Khoảnh khắc đau thương chưa từng hé lộ của “nhân chứng sống” trong vụ cướp rúng động dư luận năm 2018
Có lẽ người dân Sài Gòn vẫn chưa quên vụ cướp xe SH táo tợn trên đường CMT8 vào tháng 5/2018. Vụ cướp từng khiến dư luận hoang mang và phẫn nộ khi cướp đi mạng sống của 2 thành viên trong nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp và khiến 3 hiệp sĩ khác bị trọng thương.
Một trong 3 hiệp sĩ bị thương năm đó là anh Trần Văn Hoàng – trưởng nhóm hiệp sĩ Tân Bình – vừa xuất hiện trong tập 15 của chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời, phát sóng vào tối 20/5 trên kênh HTV9. Anh chia sẻ cùng đạo diễn Lê Hoàng – host của chương trình – về câu chuyện đến với “nghề” săn bắt cướp, những lần đối mặt hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và cả những cái chết oan ức của người dân cùng các hiệp sĩ khi gặp bọn cướp hung tợn…
Anh Hoàng cho biết anh làm nghề chạy xe ôm nên thường xuyên rong ruổi trên đường phố, hẻm hóc và đã chứng kiến rất nhiều vụ cướp giật. Năm 1995, trong một lần đi trên phố cùng người bạn, anh tình cờ thấy một tên cướp hung khí, lập tức anh lao vào khống chế tên cướp và đưa đến công an. Sau lần đó, ý nghĩ tham gia bắt cướp cứu người ngày càng thôi thúc mạnh mẽ trong anh. Và mỗi khi ra đường gặp cảnh bất bình, anh lại ra tay, bất kể nguy hiểm. Anh được người dân yêu mến và gọi là “hiệp sĩ đường phố”.
Nghe tiếng của anh, nhiều người với tuổi đời và nghề nghiệp khác nhau nhưng có chung một tinh thần nghĩa hiệp đã tìm cách liên hệ và xin được tham gia vào đội. Tính tới thời điểm hiện tại, anh cùng đồng đội đã ngăn chặn được hơn 500 vụ cướp lớn nhỏ và bắt được hàng trăm tội phạm.
Anh Hoàng xúc động kể lại: Những trường hợp đáng tiếc xảy ra do cướp giật gây nên là rất nhiều, có người bị chấn thương, có người tử vong. Thậm chí người bạn anh cũng bị mất mạng vì cướp.
Chuyện xảy ra gần 20 năm trước, lúc đó khoảng 12 giờ đêm, người bạn đó đi trên đường Nguyễn Kiệm TP. HCM thì bị 2 tên cướp ép xe giựt dây chuyền. Sợi dây chuyền không đứt nhưng người bạn bị ngã xuống đất. Thấy vậy, 2 tên cướp nhảy xuống đạp vào đầu bạn anh rồi giựt sợi dây chuyền. Lúc đó có 1 người phụ nữ chứng kiến hết mọi việc nhưng vì sợ nên chị không dám gọi người dân cứu giúp. Sau khi sự việc xảy ra thì mọi người mới tri hô. Tới sáng hôm sau thì người bạn ấy đã ra đi mãi mãi.
Cái chết oan ức của người bạn khiến anh Hoàng rất đau lòng và bức xúc. Chính vì vậy, mỗi lần bắt được cướp, giúp đỡ được nạn nhân, lấy lại được tài sản, góp phần giúp ích được cho xã hội và lực lượng công an là anh Hoàng cảm thấy nhẹ lòng và làm được điều gì đó cho người bạn đã mất của mình.
Sự xuất hiện của các hiệp sĩ đường phố như anh Hoàng khiến cho bọn trộm cướp khiếp vía, dè chừng. Nhưng, điều đó cũng dẫn tới những phiền lụy, không chỉ gây ảnh hưởng đến công việc mà còn đe dọa đến sự an toàn của anh Hoàng và gia đình. Nhiều lần các đối tượng cướp giật đến tận nhà anh để quậy phá, tìm đánh, khiến vợ con anh rất bất an. Tuy nhiên, vợ anh hoàn toàn cảm thông và ủng hộ việc làm nghĩa hiệp của chồng.
