Khởi công xây dựng đoạn La Sơn – Túy Loan đường Hồ Chí Minh
Bộ Giao thông Vận tải hôm nay (22/12) chính thức khởi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan qua 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng, theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT), với tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng.
Đây là dự án giao thông có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói chung.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn 1 (ảnh minh họa)
Việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan nhằm hoàn thiện một phần tuyến chính của đường Hồ Chí Minh, kết nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và hòa nhập vào tuyến đường xuyên Á; góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống đường cao tốc Việt Nam. Sau khi hoàn thành, công trình giao thông này sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường bộ qua hầm Hải Vân, giải quyết vấn đề ngập lụt và sự cố trên QL1A.
Dự án này được phân kỳ xây dựng thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe; giai đoạn 2 hoàn thành quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Trong đó, tuyến cao tốc dài khoảng 77,06 km có điểm đầu là đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan ở Km0 giao với ĐT14B tại thị trấn La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và điểm cuối ở Km79 800 (điểm đầu dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi), thị tứ Túy Loan, thành phố Đà Nẵng.
Điểm đầu của tuyến nối cao tốc với QL1A là Km0, ĐT14B và điểm cuối Km4 500, ĐT14B (điểm đầu tuyến cao tốc). Tuyến nối cao tốc có độ dài là 4,68 km.
Tổng mức đầu tư cho Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan là khoảng gần 11.500 tỷ đồng. Dự kiến dự án được hoàn thành vào năm 2016.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 và Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012. Phạm vi quy hoạch đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183km (trong đó tuyến chính dài 2.499km, tuyến nhánh phía Tây dài 684km). Điểm đầu của tuyến đường là Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng và điểm cuối là Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau.
Dự án được phân kỳ thành 3 giai đoạn đầu tư xây dựng, gồm: Giai đoạn 1 từ năm 2000 – 2007, đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, bao gồm cả kiên cố hoá và chống sạt lở đoạn từ Hoà Lạc – Hà Nội đến Tân Cảnh – Kon Tum. Giai đoạn 2 từ năm 2007 – 2020, nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu Pác Bó – Cao Bằng đến điểm cuối Đất Mũi – Cà Mau. Giai đoạn 3 từ sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.
Do tính chất quan trọng và ý nghĩa chiến lược của tuyến đường Hồ Chí Minh, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ đã cho phép huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nối thông đường Hồ Chí Minh. Đồng thời Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 cũng đã thông qua Nghị quyết cho phép phát hành trái phiếu để đầu tư xây dựng đồng bộ đường Hồ Chí Minh tại khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Năm Căn – Đất Mũi tỉnh Cà Mau.
Video đang HOT
Riêng đối với đoạn Cam Lộ – Túy Loan (thuộc tuyến chính của đường Hồ Chí Minh), Chính phủ đã chấp thuận đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao). Hiện tại đoạn Cam Lộ – Túy Loan được tách thành 2 dự án thành phần gồm: Cam Lộ – La Sơn (dài khoảng 103km, TMĐT khoảng 14.000 tỷ đồng) và La Sơn – Túy Loan (dài khoảng 83km, TMĐT khoảng 12.000 tỷ đồng).
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh được khởi công ngày 5/4/2000 tại địa phận Xuân Sơn, tỉnh Quảng Bình. Đến nay, sau hơn 13 năm xây dựng, Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc đưa vào sử dụng, khai thác một tuyến đường dài hơn 1.350 Km từ Hoà Lạc – Hà Nội đến Tân Cảnh – Kon Tum và được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá cao về chất lượng công trình. Giai đoạn 2 của dự án đang tiếp tục được triển khai xây dựng và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng một số đoạn tuyến tại Cao Bằng, Phú Thọ, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Cà Mau…
Theo Dantri
Hàng chục hộ dân "trốn chạy" khỏi làng sinh thái
Cuộc sống tại môi trường mới quá khắc nghiệt khiến cho hàng chục hộ dân không thể "bám trụ" được ở làng sinh thái. Gác lại giấc mơ đổi đời trên cát trắng, họ đành quay trở về nơi ở cũ an phận mưu sinh.
Trước khi đến vùng đất mới, họ đã từng hy vọng bằng niềm tin, sức lực, sự dẻo dai của con người có thể chuyển hóa, cải tạo vùng cát trắng mênh mông thành "miền đất hứa". Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại các làng sinh thái thuộc xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Sơn, Triệu Trạch... huyện Triệu Phong, Quảng Trị đã nói lên rằng chỉ có niềm tin chưa đủ, cần phải có phương án đầu tư hợp lý và bền vững.
