Khởi nghiệp nông nghiệp: Mặn mồ hôi, ngọt thành quả
Không còn là trào lưu, khởi nghiệp nông nghiệp đang trở thành một lựa chọn của nhiều người, nhất là thanh niên. Dù rằng chặng đường đó không trải đầy hoa hồng mà thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, nhưng với nhiều người, thành quả của hiện tại đủ ngọt ngào để họ thấy con đường mình đã chọn là đúng đắn.
Vượt lên từ đường cùng
Những ngày nay, gia đình anh Nguyễn Hữu Hà ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) tất bật khách đến mua những chậu chanh vàng cảnh về chơi tết. Sau nhiều năm chăm bón, anh đang sở hữu nhiều cây chanh được uốn công phu với các dáng thế khác nhau. Chỉ tính riêng khu vườn tại xã Tân Dân đã có hơn 500 gốc chanh vàng bonsai, với giá bán khá cao, từ 2 – 50 triệu đồng/gốc. Được biết, sản phẩm chanh vàng của anh đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn ở miền Bắc, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng.
Anh Nguyễn Hữu Hà chăm sóc vườn chanh bonsai chuẩn bị tung ra thị trường. Ảnh: T.L
Thành quả ấy, nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thực tế để đạt được, anh Hà cũng trải qua khá nhiều bầm dập. Sinh năm 1979, khi đang học THPT, Hà bỏ ngang, lên Hà Nội làm thuê. Sau khi tích cóp được một số vốn kha khá, năm 2003, Hà về quê trồng vải thiều ở thời điểm giá vải đang cao ngất ngưởng. Nhưng đến khi vườn vải của anh cho thu hoạch, giá lại rơi xuống tận đáy, anh thua lỗ, nợ nần ngập đầu. Không còn cách nào khác, Hà sang Nga lao động.
Những năm tháng miệt mài lao động ở xứ người giúp Hà dần trả hết nợ và có tích lũy. Nhưng nào ai học được chữ ngờ, khi công việc đang lên như diều gặp gió, năm 2009, chợ Vòm – khu chợ có nhiều người Việt kinh doanh, buôn bán ở Nga bị cháy, vốn liếng của Hà bị lửa thiêu sạch, khoảng 25.000USD tan thành mây khói.
Đường cùng, năm 2010, Hà cùng vợ về quê, chật vật khởi nghiệp bằng việc trồng giống chanh tứ quý của Australia. Năm 2014, Hà bắt đầu thu quả ngọt sau bao gian nan, vất vả. Hiện, trong tổng số 9 mẫu đất của gia đình, diện tích chanh vàng đã lên đến 7 mẫu với khoảng 1.700 cây, còn lại là cam Canh, bưởi Diễn. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm anh có lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Từng có chục năm gắn bó với nghề xây dựng, trải qua nhiều vị trí công tác rồi về điều hành công ty riêng của gia đình…, có lẽ chẳng bao giờ anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) nghĩ tới việc sẽ rời bỏ máy móc công trình để toàn tâm toàn ý với cây thanh long như hôm nay.
Video đang HOT
Diện tích 4ha thanh long bốn mùa xanh tốt trước đây được bố mẹ anh Hoàng thuê trong thời gian 50 năm để trồng cây lấy gỗ. Năm 2010- 2013, huyện Lập Thạch có dự án trồng cây thanh long ruột đỏ, một số hộ ở xã Vân Trục trồng thí điểm. Lúc đó, “thấy hay hay”, sẵn máy móc công trình của nhà, anh Hoàng thuê 60 nhân công san đất đồi để trồng cây.
Sau khi nhận thấy tiềm năng lớn từ thanh long ruột đỏ, anh Hoàng quyết định vào Bình Thuận học tập kinh nghiệm trồng rồi về đầu tư bài bản. Đến năm 2015, trang trại thanh long nhà anh Hoàng mới cho lứa quả đầu tiên. Ba năm nay, 4ha thanh long đã ổn định mỗi mùa ra trái. Anh Hoàng tiết lộ: “Đều đặn mỗi vụ nhà tôi thu được 65-70 tấn, thu về 1,2-1,3 tỷ đồng; sau khi trừ mọi chi phí còn lãi 600-700 triệu đồng. Trái thanh long nhà tôi đã có mặt ở Malaysia, Đài Loan, tới đây sẽ có mặt ở Úc”.
Hành trình gian khó
Có thể thấy, hành trình lập nghiệp trong nông nghiệp không bao giờ dễ dàng; thấm rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Như ông Trịnh Văn Tiến ở thôn 12, xã Đông Sơn (Tam Điệp, Ninh Bình), để có được trang trại nuôi con đặc sản trị giá chục tỷ bạc cùng hệ thống nhà hàng như hiện nay, ông đã phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” từ vài chục năm trước ở nơi thâm sơn cùng cốc, chỉ có đá và lau lách. Những người xác định lập nghiệp bằng nông nghiệp dường như đều có điểm chung là thừa ý chí, sự cần cù, thậm chí sự liều lĩnh, nhưng cũng thiếu… đủ thứ: Vốn, thị trường, kinh nghiệm… Thất bại của hôm nay là bài học của ngày mai.
Cho đến nay, việc gọi vốn vẫn là một việc khó khăn với những dự án khởi nghiệp nông nghiệp. Rất nhiều nông dân quyết làm giàu bằng nông nghiệp đều chia sẻ, họ khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, chủ yếu họ lập nghiệp bằng vốn tự tích lũy, vay mượn người quen, thậm chí phải nhờ đến tín dụng đen. Ông Nguyễn Văn Lâm – chủ trang trại ở xã Cấn Hữu ( huyện Quốc Oai, Hà Nội) thừa nhận một thực tế, trang trại đang khó khăn về nguồn vốn để đầu tư đồng bộ khép kín từ sản xuất đến giết mổ, chế biến. Đôi khi tấm giấy chứng nhận trang trại chưa đủ để ngân hàng tin tưởng rót đủ số vốn mà các dự án cần.
