Khóc trên đỉnh núi
Khi có được Mỵ rồi, Hùng vô tình giũ bỏ để tìm một bến bờ hạnh phúc mới.
Năm 17 tuổi, Mỵ theo chị Hằng cùng quê đến thành phố này kiếm sống. Chị Hằng bảo ở nơi nào có nhiều khách du lịch thì đồng bạc dễ kiếm hơn ở nơi chỉ có người dân địa phương.
Chị Hằng lấy chồng, rồi theo chồng. Chồng chị hiền lành, yêu vợ, lại may mắn thừa hưởng ngôi nhà mặt tiền ở khu phố này mà ngày xưa vắng tanh. Còn bây giờ do khách nước ngoài tới nhiều, lại thích tới khu phố này do nhiều khách sạn mini, nhiều nhà hàng thích hợp với nếp sống và cách ăn uống của họ, nên con đường có tên mới là Khu phố Tây.
Thật vậy, cứ mỗi buổi chiều hay sáng sớm, cứ nhìn trên phố từng đoàn xe chở người đổ xuống, gương mặt ai cũng hớn hở là biết họ đi du lịch. Mà phàm đi du lịch thì chẳng ai tiếc tiền chi tiêu, thích gì thì mua đó, muốn ăn cái gì thì ăn tùy thích. Vả lại, họ là những người đôi khi chỉ đến một lần, người bán hàng chỉ bán cho họ một lần.
Chị Hằng có một cửa hàng chuyên bán đủ loại hàng hóa lưu niệm dành cho du khách, chị đặt cái tên tiệm rất ngộ: Lucky girl (Cô gái may mắn). Cái tên cô gái may mắn cộng thêm vẻ dễ thương duyên dáng của cô bán hàng tên Mỵ khiến cho khách hàng tới rất đông, nhất là các anh hướng dẫn viên dẫn khách đoàn. Các anh chàng dắt khách đi vòng vòng con phố gọi là con phố Tây, rồi đưa đến cửa hàng Cô gái may mắn với mục đích để gặp Mỵ. Trong số các anh chàng hướng dẫn viên ấy, có anh chàng mau miệng là Hùng.
2 năm ở phố nhanh như gió thoảng. 19 tuổi, Mỵ mang một giấc mơ là có một anh chàng cười nửa miệng, đẹp giống như một anh chàng diễn viên điện ảnh nào đó trong phim Mỹ mà Mỵ đã từng coi. Mỵ không nhớ nổi tên anh chàng diễn viên, chỉ nhớ trong phim anh chàng có tài chụm miệng huýt sáo và mỗi khi hẹn hò với cô gái trong ngôi nhà bao quanh toàn là hoa mặt trời nở vàng và anh huýt sáo một bản nhạc rộn rã. Hùng có nụ cười giống anh chàng diễn viên ấy. Khi nhìn thấy Hùng cười, lòng Mỵ lao xao theo những cơn gió chiều đang tíu tít kéo về phố khi nắng đang nhuộm từng mái nhà xa xa.
Lời cầu hôn của anh chàng hướng dẫn viên với cô gái bán hàng đã diễn ra trên đỉnh núi trùng mây (Ảnh minh họa)
- Anh thích em – Hùng nói thế, không cần hoa mỹ văn chương, cũng chẳng thấy một cánh hoa nào giấu trong túi áo, mà lại là một gói kẹo có nhân thơm mùi rượu bên trong, dấm dúi và đôi tay nhỏ của Mỵ khi Hùng đưa khách đến cửa hàng. Khách cứ ngắm nhìn từ cái nỏ tre đến cái cây đàn T’rưng, chiếc mũ lát hay chiếc khăn quàng đủ màu… còn Hùng thì ngắm nhìn Mỵ. Hùng nói đùa:
Video đang HOT
- Ở Cà Mau nghe nói nước phèn nhiều lắm, mà sao em trắng giống như là Công chúa Bạch Tuyết vậy? Nhưng em không được vào rừng ở với bảy chú lùn đâu nghe.
Mỵ lấy tay che miệng cười trước cách pha trò của anh chàng hướng dẫn viên. Rồi chỉ sau vài lần Hùng đưa khách đến cửa hàng là hai người bắt đầu hẹn hò.
