Khởi nghiệp từ đam mê nông nghiệp
Không lựa chọn ly hương, nhiều bạn trẻ vùng cao Lào Cai tự tin bám trụ và lập nghiệp thành công tại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Cũng chính giữa làng bản mình, họ nuôi dưỡng từng ngày ý chí lập nghiệp, quyết tâm thay đổi tư duy và phương thức làm ăn để tạo lập một cuộc sống giàu có, văn minh.
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tú, làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã vượt qua những rào cản cố hữu về tâm lý ỷ lại và tập quán mưu sinh thụ động, không chỉ là tấm gương khởi nghiệp từ mô hình trang trại tổng hợp, làm giàu thành công ngay tại quê hương, mà còn góp phần lan tỏa nguồn cảm hứng và năng lượng tích cực cho lớp trẻ cộng đồng.
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tú, làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai).
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn ở vùng đất Bảo Thắng, Nguyễn Văn Tú (32 tuổi) sớm ý thức phải làm việc để tự nuôi sống bản thân. Sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Tú lăn lộn kiếm sống buôn bán bên ngoài. Với số vốn dành dụm được, cộng với quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong chăn nuôi, năm 2015 anh quyết định về quê phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, hiện thực hóa ước mơ lập nghiệp, đánh thức tiềm năng từ đất đồi quê hương mà anh luôn đau đáu từ nhỏ. Gia đình mới đầu không ủng hộ vì sợ anh sẽ thất bại, sinh ra nợ nần, khuyên anh nên đi tìm việc làm thuê như trước nhưng anh không nản lòng tìm mọi cách thuyết phục.
Video đang HOT
Nhớ lại thời điểm đó, anh Tú cho biết: “Gia đình khi ấy vạch ra nhiều tình huống có thể xảy ra nếu thất bại, nhưng tôi nghĩ mình còn trẻ nên hoàn toàn có thể sửa chữa sai lầm và thất bại không đồng nghĩa với việc mọi thứ chấm hết. Khi ấy tôi ở trong tâm thế sẵn sàng dấn thân và chấp nhận thất bại nếu có, để đổi lấy những kinh nghiệm xương máu nên tôi càng có niềm tin vào chính sự lựa chọn trong giai đoạn khởi nghiệp quan trọng của cuộc đời mình.” Nhận thấy ý chí kiên định của con trai, bố anh tin tưởng và quyết tâm hỗ trợ con trai lập nghiệp trên chính mảnh đất rộng hơn 11 ha của gia đình.
Trại gà của Tú nằm cao chót vót trên khu đồi làng Bông, phải mất gần 20 phút đi bộ qua ao cá, chuồng nuôi đại gia súc và ngược lên rừng quế mới đến được đỉnh đồi với mặt bằng rộng 1 ha. Toàn bộ vùng đồi này là nơi anh Tú chăn thả 20 vạn con gà ri. Từ số vốn bản thân và ủng hộ của gia đình cộng với 500 triệu đồng tiền vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, anh mạnh dạn triển khai mô hình nuôi gà đồi với quy mô nhỏ, tổng đàn gia cầm khoảng 2.000 con. “Bản thân tôi lúc ấy tự mày mò, vừa làm, vừa học hỏi cán bộ thú y, vừa tìm hiểu thị trường với ấp ủ mở rộng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng cung ứng cho thị trường”, Nguyễn Văn Tú chia sẻ.
Anh bắt tay vào dẫn điện, dẫn hệ thống nước lên đồi cao, quây dây thép, xây dựng chuồng trại kiên cố rộng hơn 500 m2. Anh cho biết, chăn gà bằng hệ thống tự động hoàn toàn bằng cám sạch cộng với chăn thả tự nhiên nên không mất nhiều thời gian cho ăn uống. Để đàn gà phát triển ổn định, ít bị bệnh, đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn, hiểu biết kỹ thuật, có quy trình chăm sóc hợp lý, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Vì vậy, 100% gà khi vào đàn đều được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, thường xuyên dọn dẹp chuồng trại, phun thuốc khử trùng, nhằm đảm bảo khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ.
