Khổ vì quy định lỗi thời – Kỳ 2: 7.000 đồng/ngày tiền son phấn
So sánh định mức, chi phí cho cán bộ, công chức giữa các ngành, có lẽ ngành văn hóa, giáo dục được xếp vào hàng thấp bét bảng và “ốm đói” nhất. Nhiều quy định từ thuở xa xưa giờ vẫn đang tồn tại, chậm sửa đổi kìm kẹp, bó buộc hoạt động nghệ thuật của diễn viên.
Tuyên truyền viên N.V.Đ thuộc Trung tâm văn hóa (thuộc Sở VH-TT-DL Bắc Giang) nhăn nhó kể lại những ngày về các xã, bản làng vùng sâu, vùng xa tuyên truyền văn hóa mà giờ vẫn thấy ớn lạnh. Nhảy múa, hát hò khản cả giọng nhưng mỗi ngày chỉ được bồi dưỡng 30.000 đồng/người. Oái oăm hơn, mỗi lần lên sân khấu phải trang điểm cho bóng bẩy một chút thì mỗi người cũng chỉ được chi 7.000 đồng tiền phấn sáp. “Anh em tuyên truyền viên toàn đánh nhờ phấn sáp của chị em, chứ 7.000 đồng mua thỏi son Trung Quốc còn chả đủ”, anh Đ. cám cảnh nói.
Minh họa: DAD
Anh Đ. chia sẻ thêm, mỗi chuyến lưu diễn về xã nào “hoành tráng” thì còn được mời cơm, còn không anh em trong đội tuyên truyền đành phải tự mò mẫm kiếm ăn. Nhưng với 30.000 đồng cho cả bữa trưa, bữa tối, bữa sáng cũng không biết ăn gì. “Phận tuyên truyền viên khổ thế đấy anh, phục vụ bà con cả buổi, nhiều lúc ăn ít, đói quá bị tụt hơi hát không nổi. Tôi nghe nói, từ mấy năm trước, Bộ VH-TT-DL hứa sẽ nâng mức này lên 50.000 đồng/người, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy gì cả”, anh Đ. buồn rầu nói.
Cũng cám cảnh chẳng kém các tuyên truyền viên, hiện nay các vận động viên từ bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… cũng đều rơi vào cảnh ngộ vác bụng đói đi thi đấu. Cơ sự cũng từ những mức chi phí bồi dưỡng thấp khó có từ nào để tả. Anh G. (một vận động viên của tỉnh Lai Châu) cho biết hiện tỉnh cũng vừa có quy định mới, đối với trưởng ban chỉ đạo, ban tổ chức, trưởng, phó các ban chuyên môn cấp huyện, thị xã mỗi ngày được chi bồi dưỡng 65.000 đồng/người; thư ký, trọng tài 40.000 đồng/người. Thảm hại hơn, các vận động viên chỉ nhận được 80% mức quy định trên. “Nhưng đó là các vận động viên có thành tích cao trên địa bàn, còn các vận động viên làng nhàng ốm đói hơn nhiều. Có người lên sàn mà bụng đói meo, đánh bóng, múa kiếm mà mắt hoa cà hoa cải hết cả thì làm sao thi đấu”, anh G. thổ lộ.
Video đang HOT
Ngân sách eo hẹp, đặc biệt ngân sách cho ngành văn hóa càng eo hẹp hơn khiến đời sống vận động viên, cán bộ phục vụ đời sống tinh thần của bà con luôn trong cảnh khó khăn chồng chất. Nhưng điều đáng nói, quy định cổ hủ, lạc điệu so với mức chi phí, mức tăng giá cả hàng hóa hiện nay vẫn cứ tồn tại hết năm này qua năm khác. “Giá cả cứ tăng vù vù hằng ngày, còn chi phí anh em cán bộ văn hóa vẫn cứ bết bát, ì ạch ròng rã cả hàng chục năm nay. Mỗi lần thấy anh em mặt mày phờ phạc diễn xong, ngồi ăn bánh mì, gặm ngô mà chúng tôi cũng ứa nước mắt”, ông L. – một cựu lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang, chia sẻ.
Theo TNO
Khổ vì quy định lỗi thời
Nhiều chính sách, quy định lạc hậu, phi thực tế, nhưng đến nay vẫn được áp dụng tại nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương, gây lúng túng, thậm chí bức xúc cho cán bộ công chức và người dân.