Một hôm, Hùng bảo: “ Em xin nghỉ việc một ngày, anh đưa em đến nơi này“. Vậy là Mỵ leo lên chiếc xe máy của Hùng. Chiếc xe thiết kế yên sau làm thế nào mà người ngồi sau phải chồm người lên ôm chặt lấy người phía trước. Xe chạy vòng lên ngọn đèo đầy cây cỏ cao ngập lút đầu người và con dốc thì quanh co, khúc khuỷu. Mỵ phải ôm chặt lấy Hùng chứ không thể nào thả người ra được. Tiếng Hùng át trong tiếng gió “Em có vui không?”, Mỵ hét to: “Vui gì mà vui. Mà anh chở em đi đâu?”, Hùng nói: “Lên Hòn Bà”.
Lời cầu hôn của anh chàng hướng dẫn viên với cô gái bán hàng đã diễn ra trên đỉnh núi trùng mây, nơi cao vời vợi ấy mà ngày xưa bác sĩ Yersin đã cưỡi ngựa mở đường tìm tới. Trời có một cơn mưa lây phây, nhiệt độ hạ thấp. Hùng ôm Mỵ trong đất trời thênh thang, có những đám mây lượn lờ bay qua: “Em làm vợ anh nhé”.
Làm vợ, đó là sự thay đổi lớn lao trong đời một người con gái. Làm vợ là luôn được gần bên người đàn ông mình yêu thương, là cùng nhau lo toan bao nhiêu điều xảy ra trong cuộc sống. Trên đỉnh núi Hòn Bà ấy, Mỵ đã gật đầu. Đó cũng là ngày Mỵ chuẩn bị bước sang tuổi 20.
Thời gian trôi qua không bao giờ dừng lại. Trên đỉnh Hòn Bà kia vẫn có những cơn mưa làm cho những người tò mò phóng xe lên đỉnh núi cao 1.500 mét kia buột miệng: “Trời ơi, lên tới đây chỉ thấy những cơn mưa”. Nhưng những cơn mưa núi đó cũng đã kết nối cho bao nhiêu trái tim yêu về với nhau, cùng đi trên những chênh vênh của cuộc đời mà vẫn luôn nở nụ cười vui.
Trên đỉnh Hòn Bà ấy, sáng hôm nay có một người đàn bà là Mỵ. Mỵ đứng trên đỉnh cao nhìn xuống mây trùng, nhìn xuống con đường ngoằn ngoèo như rắn lượn lúc ẩn lúc hiện mà lòng buồn tênh vì nhân gian quá đỗi vô tình.
Hùng đã ra đi khỏi cuộc đời Mỵ nhẹ nhàng như người ta không nhìn lại chiếc ghế ngồi sau buổi xem phim. Lời cầu hôn mới năm nào ở trên đỉnh núi này cũng đã trôi theo gió ngàn, trôi qua những cây cổ thụ trăm năm và rơi vào quên lãng.
Sau hai tuần về quê, Mỵ ngỡ ngàng khi căn nhà cho thuê đã khóa trái cửa. Bà chủ nhà nói: “Cậu Hùng trả nhà rồi, cậu gửi đồ đạc của cô ở nhà tôi, khi nào rảnh thì cô ghé lấy”. Mỵ đánh rơi túi xách trên tay xuống, không hiểu điều gì xảy ra.
Rồi Hùng gọi điện hẹn gặp. Hai người là vợ chồng nhưng gặp nhau trong quán nước như hai người xa lạ. Hùng bảo Hùng sẽ đi vào chuyến tàu tối nay, Hùng gặp Mỵ lần cuối. Hùng nói với Mỵ: “Mình chia tay đi”. Lời nói vô tình như Hùng đang bỏ viên đá lạnh vào ly cà phê trước mặt. Mỵ ngơ ngác: “Tại sao vậy anh?“. Hùng không nhìn vào mặt Mỵ, không thấy đôi mắt ấy đang buồn đến nhường nào: “Anh sẽ đi Đà Nẵng, anh sẽ làm việc ở đó. Vả lại ba mẹ anh không đồng ý cho anh lấy em làm vợ. Anh phải về Đà Nẵng lấy vợ”. Mỵ nghẹn ngào: “Nhưng mình đã là vợ chồng!”. Tiếng Hùng gằn như tiếng bánh xe chạm vào mặt đường khi thắng gấp: “Vợ chồng ư? Vậy mình có hôn thú không? Ai công nhận mình là vợ chồng?”.
