Khoác “chăn bông” ra đường: Rất dễ gây tai nạn!
Cán bộ Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, người dân mặc áo có chức năng chống rét, chắn gió giống như chiếc chăn bông khi điều khiển xe máy, xe đạp điện trên đường rất dễ gây tai nạn giao thông, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của bản thân và người đi đường.
Gần đây trên các diễn đàn mạng xã hội lan truyền hình ảnh chiếc áo chống rét, chắn gió giống như chiếc chăn bông dành cho người điều khiển phương tiện 2 bánh khi tham gia giao thông. Nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng với thiết kế “độc, lạ” của chiếc áo này, bởi nó khá giống với chiếc chăn bông, rất cồng kềnh, thô kệch.
Chị Phạm Thị Lan Anh (25 tuổi) – nhân viên của 1 công ty tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Em có nhìn thấy chiếc áo này trên mạng Facebook, theo tìm hiểu thì chiếc áo này đã được giao bán ở 1 vài cửa hàng kinh doanh quần áo online tại Hà Nội. Nhưng em nghĩ, chắc rất khó bán ở Hà Nội vì trông nó rất cồng kềnh, mặc vào rất vô duyên khi ra đường”.
Cùng quan điểm với chị Lan Anh, bạn Nguyễn Ngọc Uyên – sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết: “Em nghĩ chắc chả ai mua vì nhìn thôi đã thấy buồn cười rồi. Khi mặc vào giống như khoác chiếc chăn bông ra đường, trông rất vô duyên”.
Theo thông tin trên mạng, chiếc áo chống rét nói trên được bán khá nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản – nơi có mùa đông lạnh giá dưới 0 độ C. Ở Việt Nam, sản phẩm này mới xuất hiện trên mạng xã hội nhưng đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Chiếc “ chăn bông gió ấm” trên được các cửa hàng online giao bán với giá gần 300.000 đồng/chiếc.
“Bao tay to gắn vào chỗ ga và tay phanh đều rất rộng rãi cho bạn thoải mái cử động điều khiển khi cần thiết, hơn nữa giữ được tay ấm áp, không bị tê cóng vì lạnh nên có thể xử lý được các tình huống khi đi đường. Phía dưới của áo hoàn toàn tự do, mỗi khi dừng xe có thể dễ dàng để chân xuống giữ vững cho xe. Phần dưới của áo không dài nên không vướng chân (không bị bó chân lại như áo chống nắng mùa hè)…” – lời quảng cáo của 1 cửa hàng kinh doanh áo “chăn bông gió ấm” trên mạng.
Ngày 28/11, một phụ nữ trẻ điều khiển xe máy mặc chiếc “chăn bông” trên phố Hào Nam (Đống Đa – Hà Nội) đã hút hàng trăm ánh mắt của người đi đường. Nhiều người đi qua còn ngoái cổ nhìn lại vì quá ngạc nhiên với trang phục chống rét “độc và lạ” này.
Hình ảnh người phụ nữ khoác “chăn bông” chống rét trên phố Hào Nam (Hà Nội) ngày 28/11 đã thu hút sự chú ý nhiều người đi đường.
Liên quan đến chiếc áo chống rét nói trên, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ – nguyên tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm của đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) đưa ra quan điểm: Hiện nay chưa có qui định và chế tài xử phạt đối với chủ phương tiện mô tô, xe gắn máy mặc áo choàng cồng kềnh khi tham gia giao thông. Nhưng nếu người dân mặc những chiếc áo kiểu như trên ra đường rất dễ gây tai nạn giao thông, từ đó đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của bản thân và người đi đường.
Video đang HOT
“Người đi xe máy, xe đạp điện mặc những chiếc áo chống rét kiểu như chiếc chăn bông mà trên mạng xã hội đang quảng cáo rất dễ gây tai nạn. Trong trường hợp tắc đường, chiếc áo đó rất dễ mắc vào các phương tiện khác cùng chiều hoặc ngược chiều, rồi từ đó gây tai nạn. Nếu thời tiết lạnh, người dân cần mặc ấm với trang phục gọn gàng, để dễ dàng cử động và điều khiển phương tiện. Tôi thấy ở một số nước mùa đông của họ còn xuống dưới 0 độ C như nước Nga, Anh… nhưng cũng không thấy họ mặc những chiếc áo rét kiểu chăn bông như nói ở trên. Ở Việt Nam mùa đông lạnh lắm thì nhiệt độ vẫn duy trì khoảng trên dưới 10 độ C. Vì vậy khi ra đường, người dân nên mặc những chiếc áo ấm gọn gàng là vẫn chịu được” – Thượng tá Quỹ nêu quan điểm.
