Khoái khẩu thiên đường ăn vặt khu công viên Gia Định
Bên cạnh công viên Gia Định, cứ chiều đến là nhộn nhịp người qua lại. Ở đó tập trung đủ món khoái khẩu của phái nữ: mực nướng, trái cây, dừa tắc, cá viên chiên, bắp xào, bánh tráng trộn…
Ngay bãi giữ xe của công viên Gia Định (Gò Vấp), đi ra khoảng 3 bước là bạn sẽ nhìn thấy ngay những chiếc xe đẩy san sát nhau với các biển hiệu trắng chữ đỏ sáng trưng dọc con đường Hoàng Minh Giám.
Hai bên đường là các xe đẩy bán đủ loại đồ ăn vặt
Đến đây có rất nhiều thành phần khác nhau: từ sinh viên, học sinh cho đến người đã đi làm. Nhiều người đi tập thể dục cũng rẽ qua làm một ly dừa tắc hay đĩa trái cây trước khi về nhà. Các cặp đôi sau khi dạo chơi ở công viên cũng thường ra đây uống nước nói chuyện. Hoặc có khi nhóm đông người mua đồ ăn tại đây rồi mang vào công viên chơi trò chơi, ăn uống, ca hát với nhau.
Không gian khoáng đạt, trong lành ở ngoài trời khiến mọi người đều cảm thấy thoải mái. Vì hạn chế về diện tích và tính cơ động nên các hàng ở đây lấy ghế làm bàn luôn. Dù vậy, không khách nào cảm thấy phiền vì điều này.
“Quỳnh thích chỗ này lắm, thỉnh thoảng lại rủ bạn ra chơi, nói chuyện to tiếng chút hay cười thả phanh cũng không vấn đề gì. Mà nhiều đồ ăn, còn gần nhau nữa chứ, ngồi một chỗ mà gọi được quá trời món. Thêm nữa là giá bình dân.” – Quỳnh, nhân viên thiết kế, chia sẻ.
Những thông tin an toàn vệ sinh thực phẩm, những cảnh báo về mối nguy của món ăn được chế biến không tuân theo quy trình an toàn sức khỏe… từ đồ ăn vỉa hè thì ai cũng biết. Những người trưởng thành, đã đi làm hay nội trợ lại càng rõ, nhưng khó ai mà cưỡng lại được sức hấp dẫn mà nó đem lại. Chính vì thế, khu vực này lúc nào cũng rộn rã, tấp nập.
Video đang HOT
Có thể tìm thấy đủ món, từ trái cây…
… dừa tắc, các loại nước ngọt, nước sâm…
… cá viên chiên, mực, bạch tuộc, khoai nướng…
… cho đến hột vịt, hột cút lộn.
Nhiều bạn coi việc có mặt tại đây là một thói quen hay những kỷ niệm đã chia sẻ trên các trang web về địa điểm vui chơi Sài Gòn.
Nick Serenata trên web tho… nhớ lại: “Hồi cấp 3, hầu như chiều nào cũng ra đây với nhỏ bạn hết. Hồi lên đại học, có người yêu thì chiều nào mình với anh ấy cũng ra đấy, lãng mạn lắm. Đặc biệt ở đây bán nhiều đồ ăn, bánh tráng trộn, sương sa, bánh plan, mực nướng, dừa tươi…. ngon tuyệt cú mèo mà giá rẻ bèo.”
Còn thành viên Lunatran cho biết: “Hồi trước lúc được nghỉ học thường ra đây chạy bộ với bạn. Giờ thì không tập nữa nhưng hay tạt qua ăn hàng… nhiều món ăn vặt ngon và rẻ nữa.”
Thực ra, nói một cách công bằng thì các món ở đây không quá xuất sắc, nghĩa là kiểu ăn cũng được thôi chứ không ngon nức nở. Nhưng sự đa dạng khiến nhiều người lựa chọn đây là điểm đến, nhất là khi đi cùng nhóm bạn. Có nhiều món chỉ có thể tìm được ở đây chứ gần đó hiếm thấy như sương sa sương sáo, sâm lạnh…
Giá cả khá mềm và bán linh động là một điểm cộng nữa cho các hàng. Bạn có thể mua nửa suất bắp xào, ấn định độ lớn của dĩa trái cây bằng số tiền cụ thể: 10 ngàn, 20 ngàn… mà không gặp bất cứ sự khó chịu nào. Các chủ hàng đều khá niềm nở, dễ tính và phục vụ thì cực nhanh mặc dù hầu như hàng nào cũng chỉ có 1 người vừa bán, vừa phục vụ, vừa thu tiền.
