“Khoán” định mức chiếu chụp trong BV: Ranh giới mong manh
Việc cho tư nhân đầu tư máy móc y tế tại các BV công theo chủ trương xã hội hóa y tế trong những năm qua, bên cạnh mặt tích cực thì những hạn chế cũng đang bộc lộ rõ nét. TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương trao đổi với chúng tôi về lĩnh vực này.
Tại nhiều BV, dịch vụ chụp CT-Scanner bị lạm dụng khá phổ biến (ảnh minh họa)
Video đang HOT
- PV: Qua nghiên cứu ông đánh giá thế nào về thực trạng “khoán” chiếu chụp tại các bệnh viện?
- TS.BS Vũ Xuân Phú: Mục đích của xã hội hóa phải là chia sẻ khó khăn cho BV và người bệnh trên cơ sở đảm bảo lợi ích cả 3 bên (doanh nghiệp – BV – người bệnh). Phải thấy rằng các doanh nghiệp đầu tư máy móc vào BV đều vì lợi nhuận, thời gian đầu họ đòi BV phải thỏa thuận ăn chia theo tỷ lệ lãi suất từ sử dụng máy móc xã hội hóa là 70-30, hiện nay là 60-40. Nếu người quản lý BV không có năng lực tốt, không chặt chẽ việc khống chế lạm dụng dịch vụ thì sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp thoải mái kiếm tiền trên lưng người bệnh. Thực tế ngay trong nội bộ y bác sĩ cũng có tình trạng lạm dụng chỉ định chiếu chụp nhằm hưởng “hoa hồng” của doanh nghiệp, tiếp tay cho doanh nghiệp móc túi người bệnh.
Đề tài nghiên cứu “Một số vấn đề trong công tác liên kết đặt máy chụp CT-scanner tại một số BV ở phía Bắc của một công ty cổ phần cho thuê thiết bị y tế Việt Nam”, tôi và cộng sự thực hiện tại 3 BV tuyến tỉnh gồm BV Phố Nối (Hưng Yên), BV Gang Thép (Thái Nguyên) và BV Bắc Kạn. Tại 3 BV này, doanh số kỳ vọng khi xây dựng dự án liên doanh, liên kết trung bình là 1.500 ca chụp CT-Scanner trong 1 năm. Qua thực tế triển khai, BV Phố Nối vượt “chỉ tiêu” 118%, BV Gang Thép đạt 85% và BV Bắc Kạn đạt 82%. Hiệu quả phát hiện vấn đề của bệnh nhân được chỉ định chụp CT từ các máy xã hội hóa đạt rất thấp, khoảng 30-41%. Qua nghiên cứu tại 3 BV, 2/3 máy móc CT liên doanh liên kết là do Trung Quốc sản xuất, máy còn lại do Nhật Bản sản xuất nhưng không phải máy mới… Tuy nhiên, do cỡ mẫu của nghiên cứu này nhỏ nên không phản ánh bức tranh toàn cảnh về xã hội hóa trong ngành y tế hiện nay.
- PV: Ông có cho rằng việc “khoán” sẽ khiến các BV chịu áp lực, thúc đẩy nhiều tiêu cực?
- Trước hết phải nói rằng định mức doanh số kỳ vọng chính là số liệu mà BV ước lượng ra, trên cơ sở nhu cầu sử dụng máy móc đó tại chính BV trong một thời gian. Tất nhiên cả BV lẫn nhà đầu tư máy móc đều muốn phấn đấu để đạt được doanh số kỳ vọng nhưng điều này khác về bản chất so với việc “khoán” chỉ tiêu, bắt buộc phải đạt được chỉ tiêu đó. Nếu liên doanh, liên kết với tư nhân đầu tư máy móc vào BV mà “khoán”, giao chỉ tiêu định mức như vậy thì không được phép bởi chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng chỉ định tràn lan.
Hơn nữa, sự mập mờ trong cơ chế bệnh tật cũng là lý do để y bác sĩ có thể lạm dụng chỉ định mà người bệnh buộc phải chấp nhận. Ví dụ, một bệnh nhân bị đau bụng thông thường, vào viện bác sĩ yêu cầu phải chụp CT ổ bụng. Lúc này nói bác sĩ lạm dụng chiếu chụp cũng đúng vì nếu dựa trên lâm sàng, bằng kinh nghiệm có thể không cần thiết cho chiếu chụp vẫn chẩn đoán được (chẳng hạn đau bụng do ngộ độc thức ăn…). Ngược lại, nói không lạm dụng cũng đúng bởi cơ chế bệnh liên quan đến nhau và diễn biến nhanh, biết đâu khi chiếu chụp lại cho ra kết quả khác mà bác sĩ đang nghi ngờ tới, còn nếu không ra thì càng… yên tâm hơn.