Trong hơn 20 năm làm hiệp sĩ, đối đầu với bọn tội phạm nguy hiểm có vũ khí, anh Hoàng từng gặp rất nhiều tai nạn do dao, búa, kim tiêm, hơi cay gây ra, chỉ trừ súng là chưa có. Lần bị thương nặng nhất của anh là vào năm 2018, trong lần “chạm trán” với bọn cướp xe SH trên đường CMT8.
Anh bồi hồi kể lại: Trong lúc đang uống cà phê cùng một số thành viên của nhóm hiệp sĩ, một người đồng đội trong nhóm gọi cho anh báo ở đường CMT8 có vụ trộm xe, anh cùng đồng đội tức tốc chạy tới. Bọn cướp chuyên nghiệp này đã nhiều lần trộm cắp và anh cũng đã từng bị đối tượng này xịt hơi cay. Trong khi đang truy đuổi tên cướp thì anh Hoàng bất ngờ bị hắn đâm từ phía sau, con dao xuyên thẳng vào ruột khiến anh bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Dù may mắn qua khỏi nhưng anh Hoàng bị tỉ lệ thương tật 68% và không còn khả năng lao động.
Dẫu bị thương nặng là vậy nhưng trong thời gian nằm viện, anh vẫn huy động lực lượng nhóm hiệp sĩ bắt cướp. Khoảng 2 tháng sau, vết thương anh Hoàng dần hồi phục và đã trở lại với công việc nghĩa hiệp ngay sau đó. Vụ án trộm xe SH sau đó đã được cơ quan chức năng nhanh chóng triệt phá và những kẻ cướp đã phải đền tội cho hành động tàn ác của mình.
Trước những chia sẻ của anh Trần Văn Hoàng, đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ sự nể phục với tấm lòng nhân ái của anh Trần Văn Hoàng và những người hiệp sĩ đường phố. Bản thân nam đạo diễn cũng đã từng theo dõi sát sao và rất bức xúc trong vụ cướp SH năm 2018. Thay mặt cho người dân, đạo diễn Lê Hoàng cảm ơn sự hy sinh của anh Hoàng và những người hiệp sĩ đường phố cho sự bình yên của xã hội.
Kết thúc tập 15 của Khoảnh Khắc Cuộc Đời, hiệp sĩ Trần Văn Hoàng cũng đã đưa ra một số hướng dẫn an toàn khi ra ngoài đường: “Khi đang chạy xe mà nhận được điện thoại, hãy bình tĩnh tấp xe vào lề, cầm điện thoại bằng các đầu ngón tay và đút chiếc điện thoại vào chiếc nón bảo hiểm để che tầm nhìn của chiếc điện thoại bằng bàn tay và chiếc nón. Với các bạn nữ có túi xách, nên bỏ trong cốp xe, trường hợp xe không có cốp nên lấy áo khoác choàng đi chiếc túi. Hoặc nếu có trang sức đeo trên cổ hãy kéo kín cổ bằng áo khoác hoặc lấy chiếc khăn che kín phần cổ. Hãy cẩn trọng để bảo vệ chính mình”
Video clip tập 15 – Khoảnh Khắc Cuộc Đời
Chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Truyền thông Khang và 2 nhãn hàng Ticarlox, Emco thực hiện.
Tập 16 của Khoảnh Khắc Cuộc Đời, phát sóng vào lúc 22h45 thứ Bảy ngày 21/5 trên kênh HTV9 sẽ là câu chuyện về khoảnh khắc nam ca sĩ phòng trà Hữu Đức bất chấp hiểm nguy lao từ cầu Sài Gòn xuống sông để cứu người tự vẫn. Host của tập 16 sẽ là nhà văn, ca nhạc sĩ Hamlet Trương, MC là Lê Phương Uyên.