Chị Bích, một khách hàng thường xuyên, nói: “Ở đây thì tất nhiên là ngoài đồ ăn chính ra chẳng có cái gì khác hết, không khăn giấy, không trà đá, không bàn, không menu… nhưng chính sự đơn giản ấy lại làm nên cái hay khiến chị thích. Dù đôi lúc hơi bất tiện như khi muốn đi toilet chẳng hạn, hay tay dính tương mà không biết lau vào đâu…”
Chủ hàng dễ tính và phục vụ nhanh thoăn thoắt
Các món trình bày không tinh tế hay hấp dẫn mà theo kiểu “có sao xài vậy”, tối giản mọi thứ rườm rà. Ly, muỗng, đĩa… đều bằng nhựa, không chắc chắn tí nào.
Nhiều khi đang vui vẻ tự dưng nghe tiếng thất thanh: “Ối”, “Á” ở đâu đó thì cũng không có gì ngạc nhiên vì chắc là người đó vừa ngồi phải ghế gãy hay đặt đồ ăn lên chiếc ghế cập kênh.
Tạm không đặt nặng những yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm (mà bất cứ quán xá vỉa hè nào cũng có thể mắc phải) thì rõ ràng khu hàng xe đẩy này có bản sắc riêng. Chính điều đó thu hút lượng đông đảo các khách hàng thường xuyên ghé thăm. Đến để không chỉ thưởng thức các món ăn vặt mà còn tận hưởng không khí riêng thân thiện, giản đơn và thoải mái nơi đây.
Theo TTVN
Thích thú 5 món ăn vặt "lạ mà quen" tại Sài Gòn
Trong vô vàn những món ăn ngon ở Sài Gòn, bạn vẫn có thể bắt gặp những món ăn vặt tưởng chừng rất quen thuộc nhưng vẫn không kém phần thú vị.
Ẩm thực Sài thành vô cùng phong phú và đa dạng. Đến thành phố này, bạn có thể tìm cho mình những góc riêng lãng mạn hay hòa cùng không khí sôi động chung quanh mình để tận hưởng được hết hương vị và vẻ đẹp của những món ăn đến từ nhiều địa phương, vùng miền, nền văn hóa khác nhau. Trong thế giới đa sắc đó, những món ăn vặt là một mảng màu không thể bỏ qua. Khách du lịch hay dân địa phương đều "mê mẩn" bởi những món ăn này.
Súp cua
Có nguồn gốc từ phương Tây nhưng súp cua đã nhanh chóng trở thành món ăn đường phố nổi tiếng của Sài Gòn. Một địa chỉ tham khảo cho bạn thưởng thức món ăn này là hàng súp cua Hạnh, số 402 Nguyễn Tri Phương, Q.10 và số 44 Nguyễn Thái Sơn, Q. Gò Vấp.
Súp cua ở Hạnh chỉ có một nguyên liệu là thịt cua lấy từ phần ngon nhất là càng và ngóe. Số lượng và kích thước cũng thuộc hạng "khủng" - vừa to, vừa tươi, vừa nhiều. Thêm một chút xì dầu, tương ớt, vừa thổi vừa ăn, mãi không chán.
"Chất" như thế nhưng giá mỗi chén súp chỉ 13.000 đồng. Quán cũng phục vụ các món khác vừa rất ngon và giá bình dân như 17.000 đồng một cánh gà nướng, 15.000 đồng một cặp chân gà nướng. Riêng các loại nước ép như cá rốt, dưa hấu, cà chua, thơm... chỉ có giá 10.000 đồng. Quán bán suốt cả ngày nên bạn có thể ghé vào bất cứ lúc nào. "Giờ cao điểm" của quán là từ 19h tới 21h.