- PV: Trong chính nghiên cứu của ông, hiệu quả từ việc sử dụng máy móc xã hội hóa được chỉ ra là rất thấp, chỉ 30-41%. Phải chăng hơn 60% còn lại được bác sĩ chỉ định làm vì muốn… yên tâm hơn?
- Hiệu quả chẩn đoán, chiếu chụp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể do y lệnh của bác sĩ lâm sàng không chuẩn mực, đưa ra những chỉ định không thật sự cần thiết (lạm dụng chiếu chụp) nên không thu hiệu quả, có thể do chất lượng máy móc kém và cũng có thể do chuyên môn của bác sĩ không cao, thậm chí khả năng đọc hình ảnh không chuẩn… Vì vậy không thể dựa vào số liệu này để quy kết tình trạng lạm dụng chỉ định chiếu chụp, chẩn đoán hình ảnh trong các BV là tràn lan. Dẫu vậy, tỷ lệ số ca chiếu chụp có hiệu quả thấp rõ ràng là… có vấn đề. Ở đây, ranh giới giữa lạm dụng hay không lạm dụng là rất mong manh.
Để khắc phục được tình trạng này, tôi cho rằng với các BV tuyến huyện, tỉnh phải căn cứ đến chất lượng của BV, khả năng của y bác sĩ, nhu cầu của nhân dân tại địa phương… chứ không phải đầu tư tràn lan không kiểm soát được.
- PV: Cảm ơn ông!
Theo ANTD
Tai họa từ "trên trời rơi xuống" (2): Lạm dụng kỹ thuật cao
Mặc dù sự thiếu thống nhất hay lạm dụng trong chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm đã gây thiệt hại không nhỏ về tiền bạc và thời gian của bệnh nhân, song đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài chấn chỉnh tình trạng này.
Những máy chụp X-quang quá cũ tác động tiêu cực đến sức khỏe người bệnh
(ảnh minh họa)
Những phòng chụp không an toàn
Điều đáng nói là theo quy định, máy X-quang chỉ được sử dụng từ 7-10 năm nhưng rất nhiều máy chụp tại những phòng khám tư dù có tuổi thọ đến 15 năm nhưng vẫn được sử dụng. Quanh các khu vực gần bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện 103, bệnh viện Việt Đức... điểm dễ nhận thấy là có hàng chục phòng khám đa khoa tư nhân có dịch vụ chụp X-quang với bảng quảng cáo hấp dẫn: "Phòng chụp X-quang chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng, chính xác, đội ngũ nhân viên ân cần phục vụ mọi đối tượng".
Bên cạnh vài cơ sở đạt tiêu chuẩn về diện tích đối với phòng chụp X-quang thì còn khá nhiều phòng chụp nằm chung với phòng xét nghiệm, phòng thuốc, có diện tích chật chội, cửa ra vào không được áp dụng các biện pháp chắn tia X, không có thiết bị quan sát bệnh nhân, không có đèn, tín hiệu cảnh báo... Khi được hỏi về lý do chụp X-quang phổi ở phòng khám tư nhân gần bệnh viện 103, ông Lê Văn Đô (ở thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: "Chụp trong bệnh viện phải đến sớm xếp hàng rồi ngồi chờ rất mất thời gian. Do việc đi lại khó khăn nên tôi đành ra ngoài chụp, mất tiền hơn một tí nhưng nhanh. Tôi cũng chẳng biết tia xạ, tia X là gì, độc hại đến đâu. Nghe bác sỹ nói cần chụp là chụp thôi".
Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội, tình trạng vi phạm an toàn và kiểm soát bức xạ đang diễn ra phổ biến trong các bệnh viện và cơ sở y tế có lắp đặt và sử dụng máy chiếu chụp X-quang. Đó là những cơ sở hoạt động không có giấy phép, phòng đặt máy chiếu chụp không bảo đảm diện tích, buồng chụp không bảo đảm an toàn để lọt tia bức xạ... Ngoài ra, nước thải của các phòng khám tư nhân, đặc biệt là nước rửa phim X-quang có chứa các hóa chất rất độc hại. Theo quy định, hoá chất này phải đưa vào bồn dung dịch trung hòa để bớt độc tính trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, tại hầu hết những phòng khám tư, nước rửa phim X-quang và các loại nước thải y tế thường được xả thẳng ra cống thoát nước mà không qua công đoạn xử lý nào.
