Khoảng trống Mỹ bỏ lại sau cuộc chiến dài nhất tại Afghanistan
Lần đầu tiên kể từ năm 2001, không có binh sĩ Mỹ nào hiện diện ở Afghanistan sau khi Mỹ hoàn tất quá trình sơ tán hầu hết công dân nước này cùng hàng nghìn người Afghanistan.
Binh sĩ Mỹ lên máy bay vận tải rời khỏi căn cứ quân sự ở Afghanistan (Ảnh: Getty).
Hơn 114.000 người đã được sơ tán bằng máy bay từ sân bay ở thủ đô Kabul của Afghanistan trong 2 tuần qua. Tuy nhiên, việc Mỹ chấm dứt sự hiện diện ở Afghanistan cũng đặt ra một loạt câu hỏi mới cho Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông.
Số phận của người Mỹ và người Afghanistan ở lại như thế nào?
Mỹ đã sơ tán hơn 5.500 công dân nước này kể từ khi các chuyến bay sơ tán bắt đầu được triển khai vào ngày 14/8. Một số ít công dân Mỹ chọn tiếp tục ở lại Afghanistan, trong đó có nhiều người muốn ở lại cùng các thành viên gia đình.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hy vọng Taliban sẽ tiếp tục cho phép công dân Mỹ và những người khác rời Afghanistan an toàn sau khi quá trình rút quân của Mỹ hoàn tất. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại về việc những người này sẽ rời khỏi Afghanistan như thế nào nếu sân bay Kabul không thể hoạt động.
Hàng chục nghìn người Afghanistan, trong đó có các thông dịch viên từng làm việc cho quân đội Mỹ, các nhà báo và những người ủng hộ quyền phụ nữ, vẫn ở lại. Hiện chưa rõ số phận của những người này sẽ ra sao, nhưng các quan chức Mỹ lo ngại rằng Taliban có thể sẽ trả thù họ.
Theo một tuyên bố chung do Anh, Mỹ và các nước khác đưa ra hôm 29/8, Taliban đã cam kết cho phép tất cả công dân nước ngoài và công dân Afghanistan có giấy tờ đi lại hợp lệ được rời khỏi Afghanistan.
Chuyện gì xảy ra với sân bay Kabul sau khi Mỹ rút đi?
Video đang HOT
Trong 2 tuần qua, quân đội Mỹ đã triển khai gần 6.000 binh sĩ đảm bảo an ninh và vận hành sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul.
Taliban đang đàm phán với chính phủ các nước như Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ để tiếp tục vận hành các chuyến bay dân sự tại sân bay Kabul, con đường duy nhất để nhiều người rời khỏi Afghanistan.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut ngày 29/8 cho biết sân bay Kabul cần phải sửa chữa mới có thể mở lại các chuyến bay dân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại sân bay Kabul trong 6 năm qua. Việc duy trì hoạt động của sân bay sau khi các lực lượng nước ngoài trao lại quyền kiểm soát không chỉ đảm bảo Afghanistan được kết nối với thế giới mà còn nhằm duy trì các hoạt động và nguồn cung viện trợ.
Tương lai quan hệ Mỹ – Taliban sẽ ra sao?
Cảnh hỗn loạn của đám đông chờ sơ tán tại sân bay ở Afghanistan (Ảnh: Getty).
Mỹ tuyên bố không có kế hoạch để các nhân viên ngoại giao ở lại Afghanistan và sẽ quyết định cần làm gì trong tương lai dựa trên các hành động của Taliban.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phải xác định làm thế nào để có thể đảm bảo một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo không xảy ra tại Afghanistan.
Liên Hợp Quốc ước tính hơn 18 triệu người, hơn một nửa dân số Afghanistan, cần viện trợ và một nửa số trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính do đợt hạn hán lần thứ 2 trong 4 năm.
Một số quốc gia, trong đó có Anh, đã tuyên bố rằng không quốc gia nào nên công nhận Taliban là chính quyền mới của Afghanistan.
Mối đe dọa của IS như thế nào?