Chuối chiên
Chuối chiên là món ăn vặt có mặt hầu như ở khắp các tỉnh của nước ta. Tại Sài Gòn, vào buổi sáng hay từ 14h chiều trở đi, không khó để tìm thấy món ăn vặt này tại các chợ, cổng trường, ngã tư.... Công thức chung của món ăn là chuối tẩm bột và cho vào chảo dầu chiên giòn. Đơn giản như vậy nhưng chiếc xe nhỏ bán chuối chiên, khoai lang chiên trong con hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ bán từ 14h - 17h hàng ngày nhưng tiêu thụ khoảng 20 nải chuối và hơn 20kg khoai lang và từ lúc dọn hàng đến lúc hết hàng, khách xếp thành hàng dài.
Bí quyết của cô bán hàng nằm ở nguyên liệu quan trọng thứ 2: bột. Không ai biết loại bột đó là gì, nêm nếm ra sao mà không những thơm, lại còn khá vừa miệng và ngon đến nỗi ngay cả những người ghét đồ chiên khi nhâm nhi chuối hay khoai lang chiên tại quán đều không kiềm được việc muốn nếm thêm miếng nữa, và ăn hết ngày này qua ngày khác vẫn thòm thèm.
Bánh tai yến
Với những người thích ăn quà vặt ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng biết đến bánh tai yến, nhưng hiện nay hình ảnh gánh hàng rong bán món bánh này đã thưa thớt dần. Bánh tai yến có nguồn gốc từ miền Tây, theo chân những người dân quê lên Sài Gòn lập nghiệp.
Sở dĩ, bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài của bánh giống như tổ chim yến. Bánh tai yến có công thức chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa.
Chiếc bánh tai yến đạt yêu cầu và làm người thưởng thức thấy ngon miệng là khi viền bánh giòn, chính giữa bánh mềm dai. Người ta thường ăn bánh tai yến ngay khi còn nóng để thưởng thức vị giòn ngọt của nó, kèm theo đó là ly trà nóng. Nhưng cũng có người để bánh nguội rồi mới thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát. Hiện nay, mỗi chiếc bánh tai yến có giá 5.000 đồng.
Cơm cháy chà bông
Sự dung hoà giữa cái giòn tan của miếng cơm cháy trắng tinh, mặn mà của chà bông, thơm thơm của những con ruốc đỏ au, thơm béo của hành phi, chua cay đậm đà của nước sốt khiến món cơm cháy chà bông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đi sâu vào lòng của những thực khách Sài Gòn cũng như những bạn trẻ yêu thích món ăn này.
Giá một hộp như thế là 30.000 đồng với thời hạn sử dụng là 2 ngày - còn nguyên độ giòn, nếu bảo quản trong tủ lạnh, có thể để đến 1 tuần nhưng cơm cháy không còn giòn như ban đầu. Hàng này cũng nhận cung ứng cơm cháy để mang ra nước ngoài hay các tỉnh khác. Mỗi lần như thế phải đặt trên 10 miếng, mỗi miếng giá 40.000 đồng.
Bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn là hỗn hợp của bánh tráng cùng với rất nhiều thứ gia vị như rau răm, xoài, quả tắc (quất), muối tôm, khô bò, sa tế, trứng cút, ruốc, đậu phộng... Đây là biến tấu của một món ăn dân dã vốn xuất phát từ Trảng Bàng - Tây Ninh.
Ban đầu người ta tận dụng những mẩu vụn được cắt ra từ những lò bánh tráng máy, trộn đều với chút dầu, hành phi, muối ớt và bột tôm để ăn trong gia đình. Dần dần, món ăn này trở nên quen thuộc với người địa phương và chẳng mấy chốc phổ biến ở nhiều nơi.
Bánh tráng trộn ngon được bán ở đường Hòa Hưng, từ 8 - 12h sáng, hẻm làng nướng Nam Bộ, khu vực chợ bến Thành, công viên Tao Đàn...
Theo TTVN
Chấm điểm 3 món quà vặt trứ danh ở hồ Con Rùa Ngoài món bắp xào bơ nổi tiếng khắp Sài Thành, bạn cũng không nên bỏ qua hai "tân binh" hồ lô nướng và bánh trứng cút khi thả bộ ở khu vực này. Tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn, địa danh hồ Con Rùa từ lâu là địa điểm thư giãn, gặp mặt của học sinh, sinh viên cũng như giới văn...