Nguyên nhân gây "loạn" chụp chiếu
Tình trạng các trang thiết bị dùng để xét nghiệm, chiếu chụp ở nhiều bệnh viện, phòng khám khác nhau thiếu đồng bộ là lý do khiến bệnh viện này không công nhận kết quả của phòng khám khác. Hơn nữa, tại nhiều cơ sở y tế, do trình độ của nhân viên y tế còn hạn chế nên việc đọc kết quả xét nghiệm, chiếu chụp nhiều khi không chuẩn xác. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế trong vài năm trở lại đây, hoạt động chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng tại các bệnh viện đã không ngừng tăng lên với hàng triệu lượt chụp CT, X-quang. Nguyên nhân không chỉ do chưa có quy chuẩn về xét nghiệm, chẩn đoán, việc lạm dụng xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, X-quang... mà còn có một số bệnh viện vì lợi nhuận đã tìm mọi cách để lấy tiền từ Quỹ Bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, do chi phí của việc mua máy móc, trang thiết bị kỹ thuật cao là khá lớn nên các bệnh viện thường tìm mọi cách để thu hồi vốn nhanh. Muốn vậy, họ phải chỉ định bệnh nhân sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao dù trong một số trường hợp không cần thiết. Hơn nữa, sự quá tải ở các bệnh viện, chi phí trả cho một lần khám bệnh thấp khiến không ít bác sỹ chán nản, phó thác và phụ thuộc vào máy móc.
Hậu quả lâu dài
Một đại diện của Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, tia X khi bị rò rỉ ra ngoài có thể gây nguy hiểm cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Điều đáng lo ngại là tác hại của tia X trong phòng chụp X-quang không đạt chuẩn đối với sức khỏe con người diễn ra từ từ nên rất khó nhận biết. Khi bị nhiễm tia X, người bệnh có thể bị ung thư, đột biến gene, suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng... Do vậy, để đảm bảo sức khỏe của mình, người dân cần đến những cơ sở chụp, chiếu có uy tín, đảm bảo chất lượng. Còn theo Tiến sỹ John J. Feldmeier, bác sỹ chuyên khoa ung thư tại Đại học Toledo, Mỹ - người đứng đầu nhóm chuyên điều trị cho thương tổn sau xạ trị, cứ 1/20 bệnh nhân dùng xạ trị sẽ bị tổn thương. Tuy thế, xác định tổn thương do dùng tia xạ rất khó. Đối với người chụp CT, khi ở mức thích hợp, việc chụp cắt lớp não cũng cần đến một lượng bức xạ tương đương khoảng 200 tia X chiếu vào bộ não. Nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn đặt ra bao nhiêu bức xạ là quá nhiều. Do chưa có cơ quan độc lập nào kiểm soát và giải quyết các vụ việc về bức xạ y tế nên khi có sự cố xảy ra chỉ bệnh nhân là người chịu thiệt.
Lợi ích to lớn của kỹ thuật cao trong y tế là điều không thể phủ nhận. Song, việc lạm dụng các dịch vụ này là biểu hiện về sự suy giảm y đức của một số bác sĩ. Hậu quả, có hàng trăm bệnh nhân phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để có tiền chi trả cho những dịch vụ chiếu chụp dù không cần thiết và mất thời gian để chờ đợi hàng chục kết quả chụp chiếu có chung một đáp án...
Lạm dụng chụp chiếu, để lại những di chứng nguy hiểm
Các bác sỹ ngày càng có xu hướng lạm dụng việc chiếu, chụp phóng xạ để chẩn đoán bệnh, từ chụp X-quang xương đến chụp cộng hưởng từ. Mặc dù các chiếu chụp này cần thiết và có giá trị chẩn đoán bệnh cao, song các nghiên cứu của IAEA cho thấy việc lạm dụng chiếu chụp bằng phóng xạ để lại những di chứng nguy hiểm đối với con người. Ngay cả ở các nước phát triển có trình độ y tế cao, hơn 20% số ca bệnh được chỉ định chiếu chụp có thể là không cần thiết. Nhiều bác sỹ đã không hiểu đúng về các hiểm họa của việc lạm dụng phóng xạ, khi việc này có hại nhiều hơn có lợi đối với sức khỏe người bệnh. Chỉ khi nào thực sự cần thiết mới nên chỉ định chụp chiếu. Các nghiên cứu y học hạt nhân mới đây cho biết, cùng với sự gia tăng của việc lạm dụng phóng xạ trong y tế, tỷ lệ bệnh nhân ung thư liên quan đến việc chiếu chụp cũng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Theo ANTD
Tai họa từ "trên trời rơi xuống" (1): Bỗng dưng bị ung thư Hiện nay, tình trạng "loạn" chụp Xquang, chụp cắt lớp diễn ra khá phổ biến không chỉ tại các phòng khám tư mà còn ở một số bệnh viện. Tuy vậy, đối với không ít người bệnh, chuyện mỗi nơi đưa kết quả một kiểu đã khiến họ lâm vào cảnh khốn khổ. Mất ngủ vì u hão Bà Phan Thị Hạnh, 80...