Khởi công xây dựng Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam
Lễ khởi công xây dựng công trình diễn ra sáng nay (27/4) tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Tham dự có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo Bộ ngành Trung ương và Hà Nội, đại sứ nhiều nước và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
Công trình được xây dựng trên diện tích 52.400m2 với tổng mức đầu tư 415 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc 213 tỷ đồng, là tổ hợp công trình kiến trúc gồm nhiều hạng mục như: Nhà chỉ huy, bảo tàng bom mìn, ký túc xá, khu giảng đường, phòng thí nghiệm… Công trình dự kiến hoàn thiện đưa vào sử dụng năm 2018.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tuyên bố khởi công dự án
Phát biểu tuyên bố khởi công dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập (3/2014) đến nay, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã kiện toàn xong tổ chức, nhân sự và bước đầu đi vào triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng bày tỏ vui mừng khi thời gian gần đây, VNMAC đã nhận được nhiều sự quan tâm và thiện chí xem xét hỗ trợ nguồn lực của một số nước như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hungary…, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, không chỉ cho đầu tư xây dựng mà còn cho cả quá trình thực hiện nhiệm vụ sau này; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm cụ thể, sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các nước, tổ chức trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.
“Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bom mìn sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực và trên thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Hàn Quốc Jun Dae Joo ấn nút khởi công xây dựng công trình
Biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm chủ động của VNMAC, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc đưa Trung tâm vào hoạt động có hiệu quả trong thời gian lâu dài có ý nghĩa rất quan trọng và sự tài trợ của các nước, tổ chức quốc tế là nhân tố quyết định thành công trong tương lai.
Đại sứ Mỹ, Hàn Quốc, tùy viên quân sự Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ cũng đánh giá cao những nỗ lực, sự quan tâm của lãnh đạo Việt Nam và bộ ngành trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Khởi công xây dựng công trình
Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504), làm cơ sở để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các mục tiêu quốc gia.
Ngày 13/5/2013, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình 504 giai đoạn đến 2015, trong đó có giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 và cơ quan liên quan xây dựng, trình duyệt, triển khai đề án thành lập VNMAC. Trung tâm là tổ chức đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý để thực hiện việc điều hành, phối hợp triển khai các nhiệm vụ, hoạt động của Chương trình 504./.
Ngọc Thành
Theo_VOV
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Phó Thủ tướng yêu cầu Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phải nghiêm khắc kiểm điểm, tuyệt đối không để tái diễn tình trạng này.
Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận sau khi nghe Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo về tình hình giải quyết ô nhiễm môi trường của dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong những ngày giữa tháng 4 vừa qua theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại văn bản số 2556/VPCP-KTN trong cuộc họp đầu tuần này.
Đã đảm bảo cam kết, hạn chế tối đa tro bụi
Theo báo cáo từ EVN, chủ đầu tư Tổng Công ty Phát điện 3, đến thời điểm này đã triển khai hàng loạt những giải pháp yêu cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đối với vụ việc.
Chủ đầu tư đã khẩn trương thực hiện đúng cam kết với chính quyền và người dân địa phương về việc tổ chức quy hoạch bãi thải xỉ, quy trình vận hành bãi thải xỉ. Tiến hành san gạt, lu lèn, phun nước, che phủ bạt nhằm ngăn chặn tình trạng gió cuốn tro xỉ tạo bụi; phun nước rửa xe vận chuyển xỉ trước khi ra khỏi nhà máy và sau khi đổ xỉ ở bãi thải để tránh gây bụi trên đường vận chuyển; làm sạch, gia cố đường dân sinh đảm bảo yêu cầu về môi trường.
Người dân tụ tập phản đối tình trạng ô nhiễm từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Nhà máy cũng đẩy nhanh tiến độ đường cấp nước, hệ thống phun nước, đường vận chuyển tro xỉ qua hầm chui và đường nội bộ; rà soát, kiểm tra thiết bị lọc bụi, hiệu chỉnh quá trình đốt để đảm bảo quy định môi trường. Đồng thời, thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ người dân xung quanh khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp những ngày qua.
EVN khẳng định sẽ thực hiện nghiêm các cam kết để Nhà máy Vĩnh Tân được vận hành an toàn, liên tục và đáp ứng các điều kiện về môi trường tốt hơn.
Phải tính đến các giải pháp triệt để, lâu dài
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Đây là một vụ việc cần phải rút kinh nghiệm rất nghiêm túc cho các dự án xây dựng, công nghiệp.
Xử lý tro xỉ, chất thải là vấn đề được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo xử lý từ lâu, nhưng để xảy ra vụ việc như những ngày qua là điều mà chủ đầu tư, Nhà máy phải nghiêm khắc kiểm điểm và tuyệt đối không được để tái diễn, gây ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống người dân.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Nhà máy tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp trước mắt để xử lý dứt điểm việc tung bụi tro xỉ, nhất là việc thay xe vận chuyển kín, dùng đường nội bộ hạn chế ra quốc lộ, làm đường dẫn nước để tưới, xem xét lại vấn đề quy hoạch bãi thải xỉ của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
Công ty cũng phải xây dựng đề án chi tiết, xem xét so sánh để có giải pháp xử lý hiệu quả nhất như thải xỉ ướt, thải băng tải kín, bổ sung thêm hệ thống nước biển để cấp nước cho bãi thải xỉ,...
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cập tới việc xử lý lâu dài, có tính căn cơ trong việc nghiên cứu tận dụng tro xỉ phát sinh trong quá trình phát điện để sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung, bê tông đầm lăn,... góp phần bảo vệ môi trường.
Vấn đề này được các cơ quan, đơn vị chuyên ngành xây dựng cho biết đều đã có công nghệ, có nhu cầu hàng chục triệu tấn tro xỉ/năm, nhưng chưa triển khai hiệu quả do chưa có sự hợp tác tốt giữa người mua và người bán. Ngay tro bay của Nhà máy Vĩnh Tân 2 được xem xét là có thể sử dụng và đang được một số doanh nghiệp xi măng đàm phán mua về làm phụ gia cho xi măng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN rà soát lại từng nhà máy, đưa ra giải pháp, chỉ đạo từng dự án về vấn đề xử lý tro xỉ này.
Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Công Thương tổ chức họp chủ đầu tư tất cả các dự án nhiệt điện từ Quảng Bình trở vào Nam với các nhà máy xi măng. Nội dung là đưa ra điều kiện, tính toán công suất, bài toán kinh tế cụ thể để đảm bảo sản xuất xi măng sử dụng một tỷ lệ nhất định tro xỉ, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giải quyết bài toán tài nguyên, xử lý môi trường./.
Vũ Hạnh
Theo_VOV
Lựa chọn nhà đầu tư gì mà chỉ thủ tục đã mất 588 ngày? Ngày 21/4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh...