Kho vũ khí bí mật của CIA
Tình báo Mỹ sử dụng một kho vũ khí tuyệt mật để hậu thuẫn các lực lượng chống chính phủ khắp thế giới trong hơn nửa thế kỷ.
Các tay súng thuộc Liên minh phương Bắc từng được Mỹ cung cấp vũ khí – Ảnh: US Air Force
Trong hơn 50 năm qua, vẫn tồn tại những lời đồn dai dẳng về một cơ sở bí mật mà tại đó Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã hoạch định cuộc xâm lược vịnh Con heo nhằm lật đổ chính phủ Cuba năm 1961 và hiện cơ sở này vẫn lưu giữ vũ khí hạt nhân. Sự hiện diện của nó chưa bao giờ được xác nhận chính thức, nhưng một cuộc điều tra mới cho thấy cơ sở trên chỉ nằm cách thành phố San Antonio, thuộc bang Texas, hơn 30 km về phía bắc, bên trong Trại Stanley, một căn cứ của lục quân Mỹ.
Theo báo The New York Times, cơ sở bí mật có tên “Kho Trung Tây” của CIA là khu trại có cổng ra vào không mấy nổi bật, với một số nhà kho được nhìn thấy qua hàng rào. Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những dãy boong ke được xây dựng ở sâu trong căn cứ. Sự tồn tại của cơ sở bí mật này bị rò rỉ lần đầu tiên vào năm 2011, bắt nguồn từ vụ cựu quan chức CIA Kevin Shipp khởi kiện cơ quan cũ. Ông Shipp từng sống cùng gia đình trong khu nhà của chính phủ tại Trại Stanley trước đó một thập niên và các thành viên gia đình ông mắc bệnh nặng do phơi nhiễm khí độc tại căn cứ. Bộ Tư pháp đã viện dẫn điều khoản về nghĩa vụ bảo vệ bí mật nhà nước đối với một cựu quan chức như ông Shipp để cản trở vụ kiện. Tuy nhiên, con trai của ông là Joel Shipp, vốn không bị ràng buộc bởi yêu cầu giữ bí mật, đã viết hồi ký với ý định bán làm kịch bản phim. Ông Joel Shipp xác nhận CIA đã chuyển gia đình mình tới Trại Stanley, nơi ông gọi là “một căn cứ bí mật dùng vận chuyển vũ khí bất hợp pháp và cất giấu vũ khí hóa học”.
Video đang HOT
Cũng vào năm 2011, The New York Times xác định Trại Stanley là một cơ sở của CIA, dựa trên hồ sơ tòa án từ một vụ kiện bảo hiểm liên quan. Thông tin này thu hút sự chú ý của ông Allen Thomson, chuyên gia phân tích làm việc cho CIA từ năm 1972 – 1985. Ông đã lục tìm những tài liệu giải mật và các bài báo cũ để thu thập manh mối. Vào tháng 12.2013, ông Thomson âm thầm đăng tải nghiên cứu của mình trên website của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ.
Những chiến dịch tai tiếng
Nhiều tài liệu mà ông Thomson lần ra được đã cho thấy vai trò của Kho Trung Tây trong nhiều chiến dịch chống phá đầy tai tiếng của CIA ở nước ngoài. Một bản ghi nhớ của CIA năm 1967 đã mô tả sự liên hệ giữa kho này với việc huấn luyện các phần tử Cuba lưu vong trước sự kiện vịnh Con heo. Một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1987 xác nhận nhiều thiết bị quân sự được chuyển từ Kho Trung Tây đến các lực lượng chống chính phủ Nicaragua (Contras). Một tài liệu khác của CIA năm 1963 cũng đề cập đến việc cất giữ khoảng 300 tấn thuốc nổ C-4 tại đây. Ngoài ra, còn phải kể đến phi vụ chuyển súng AK-47 cho Liên minh phương Bắc ở Afghanistan để đối phó lực lượng Taliban sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001, cũng như phiến quân UNITA trong cuộc nội chiến ở Angola vào thập niên 1970.
Ông Thomson nói với The New York Times rằng ông đã tìm thấy một sự đề cập rõ ràng trong bản ghi nhớ năm 1986 của đại tá Oliver North, nhân vật chính trong vụ bê bối Iran-contra (bán vũ khí cho Iran và tài trợ cho lực lượng Contras ở Nicaragua). Bản ghi nhớ viết rằng CIA sẽ chuyển tên lửa từ một kho quân sự đến Kho Trung Tây trước khi đưa sang Iran từ căn cứ không quân Kelly ở San Antonio. Gần đây nhất, vào tháng 7.2013, theo thu thập của ông Thomson, lục quân Mỹ đã mua 2 triệu viên đạn dùng cho AK-47, loại súng mà quân đội Mỹ không dùng, để gửi đến Trại Stanley.
Trao đổi với The New York Times, ông Thomson cho rằng lịch sử của Kho Trung Tây cần phải được rà soát. Ông nói: “Tôi lo ngại về mức độ Mỹ chuyển giao vũ khí cỡ nhỏ trong nhiều thập niên qua cho các bên mà Washington hậu thuẫn. Đó đều là những vũ khí có độ bền đáng kể, sau khi được chuyển giao thì chúng sẽ đi về đâu? Liệu đã có bao nhiêu súng AK-47 và RPG-7 được cất giữ ở Kho Trung Tây rơi vào tay các chiến binh trong những thập niên qua?”.
Theo TNO
Người hầu Hitler lên tiếng sau gần 70 năm
Một trong những người hầu gái cuối cùng còn sống của Adolf Hitler tiết lộ nhiều thói quen của trùm phát xít Đức.