Một lĩnh vực mà Mỹ và Taliban có thể hợp tác là mối đe dọa từ các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Hiện còn nhiều câu hỏi về cách Washington và Taliban có thể phối hợp, thậm chí có thể chia sẻ thông tin để đối phó với IS.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) lần đầu tiên xuất hiện ở phía đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng trở nên khét tiếng bởi sự tàn bạo. Nhóm này đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết vào ngày 26/8 bên ngoài sân bay Kabul khiến 13 lính Mỹ và hàng chục dân thường Afghanistan thiệt mạng.
Mỹ đã tiến hành ít nhất 2 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào ISIS-K và Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông sẽ tiếp tục đáp trả vụ tấn công.
ISIS-K là kẻ thù không đội trời chung của Taliban. Tuy nhiên, các quan chức tình báo Mỹ tin rằng ISIS-K đã lợi dụng tình hình bất ổn dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn trong tháng này để củng cố vị thế và tuyển mộ các thành viên trước đây của Taliban.
Mỹ phá hủy dàn vũ khí "khủng" tại sân bay Kabul trước giờ rút quân
Trước khi rời sân bay Kabul khép lại 20 năm tham chiến tại Afghanistan, Mỹ đã phá hủy hàng loạt khí tài như máy bay quân sự, xe thiết giáp và lá chắn phòng không.
Một lá chắn phòng không C-RAM của quân đội Mỹ (Ảnh: Lục quân Mỹ).
Tướng Kenneth McKenzie, tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm quân đội Mỹ, cho hay quân đội Mỹ đã vô hiệu hóa hàng loạt máy bay, xe bọc thép và các hệ thống phòng thủ công nghệ cao tại sân bay Kabul trước khi rút khỏi Afghanistan hôm 30/8, khép lại cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử mà Washington từng tham gia.
Ông McKenzie cho biết, 73 máy bay đậu tại sân bay quốc tế Hamid Karzai đã bị "phi quân sự hóa", chỉ việc chúng đã trở nên vô dụng. "Những máy bay đó không bao giờ bay được nữa. Chúng cũng sẽ không bao giờ có thể được vận hành nữa", ông McKenzie nói.
Ngoài ra, tướng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã bỏ lại 70 xe thiết giáp MRAP với trị giá 1 triệu USD/chiếc. Những chiếc MRAP này cùng 27 thiết giáp Humvee cũng bị vô hiệu hóa trước khi quân đội Mỹ rời đi. "Sẽ không có ai sử dụng được những phương tiện đó nữa", ông McKenzie nhấn mạnh.
Ngoài ra, Mỹ cũng bỏ lại ít nhất 2 hệ thống phòng không C-RAM có khả năng chặn rocket, đạn cối và hỏa lực. Các hệ thống này đã giúp Mỹ vô hiệu 5 quả rocket do nhóm khủng bố ISIS-K nã vào sân bay Kabul hôm 30/8.
"Chúng tôi đã giữ các hệ thống này vận hành cho tới phút cuối cùng, trước khi chiếc máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ rời đi. Cần nhiều thời gian và kỹ thuật phức tạp để phá hủy những hệ thống đó. Do vậy, chúng tôi khiến chúng không còn sử dụng được nữa", ông McKenzie nói.
Máy bay vận tải C-17 của Mỹ đậu ở sân bay Kabul hôm 30/8 trong nhiệm vụ di tản khỏi Afghanistan (Ảnh: AFP).
Theo Drive , trong dàn máy bay mà Mỹ phá hủy rồi bỏ lại sân bay Kabul, có những khí tài như máy bay tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano, máy bay vận tải C-130H Hercules, trực thăng UH-60 Black Hawk...
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan hôm 15/8, Mỹ đã điều động 6.000 quân nhân thực hiện chiến dịch không vận quy mô lớn, đưa hơn 120.000 người rời Kabul. Đêm 30/8, máy bay vận tải C-17 cuối cùng đã cất cánh rời khỏi Afghanistan, chính thức khép lại việc Mỹ hiện diện quân sự ở quốc gia Trung Nam Á trong 2 thập niên.
Đông Nam Á cảnh giác sau vụ đánh bom sân bay Kabul Lực lượng an ninh nhiều nước Đông Nam Á đề phòng cao độ nguy cơ khủng bố từ các nhóm phiến quân sau vụ đánh bom sân bay Kabul. Vụ đánh bom bên ngoài sân bay Hamid Karzai tại thủ đô Afghanistan ngày 26/8 khiến hơn 170 người, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo...