Khó xử vì ‘tình địch’ là ân nhân cứu mạng
Kẻ xen vào hạnh phúc của tôi, là “tình địch” lại chính là ân nhân cứu mạng tôi trong quá khứ. Ơn này rất lớn, tôi có nên “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
ảnh minh họa
Quê tôi ở Thái Bình. Chúng tôi có hai con gái còn nhỏ và mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Cuộc sống chật vật nên ngoài mấy sào ruộng, vợ tôi phải mở thêm quán bán nước. Túc tắc mỗi ngày cũng kiếm được dăm, bẩy chục nghìn.
Tôi tranh thủ lên Hà Nội chạy xe ôm. Mỗi tháng cố gửi về cho vợ 1 triệu, thêm vào nuôi con nhỏ và mẹ già. Nhiều lúc nhớ vợ con, muốn phóng về thăm nhưng lại tiếc việc nên mỗi tháng tôi chỉ dám về một lần độ 2 ngày.
Vợ tôi tuy là gái quê, đã hai con, nhưng trông vẫn còn “giòn”, được nhiều đàn ông để ý. Có anh chàng là trai tân, giáo viên cấp hai hẳn hoi, lại kém cô ấy mấy tuổi mà cứ mê tít. Mận- vợ tôi- được cái chịu thương chịu khó. Một nách nuôi hai con và mẹ chồng mà vẫn không “xuống mã”.
Tôi thương và tin vợ, tự thấy may mắn lấy được cô vì bản thân chẳng có thế mạnh gì, vừa nghèo, lại chỉ hết cấp hai, không vào nổi cấp 3. Có thể nói cuộc sống gia đình tôi hiện nay tồn tại được chủ yếu nhờ tài xoay sở của Mận.
Mẹ tôi hay đau yếu, hàng tháng tốn khá nhiều tiền thuốc thang. Rồi hai đứa con phải học thêm. Đủ mọi khoản tiền trông cậy ở một mình cô ấy. Khoản tiền tôi gửi về hàng tháng chỉ thêm thắt, chẳng bõ bèn gì.
Khi vợ tôi có thai đứa thứ ba, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì hi vọng con trai, sẽ là niềm vui của cả họ vì tôi là con trai trưởng của chi trưởng trong họ. Nhưng biết lấy gì nuôi nó khi có hai đứa đã quá chật vật?
Nhưng vợ tôi tỏ ra không lo ngại gì. Họ hàng đều động viên: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Đến khi nó ra đời thì đáp ứng đúng niềm mong đợi của tất cả mọi người.
Nghe tin vợ ở cữ, tôi vơ vét hết tiền được gần hai triệu, lao về thăm. Tôi nhờ đứa em gái ruột ở làng bên sang trông nom chị dâu và cháu để ngay ngày hôm sau lên Hà Nội.
Ngoài chở xe ôm, tôi nhận bất cứ việc gì cần đến sức khỏe, chỉ cốt kiếm được tiền đem về cho vợ. Từ khi vợ đẻ, tuần nào tôi cũng cố gắng phóng về. Thấy tôi vất vả, Mận nói ở nhà đã có mọi người quan tâm, không phải về nhiều.
Đứa con trai của tôi lớn dần. Một lần về quê, tôi nghe được dư luận xì xèo về chuyện nó không phải là con tôi. Lúc đầu, tôi không tin, cho là do ai đó ghen ghét gì Mận mà cố tình đơm đặt.
Video đang HOT
Nhưng tôi để ý ngắm nhìn kỹ đứa bé thì thấy đúng là nó không có một nét gì giống tôi.
Rồi thì mọi người trong gia đình và họ hàng cũng thấy như vậy. Do còn bán tín bán nghi, nên tôi cố tình phớt lờ chuyện này, cứ coi như dư luận độc địa đồn thổi để lao vào làm ăn, kiếm tiền.
Nhưng rồi đến khi nó lớn thêm, tôi bỗng thấy nó giống một ai đó quen quen mà nghĩ mãi không ra. Về sau, tôi đã nhớ ra người đó. Tôi triền miên nhớ về quá khứ…
Ngày ấy, cách đây đã hơn 30 năm. Lúc tôi lên 5 tuổi, vô ý bị ngã xuống ao. Chiếc ao sâu, tôi bị uống no nước. Giữa lúc đang chới với thì có một anh nhẩy xuống cứu tôi. Mọi người xúm lại, thực hiện hô hấp nhân tạo và tôi đã thoát chết.
Người cứu tôi tên Hùng, hơn tôi 10 tuổi, ở làng bên, mới 15 tuổi nhưng bơi rất giỏi. Sau đó, mẹ tôi thỉnh thoảng đưa tôi đến thăm nhà anh Hùng để tạ ơn. Những dịp lễ, tết, mẹ tôi đều có quà biếu, coi anh Hùng là ân nhân, không bao giờ có thể quên.
Về sau, anh Hùng học lên đại học. Rồi cả nhà anh dọn đi đâu ở, tôi không rõ. Nghe nói chuyển lên thành phố. Từ đó, không bao giờ tôi gặp lại anh nữa.
Giờ đây, trớ trêu thay, càng nhìn kỹ đứa trẻ, tôi càng thấy nó giống anh Hùng như bản photocopy. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi từ nhà tôi lên thành phố chỉ chừng 30 cây số. Vợ tôi vẫn thỉnh thoảng lên đó để lấy hàng về bán. Nhà nằm trên trục tỉnh lộ nên đi về rất thuận lợi.
Cô ấy quan hệ với Hùng thì chẳng có gì là khó hiểu, bởi tuy đã hai con nhưng còn rất “ngon lành”. Hùng thì chắc là ăn ra làm nên. Tôi để ý thấy gần đây, Mận sắm sửa được một số đồ dùng đáng giá. Hỏi thì cô nói do tằn tiện mà mua được.
Một lần về quê, tiện đường, tôi đèo một người hàng xóm. Chị ta nói với tôi: “Do quý và thương chú tôi mới nói. Mong chú đừng nói với cô ấy là tôi nói chuyện này với chú. Chính mắt tôi thấy có lần cô ấy lên xe ô tô cùng một người đàn ông nào đó. Tôi không nhìn rõ anh ta nên không biết là ai. Đứa con thứ ba của chú ai cũng nói là nó không phải của chú. Bà con người ta tinh lắm. Không điều gì có thể qua mắt được họ”.
Tôi chỉ nghe mà không nói gì. Về nhà, tôi hỏi thẳng Mận chuyện dư luận nói về đứa con thì cô ấy chối, nói do kinh tế nhà mình khá giả lên, hơn người mà sinh ghen ghét, dựng chuyện.
Thưa các anh chị. Cứ nhìn đứa trẻ thì tôi khẳng định đích xác là con của Hùng. Nhưng tôi ở vào tình thế rất khó xử. Toàn bộ kinh tế hiện tại của gia đình chủ yếu do Mận kiếm ra. Tôi làm ăn trên Hà Nội chỉ đủ nuôi thân. Khoản giúp thêm cho Mận không đáng kể, chưa đủ nuôi một đứa con.
Cô lại là người rất chu đáo trong việc chăm sóc mẹ tôi. Chính bà cũng phải công nhận. Không có cô, mẹ tôi khó qua khỏi mấy trận ốm thập tử nhất sinh. Rõ ràng là tôi phải biết ơn cô ấy.
Mặt khác, kẻ xen vào hạnh phúc của tôi, là “tình địch” lại chính là ân nhân cứu mạng tôi trong quá khứ. Ơn này còn lớn hơn. Mẹ tôi do già yếu lại bị điếc, không đi đến đâu nên đã không biết gì đến dư luận. Có người khuyên tôi đi thử ADN. Lại có người khuyên đã rõ rành rành như vậy thử làm chi cho tốn kém.
Qua bao đêm dằn vặt, tôi thấy chẳng có thể làm sao khác là “ngậm bò hòn làm ngọt”. Tôi cần làm gì?
Ở vào hoàn cảnh và tình thế cuả anh đúng là đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vậy thôi. Nhưng anh cần nói với vợ là đã biết rõ tất cả sự thật. Nhưng vì đứa bé, vì hạnh phúc gia đình mà anh cho qua, mong vợ suy nghĩ, không tiếp tục mối quan hệ bất chính, bất hợp pháp.