Trùm phát xít Adolf Hitler tiếp khách tại Berghof, và bà Kalhammer (ảnh nhỏ) - Ảnh: New York Daily News
Cô gái người Áo Elisabeth Kalhammer không hề biết ai sẽ là chủ nhân của mình khi phản hồi mẩu quảng cáo tìm người giúp việc tại khu nghỉ dưỡng Berghof, đông nam nước Đức hồi năm 1943. Mẹ cô tỏ ra nghi ngờ về công việc này nhưng nhân viên tại văn phòng giới thiệu việc làm đã khuyên Kalhammer nên trân trọng công việc tại Berghof, vì khi đó đời sống tại Đức rất khó khăn do chiến tranh bùng phát trên tất cả các mặt trận. Sau khi được một nhân viên SS kiểm tra kỹ lưỡng và một cuộc lục soát tại nhà Kalhammer không phát hiện dấu hiệu nào về hoạt động chống phát xít, hồ sơ xin việc của cô đã được chấp thuận. Trên thực tế, suốt nhiều năm liền, Berghof được dùng làm đại bản doanh của Đức Quốc xã bên ngoài Berlin và là nơi trùm phát xít Hitler ở lâu nhất trong Thế chiến 2.
Mới đây, bà Kalhammer, 89 tuổi, đã lần đầu tiên trả lời báo chí về khoảng thời gian tại Berghof sau gần 70 năm im lặng và hầu hết những đồng nghiệp của bà khi xưa đều đã qua đời, theo tờ Salzburger Nachrichten. Kalhammer kể bà rất lo lắng trong ngày đầu tiên bước vào khu nhà nghỉ dưỡng sang trọng được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt và không tin vào mắt mình khi nhìn thấy người đã thổi bùng khói lửa chiến tranh khắp thế giới. Kalhammer gia nhập đội ngũ 22 người giúp việc cho nhà Hitler nhưng chưa bao giờ giao tiếp với ông ta - bởi đó là "đặc ân" chỉ dành cho những người thân cận nhất. Người hầu cũng không được phép tán gẫu với nhau hay tiết lộ ra ngoài về các bữa tiệc linh đình Hitler tổ chức để đón những vị khách khét tiếng như trùm phát xít Ý Benito Mussolini.
Mê đồ ngọt và ngủ ngày
Do có vấn đề ở lá lách và vì nhu cầu tuyên truyền nên Hitler luôn tỏ ra là một người đàn ông "thượng đẳng" có chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt và khoa học. Ông ta có một đầu bếp riêng đảm trách việc chuẩn bị thức ăn trong ngày. Tuy nhiên, The Washington Post dẫn lời Kalhammer cho biết tất cả chỉ là giả tạo. Trùm phát xít thực chất rất mê đồ ngọt và thường xuyên ngủ ngày. Theo Kalhammer, Hitler hay mò xuống bếp vào lúc tối khuya để xơi món khoái khẩu là bánh táo phủ đầy các loại hạt và nho khô. Vì thế, nhà bếp lúc nào cũng phải trữ sẵn loại bánh này và đặt cho nó cái tên là bánh Quốc trưởng. Ngoài ra, Hitler còn thích bánh quy chocolate và bánh nướng nhưng chỉ uống nước ấm hoặc trà. Kalhammer từng bị phạt cắt giảm ngày nghỉ và không được ra khỏi khu nhà do lỡ tay làm vỡ một chiếc tách trà ưa thích của Hitler.
Do ngủ trễ lại hay ăn đêm nên Hitler ít khi thức dậy trước 2 giờ chiều. Thói quen này đã hại ông ta khi cấp dưới không dám đánh thức trùm phát xít để báo hung tin trong thời điểm quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy ngày 6.6.1944, theo tờ The Independent.
Kalhammer cũng mô tả không khí tại Berghof là khá thoải mái và thừa mứa so với đời sống khó khăn của đa số người dân thời đó. Bà cho biết người tình của Hitler là Eva Braun rất thân thiện nhưng vẫn có nét gì đó ngạo mạn và giả tạo khi thích được gọi là "Quý bà giàu lòng thương". Braun thường cho phép các cô hầu gái xem các bộ phim tuyên truyền về "chiến công và chính nghĩa của đế chế" trong phòng chiếu riêng. Vào dịp Giáng sinh, Braun tặng người hầu rất nhiều len nhưng là để đan vớ tặng binh lính đang chiến đấu.
Theo Kalhammer, không khí tại Berghof trở nên căng thẳng hơn rất nhiều sau kế hoạch đảo chính và ám sát bất thành của một nhóm sĩ quan cấp cao Đức Quốc xã nhằm vào Hitler ngày 20.7.1944. Theo nhiều tài liệu, 4.980 người đã bị hành quyết sau vụ này và trùm phát xít càng trở nên điên cuồng hơn. Tuy vậy, Kalhammer vẫn làm việc tại Berghof cho đến gần thời điểm kết thúc chiến tranh khi khu nghỉ dưỡng này được sơ tán và quân Đồng minh oanh tạc. Đến năm 1952, toàn bộ tàn tích bị chính quyền bang Bavaria tháo dỡ.
Theo TNO
Thêm một 'con hổ' Trùng Khánh bị điều tra tham nhũng Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc cho biết một nhà lập pháp ở thành phố Trùng Khánh đang bị điều tra về cáo buộc tham nhũng, theo Reuters ngày 3.5. Ảnh minh họa Chủ tịch Tập Cận Bình đã xác định chống tham nhũng, bất kể đối tượng là "hổ" (quan chức cấp cao) hay "ruồi" (cấp thấp), là mục tiêu chính...