Khóc cười phu bốc xếp cuối năm
Làm việc thâu đêm suốt sáng, ăn ngủ tại chỗ, những đội phu bốc xếp trong các chợ ở Đà Nẵng hối hả theo hàng ngàn chuyến xe chở hàng Tết dồn dập về chợ mỗi ngày.
Cật lực làm việc, mỗi ngày giáp Tết phu bốc xếp hàng hóa kiếm được từ 200 – 500 ngàn đồng. Ảnh: Thanh Trần
Thu nhập gấp 5 lần
Những ngày này, chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) hoàn toàn không ngủ. Xe hàng hai miền Bắc – Nam nối đuôi vào chợ liên tục, bất kể sớm khuya. Hì hụi dỡ lô trái cây từ trên xe tải xuống, anh Hồ Văn Thương (25 tuổi, Đà Nẵng) quệt mồ hôi, nói: “Làm nghề ni không có giờ giấc, cứ có hàng là làm, hết hàng thì nghỉ. Mấy ngày ni tui “lăn” ở chợ từ trưa hôm nay đến sáng sớm hôm sau. Nghỉ tay ăn cơm một chút là vô làm tiếp”. Chợ Tết, hàng ngập ngụa, những trai tráng như anh Thương đều làm từ 12 đến 18 tiếng. Anh Thương cho hay ngày thường công bốc vác của anh chỉ nhỉnh hơn trăm ngàn, nhưng những ngày cuối năm, nhất là sau 25 tháng Chạp, mỗi ngày anh kiếm được 300 – 500 ngàn.
Cùng đội với anh, anh Nguyễn Nam tếu táo rằng mấy ngày giáp Tết quên cả mặt vợ con vì không về nhà. Cứ bốc hàng xong mệt thì nghỉ ăn, kiếm cái chỗ êm êm chợp mắt ngay trong chợ, tỉnh dậy làm tiếp. “Mùa làm ăn mà, tui làm hết sức thì kiếm được chừng 400, 500 ngàn mỗi ngày. Như rứa là gấp năm lần ngày thường rồi. Nhờ chợ Tết, Tết nhà tui mới ấm cúng hơn, còn với đồng lương ngày thường thì chỉ đủ gạo cơm, mắm muối thôi”.
Ông Trần Nguyên Khôi, Đội trưởng Đội bốc xếp trái cây chợ Hòa Cường cho biết từ thời điểm 23 tháng Chạp trở đi, hàng hóa về chợ sẽ nhiều hơn gấp đôi, gấp ba lần ngày thường, mỗi ngày khoảng 200 – 300 tấn. Nhất là từ 26 tháng Chạp, hàng trái cây dồn về nhiều hơn, mỗi ngày 300 – 400 tấn. Ông nhẩm tính: “Cứ mỗi tấn hàng là 70 ngàn tiền công bốc vác. Đội có 60 người, ngày thường trung bình mỗi người trên trăm ngàn, giờ ai chăm thì kiếm được 400, 500 ngàn. Với nghề lao động chân tay, đó là thu nhập rất cao”.
Mong có thêm bộ đồ mới cho con
Có thâm niên bốc xếp đã hơn 40 năm, gắn bó với chợ Hòa Cường hơn chục năm từ khi mới lập chợ, ông Phan Chánh Kỳ (65 tuổi, Hải Châu, Đà Nẵng) là người lớn tuổi nhất trong đội quân bốc vác của chợ. Lưng ông còng xuống. Những ngày này, khi lớp thanh niên hào hứng làm nhiều, công cao thì ông cũng chỉ gắng gượng được trên dưới chục tiếng vì không đủ sức. Ông bảo phải lượng sức mình, làm gắng mà đổ bệnh thì không đủ tiền thuốc lại khổ cả nhà. Vậy nên chợ Tết cũng như chợ thường, mỗi ngày công của ông chưa tới 150 ngàn.
Tại chợ cá ở cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà), đội quân bốc vác, gánh cá chủ yếu là phụ nữ. Công việc ở đây cũng vất vả không kém bởi phải có mặt khi 2g sáng, vắt chân chạy giữa trời mưa lạnh. Ngày giáp Tết, họ còn tranh thủ làm thêm ca chiều khi tàu cá cập cảng nhiều hơn. Chị Võ Thị Dị (47 tuổi, trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cùng bốn chị em đồng hương ra đây mướn trọ đi gánh cá thuê. Ngày nào cũng bắt đầu khi gà chưa kịp gáy nên khuôn mặt thiếu ngủ của chị hốc hác, già nua như người ngoài 60 tuổi. Công gánh cá được dân thương lái tính chi li, loại 10, 20kg mỗi gánh 2 ngàn tiền công. Gánh 30kg trở lên được 5 ngàn.
Ngày 24 Tết, chị cầm một xấp tiền lẻ cũ mèm, đếm đi đếm lại hơn bảy chục ngàn, thở dài: “Chừng ni răng mua đủ bộ đồ cho con?”. Rồi chị tính sẽ nán thêm vài ngày nữa, hy vọng gánh được nhiều hơn. Cũng như chị, đồng hương Nguyễn Thị Phú kể tiền thuê trọ chung với năm người khác mỗi tháng đã hết gần 300 ngàn. Tháng nào thiệt hên thì thu nhập trên dưới 4 triệu. “Bây chừ hai đứa con chờ về đi sắm Tết, tui sẽ mua cho mỗi đứa một cái áo ấm mới. Còn bánh mứt thì có đoàn từ thiện cho rồi. Không sắm chi thêm, dành tiền cho tụi nhỏ đi học”.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Khôi cho hay để động viên anh em bốc vác, chợ Hòa Cường đã tặng mỗi công nhân một phần quà ăn Tết gồm mì tôm, bánh kẹo, nước mắm… Đồng thời cũng chi trả tiền công đầy đủ để họ có điều kiện chi tiêu dịp Tết.
“Hàng rào chắn” đầu tiên ngăn hàng mập mờ nguồn gốc Từ đầu năm 2017, Đà Nẵng thực hiện truy xuất, kê khai nguồn gốc thực phẩm trước khi vào chợ, đội bốc vác là một trong những hàng rào chắn đầu tiên cùng với ban quản lý chợ thực hiện quy định này. Theo Ban quản lý chợ, khi các chủ lô hàng, chủ xe chưa thực hiện kê khai hoặc xuất trình hóa đơn nguồn gốc hàng hóa thì đội bốc xếp sẽ từ chối vận chuyển.
Theo Thanh Trần – Giang Thanh (Tiền Phong)