đến 18 xã phát sinh dịch. Nhiều xã tái phát dịch. Không chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà DTLCP đã lan vào các gia trại có quy mô từ 100 con trở lên ở các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Đô Lương. Trong giai đoạn này, tổng số lợn tiêu hủy là 42.419 con với tổng trọng lượng 1.923 tấn. Một số địa phương có lợn bị tiêu hủy nhiều như: Yên Thành 13.232 con, Diễn Châu 10.238 con, Đô Lương 3.424 con, Hưng Nguyên 2.991 con,... Tính đến ngày 6-10, DTLCP đã xảy ra tại 12.661 hộ thuộc 1.472 xóm của 281 xã thuộc 21 huyện, thành phố, thị xã. Tổng số lợn mắc bệnh tiêu hủy hơn 58.490 con, chiếm 5,8% tổng đàn, với tổng trọng lượng tiêu hủy 2.653 tấn.
Mới đây, tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương cấp huyện triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn, khống chế DTLCP. Tại hội nghị, nguyên nhân dịch lây lan và bùng phát trên địa bàn Nghệ An được xác định là do chăn nuôi nhỏ lẻ, chiếm 88,8% tổng đàn lợn cả tỉnh, rất khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đặc biệt, sau cơn bão số 4, mưa lớn kéo dài gây ngập úng tại các huyện vùng trũng như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên... khiến mầm bệnh từ xác lợn, chất thải từ chăn nuôi, cơ sở thu gom, giết mổ, các hố chôn lợn không bảo đảm... theo nước phát tán rộng rãi ra môi trường. Thêm vào đó, nhiều loại côn trùng sinh sôi, phát triển (ruồi, muỗi, mòng, chuột...) là nhân tố trung gian lây truyền bệnh. Ngoài ra, do thời gian dịch bệnh kéo dài cho nên một số địa phương có biểu hiện lơ là việc triển khai các biện pháp quyết liệt; chưa áp dụng triệt để các giải pháp chống dịch. Tại nhiều xã trọng điểm dịch, công tác phòng, chống dịch chưa được chính quyền địa phương thực hiện nghiêm; nhất là việc giết mổ, kiểm soát vận chuyển lợn ra vào vùng dịch.
Dự hội nghị, Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Nghệ An cùng các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống, khống chế DTLCP theo các văn bản chỉ đạo của T.Ư, Bộ NN và PTNT. Cần phải thực hiện chống dịch từ cơ sở, từ người dân và "chống dịch như chống giặc" theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đồng chí Phùng Đức Tiến cũng lưu ý, ngành thú y cần tham mưu cho tỉnh Nghệ An áp dụng một số loại chế phẩm an toàn sinh học vào chăn nuôi lợn đã được Bộ NN và PTNT triển khai có hiệu quả tại một số địa phương.
Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cũng khẳng định: Tình hình diễn biến thời tiết trong thời gian tới phức tạp cho nên mầm bệnh sẽ tiếp tục lây lan. Từ nay đến cuối năm các địa phương của tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Các vùng trọng điểm dịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường trong khu vực chuồng trại và nhất là làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng, khống chế dịch. Các địa phương tiếp tục lập chốt kiểm soát dịch; kiểm soát nghiêm việc giết mổ trên địa bàn. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của dịch để người dân hiểu, thực hiện. Các địa phương từ huyện xuống xã tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch...
Tỉnh Nghệ An đã cấp kinh phí 14,2 tỷ đồng; các huyện, xã đã chủ động cấp kinh phí 17,6 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ lợn buộc phải tiêu hủy) để phòng, chống dịch. Toàn tỉnh đã sử dụng 80 tấn hóa chất khử trùng.
BÀI VÀ ẢNH: THÀNH CHÂU
Theo NDĐT
Quảng Nam: Tôm chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề Nếu như những năm về trước, bà con nuôi tôm ở tỉnh Quảng Nam ăn nên, làm ra vì tôm đạt năng suất cao, thì hai năm gần đây, người nuôi tôm thất thu, thua lỗ nặng. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, ước tính thiệt hại số ao nuôi tôm của các hộ dân, tôm chết hàng tỷ đồng. Ông...