Vì chuồng trại nằm trên đồi có độ dốc cao nên mưa xuống gột rửa hết chất thải, không ảnh hưởng môi trường xung quanh. Phân gà anh tận dụng bón đồi quế nằm kế bên. Cũng vì nằm biệt lập khu dân cư nên gà của trang trại anh Tú được giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. Lứa gà đầu tiên anh xuất bán sau 3 tháng, thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Sau 6 năm, đàn gà của anh tăng trưởng lên 20 vạn con, cung cấp gà thịt cho không chỉ thị trường Lào Cai mà còn xuất bán sang các địa phương lân cận như Hà Giang, Yên Bái, Vĩnh Phúc… Mỗi năm, gia đình anh thu lãi từ 500 – 700 triệu đồng từ gà.
Một nguồn thu lớn khác của trang trại đến từ việc trồng quế. Mặc dù sở hữu diện tích đất đồi rừng lớn với gần 10 ha nhưng gia đình anh Tú trước kia chủ yếu trồng ngô, sắn nên năng suất, sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế đều thấp. Anh Tú cho biết, quá trình khảo sát nhận thấy cây quế là cây trồng có giá trị cao, ít sâu bệnh, dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, sau 3 năm làm cỏ, tỉa cành là cây phát triển nhanh, thông thường từ 10 – 12 năm có thể cho thu hoạch nên anh phủ xanh toàn bộ 10 ha đồi rừng trồng quế. Đến nay, 5 ha đồi quế của trang trại đã cho thu hoạch từ đốn tỉa cành, lá, thu lãi khoảng 40 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài nuôi gà, trồng quế, anh Tú còn nuôi cá trên tổng diện tích 1 ha mặt nước, chăn nuôi lợn và đại gia súc với khoảng 50-70 con/lứa. Tổng doanh thu từ trang trại tổng hợp mỗi năm lên tới 7-8 tỷ đồng, lãi 700-900 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 5-6 lao động địa phương, với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Nghề nông vốn không phải dễ làm bởi có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập. Giá cả, đầu ra không ổn định đã khiến nhiều người gặp khó khăn, lâm cảnh lao đao hay chùn tay không dám đầu tư. Nhất là trong thời kỳ tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, anh Tú cho biết bản thân càng phải thận trọng hơn trong việc tái đàn và nghiên cứu kỹ thị trường để đầu tư kinh doanh đảm bảo có lãi. Anh chia sẻ: “Khởi nghiệp từ nông nghiệp dứt khoát phải có đam mê. Nhưng đam mê không vẫn chưa đủ, cái cần nhất vẫn là kiến thức và sự kiên định mục tiêu để theo đuổi đến cùng ước mơ của mình”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Văn Tú còn tích cực tham gia ủng hộ phong trào nông thôn mới tại địa phương. Anh và gia đình hiến gần 70 m2 đất làm đường hoa, hỗ trợ 1 triệu đồng cho mô hình “Thắp sáng đường quê”, chủ động chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của bản thân cho mọi người…
Trước dòng người hồi hương do dịch bệnh ngày càng tăng cao, những tấm gương khởi nghiệp như anh Tú và nhiều điển hình tiên tiến khác trong lao động sản xuất kinh doanh tại địa phương cho thấy, trở về quê khởi nghiệp là một lựa chọn khác với nhiều cơ hội nếu bản thân thực sự có quyết tâm và chịu khó học hỏi. “Khá nhiều bạn trẻ chọn cách rời quê khi không có môi trường tốt, nhưng giờ đây có thể thay đổi suy nghĩ khi quay về đầu tư khởi nghiệp. Mình đi xa rồi học hỏi, tại sao không mang những kinh nghiện quý báu đó trở về quê hương để làm giàu”, anh Tú trải lòng.
Hiệu quả mô hình trang trại tổng hợp
Thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp (TTTH).
Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trang trại tổng hợp tại xã Nam Giang (Thọ Xuân).