Giờ này con tàu đưa Hùng đi thì có thể tới Đà Nẵng. Còn Mỵ không hiểu tại sao lại lên tận ngọn núi cao 1.500 mét này. Để nhớ những ngọn cỏ ngậm sương và lời Hùng ư? Hùng đã nói: “Em có đồng ý làm vợ anh không?” … vậy mà Hùng đã giũ tay giã biệt một cách lạnh lùng.
Cơn mưa núi bắt đầu rơi, Mỵ đứng trong mưa ấy, để mưa trộn cùng những giọt nước mắt của mình.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Người chồng đau khổ tìm lối thoát cho hôn nhân chết mòn
Tôi biết tình yêu giữa chúng tôi đã hết. Vợ tôi cũng biết điều đó nhưng cô nhất quyết không chịu buông tay. Chúng tôi biết rõ mình đang sống trong địa ngục nhưng không tài nào thoát khỏi được địa ngục ấy...
Tôi 42 tuổi. Tôi gặp và yêu Hạnh năm tôi 26 tuổi. Hạnh là trẻ mồ côi. Có lẽ vì thế mà cô rất mạnh mẽ. Phải làm đủ nghề để kiếm sống, vật lộn với cuộc sống nên trong từng cử chỉ, lời nói và hạnh động của Hạnh thường có phần chua chát và ghê gớm. Cô có một sạp hàng buôn bán nhỏ ở chợ. Còn tôi sống ở một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của Hạnh. Nhà tôi không quá giàu có nhưng cũng thuộc loại khá giả. Vì tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn in đậm trong suy nghĩ của người Việt Nam nên tôi đương nhiên được cưng chiều.
Từ khi sinh ra cho đến cả khi học đại học rồi ra trường, đi làm tôi vẫn được bố mẹ quan tâm, săn sóc từng li từng tí một. Thế nên để hình dung ra cuộc sống của Hạnh đối với tôi là một khó khăn. Tôi không hiểu được một người không có gia đình thì có thể sống như thế nào. Tất nhiên, khi tôi yêu Hạnh, bố mẹ tôi rất phản đối. Tôi là con cưng của bố mẹ, được nuôi dạy đàng hoàng, ăn học tử tế, giờ đã có công việc ổn định, thu nhập khá còn Hạnh thì trái ngược với tôi. Cô mồ côi, học hết lớp 6 thì phải bỏ để dành thời gian cho việc kiếm sống, giờ cô cũng chỉ buôn bán nhì nhằng ở một chợ nhỏ.
Mẹ nói, tôi yêu Hạnh là sỉ nhục bố mẹ, là đem bố mẹ ra làm trò cười cho cả thiên hạ, cho hàng xóm xì xào. Nhưng tôi đã quen được chiều chuộng, tôi luôn cho rằng mình là người có quyền lực nhất trong nhà, tôi luôn làm mọi điều tôi thích mà chẳng cần quan tâm xem bố mẹ có đồng ý hay không. Bố mẹ càng cấm, tôi càng yêu và quyết định tiến tới hôn nhân với Hạnh.
Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Tuy nhiên, hôn lễ của chúng tôi diễn ra rất nhanh và sơ sài vì bố mẹ không muốn mời ai hết. Mẹ nói, Hạnh mồ côi, thất học, nghèo khổ đã là một nhẽ, cô còn quá xấu nên mẹ không tài nào chấp nhận được một người con dâu như thế. Hạnh quả thực không hề xinh xắn. Cô đen, dáng người thô vì thường làm những việc mang vác nặng, mặt lúc nào cũng cau có, kể cả khi cười, người đối diện vẫn thấy ở cô sự mệt nhọc và không thoải mái. Tôi thì tin rằng, cuộc đời không mấy hạnh phúc đã khiến cô như thế và khi lấy tôi, cuộc đời Hạnh sẽ thay đổi. Tôi không quan tâm đến chuyện Hạnh xinh hay xấu, tôi chỉ cần biết tôi yêu Hạnh. Thế là đủ. Mà người đời vẫn nói, vợ đẹp là vợ người ta, lấy vợ xấu không phải lo giữ vợ thì tôi đã sung sướng hơn khối anh đàn ông khác.