Hãy cảnh báo đến cô ấy là không chuyện gì có thể giấu được mãi. Chớ nên để pháp luật phải can thiệp. Lúc ấy sẽ không lường được hậu quả.
Theo VNE
Ngăn tình nhân của chồng phá thai rồi cưu mang 2 mẹ con
Chuyện ngoại tình của chồng làm bà đau đớn thấu tim... nhưng khi nghe cô gái định bỏ đi giọt máu rơi của chồng, bà đã vội vàng lao đến can ngăn.
Và suốt mấy chục năm nay, bà vẫn cưu mang hai mẹ con cô ấy như ruột thịt.
Ngăn người thứ ba bỏ thai
Chuyện đã qua 25 năm rồi, nhưng mỗi khi kể lại, bà Hoa vẫn còn nhiều xúc động. Những ngày tháng đó đã khiến cuộc đời bà thực sự thay đổi nhiều. Bà được chồng cảm phục và nể trọng hơn. Những người xung quanh cũng luôn xem bà là một tấm gương cho sự tha thứ lớn lao trong cuộc đời. Câu chuyện vị tha của bà được cả khu phố ở thành phố Vinh, Nghệ An biết đến và xem như là câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
25 năm trước, bà Hoa đã từng tin rằng mình là người hạnh phúc nhất với một gia đình hoàn hảo: 2 con trai và 1 con gái, vợ làm việc tại bưu điện tỉnh, còn chồng làm việc cho một cơ quan nhà nước có uy tín.
Mọi chuyện bắt đầu khi chồng bà được cơ quan cử xuống huyện để phát triển địa phương. Bà không biết những ngày ở huyện, chồng bà đã làm gì.
Nhưng có một ngày, bà đã chết sững khi một người phụ nữ cùng em gái cô ta đến tận khu tập thể cơ quan của bà, nơi gia đình bà đang sống và đòi "nói chuyện phải quấy" liên quan tới chồng bà. Lúc ấy bà mới vỡ lẽ, chồng bà có "phòng nhì" và người phụ nữ ấy là tình nhân của chồng.
Qua lời kể của bà Hoa, đó là một phụ nữ "vô cùng xấu xí". Bà đã rất ngỡ ngàng trước những gì người phụ nữ đó kể, không thể tin được rằng chồng mình lại có thể quan hệ với người thua kém với mình về mọi mặt.
Khi phải đối mặt với điều mà trước đây từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ chấp nhận, bà Hoa cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, đau khổ, dằn vặt và cảm thấy căm hận người chồng. Đưa bà Lan - người phụ nữ đó - tới một nơi khác để nói chuyện, với tư cách một người vợ hợp pháp, bà đã từ chối yêu cầu "đền bù trinh tiết" của tình nhân chồng mình.
Sau cuộc nói chuyện đó, bà và chồng cũng đã có một cuộc tranh cãi về mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng này. Tâm lý tổn thương, chịu đựng khiến bà sống khép kín và im lặng trong suốt một quãng thời gian dài. Bà không biết nên tha thứ hay không. Bà không biết mình nên làm thế nào... Mọi chuyện có lẽ cứ dai dẳng thế mãi, nếu không có ngày, bà nghe tin người đàn bà kia đang đến bệnh viện đòi bỏ cái thai (lúc ấy đã được hơn 6 tháng).
Chẳng có thời gian suy nghĩ, vừa nghe, là bà bỏ cả việc, bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ, tức tốc đạp xe tới bệnh viện ngay đúng lúc tình nhân của chồng mình đã lên bàn mổ.
"Dừng lại. Mi (mày - PV) còn nhân tính không? Mi nghĩ rằng mi còn lấy chồng được với tuổi đời đó à? Mi xem lại mi xấu xí đến chừng nào? Mi nghĩ có con dễ lắm à? Mi nghĩ mi còn đẻ được sau khi bỏ thai à? Không được làm cái việc mất nhân tính như vậy!", bà đã xông vào, hét to ngay trước cửa phòng mổ.