Nhiều ngôi nhà tại làng sinh thái Thượng Trạch, xã Triệu Sơn bị bỏ hoang từ khá lâu
Nhà bỏ hoang giữa bốn bề cát trắng
Tuyến đường dẫn về xã Triệu Sơn dù đã được đầu tư rải nhựa phẳng lì nhưng không khí hết sức ảm đạm bởi hai bên đường dân cư rất thưa thớt. Theo đó, gần chục ngôi nhà "cửa đóng then cài", có nhà lâu nay không có bóng người ở và bị bỏ hoang trên cát trắng, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.
Những người sống ở đây cho biết, những ngôi nhà hoang nói trên bị chủ nhân bỏ từ lâu để quay về làng cũ hoặc vào Nam sinh sống. Một số người ban ngày vào làng lao động, tối đến mới ra đây ngủ. Những hộ dân này giải thích: "Họ bỏ đi là phải thôi, ít ra còn kiếm được công việc gì đó mà sống chứ ở đây không biết mần chi, lo bữa ăn cũng không đủ. Đất đai thì cằn cỗi, mùa mưa ngập úng, mùa hè khô hạn nên không trồng trọt được cây gì".
Được biết vào năm 2002, từ nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Na Uy, huyện Triệu Phong đã triển khai Dự án di giãn dân để xây dựng làng sinh thái trên vùng cát, bãi ngang ven biển. Dự án này nhằm tận dụng lợi thế và khơi dậy tiềm năng vùng cát, khắc phục tình trạng cát bay, cát nhảy. Theo đó, hơn 700 hộ dân thuộc các xã: Triệu An, Triệu Vân, Triệu Sơn, Triệu Trạch... được chọn đưa vào dự án.
Ban đầu ra định cư ở làng mới, mỗi hộ dân được hỗ trợ 10 triệu đồng để xây dựng nhà cửa, được tạo điều kiện cho vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn... nhằm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ xây dựng hệ thống đường sá, nước sạch sinh hoạt, điện chiếu sáng và cây, con giống cho bà con.
Toàn xã Triệu Sơn lúc bấy giờ có khoảng 80 hộ nằm trong diện di dân, chủ yếu là những đôi vợ chồng mới lập gia đình nhưng chưa có đất ở, sản xuất hoặc những hộ có nhu cầu xin đi... để ra đây lập thành 2 làng Linh Chiểu và Thượng Trạch. Có thể nói, dự án đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân địa phương và bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực.
Thế nhưng, sau hơn 10 năm triển khai, người dân đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", sống cũng không được mà bỏ cũng không xong, nhiều người đành gác lại giấc mơ chinh phục miền cát để quay trở về làng cũ.
Những ngôi nhà hoang nằm trơ trọi, cỏ dại mọc um tùm
Có mặt tại thôn Thượng Trạch, chúng tôi ghi nhận có hơn chục ngôi nhà đã bị bỏ hoang từ lâu, một số nhà đã bị xuống cấp do không có người ở. Xung quanh những ngôi nhà này là những triền cát mênh mông, heo hút, cây cối cằn cỗi...
Về mùa mưa thường xảy ra ngập úng ở vùng trũng nên loài cây tràm cũng bị chết
Ông Phan Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn cho biết, bên cạnh một số hộ có vốn đầu tư để đánh thức tiềm năng vùng cát và đã đạt được thành công bước đầu thì hiện thôn Thượng Trạch có hơn 10 hộ, thôn Linh Chiểu có khoảng 8 hộ đã bỏ làng vì không sống được trên vùng cát. Ông Vọng lý giải: "Sỡ dĩ họ bỏ làng đi là vì đất đai ở đây cằn cỗi, không thể canh tác được. Những hộ này phải quay về nhà cũ làm ruộng hoặc vào Nam kiếm sống. Để người dân có thể "bám trụ" được trên cát thì phải xây dựng được mô hình kinh tế hộ gia đình, nhưng muốn làm được điều này cần phải có vốn đầu tư và bỏ nhiều công sức lao động. Ngay cả các loại cây keo, tràm...những cây có khả năng thích ứng cao trên vùng cát nhưng nếu không chăm sóc cũng rất khó phát triển".