Dù bố mẹ không ưa gì Hạnh nhưng khi tôi đề xuất cho vợ chồng tôi ở riêng thì hai người không đồng ý. Mẹ nói, hai vợ chồng phải ở chung để mẹ còn rèn rũa con dâu. Hạnh là người phụ nữ đảm đang và tháo vát. Mọi chuyện trong nhà cô đều lo rất tốt và chu đáo. Điều đó là tất nhiên vì từ bé cô đã phải tự lo cho mình và tự mình làm hết mọi việc. Mẹ tôi từ ác cảm dần có tình cảm với con dâu rồi dần dần mẹ yêu thương Hạnh như con gái. Có lần tôi thấy mẹ khóc. Mẹ bảo mẹ thương Hạnh quá. Mẹ nghe Hạnh kể chuyện về cuộc đời cô rồi sụt sùi.
Những tưởng con dâu mẹ chồng hòa thuận thì cuộc hôn nhân của chúng tôi sẽ hạnh phúc hơn nhưng mọi chuyện lại không như vậy. Tôi không biết vì sao nhưng một ngày khi thức dậy, tôi thấy mình không còn yêu Hạnh nữa. Nhìn thấy người vợ đen đúa ở bên cạnh, tôi thấy chán ngán vô cùng. Tôi không bao giờ đưa Hạnh đến dự tiệc ở công ty hoặc cho cô giao lưu với bạn bè và đồng nghiệp của tôi. Tôi giấu vợ mình hệt như cô là một sự hổ thẹn của tôi và nếu mọi người nhìn thấy vợ tôi, biết về thân thế của vợ tôi thì tôi sẽ không còn đường sống nữa.
Hạnh nhận ra được những thay đổi của tôi. Cô không phải là một người vợ hiền. Trước khi lấy tôi, cô thậm chí còn là giang hồ. Thế nên trước chuyện chồng coi khinh và không còn tình cảm với mình, Hạnh phản ứng rất dữ dội. Hàng đêm, vợ chồng chúng tôi đóng cửa cãi nhau. Hạnh dùng những lời tục tĩu và nói, nhất định cô sẽ tìm ra ai là kẻ chen ngang vào cuộc hôn nhân của chúng tôi. Mọi chuyện trong gia đình dịu đi khi Hạnh mang thai. Cô sinh con trai và đáng buồn là con trai giống mẹ như đúc. Nó đen và xấu xí. Ông bà nội không quan tâm đến chuyện đó. Ông bà yêu và thương thằng cháu vô cùng. Còn tôi thì không. Tôi không thích mình có một đứa con xấu xí và vì thế, cha con tôi không gần gũi nhau.
Hạnh dành phần lớn thời gian cho việc chăm sóc và nuôi dạy con nên chúng tôi không cãi nhau nhiều nữa. Không muốn bố mẹ phiền lòng nên tôi cố ra vẻ cuộc hôn nhân của mình vẫn bình thường, ở bên ngoài, tôi có bồ. Đến năm con trai học lớp 5 thì vợ tôi mới phát hiện ra điều đó. Tôi đã giấu giếm và đóng kịch quá giỏi. Tất nhiên, với bản tính của vợ tôi, cô sẽ không để yên. Con trai tôi mới học lớp năm nhưng vì được mẹ dạy dỗ nên tính tình ngang ngược vô cùng. Hạnh cùng con trai đi theo rình và bắt được tôi ngoại tình. Nhân tình của tôi bị Hạnh và con trai đánh bằng thanh mắc màn đến mức nửa đêm phải nhập viện.