Thượng tá Quỹ khuyến cáo thêm, đối với những chiếc áo mưa mà nhà sản xuất thiết kế kiểu áo choàng có lỗ cho chui qua 2 gọng gương xe máy, hoặc chiếc áo đôi dùng cho 2 người ngồi cùng trên 1 xe cũng rất dễ gây tai nạn giao thông vì khi gặp sự cố trên đường rất khó xử lý. Người điều khiển phương tiện 2 bánh khi tham gia giao thông trên đường cần chuẩn bị cho mình những trang phục gọn gàng, dễ cử động, dù ở bất kỳ thời tiết nào.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Cử nhân về quê nuôi heo rừng thu nhập 50 triệu đồng/tháng
Khi còn là sinh viên, anh Đoàn Phan Dinh đã đi phụ bàn, bán hàng... lo chi phí học tập và dành tiền mua heo rừng giống nuôi thực nghiệm. Từ niềm đam mê này, khi tốt nghiệp anh Dinh về quê nuôi heo rừng và hiện nay anh bỏ túi 50 triệu đồng mỗi tháng.
Ngày học, tối phụ bàn... giành tiền mua heo giống
Anh Đoàn Phan Dinh (24 tuổi) ở ấp An Hòa, xã An Khánh, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) sinh ra trong một gia đình khó khăn. Do vậy, ngay từ học phổ thông anh Dinh đã quyết tâm lập nghiệp để giảm bớt gánh nặng cho gia đình cũng như thay đổi cuộc đời nghèo khó. Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên đất Sen hồng đã thi đậu vào ngành Chăn nuôi, trường Đại học Cần Thơ.
Cử nhân về quê nuôi heo rừng thu nhập 50 triệu đồng/tháng
Để có tiền trang trải cho việc học cũng như thực hiện hóa ước mơ vươn lên bằng nghề chăn nuôi của mình, chàng trai "con nhà nòi" đã vừa học, vừa làm bất kể ngày đêm từ việc nhẹ nhàng như: phục vụ quán ăn, bán hoa quả, chạy bàn cho đến nghề nặng là phụ hồ.
Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Dinh cho biết: "Ngay khi học hết năm nhất, tôi đã có ý định nuôi con heo rừng, dĩ nhiên tôi đã tìm hiểu kỹ về loài vật nuôi này. Tuy nhiên, ban đầu rất ít người ủng hộ cho kế hoạch của tôi nên bản thân phải tự vận động bằng cách làm thêm nhiều việc để có vốn, mua heo giống về nuôi thử nghiệm. Tôi còn nhớ, từ những việc làm thêm, cuối năm nhất, tôi dành dụm được 2 chỉ vàng và bán hết hai chỉ vàng này lên Đồng Nai mua heo giống".
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Chăn nuôi, anh Đoàn Phan Dinh quyết định về quê nuôi heo rừng
Có được loài vật nuôi ưng ý trong tay nên anh Dinh đã ra sức chăm sóc như "đứa con cưng". Thế nhưng do kinh nghiệm chăn nuôi chưa nhiều cũng như con giống kém chất lượng nên việc chăn nuôi lần đầu bị thất bại.
Với suy nghĩ, thất bại ở đâu sẽ bắt đầu tại nơi đó, vì thế anh Dinh không bỏ cuộc mà vẫn ra sức đi làm thêm để dành tiền, gầy dựng lại đàn heo. Anh Dinh cho biết: "Sang năm học thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4, hễ giờ nào rãnh là tôi tranh thủ đi làm thêm và toàn bộ số tiền này tôi đầu tư vào đàn heo giống. Tính đến năm thứ 4 (năm cuối của chương trình học đại học), tôi đã có trong tay 10 con heo nái giống. Lúc này bán heo giống con cũng có đồng vô đồng ra nên tôi tận dụng đồng vốn này góp vốn với một người bạn mở quán cà phê. Nào ngờ, sau khi quán đi vào hoạt động hơn một tháng thì mặt bằng bị lấy lại và đàn heo cũng mắc bệnh rồi hao hụt dần. Thời điểm đó, nguồn vốn lập nghiệp trở nên bế tắc".
Do có kiến thức nên việc chăn nuôi của anh Dinh rất khoa học, tại "trang trại" của anh có hẳn một bảng theo dõi về khối lượng chu chuyển đàn heo
Không chấp nhận thất bại, anh Dinh vay mượn của người thân, bạn bè số tiền hơn 30 triệu đồng để tiếp tục gầy dựng lại đàn heo rừng sau hai lần thất bại. Và để không rơi vào vết xe đổ, anh Dinh nghĩ ra cách vừa chăn nuôi, vừa kinh doanh, nghĩa là vùng nuôi phải có nơi tiêu thụ thì mới mang về hiệu quả cao nhất.
Anh Dinh chia sẻ: "Trong quá trình nuôi heo, chỉ nhận biết được sự phát triển bên ngoài mà không nắm rõ được chất lượng thịt thế nào thì cũng dở. Nhưng nếu mổ heo ra, kiểm tra thịt mà không có nơi tiêu thụ lượng thịt này thì vài lần đàn heo sẽ hết. Do vậy, để giải bài toán này, tôi đã mở thêm một quán ăn, thế là vừa kiểm tra được chất lượng thịt đàn heo, vừa có tiền lời từ kinh doanh quán ăn".