Jun Nguyễn
Con trai mắc bệnh down, hàng xóm khuyên đem cho hoặc bỏ, người cha nhất quyết không chịu và cái kết của 30 năm sau
Tập 10 của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời phát sóng vào tối ngày 15/5 trên kênh HTV9 là câu chuyện về nghị lực phi thường và tình thương vô bờ bến của người cha già 72 tuổi Mạc Văn Mỹ dành cho người con trai mắc bệnh down Mạc Đăng Mừng.
Câu chuyện này đã từng được chia sẻ nhiều trên các trang báo nhưng nhiều khán giả vẫn không cầm được nước mắt khi nghe ông Mỹ chia sẻ trong chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời về cuộc chiến với số phận ròng rã suốt 30 năm qua để giành lại sự sống và cho con trai ông một cuộc đời mới - một cuộc đời mà không ai nghĩ có thể có với 1 người mắc bệnh down.
Câu chuyện bắt đầu cách đây 30 năm khi ông Mỹ đưa vợ đi sanh đứa con trai đầu lòng. Bao nhiêu hạnh phúc, sự khao khát mong chờ của ông Mỹ bỗng nhiên vụt tắt khi bác sĩ báo tin con ông mắc hội chứng down. Nhìn đứa con trai đỏ hỏn trong vòng tay, ông Mỹ như chết lim. Ông vẫn chưa thể tin con mình lại mắc hội chứng down vì trông con chẳng có gì khác với những đứa trẻ bình thường. Khi ông Mỹ mang con về nhà, hàng xóm xung quanh xì xầm và khuyên ông: "Ông nên cho nó đi, mấy đứa này sau này không làm gì được đâu". Họ còn nói ông nên cho đứa bé vào những mái ấm hoặc bỏ nó đi. Trong số những người đó có cả người thân của ông Mỹ. Điều đó càng khiến ông buồn bã và suy sụp. Sau 3 ngày suy nghĩ, ông Mỹ bình tâm lại. Ông nói: "Nó là con của mình, mình không thể nào bỏ nó được, mình phải tìm mọi cách để vực con dậy, được tới đâu hay tới đó".
Có lẽ giây phút đưa ra quyết định đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời của ông Mỹ. Nó cũng là lời tuyên chiến của người cha với số phận nghiệt ngã, kém may mắn để giành lại quyền được sống cho con trai mình. Và cuộc chiến ấy kéo dài suốt 30 năm với rất nhiều gian khổ mà một người bình thường nếu không đủ nghị lực, không đủ tình thương dành cho con, có lẽ đã đầu hàng từ lâu.
Cuộc chiến bắt đầu từ việc ông Mỹ chữa bệnh cho con. Hễ nghe ai mách bảo chỗ chữa bệnh, ông đều tìm đến, từ châm cứu cho đến nấu nước trứng vịt lộn để bổ não cho Mừng, ông đều thử qua. Rồi bác sĩ chỉ cho ông dùng tiếng đàn để kích thích các dây thần kinh lên não của Mừng, dù khó khăn ông cũng ráng dành dụm được 5 chỉ vàng để mua một chiếc đàn organ cho con. Khi Mừng tới tuổi đi học, ông Mỹ chạy đôn chạy đáo tìm gia sư nhưng khi nhìn thấy Mừng họ đều lắc đầu không dạy. Không chịu thua số phận, ông Mỹ đích thân làm gia sư cho con trai: "giảng 1 lần Mừng không hiểu thì mình giảng 4 hay 5 lần" ông chia sẻ. Rồi đến một ngày ông cũng xin cho Mừng được tham gia vào lớp học dành cho trẻ chậm phát triển, ngoài việc học kiến thức, Mừng còn được tham gia những khóa học về kỹ năng sống, võ thuật Akido, Anh văn... Để rèn luyện trí nhớ của Mừng, sáng nào trên đường chở con đi học, ông Mỹ cũng kiểm tra bài của con trước khi vào lớp học bằng cách hỏi những định lý nhiều lần để Mừng nhớ. Dù tuổi đã lớn, trí nhớ lại kém nhưng ngày ngày ông Mỹ vẫn lên mạng tìm tòi học thêm nhiều phương pháp để dạy thêm cho con.