Sau khi nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng và tham quan học hỏi tại nhiều mô hình TTTH, anh Lê Viết Quân, xã Nam Giang (Thọ Xuân) đã mạnh dạn thuê 10 ha đất của người dân tại khu đồng Ngâu để xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản; đồng thời, cải tạo, san lấp để trồng cây ăn quả. Đây được xem là quyết định khá táo bạo, bởi thời điểm đó, nơi đây chỉ là vùng đồng chiêm trũng. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Quân cho biết: "Với quan điểm lấy ngắn nuôi dài, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất nên tôi đã thiết kế trang trại sao cho tiết kiệm diện tích, thuận tiện để người lao động làm việc và vận chuyển sản phẩm. Bên cạnh việc lựa chọn giống cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, tôi đã thiết kế, xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi gia súc kiên cố, có hầm biogas để không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước thải được tận dụng để tưới cây. Đồng thời, đào ao để nuôi cá trắm". Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế, mô hình TTTH của anh Quân không chỉ giúp đa dạng sản phẩm nông nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tiết kiệm được chi phí, các sản phẩm của trang trại luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt, được các thương lái đến tận nơi thu mua. Hiện nay, trang trại đã đi vào hoạt động ổn định, doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Là một trong những điển hình về phát triển kinh tế tại xã Phú Nhuận (Như Thanh), gia đình chị Nguyễn Thị Chiến đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả, cỏ chăn nuôi kết hợp chăn nuôi bò. Đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, chị vui vẻ trải lòng về quá trình xây dựng và phát triển TTTH của gia đình: "Ngay sau khi có kế hoạch phát triển kinh tế, gia đình tôi đã xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi bò và cải tạo hơn 1 ha đất để trồng bưởi da xanh. Với số lượng đàn bò hơn 20 con, chị đã áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, như, sử dụng tinh bò BBB phối với bò cái lai Zebu để tạo đàn bò thịt nhằm cải tạo, nâng cao tầm vóc cho đàn gia súc; tiêm phòng theo quy định cũng như thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với hơn 1 ha trồng cây ăn quả, chị đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua cây giống và lắp hệ thống tưới tiêu tự động nhằm giảm chi phí sản xuất. Hiểu rõ trong hoạt động phát triển sản xuất muốn thành công thì cần phải áp dụng khoa học - kỹ thuật nên ngoài tiếp cận các thông tin qua báo chí, chị còn tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, thiết kế xây dựng mô hình TTTH do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức. Nhờ đó, đến nay gia đình chị đã xây dựng TTTH với cây trồng, con nuôi đa dạng và được bố trí một cách hợp lý. Mô hình TTTH của gia đình chị không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là nơi để các hộ dân trên địa bàn xã học tập kinh nghiệm, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
TTTH là mô hình có sự kết hợp hài hòa, đa dạng giữa trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm bảo đảm tiết kiệm được chi phí chăm sóc, tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được 59 TTTH đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí kinh tế trang trại. Các TTTH trên địa bàn tỉnh được người dân thiết kế khoa học, tận dụng quỹ đất hợp lý để kết hợp trồng trọt, chăn nuôi... Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư lắp đặt các máy móc hiện đại như hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, hệ thống làm mát chuồng trại, bể biogas... để bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh. Doanh thu trung bình của các TTTH từ 2 tỷ đồng trở lên/năm. Khi đầu tư xây dựng TTTH, người dân lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhổ thưỡng, điều kiện tự nhiên của địa phương. Bên cạnh đó, cần có vốn đầu tư lớn, có kiến thức tổng hợp về các loại cây, con; thiết kế trang trại khoa học để mỗi loại cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, mang lại năng suất, chất lượng cao. Thời gian tới, để khuyến khích, hỗ trợ và định hướng cho người dân xây dựng và nhân rộng mô hình TTTH, các địa phương cần hỗ trợ người dân lựa chọn cây, con phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tại địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi, chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa nhằm tạo quỹ đất liền kề để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân,... tạo tâm lý yên tâm để người dân đầu tư phát triển sản xuất. Chú trọng tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất.
Đảng bộ xã Ngọc Sơn đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát cơ sở Thực hiện nhiệm vụ năm 2021 trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đến nay, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các mặt kinh tế - xã hội. Một trong những dấu ấn đậm nét là sự quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm làm thay...