Bác sĩ và hộ lý đã rất ngạc nhiên khi nghe bà to tiếng ngay phòng mổ ở bệnh viện như vậy, họ đều quay lại hỏi bà Lan - lúc đấy đã nằm chờ được làm thủ thuật lấy thai ra - xem đó là ai. Bà Lan trả lời họ đó là "vợ của anh ấy". Đã có một khoảng lặng nhìn nhau giữa những người mặc áo trắng trong căn phòng lúc đó. Vị bác sỹ đã lại giường mổ, đỡ bà Lan dậy, và bảo: "Chị ấy đã nói vậy thì chị nên đứng dậy đi về đi. Đừng bỏ đứa bé nữa mà tội nghiệp".
Câu chuyện về những lời đối đáp trong bệnh viện giống như một câu chuyện cổ tích thật khó tin. Bà Hoa không thể nhớ được vì sao lúc đó lại có được sức mạnh để quyết định nhanh chóng chỉ trong một khoảnh khắc như vậy, dù trước đó bà đã sống trong bao nhiêu dằn vặt và đau đớn vì bị phản bội. Điều cuối cùng mà bà nghĩ đến là dù có làm gì đi chăng nữa, cũng phải để lại phúc đức cho con cho cái.
Bà Hoa chăm cây trong vườn nhà
Và 25 năm hết lòng chăm lo con riêng của chồng
Bà đưa nhân tình của chồng bà trở về nơi ở, sau một vài ngày cùng chồng quay lại, tuyên bố sẽ cùng bà Lan nuôi đứa trẻ đã đầy đủ hình hài trong bụng. Và suốt 25 năm, bà đã giữ trọn lời hứa đấy. Hàng tháng, chính tay bà gửi cho bà Lan một số tiền để chăm cậu con trai riêng của chồng, bà còn thường xuyên cho thêm quần áo, đồ tiêu dùng cần thiết để hỗ trợ cuộc sống của hai mẹ con.
Năm thằng bé đi học lớp Một, bà đã cùng chồng về quê của bà Lan để sắm sửa tất cả những thứ cần thiết cho con thằng bé đến trường. Bố của bà Lan đã bỏ việc đồng áng, ở nhà chờ bà đến nơi để được tận mắt nhìn thấy người phụ nữ mà ông cho rằng "bao dung, rộng lượng nhất trên đời". Ông đã không ngừng cảm ơn bà Hoa, cảm ơn tấm lòng của bà, và còn hứa sẽ dạy dỗ đứa cháu trai nên người để không phụ tấm lòng của bà.
Đến nay, câu chuyện đầy biến cố nhất cuộc đời bà đã qua được hơn 25 năm. Cậu con trai riêng của chồng bà nay đã 25 tuổi, đã lập gia đình và có công ăn việc làm tử tế. Ngày cậu đi cưới vợ, bà Hoa cũng đã cho một khoản tiền nhỏ để có vốn làm ăn. Bà cũng đã bảo chồng đưa cậu con trai riêng về quê, thắp hương cho tổ tiên và nhận họ, xem như một người con trai trong gia đình.
Ngày chồng bà ra đi về cõi vĩnh hằng, cậu con trai riêng về nhà, để tang bố và lo lắng công việc trong tang lễ. Bà Hoa kể lại, cậu đã ôm lấy bà sau khi tang lễ kết thúc, khóc và cảm ơn bà, nói rằng "nhờ mẹ mà con có mặt ở trên đời".
Khi được phóng viên hỏi về tình cảm của vợ chồng bà sau biến cố, bà Hoa mỉm cười và nhẹ nhàng trả lời: "Mình đã sống với người ta như vậy, thì người ta cũng biết tấm lòng của mình chứ".
Đến nay, sau khi chồng qua đời, bà Hoa thường tới chùa, tham gia các hoạt động thiện nguyện do chùa phát động, với mong muốn sẽ cầu an cho gia đình, cho con cái và tìm đến niềm vui tuổi già của bản thân nơi cửa phật.
Theo VNE
Thượng sĩ công an nhảy xuống sông cứu trẻ đuối nước Ngày 26.5, Đại tá Lê Xuân Điệp - trưởng công an huyện Yên Thành (Nghệ An) - cho biết, đơn vị đã có hình thức biểu dương, khen thưởng cho thượng sĩ Đặng Trọng Phúc (23 tuổi, ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, hiện đang công tác tại công an huyện Yên Thành) về hành động dũng cảm cứu người đuối nước....