Khởi động dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương
Hai đoạn đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc thuộc dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đã được cơ quan quản lý nhà nước để xuất phương án đầu tư.
Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khi hoàn thành xây dựng sẽ kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, rút ngắn thời gian đi lại giữa Tây nguyên với Đông Nam bộ. Ảnh: P.TÙNG
* Đề xuất phương án đầu tư 2 đoạn cao tốc
Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030. Theo quy hoạch, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có chiều dài 200km, khi đầu tư đủ tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, mặt cắt ngang 25m phải cần nguồn vốn đầu tư lên đến 65 ngàn tỷ đồng.
Do tổng vốn đầu tư lớn, trong khi các cơ quan chức năng chưa tính toán được phương án đầu tư nên thời gian dự kiến khởi công ban đầu của dự án vào năm 2019 đã không thể thực hiện.
Để triển khai thực hiện dự án, Bộ GT-VT đã giao Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần.
Tháng 10-2020, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ GT-VT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Dự kiến dự án được đưa vào đầu tư trong thời gian trung hạn 2021-2025 theo hình thức BOT.
Video đang HOT
Ngày 21-1-2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 24/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.
Theo nội dung kết luận, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (trong đó làm rõ phương án tài chính huy động nguồn vốn thực hiện dự án gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà đầu tư, tín dụng, trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật).
Đến tháng 2-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất thực hiện dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Theo đó, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có điểm đầu giao với quốc lộ 20 tại xã Phú Trung, H.Tân Phú (Đồng Nai) và điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Quy mô đầu tư giai đoạn 1, đường rộng 17m, giai đoạn 2 rộng 22m. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 19,5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 9,1 ngàn tỷ đồng, gồm 50% ngân sách trung ương và 50% ngân sách tỉnh Lâm Đồng; vốn do nhà đầu tư PPP huy động hơn 10,3 ngàn tỷ đồng.
Để hoàn vốn cho dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra phương án sẽ thu phí 2 ngàn đồng/km/PCU (hệ số quy đổi theo tiêu chuẩn xe ô tô con 5 chỗ) và tăng giá 3 năm/lần, mỗi lần tăng 15% thì thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm (từ năm 2025-2052).
Tháng 3-2021, Ban Quản lý dự án Thăng Long có đề nghị Bộ GT-VT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần 1 đoạn Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn I. Đây được xem là đoạn thiết yếu của dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Theo đó, đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài 59,6km có điểm đầu giao với quốc lộ 1 (trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) và điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20 (đoạn thuộc xã Phú Trung, H.Tân Phú). Dự án được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công xây dựng là hơn 6,6 ngàn tỷ đồng.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Trong đó, nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng công trình dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí sử dụng đường bộ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1,3 ngàn tỷ đồng thực hiện dự án. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án giai đoạn 1 dưới 15,5 năm khai thác.
Về thời gian thực hiện, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư (bao gồm cả thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án) từ quý IV-2021 – quý I-2022; khởi công công trình vào quý IV-2022; hoàn thành công trình và đưa vào khai thác vào quý I-2025.
Như vậy, việc thực hiện các thủ tục đầu tư đối với 2 dự án thành phần đã đánh dấu mốc “khởi động” đối với dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sau nhiều năm chờ đợi.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ giảm tải cho quốc lộ 20. Tuyến này kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Liên Khương – Prenn (TP.Đà Lạt) đã đưa vào sử dụng từ năm 2008, rút ngắn thời gian đi lại giữa Tây nguyên với Đông Nam bộ.
* Đồng Nai đã sẵn sàng
Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là dự án quan trọng đóng vai trò kết nối giữa các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai với khu vực Tây nguyên. Khi dự án được xây dựng hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian lưu thông giữa hai khu vực kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là dự án mà Đồng Nai mong muốn sớm được triển khai để kết nối đồng bộ với tỉnh Lâm Đồng cũng như các tỉnh khu vực Tây nguyên. Đồng thời, đây cũng là tuyến giao thông tạo điều kiện cho 2 huyện miền núi của tỉnh là Định Quán và Tân Phú phát triển. Do đó, Đồng Nai cũng đã xác định sẽ tập trung quyết liệt, quyết tâm cho công tác giải phóng mặt bằng khi dự án được phê duyệt.