Khi cậu Mừng được vào học ngành Thiết kế đồ họa của đại học Văn Lang, cả gia đình ai cũng mừng vui vì hạnh phúc, những người hàng xóm từng khuyên ông Mỹ bỏ con trước đây cũng không nói gì thêm được nữa. Tưởng chừng như mọi chuyện đã suôn sẻ nhưng học được nửa tháng thì Mừng về xin cha cho được nghỉ học vì em không tiếp thu nổi kiến thức. Ông Mỹ buồn bã nhưng vì thương con nên ông đến gặp Hiệu trưởng của trường để xin cho con nghỉ học. Tuy nhiên, vị Hiệu trưởng không đồng ý mà đề nghị ông Mỹ phải đi học cùng con vì có thể cách dạy của ông Mỹ sẽ khiến cho Mừng dễ tiếp thu hơn. Và thế là người cha già phải bỏ hết công việc của mình để đi học cùng con trai. Lúc này, ông không chỉ là một người cha, một người thầy mà còn là bạn của con. Những lúc ra chơi, ông Mỹ tranh thủ hỏi thêm các thầy trong trường về kiến thức để có thể giảng lại cho Mừng. Ông nói: "Tôi muốn dạy cho con thì tôi phải học hơn nó tôi mới dạy cho nó được".
Nhờ tình thương và nỗ lực của ông Mỹ, cậu bé bị bệnh down Mạc Đăng Mừng ngày nào nay đã có được Giấy chứng nhận khoá học kỹ thuật đồ hoạ đại học Văn Lang, đai nâu võ Akido và khả năng đọc hiểu tiếng Anh cơ bản... Đó là kỳ tích với những người có hoàn cảnh không may mắn như Mừng và cũng là món quà mà Mừng dành tặng cho cha của mình.
Tham gia chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời cùng với cha, Mặc Đăng Mừng cho biết nguyện vọng của mình đó là tìm được việc làm để lo cho bố mẹ. Câu nói của Mừng đã khiến cho ông Mỹ và khán giả vô cùng xúc động. Khoảnh khắc hai cha con nhìn nhau trong ngập tràn hạnh phúc và thông điệp ý nghĩa từ câu chuyện mà cả hai mang đến có thể sẽ là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời của những người đang đối mặt với những khó khăn và thách thức của số phận. Đó cũng chính là thông điệp và sứ mệnh của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời mà Đài truyền hình TP.HCM, cùng với công ty Truyền thông Khang và 2 nhãn hàng Ticarlox, Emco muốn mang đến cho khán giả.
Tiếp nối hành trình chia sẻ, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp của cuộc sống, tập 11 của Khoảnh khắc cuộc đời với câu chuyện của chàng đại sứ 9x Lê Duy Luật, phát sóng vào lúc 22h45 thứ Năm ngày 16/5 trên kênh HTV9.
Dũng Nguyễn
Theo dailysao
Chú bảo vệ nghèo trả lại 6,3kg vàng bị bỏ quên và từ chối hơn 70 triệu đồng cảm ơn Một người đàn ông làm bảo vệ cho một phòng tập thể hình tại TP.HCM trong lúc đi kiểm tra phòng tập vào ban đêm đã tình cờ nhặt được 1 túi vàng nặng 6,3kg với giá trị lên đến vài tỉ đồng. Một số tiền quá lớn, đủ để cho ông và gia đình sống đến hết đời, tuy nhiên ông đã...