Khoảng trống an sinh xã hội của người gom rác
Công việc vất vả, mỗi ngày phải làm từ 8-10 tiếng, môi trường làm việc độc hại, ô nhiễm… nhưng những lao động làm nghề thu gom rác chỉ nhận được những đồng lương hay thu nhập không đủ sống.
Nghề của người nghèo
Chị Nguyễn Thi Minh (38 tuổi, ở thôn 5 xã Hoằng Đồng, Hoằng Hoá, Thanh Hoá) là một trong những lao động làm nghề thu gom rác. Công việc chính của chị là làm ruộng, vì thuộc hộ nghèo nên được thôn “chiếu cố” cho nhận thêm nghề thu gom rác để kiếm thêm thu nhập.
Lao động thu gom rác luôn đối mặt với nhiều rủi ro, bệnh tật (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
“Các đơn vị chức năng cần tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tiếp cận an sinh xã hội và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho lao động thu gom rác”. Bà Nguyễn Minh Châu
Công việc không quá nhiều vì mỗi tháng chị chỉ làm 8 ngày, nhưng lại rất vất vả vì khối lượng công việc nhiều. Thôn có hơn 500 hộ, nếu cứ vài ba ngày mới đi gom rác một lần thì mỗi nhà phải 2-3 tải nặng… Vất vả, chịu ảnh hưởng ô nhiễm nhưng chị được nhận mức thù lao rất thấp, ngoài ra không có bất cứ hợp đồng công việc hay được đóng BHXH, BHYT. Khi ốm đau chị phải tự đi chữa bệnh.
“Nhiều hôm tôi phải hộc tốc chạy theo xe công nông bốc rác mà về tới nhà mệt, đau lưng, đau đầu, có hôm còn trầy xước chân tay và không ăn uống được gì. Những lúc như vậy chỉ muốn bỏ làm, nhưng bỏ làm thì lấy đâu ra tiền để chi tiêu, nên vẫn phải cố” – chị Minh nói.
Theo chị Minh, mỗi ngày làm công việc gom, bốc rác, chị được trả 200.000 đồng. Tính ra, một tháng làm 8 buổi chị được nhận khoảng 1,6 triệu đồng. “Lương thấp, tôi không được nhận bất cứ chế độ gì. Thêm vào đó, có ngày rác thải nhiều, tôi làm từ 6 giờ sáng tới 7-8 giờ tối mới xong” – chị Minh chia sẻ.
Cùng chung nỗi niềm, anh Nguyễn Văn Phương ở thôn 7 xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hoá) làm công việc thu gom rác cũng cảm thấy mệt mỏi: “Công việc vất vả, nhưng ở quê không có việc gì làm nên mình tranh thủ làm thôi. Chỉ mong tới đây cơ quan chức năng cần xem xét lại để ký hợp đồng lao động, tính toán lại lương bổng, chế độ BHXH cho anh em tôi chứ thế này mãi thì buồn lắm”.
Lương thấp, bệnh tật nhiều
Video đang HOT
Trong một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) đã phối hợp Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện về vấn đề “An sinh xã hội và an toàn vệ sinh lao động của người thu gom rác dân lập ở TP.HCM”, cũng cho thấy những câu chuyện tương đồng như chị Minh, anh Phương.
Nghiên cứu chỉ ra, những người trực tiếp thu gom rác dân lập mỗi ngày làm việc trung bình hơn 9 giờ, không có ngày nghỉ, với thu nhập khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. Họ thường mắc các bệnh như: Khớp, sốt xuất huyết, cảm cúm, viêm phổi/phế quản và các bệnh về da liễu do làm việc trong môi trường độc hại. Thêm vào đó, điều kiện làm việc khắc nghiệt, môi trường thiếu vệ sinh, an toàn khiến họ đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động.