"Chính quyền đã giao cho các thôn lập danh sách thống kê những hộ rời đi để có hướng vận động họ quay về làng, nếu không được sẽ thu hồi lại đất để bàn giao cho các hộ khác. Bên cạnh đó, xã cũng đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên để xin cấp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và có phương án hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, lồng ghép các nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, nhưng do nguồn vốn quá ít, nhỏ giọt nên chưa thực hiện được. Chính quyền cũng đành bất lực trước thực trạng này" - ông Vọng cho biết thêm.
Vì đâu người dân bỏ làng?
Xã Triệu Trạch cũng có 110 hộ nằm trong Dự án di dân nhưng hiện tại chỉ còn lại trên 50 hộ. Trong đó, các làng Lệ Xuyên, Lĩnh Yên, Linh An có số hộ bỏ làng nhiều nhất xã. Làng Lệ Xuyên hiện có khoảng 15 hộ dân còn bám trụ trên vùng cát, còn lại đã rời đi từ vài năm trước.
Không có người ở khiến nhiều căn nhà bị xuống cấp
Anh Nguyễn Thái cho biết: "Để sống được trên vùng cát này cần phải có nguồn vốn để đầu tư cải tạo, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá, chứ sống mà chỉ dựa vào những cây hoa màu như: khoai, sắn thì cũng không đủ mà ăn chứ nói gì đến chuyện làm giàu. Dù chúng tôi rất muốn thay đổi cuộc sống khó khăn hiện tại nhưng không tiếp cận được vốn vay nên đành chịu. Đất đai thì cằn cỗi, bạc màu nên không phát triển được cây gì hết".
Cạnh nhà anh Thái, rất nhiều ngôi nhà của các ông: Nguyễn Văn Tân, Lê Chất, Nguyễn Hương... đã bị bỏ hoang từ lâu và đang trong tình trạng xuống cấp. Anh Thái nói, những hộ này chỉ ra đây ở được vài bữa rồi tìm đường vào Nam sinh sống. Nhiều hộ khác thì quay vào làng ở, rất ít khi ra đây nên nhà họ luôn trong tình trạng khóa chặt cửa như vậy.
Đang chăm sóc cho đàn cá giống mới thả, anh Nguyễn Hưng cho biết: "Nhà tôi đầu tư đào 3 ao cá, 2 chuồng lợn hết hơn 60 triệu đồng nhưng mấy năm nay vẫn chưa thu hồi được vốn bỏ ra. Làm ra sản phẩm đã khó nhưng chuyện đầu ra càng khó khăn hơn. Mỗi năm tôi thu hoạch được mấy chục triệu đồng bao gồm: cá, lợn, gà, vịt... nhưng chi phí bỏ ra mua thức ăn quá lớn nên luôn bị lỗ vốn".
Nói về thực trạng người dân bỏ làng đi nơi khác sinh sống, ông Trương Duy, Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch cho hay: "Chính quyền xã đã giao cho các hội, đoàn thể tích cực vận động bà con bám làng, đẩy mạnh canh tác tại các làng sinh thái. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn lại không có vốn đầu tư để phát triển kinh tế nên tình trạng người dân bỏ làng vẫn tiếp tục diễn ra".
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong thừa nhận thực trạng người dân bỏ làng sinh thái để quay về nơi ở cũ do điều kiện sống ở đây quá khắc nghiệt, mặt khác lại quá ít vốn đầu tư, cải tạo vùng cát. Ông Giải cho biết, những năm qua Phòng Nông nghiệp huyện đã tổ chức lồng ghép nhiều chương trình để tạo thuận lợi cho người dân tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...nhưng hiệu quả mang lại chưa được bao nhiêu.
Huyện đang lập đề án xin cấp kinh phí từ các nguồn xây dựng nông thôn để đầu tư thêm, nâng cấp hệ thống kênh tưới tiêu, đường sá... nhằm phục vụ công tác phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống cho bà con. Vừa qua, tỉnh cũng đã đồng ý phê duyệt cho các nhà đầu tư triển khai dự án 500 ha cây bông vải tại khu vực rừng phòng hộ kém hiệu quả. Nếu dự án này sớm triển khai sẽ góp phần khai thác thế mạnh vùng cát, vừa tạo công việc cho lao động địa phương.
Đăng Đức
Theo Dantri
Chủ tịch nước yêu cầu cấp đất cho người dân thủy điện Sông Tranh 2 Ngày 15/12, trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến kiểm tra tiến độ thi công dự án Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, đi thị sát thủy điện Sông Tranh và thăm người dân vùng rốn lũ huyện Đại Lộc. Sau khi đến kiểm tra dự án Tượng đài Mẹ Việt Nam anh...