Từ đó, việc làm ăn ngày càng phát triển, lượng heo sản xuất không đủ để cung ứng cho việc kinh doanh. Anh Dinh bắt đầu đi đến một số cơ sở nuôi heo rừng để tìm nguồn hàng về vừa thí nghiệm vừa phục vụ quán ăn, đặc biệt là thực nghiệm để xem phản hồi của khách hàng nhằm đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.
Thu nhập 50 triệu đồng/tháng
Hiện nay, đàn heo của anh Dinh đã tăng lên khoảng 400 con, trong đó có 50 con heo nái. Tính ra, mỗi tháng anh Dinh xuất bán khoảng 250 heo giống, thịt, nái bầu. Ngoài ra, còn hợp tác chăn nuôi với các hộ khác để cung ứng khoảng từ 150 - 200 con/tháng. Tổng cộng, mỗi tháng anh Dinh "bỏ túi" khoảng 50 triệu đồng.
Theo anh Dinh, hiện tại giá heo thịt từ 25kg trở lên có giá 95.000đồng - 100.000đồng/kg; heo giống dưới 10kg là 160.000 đồng/kg, 10 - 15kg/con là 150.000 đồng/kg, trên 15 kg là 140.000 đồng/kg; heo nái bầu từ 50 - 80kg có giá bán 180.000 đồng/kg. Hiện tổng giá trị đàn heo của trang trại anh Dinh lên đến hơn một tỷ đồng.
Hiện nay, mỗi tháng từ việc bán heo thịt, giống... anh Dinh bỏ túi khoảng 50 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, bí quyết làm giàu này anh sẵn sàng chia sẻ, nhất là các bạn trẻ muốn lập nghiệp
Để đảm bảo đầu ra cho heo rừng luôn ổn định, anh Dinh còn đề ra các phương án hợp tác làm ăn với những hộ chăn nuôi khác. Với nhiều hình thức như: Nuôi gia công hưởng phần trăm, bán heo giống và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, heo phải đạt chất lượng theo các tiêu chí như: Lúc nhỏ sọc dưa, lớn lên có màu nâu bò; dáng phải thon, lưng phải thẳng; nạc tới da, lông 3 chân, thịt đỏ. Đặc biệt là phải được nuôi bằng thức ăn tự nhiên.
Nói về một số kỹ thuật trong chăn nuôi heo rừng, anh Dinh chia sẻ: "Yếu tố tiên quyết của việc nuôi heo rừng là cách xây dựng chuồng trại. Ở đây, chuồng phải được phân ra từng lô với những chức năng chuyên dụng riêng. Heo từ 3 - 4 tháng tuổi được nuôi phân lô với chiều ngang 1,8 - 2m, dài 5 - 6m, thả nuôi 10 con. Đến khi sắp xuất bán thì heo được đưa vào ô trống ngoài trời với chiều ngang 10m, dài 17m và thả thành đàn từ 40 - 50 con nhằm để chúng cạnh tranh thức ăn, giúp thịt săn chắc. Ngoài ra, đối với chuồng nuôi heo nái bầu phải có chắn gió và che mưa".
Theo anh Dinh chia sẻ, một trong những bí quyết thành công ban đầu của anh chính là sự kiên định trong công việc và đôi lúc phải biết chấp nhận thất bại.
Để việc nuôi heo hiệu quả, anh Dinh sử dụng đệm lót sinh học với lớp dưới cùng là đất mặt, lớp giữa là 20cm cát, phía trên là 20cm trấu, nhằm hạn chế mùi hôi, hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, để cho đệm lót không bị xơ cứng thì anh Dinh còn thả gà vào chuồng nuôi nhằm bới trấu lên cho men phát triển.
Đứng cạnh đàn heo rừng được thiết kế khoa học, anh Dinh chia sẻ thêm: "Heo rừng là loài vật hoang dã, dễ nuôi nên hộ chăn nuôi có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ tự nhiên như: chuối cây, lục bình, bã đậu hủ, bã hèm, rau muống, khoai lang...để giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi. Theo đó, chi phí để mua thức ăn công nghiệp và cám nhuyễn là khoảng 15%, còn lại 85% là phụ phẩm tự kiếm tại địa phương".
Theo anh Dinh, sắp tới, để tạo chất lượng đồng loạt cho heo rừng ở khu vực miền Tây thì trang trại của anh sẽ mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm cũng như cung cấp nguồn giống và bao tiêu sản phẩm với mong muốn đưa ra sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mang đến lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Nguyễn Hành - Nguyễn Trần
Theo Dantri
Áo chống rét kiểu... mất an toàn Thời gian gần đây, trên địa bàn thủ đô Hà Nội xuất hiện một loại áo chống rét mới dành cho người tham gia giao thông. Áo chống rét kỳ lạ trên phố Hà Nội - Ảnh: Lê Nam Nhìn vẻ bề ngoài, áo chống rét này chẳng khác nào một tấm chăn được may thêm hai ống tay, kèm mấy sợi dây...