Theo nghiên cứu, hơn 60% lượng rác sinh hoạt ở TP.HCM được thu gom bởi lực lượng thu gom rác dân lập với 5 loại hình gồm: Tổ lấy rác dân lập, nghiệp đoàn, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã vệ sinh môi trường và những người hoạt động tự do. Trong số 428 người được phỏng vấn, có gần 62% là người nhập cư đến từ các tỉnh Nam Bộ. Họ phải làm việc rất nặng nhọc, trong môi trường độc hại, thu nhập thấp… Trong số này chỉ có 13,7% cho biết có đi khám tổng quát hàng năm. Đặc biệt những người làm việc dưới 10 năm thường ít quan tâm về sức khỏe.
Có tới 75% người làm công không có BHYT, không tham gia bảo hiểm xã hội, không mua bảo hiểm tai nạn lao động vì không có tiền, không biết cách mua và không có hộ khẩu, tạm trú tại TP.HCM. Mặc dù những người tham gia loại hình lao động này có nhận thức tốt về trang bị bảo hộ lao động, như đi ủng, đeo bao tay, khẩu trang trong quá trình thu gom, nhưng vẫn có tới 94,6% bị chảy máu tay chân ở mức độ thường xuyên, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, bà Nguyễn Minh Châu – Trưởng nhóm nghiên cứu, đưa ra 4 kiến nghị để nâng cao năng lực, nhận thức của người thu gom rác về các vấn đề an toàn, vệ sinh lao động như: Chuyển đổi mô hình hoạt động thu gom rác dân lập từ cá nhân sang các pháp nhân như hợp tác xã, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiến hành nâng cao chất lượng cuộc sống người thu gom rác qua việc tăng mức phí thu gom rác thải sinh hoạt.
Theo Danviet
Người đàn ông 40 năm gom rác, cứu người trên đường Sài Gòn
Với chiếc xe máy cà tàng, lỉnh kỉnh tủ thuốc, bình cứu hỏa, ông Tống Văn Thơm vừa thu gom rác, vừa sơ cứu những người bị nạn trên đường.
6h mỗi ngày, ông Tống Văn Thơm (68 tuổi) rời căn nhà ở quận 12 lên quận 5 để bắt đầu công việc ở Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5. Sau khi đồ đạc trên xe được nai nịt gọn gàng, ông thong dong khắp các tuyến đường để quan sát, giúp đỡ những người đi đường.
Ông cùng đồng nghiệp bắt tay thu gom rác trên đường Phan Văn Trị (quận 5) lúc 9h30. "Sau giải phóng, thấy đường sá, khu dân cư chỗ nào cũng ngập rác nên năm 1978 tôi mua xe bò và bắt tay thu gom rác với tiền công 50 xu một hộ", ông chia sẻ.
Cũng theo ông, công việc mới đầu chỉ trên đường Phan Văn Trị, sau đó ông đã về quê Bến Tre rủ thêm những người không có việc lên thành phố cùng làm. Năm 2003, ông làm việc với cơ quan chức năng và thành lập Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5 với 174 người, do ông làm Chủ tịch. Công việc của Nghiệp đoàn là thu gom rác hàng ngày, với mức lương hơn 5 triệu đồng mỗi người một tháng.
Như một thói quen, thu gom rác xong, ông lại tất bật chạy xe đến các nút giao thông của thành phố như vòng xoay Ngã Bảy, Phù Đổng, Công trường Dân chủ... để quan sát, giúp người đi đường. Trên xe của ông còn có hai bình cứu hỏa, được cảnh sát thành phố tặng để chữa cháy dọc đường.
"Nhiều người nói tôi khùng, tôi bảo nếu khùng mà làm được việc, giúp được người, được đời thì còn hơn là bình thường", người đàn ông quê Bến Tre tâm sự.
Ông cho biết, ba năm trước khi bị tai nạn trong rừng, không có ai giúp nên ông nảy ra ý nghĩ tái chế chiếc Honda của mình thành xe cứu thương để giúp người bị nạn.
Tại góc đường Võ Thị Sáu (quận 3), đông đúc xe cộ, ông xuống đường hướng dẫn người dân đi lại, đồng thời khuyên mọi người không đi lên vỉa hè đang bị hư hỏng để tránh vấp, ngã xe.