Đã có 40 năm gắn bó với nông nghiệp nhưng mãi đến năm 2017, lần đầu tiên, ông Đoàn Minh Chiến – chủ trang trại ở huyện Tân Uyên (Bình Dương) mới nhận được một khoản hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng là chi phí chứng nhận VietGAP. Còn lại, các khoản đầu tư, vay vốn từ trước đến nay ông đều phải tự xoay xở.
Luôn trong tình trạng khát vốn, chưa được tiếp cận các chính sách về đất đai, dò dẫm trong việc tìm thị trường,… đó là những khó khăn chung nhất mà nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp gặp phải. Chính sự bền bỉ, nỗ lực vượt khó đã giúp họ có được thành công như hôm nay. Nhưng để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp cần phải được ban hành sớm và trúng, chứ không phải là những hỗ trợ được vẽ trên giấy nhưng xa vời và thiếu thực tế.
Theo Danviet
Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2018-2019 có gì mới
Ngày mai, mùng 5.10, Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 - 2018 sẽ đi đến hồi kết với lễ tổng kết trao giải sẽ được tổ chức trang trọng tại Hội trường Báo Nông Thôn Ngày Nay/Báo điện tử Dân Việt. Ngay sau đó, Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 - 2019 sẽ được phát động với nhiều đổi mới về nội dung và hình thức.
Tôn vinh nông dân thời kỳ mới
Theo Ban Tổ chức giải báo chí, hiện cả nước có 13 triệu hộ nông dân, trong đó có 5 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 1,5 triệu hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp tỉnh trở lên. Chính họ là những nhân tố tích cực trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, có những sáng kiến mới trong sản xuất.
Những nông dân thời kỳ mới đã trở thành cảm hứng cho ngòi bút. Trong ảnh: Ông Trịnh Văn Tiến, xã Đông Sơn (TP.Tam Điệp, Ninh Bình) chăm sóc đàn dê. Ảnh: A.T
Chính vì vậy, Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 - 2019 sẽ tiếp tục tôn vinh những gương nông dân điển hình, chủ doanh nghiệp là nông dân năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, có các giải pháp áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa và đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn...
Những nông dân, chủ doanh nghiệp có những sáng chế cải tiến máy móc thiết bị, quy trình canh tác, tạo việc làm, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập; thành tích trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh biên giới, vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên đất liền và trên biển.
Nông dân, chủ doanh nghiệp nổi bật trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tích cực giao lưu, học hỏi với tổ chức, nông dân quốc tế...
Những nông dân có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. Ví dụ như nông dân đi đầu trong việc hiến đất làm đường; vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; những tập thể, cá nhân có sáng kiến hữu ích trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tác phẩm dự thi phải viết về gương chân dung người thực, việc thực. Thể loại của tác phẩm là ký sự; phóng sự; phóng sự điều tra, bút ký, bài phản ánh về chân dung người nông dân hoặc về những con người làm nên mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trong tổ, nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu biểu. Bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo in hoặc báo điện tử. Thời gian nhận tác phẩm dự kiến từ ngày 15.10.2018 đến 1.9.2019.
Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Nhất (trị giá 40 triệu đồng); 2 giải Nhì (mỗi giải trị giá 20 triệu đồng); 3 giải Ba (mỗi giải trị giá 10 triệu đồng); 5 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 5 triệu đồng). Ngoài ra, Ban Tổ chức có thể sẽ xem xét để tiến hành trao một số giải phụ khác.
Những nét mới
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy - thành viên Ban giám khảo Giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 - 2019 đánh giá, dù chất lượng các bài dự thi năm 2017 - 2018 khá đồng đều, nội dung nhưng vẫn thiếu vắng những bài viết về các mô hình liên kết, hợp tác xã làm ăn hiệu quả, vốn là một hướng đi đang được khuyến khích phát triển trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Vì vậy, vấn đề liên kết sẽ được chú trọng trong giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 - 2019. Theo đó, những bài viết về những tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp có những cách làm hay trong liên kết sản xuất, tạo ra hiệu quả vượt trội về kinh tế và xã hội cũng được chọn lựa. Ngoài ra, các mô hình liên kết hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp, vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng là vấn đề mà giải quan tâm.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 cũng là vấn đề được giải quan tâm. Trong năm nay, những tác phẩm đoạt giải cao đều là những bài viết về các nhân vật có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng mới mẻ, hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế được những tác động của thời tiết, khí hậu để đảm bảo sự bền vững. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Giám khảo giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 - 2018 hy vọng, giải năm tới sẽ có nhiều hơn những nhân tố như vậy, vì phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 được coi là một xu hướng tất yếu.
Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: "Sang năm Ban Tổ chức mong muốn sẽ có nhiều đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức để giải phong phú hơn và phản ánh những bước đi mạnh mẽ của bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời đại 4.0 một cách chân thực và sinh động".
Theo Danviet
Lạc lối giữa vườn hồng sai quả nhuộm đỏ cả cây ở Hương Khê Giải Báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 chuẩn bị "về đích" khi Ban sơ khảo đã lựa chọn được 25 tác phẩm xuất sắc nhất đưa vào vòng chung kết. Điều dễ nhận thấy, qua ngòi bút của các tác giả, chân dung những nông dân thời hiện đại đã hiện lên vô cùng dung dị, chân phương...