Khoáng sản vượt biển “chảy” sang Trung Quốc: Lợi mình hại nước
Theo ước tính của Cục Phòng chống tội phạm (PCTP) ma túy – Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, mỗi năm có hàng triệu tấn quặng sắt, ti-tan, cromits, mangan, có giá trị kinh tế rất lớn từ Việt Nam được xuất lậu sang Trung Quốc qua đường biển với thủ đoạn tinh vi.
Bộ đội biên phòng kiểm tra tàu vận chuyển khoáng sản ở Quảng Ninh
Tiểu xảo qua mắt chính quyền
Đại diện Cục PCTP ma túy – Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết: Tình hình các loại tội phạm thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực biên giới, đặc biệt là vùng biển. Hàng hóa qua tuyến đường này chủ yếu là khoáng sản, được xuất lậu đi Trung Quốc; còn xăng dầu đi Thái Lan, Campuchia, trong đó nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép quặng từ các tỉnh miền Trung Việt Nam sang Trung Quốc tiêu thụ, với giá trị đặc biệt lớn.
Liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, đầu năm 2012 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị, yêu cầu dừng hoàn toàn hoặc không xuất khẩu 9 loại khoáng sản là nguyên liệu phục vụ nhiều ngành công nghiệp trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp, tập đoàn phải dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt; không được xuất khẩu quặng và tinh quặng chì – kẽm, tinh quặng cromit, quặng mangan, quặng vàng, đồng, quặng đất hiếm… Tuy nhiên, do sự chênh lệch về giá thu mua, như quặng ti-tan trên thị trường Việt Nam là 3,5 triệu đồng/tấn, còn Trung Quốc là 9 triệu đồng/tấn; quặng sắt ở Việt Nam 2 triệu đồng/tấn, bán ở Trung Quốc 2,8 triệu đồng/tấn nên nhiều đường dây, ổ nhóm núp dưới danh nghĩa các “doanh nghiệp” vẫn cố tìm các phương thức, thủ đoạn tinh vi khai thác.
Không được phép thăm dò, khai thác mới đối với quặng ti-tan sa khoáng, các đối tượng buôn lậu đang chuyển sang dùng tiểu xảo lập mới các doanh nghiệp, xin UBND các địa phương ra quyết định cấp đất, cấp phép triển khai các dự án kinh tế. Mảnh đất mà các “doanh nghiệp” này “xin”, thực chất đã được các đối tượng buôn lậu thuê chuyên gia địa chất, đưa máy móc đến thăm dò trữ lượng, đánh giá nguồn tài nguyên từ trước đó. Trong quá trình triển khai dự án, những doanh nghiệp này sẽ tung tin “tình cờ” phát hiện trữ lượng quặng ti-tan trên thửa đất được giao. Chuẩn bị hồ sơ bổ sung, trình các ngành địa phương “xin” thêm chức năng thu gom, tận thu quặng ti-tan, để hợp thức hóa việc thăm dò khai thác khoáng sản là việc làm các “doanh nghiệp” này đã chuẩn bị trước. “Ngoài việc tự khai thác, với thủ đoạn này, chúng tôi ghi nhận có doanh nghiệp cho tư thương Trung Quốc đầu tư vào hoạt động khai thác quặng” – đại diện cục chức năng cho biết.
Móc ngoặc để vượt biên bán than
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng: Những tháng gần đây, thời tiết trên biển đang diễn biến phức tạp. Với đường bờ biển dài, đối tượng buôn lậu khoáng sản biết tàu của lực lượng tuần tra không neo đậu được ngoài khơi thường xuyên, nên đang tăng cường các hoạt động vận chuyển than, khoáng sản. Dân buôn lậu trên biển sẵn sàng “độ” thêm máy, nâng công suất tàu, cùng lúc cho nhiều chiếc xuất phát… để đánh lạc hướng lực lượng làm nhiệm vụ. Điển hình như vụ Đội Tuần tra kiểm soát – Bộ đội biên phòng Quảng Ninh chặn bắt tàu HP 1219, có 11 thuyền viên do Tô Văn Đức làm thuyền trưởng, chở 1.800 tấn than cám phụ phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ người, phương tiện và hàng hóa không có giấy tờ. Theo lời khai của thuyền trưởng tàu HP 1219, tàu đang trên đường chở than từ Cẩm Phả (Quảng Ninh), vượt biên sang Trung Quốc tiêu thụ thì bị bắt. Hiện vụ việc đang được lực lượng Bộ đội biên phòng, phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra.
