Khối bê tông ‘khủng’ đổ sụp xuống trường mầm non trong cơn mưa trái mùa
Cơn mưa trái mùa chiều 12/4 khiến một khối bê tông “khủng” đổ sụp xuống sân trường Trường mầm non Ban Mai, quận 4, TPHCM. Rất may, vụ việc xảy ra khi trời mưa và học sinh đang trong giờ nghỉ.
Khối bê tông giữa sân trường Trường mầm non Ban Mai, quận 4 (ảnh: PHCC)
Nhiều phụ huynh khi đến trường đón con chiều hôm qua (12/4) rất bất ngờ và lo lắng trước cảnh các mảng của khối bê tông rơi vãi trước sân, ngay khu vui chơi… “Tôi vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy khối bê tông vỡ nát ngay khu vui chơi của trường. Rất may là các cô thông báo mọi người đều an toàn…”, một phụ huynh cho biết.
Chiều 13/4, xác nhận với PV, một phó Phòng GD&ĐT quận 4 cho biết, rất may sự việc xảy ra vào giờ nghỉ của cô và trò, ngoài trời có mưa nên sân trường không có ai.
“Ngay sau sự việc, nhà trường đã báo cáo với cơ quan cấp trên, đồng thời tiến hành dọn dẹp để hôm nay, các học sinh đi học bình thường trở lại…”, phó phòng này nói.
Cũng theo đại diện phòng giáo dục quận này, công tác an toàn trường học vẫn được Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường ra soát thường xuyên. “Sau sự việc này, Phòng GD&ĐT quận 4 tiếp tục yêu cầu các trường trên địa bàn rà soát các công trình, đảm bảo an toàn trường học, nhất là thời điểm mùa mưa đang tới”, phó phòng này nhấn mạnh.
Giải pháp hạn chế tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Vừa đón cơn mưa trái mùa đầu tháng 4, giúp giảm nhiệt trong những ngày nắng nóng, người dân TP Hồ Chí Minh lại chứng kiến cảnh cá chết nổi trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và gây ô nhiễm nặng nề.
Thực tế này, như một "điệp khúc" xảy ra mỗi khi thời tiết có mưa trái mùa hay vào đầu mùa mưa mà chính quyền sở tại chưa có giải pháp đồng bộ khắc phục triệt để trên con kênh chính ở khu vực nội ô TP Hồ Chí Minh.
Sau khi xuất hiện cơn mưa trái mùa tối 2-4, sáng 3-4, trên một số đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bắt đầu xuất hiện vài chục con cá chết. Đến đầu giờ chiều 4-4, sau vài trận mưa lớn, xác cá bắt đầu nổi kín mặt nước tại các khu bến thuyền, chân cầu dọc theo kênh. Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nhất là đoạn từ cầu số 1 đến cầu số 7 và 8, dài khoảng 2,5 km trên địa bàn các quận Tân Bình, Phú Nhuận và quận 3. Theo ước tính, đã có khoảng 14 tấn cá chết trên kênh chủ yếu là cá trê, rô phi, chép. Cá chết nổi trắng bờ kênh, bốc mùi nồng nặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đến ngày 5-4, xác cá chết mới được công nhân thu gom hết. Ở khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng xuất hiện tình trạng cá chết nhưng số lượng ít hơn so với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Lý giải hiện tượng cá chết trên các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lãnh đạo Chi cục Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khi mưa, rác từ hệ thống ống cống đổ ra kênh làm che mất mặt nước dẫn đến lượng ô-xy giảm. Ngoài ra, nước đổ xuống mạnh khiến lớp bùn bên dưới tích tụ lâu ngày hòa tan trong nước làm gia tăng ô nhiễm khiến cá chết đồng loạt. Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi nhận tin báo tình trạng cá chết, công ty đã nhanh chóng huy động ngay nhân lực, phương tiện, thiết bị chuyên dụng như: tàu vớt rác, thiết bị vớt thùng chứa, chế phẩm sinh học khử mùi... để thu gom cá chết. Công ty đã huy động 100% công nhân vệ sinh khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thậm chí, còn huy động thêm công nhân vệ sinh ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm về hỗ trợ thu gom cá chết đi tiêu hủy, đã khắc phục tốt tình trạng ô nhiễm môi trường, trả lại điều kiện sống trong lành cho người dân.
Trong những năm qua, tình trạng cá chết tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xảy ra mỗi khi có mưa trái mùa hoặc đầu mùa mưa. Nghiêm trọng nhất là giữa năm 2016 khi có đến 75 tấn cá chết phải mất nhiều ngày mới thu vớt hết cá chết. Để giải quyết tình trạng này, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư kinh phí khá lớn để triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm tuyến kênh như: nạo vét lòng kênh khơi thông dòng chảy, quan trắc giám sát chất lượng nước, vớt rác thải, lục bình, lắp máy quạt tạo ô-xy, giảm đàn cá... nhưng vẫn chưa xử lý được triệt để vấn đề. GS, TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho biết: Nguyên nhân tình trạng này là do dân cư dọc kênh vẫn xả nước thải sinh hoạt ra kênh. Trong khi đó, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chưa có hệ thống thu gom nước mưa, khi có mưa lớn, nước thải lưu lượng lớn được đẩy ra ngoài gây sốc cấp tính nguồn nước nên cá chết hàng loạt. Để khắc phục được tình trạng này, phải giải quyết nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, phải có hệ thống xử lý nước thải từ khu dân cư. Ít nhất phải có hầm ga ba ngăn để nước thải đầy ngăn này sẽ tràn sang ngăn kia, sau cùng mới chảy ra cống chung. Hiện nay, việc xây dựng trạm xử lý nước thải cục bộ rất khó thực hiện do quỹ đất của thành phố không còn nữa. Mỗi hộ gia đình hoặc khu dân cư cần hạn chế xả thải trực tiếp ra kênh bằng cách xây dựng bể phốt chứa nước thải có ba ngăn để lưu nước thải lâu hơn, hạn chế tình trạng nước thải cùng nước mưa tràn ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gây ô nhiễm nặng.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản TP Hồ Chí Minh, để khắc phục tình trạng cá chết trong kênh thì phải hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Cụ thể, phải xây dựng hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải khu vực tây Sài Gòn, Bình Tân, Tân Hóa - Lò Gốm, bắc Sài Gòn 1, 2, tây bắc, Nhà máy xử lý nước thải cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở quận 2... Tổng số tiền đầu tư cho các dự án này lên đến gần 40.000 tỷ đồng. Thiết nghĩ, để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, thành phố cần có nghiên cứu tổng thể các giải pháp. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải theo đúng kế hoạch đề ra thì mới trả lại xanh trong cho các dòng kênh, hạn chế tình trạng cá chết do ô nhiễm xảy ra hằng năm.
'Bắt cá suối, tìm rêu đá để ăn nhưng phải bỏ tiền triệu học chứng chỉ' "Tại trường của chúng tôi, giáo viên hàng ngày phải đi bắt cá suối, tìm rêu đá để cải thiện bữa ăn nhưng phải bỏ ra gần chục triệu đồng đi học các loại chứng chỉ". Tôi là phó hiệu trưởng một trường tiểu học và có hơn 10 năm cắm bản tại những điểm trường khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu,...