"Tôi nhớ nhất là một lần sơ cứu cho một bác sĩ bị bong gân vì đụng xe ba gác. Bác sĩ bảo tôi chở đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và khi chúng tôi tới, tất cả bác sĩ, y tá đều ngạc nhiên vì lần đầu họ thấy chiếc xe cứu thương hai bánh chở bác sĩ của họ. Sau đó, ông bác sĩ ấy đưa cho tôi danh thiếp và dặn khi nào cần thuốc cứ đến bệnh viện lấy. Từ đó tôi có tủ thuốc di động này, cho đến khi ông ấy về hưu hai năm trước", ông kể.
Ông lắng nghe và hướng dẫn một đôi vợ chồng tìm đường tại vòng xoay Dân chủ.
"Tôi biết ông ấy đã 26 năm rồi. Ổng tốt bụng, nhiệt tình, khảng khái lắm. Nhiều lúc chỉ ước, giá xã hội mình có cả chục người như ông ấy thì còn lo gì trộm cướp, người bị nạn cũng đỡ khổ", chị Phượng, bán hàng trên đường Lê Hồng Phong (quận 10), chia sẻ.
"Thật sự, ngày nào ra đường không thấy người bị tai nạn là tôi mừng. Ai mà chẳng muốn khỏe mạnh, an lành, đâu muốn bị bệnh tật, tai nạn", ông Chủ tịch Nghiệp đoàn thu gom rác trầm ngâm, vừa nhìn dòng xe cộ lưu thông tại vòng xoay Ngã Bảy (quận 10).
Từ 16h trở đi, ông ở nhà dành thời gian tái chế những phế liệu. Căn nhà nhỏ hai tầng là nơi chứa hơn 2.000 sản phẩm như đèn thần kỳ, chiếc thùng biết hát, quạt trần hình nụ hoa... cùng hàng chục bằng khen, giấy khen bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, ông cũng có thú vui là bầu bạn với chú vẹt. "Tôi đặt tên là con Heo, bạn đường của tôi hàng ngày. Nó là món quà của một đứa cháu nuôi gửi tặng từ Đức. Cách đây hơn 10 năm, cháu không có điều kiện đi du học nên tôi giúp nó bằng một chỉ vàng. Qua nước ngoài một thời gian thì nó mua tặng con vẹt này cho tôi", ông cho biết.
Chiếc mũ được ông tái chế có thể vừa đội, vừa nghe nhạc. "Mọi người hay gọi tôi là "Tam thập lục", tức 36 nghề nhưng thực sự tôi mới chỉ học hết lớp 3 thôi. May mắn là tôi được học trường Bá nghệ Việt-Pháp thời xưa nên cái gì cũng biết chút chút", ông chia sẻ.
Từ những loại phế liệu khác nhau, ông tái chế thành các loại nhạc cụ, đồ dùng tiện lợi như đồng hồ, điện thoại, đèn ngủ... "Người ta cứ nói rác là thứ vứt đi nhưng với tôi, mình phải làm cho nó sống lại", ông nói và cho biết khối tài sản ve chai của mình trị giá hàng tỷ đồng.
Ông quây quần cùng vợ - bà Nguyễn Ngọc Đào, cũng là một lao công quét rác.
"Ba đứa con gái của tôi lúc nào cũng kêu ba ở nhà cho khỏe, đừng đi làm nữa. Nhưng với tôi làm riết nên quen rồi, giờ ở nhà là cơ thể xuống cấp ngay. Mình còn khỏe thì tiếp tục làm việc", ông giãi bày.
Theo Thành Nguyễn/VnExpress.net
Thu gom rác ngưng trệ vì dân chặn xe vào bãi Hàng trăm người dân dùng chướng ngại vật ngăn cản không cho xe chở rác vào nhà máy khiến hoạt động thu gom rác bị ngưng trệ. Hiển Cừ Từ ngày 29.7 đến nay, sau khi nghe thông tin chuyển rác thải ùn ứ từ TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) vào Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ (xã Phổ...