Để đối phó với sự kiểm tra gắt gao của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu quặng trên biển còn đua nhau thành lập các “công ty ma”, không khai báo thuế, thuê những đối tượng hình sự, ma túy làm giám đốc để ký kết các hợp đồng khống. Thủ đoạn “lách luật” của các công ty này, là dùng hợp đồng mua bán của một doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp khác, đã hết hạn sử dụng. Mặc dù tàu vận chuyển than sang Trung Quốc, nhưng trên hợp đồng vận chuyển của doanh nghiệp bán hàng lại ghi vận chuyển than đến một cảng nào đó ở Việt Nam.
Dẫn chứng vụ Đồn biên phòng Hải Phòng kiểm tra tàu Phú Hưng 03, do Lê Văn Bài (SN 1964) làm thuyền trưởng, đại diện cục chức năng cho hay: Qua trinh sát cho thấy, trong giấy phép rời cảng Quy Nhơn (Bình Định) về Hải Phòng, Tàu Phú Hưng 03 sẽ mang theo 3.000 tấn quặng Ti-tan. Tuy nhiên, ngày 20-4 vừa qua, quá trình “đón” tàu ở Cảng cá Hạ Long, TP Hải Phòng, lực lượng chức năng phát hiện tàu cập cảng… rỗng ruột. Tập trung đấu tranh với thuyền trưởng, ông này khai, sau khi nhận lệnh của chủ tàu, chở quặng cho Công ty Ánh Vy (tên đã viết tắt), về Hải Phòng, giao cho Công ty An Khánh – trụ sở ở Thái Nguyên, Bài đến nhận quặng tại Cảng Quy Nhơn. Nhận hàng xong cũng là lúc ông này nhận điện thoại từ chủ tàu, chủ hàng, lệnh chuyển số quặng ti-tan trên sang Trung Quốc.
Sau khi vượt biên đến cảng Phòng Thành (Trung Quốc) bốc dỡ quặng, trở về Việt Nam, tàu Phú Hưng 03 bị kiểm tra, phát hiện. Điểm chú ý trong vụ việc này chính là, dù Công ty An Khánh đã ký hợp đồng, chuyển tiền mua bán 3.000 tấn quặng ti-tan thô đối với Công ty Ánh Vy, thuê tàu Phú Hưng 03 vận chuyển, nhưng Công ty Ánh Vy vẫn cố tình cấu kết với chủ tàu, chở quặng vượt biên sang Trung Quốc bán. Có hay không việc móc ngoặc giữa các doanh nghiệp, chủ tàu để xuất lậu than là câu hỏi cần làm sáng tỏ? Trao đổi với PV ANTĐ, đại diện Cục PCTP về ma túy cho hay, trước dấu hiệu của hành vi: “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã bàn giao vụ việc trên cho lực lượng công an điều tra, làm rõ.
Nhận diện các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn lậu khoáng sản, thời gian qua, lực lượng Bộ đội biên phòng đã chủ động phối hợp với Tổng cục Hải quan khảo sát các tuyến, địa bàn trọng điểm để tập trung đấu tranh, ngăn chặn. Nhưng để hạn chế tình trạng này, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho rằng: Bên cạnh triển khai lực lượng đấu tranh trên biển, việc chống thông đồng, móc ngoặc đưa than từ trong các bến, bãi tập kết lên tàu buôn lậu, ký kết “hợp đồng ma” vận chuyển than… cần được các lực lượng trên bộ đưa vào “tầm ngắm”, tập trung xác minh, giải quyết triệt để.
Theo ANTD