Mới đây nhất, vào ngày 18-3, tại cuộc họp về tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cũng đã đề nghị khi có văn bản của Bộ GT-VT lấy ý kiến của địa phương khi thực hiện các dự án thành phần của đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tham gia sớm để dự án được triển khai nhanh.
Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trạng thái bình thường mới
Ngày 20/3, tại thành phố Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội nghị "Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trạng thái bình thường mới".
Tại hội nghị, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh cùng các cơ quan quản lý Nhà nước đã trao đổi, đề xuất các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; các ý tưởng, giải pháp và định hướng phục hồi du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trạng thái bình thường mới.
Hội nghị là dịp để tỉnh Thừa Thiên - Huế quảng bá rộng rãi hình ảnh, điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn cùng chương trình kích cầu du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế liên kết với các tỉnh, thành miền Trung, góp phần thúc đẩy, phục hồi ngành du lịch Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Du lịch, dịch vụ du lịch tại Thừa Thiên - Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đã "thấm đòn" của dịch COVID-19. Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch tỉnh giảm từ 65 - 75%. Thừa Thiên - Huế xác định du lịch dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung xây dựng những thương hiệu lớn như Huế - kinh đô ẩm thực, Huế - kinh đô áo dài... tạo điểm nhấn cho du lịch, phát triển du lịch thông minh; thực hiện chuyển đổi số trong các ngành liên quan; thực hiện nhiều giải pháp kích cầu du lịch.
Địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp để đón đầu tình hình mới, sẵn sàng khi du lịch nội địa phát triển trở lại, cùng với việc mở cửa các sân bay quốc tế để đón du khách nước ngoài, trong đó trạng thái mới trong du lịch cần có sự đồng bộ tầm quốc gia và địa phương.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, dịch COVID-19 như cơn sóng thần càn quét ngành du lịch; khả năng và lộ trình hồi phục đến nay chưa thực sự rõ ràng. Thời gian tới, Thừa Thiên - Huế cần chủ động đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong cả nước, hình thành và triển khai liên minh kích cầu, quảng bá hình ảnh điểm đến. Tỉnh xem xét có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp; điều phối, kêu gọi sự liên kết, hợp tác hiệu quả hơn giữa các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch và hàng không để hình thành các sản phẩm mới, chương trình kích cầu phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển hoạt động kinh tế đêm.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; nghiên cứu khả năng xây dựng "sàn giao dịch du lịch trực tuyến". Lãnh đạo tỉnh tiếp tục tạo diễn đàn, hình thành cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác hiến kế và đóng góp, tham gia chiến dịch thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong tình hình mới và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết: Để xây dựng Thừa Thiên - Huế thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, ngành du lịch đang triển khai các giải pháp liên quan đến chất lượng của dịch vụ lưu trú, vận chuyển, lữ hành; triển khai các gói kích cầu du lịch khi khách đến với Huế ngay trong mùa hè này. Tiếp tục đổi mới sản phẩm du lịch, bên cạnh sản phẩm văn hóa di sản truyền thống, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đang xây dựng các gói du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa vào sinh thái, đầm phá, hội nghị, nghỉ dưỡng.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị.
Bên lề hội nghị có nhiều chương trình khảo sát, trải nghiệm sản phẩm du lịch Thừa Thiên - Huế hấp dẫn như mặc trang phục áo dài ngũ thân và tham quan những tuyến đường đẹp của Huế bằng xích lô; tham quan, trải nghiệm không gian kiến trúc cảnh quan và sinh thái tại: Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng và khu ANhill Boutique; ngắm bình minh sông Hương và cảnh quan hai bên bờ...
Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới Chiều 20/3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị "Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới". Quang cảnh hội nghị. Hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phục hồi ngành du lịch của Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới, từng bước...