Vợ tôi nói, đó mới chỉ là đòn cảnh cáo đối với tôi. Tôi bàng hoàng và ngỡ ngàng trước những gì vợ tôi làm. Tôi đề nghị li hôn. Tôi sẽ mua nhà cho cô và chu cấp hàng tháng cho mẹ con Hạnh đầy đủ nhưng Hạnh không chịu. Cô nói, với cô chỉ có yêu hoặc thù hận. Cô không đời nào chấp nhận một cái kết nhẹ nhàng như thế cho tôi. Tôi lúc này đã là một người khá quyền lực ở công ty. Hạnh thề rằng sẽ phá tan sự nghiệp của tôi nếu tôi nhất quyết đòi li hôn với cô. Tôi biết chắc chắn Hạnh sẽ làm theo lời cô nói nên tôi đành xuống nước, nghe theo lời vợ. Sư rạn nứt trong hôn nhân khiến Hạnh thay đổi nhiều. Cô không còn là cô con dâu đảm đang nữa. Ngày nào Hạnh cũng đi chơi bài với đám bạn ngoài chợ của mình. Cô chơi lô đề rồi nợ nần chồng chất. Mỗi lần bị đòi nợ, Hạnh lại về hỏi tiền tôi.
Đến lúc tôi không còn tiền để đưa cho Hạnh thì cô đi trốn nợ. Tôi không biết vợ mình đi đâu. Điện thoại của cô không liên lạc được. Có những khoảng thời gian, Hạnh đi trốn nợ đến hàng tháng trời, biệt tăm tung tích. Tôi làm đơn li hôn một lần nữa. Tôi đã tìm được một tình yêu khác và tôi muốn cưới cô gái đó làm vợ. Tới giờ tôi mới thấy hối hận vì đã không nghe lời bố mẹ, nhất quyết đòi lấy Hạnh.
Xét trong toàn bộ câu chuyện gia đình tôi, tôi thừa nhận rằng mình sai nhiều hơn đúng nhưng một khi tình yêu đã ra đi thì có níu kéo cũng chẳng ích chi. Một cuộc hôn nhân đã không còn tình yêu thì chỉ là một cuộc hôn nhân bất hạnh. Hạnh nhất quyết không kí đơn. Cô gái tôi yêu bị Hạnh đánh ghen tới mức cô hoảng loạn và không muốn gặp tôi nữa. Hạnh nói cô sẽ không bao giờ li hôn với tôi và tôi cũng sẽ không bao giờ bỏ được cô. Tôi có quá nhiều thứ không thể để mất: sự nghiệp, danh dự... và Hạnh biết rõ những điều đó nên cô dùng chúng để đe dọa và tạo sức ép với tôi.
Thế nhưng quả thật, tôi không thể sống trong một gia đình ngày ngày vợ chồng chỉ cải vã và coi nhau như kẻ thù. Bố mẹ tôi không can dự vào chuyện này. Hai người nói, lúc trước tôi đã quyết định lấy Hạnh bất chấp sự phản đối của bố mẹ nên giờ hạnh phúc hay khổ đau, tôi phải tự chịu và tự giải quyết. Tôi đã tìm thấy rất nhiều thư Hạnh viết để sẵn sàng gửi cho công ty tôi, cho mọi người quen biết tôi. Bức thư kể tường tận chuyện tôi ngoại tình bị bắt quả tang như thế nào và bức thư kể về tôi với những từ ngữ tồi tệ nhất. Tôi không hiểu sao Hạnh phải làm mọi chuyện tồi tệ ra như vậy. Tôi mong cuộc hôn nhân này có thể kết thúc trong êm ấm nhưng dường như nó đã trở thành điều quá khó. Người đàn bà khi trở nên bất cần đáng sợ hơn bất cứ cơn thịnh nộ nào và Hạnh đang là một người đàn bà như thế.
Theo Bưu Điện Việt Nam
"Cô làm gì có lòng tự trọng?" Lão già cục cằn ấy đã mắng vào mặt tôi: "Đồ vô liêm sỉ. Cô tưởng cô còn trinh trắng lắm à?" Tôi tên là Đĩm. Tên đầy đủ trong giấy khai sinh là Ngô Thị Đĩm. Nhưng từ khi tôi bỏ mái trường quê lên thành phố kiếm sống, cái tên đó đã quên dần trong ý thức của tôi. Thi thoảng...