Vừa đi máy bay vừa ngủ khách sạn
Đầu những năm 2000, theo quy định của ngành tài chính, cán bộ (lính "chay") mà đi công tác các tỉnh lẻ chỉ được thanh toán mỗi ngày 90.000 đồng tiền ngủ khách sạn, dù trong hóa đơn có ghi bao nhiêu thì cũng chỉ được thanh toán chừng đó. Ở các thành phố "tỉnh lẻ" dạo đó, chỗ ngủ tồi nhất cũng mất 150.000 đồng/đêm, vì vậy, hễ đi công tác một ngày, cán bộ đó phải chịu thiệt 60.000 đồng. Thắc mắc trước nghịch lý này thì kế toán giải thích như sau: đó là quy định của "tài chính". Nếu "ngủ ghép" thì hai người vẫn "thừa" tiền cơ mà! Báo hại, có phải cơ quan lúc nào cũng đi hai người đâu để mà ngủ ghép? Nếu đi một mình, nếu anh nào "ngủ ghép" thì lại là người... ngoài cơ quan.
Sau nhiều lần thấy nhân viên trong cơ quan mình phải chịu thiệt về tiền ngủ sau mỗi chuyến công tác, cô kế toán của cơ quan anh Nguyễn Thành - một đơn vị hành chính sự nghiệp mới "bày" cho anh: "Từ nay, hễ mỗi lần đi công tác, thay vì ngủ 2 đêm, anh nói với bộ phận lễ tân ghi 3 đêm, số tiền anh phải trả vẫn không thay đổi, chỉ thay đổi số đêm ngủ. Anh không phải chịu thiệt mà kế toán cũng đỡ khó xử". Y lời kế toán bày vẽ, một lần, anh Thành đã yêu cầu lễ tân ghi thêm ngày, nhưng khổ nỗi, ngày "ghi thêm" đó, ông sếp lại bất ngờ điều động anh bay ra Hà Nội gấp, mà vé máy bay, hễ bay ngày nào thì hiện lên ngày đó chứ không thể ghi sai ngày cho hợp với chứng từ "ngủ thêm" ở khách sạn được. Đến khi thanh toán công tác phí, chính cô kế toán ấy "tố" anh Thành: "Tại sao anh vừa ngủ khách sạn (đêm ghi thêm) mà lại vừa bay (ngày ghi trong vé) đi Hà Nội?". Anh thành... cứng miệng, "chừa" luôn cái trò "lươn lẹo" mà cô kế toán ấy bày vẽ.
Hiện nay, việc thanh toán tiền phòng ngủ cho cán bộ nhân viên khi đi công tác ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã có "nhích lên" nhưng so với thực tế thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Ví dụ như ngủ ở TP.HCM (cán bộ dưới cấp trưởng phó phòng đi lẻ) thì chỉ thanh toán được 300.000 đồng/ngày. Số tiền này chỉ đủ để thuê... nhà nghỉ vài giờ.
Xe ôm cũng phải có... hóa đơn
Một cán bộ làm việc trong cơ quan hành chính sự nghiệp ở Quảng Trị thường xuyên đi công tác ở Đà Nẵng. Vé xe Đông Hà - Đà Nẵng là 60.000 đồng. Kẹt nỗi, nhà anh ở thị xã Quảng Trị, cách Đông Hà gần 20 cây số nên anh ra quốc lộ để đón xe. Toàn bộ những chuyến công tác đó, anh không được thanh toán vì không có vé xe theo quy định của tài chính. Muốn có vé xe, anh lại phải đón xe ôm quay ngược ra Đông Hà, mất thêm 40.000 đồng! Lại nữa, từ Bến xe Đà Nẵng mà đến cơ quan anh dưới bờ sông Hàn, anh lại đón xe ôm lần nữa, tốn thêm khoảng 40.000 đồng. Mỗi lần đi công tác "có vé xe", anh phải chịu thiệt thêm 70.000 đồng tiền xe ôm. Nghe anh than thở, cô kế toán "bày": "Anh phải nhờ anh xe ôm ấy ghi giấy xác nhận để có chứng từ!". Một hôm, anh làm theo lời chỉ dẫn của cô kế toán, thì anh xe ôm nói tỉnh queo: "Anh thông cảm, em không biết chữ". Thế là anh đành bỏ luôn.
Tất cả kế toán ở các cơ quan đều thấy rõ nghịch lý trên, từ chuyện công tác phí đến chế độ thanh toán tiền ngủ, tiền tàu xe, song họ không thể "linh hoạt vượt rào" để rồi khi tài chính cấp trên về kiểm tra, họ sẽ bị xuất toán thì không lấy đâu ra tiền mà đền!
Một bữa cơm, uống... 300 chai nước khoáng
Hiện nay, có những địa phương ra quy định rất kỳ quặc: "Không được tiếp khách bằng bia rượu". Lâu lâu gặp nhau, nhất là "cấp trên về thăm" mà... uống nước khoáng thì coi sao được. Thế là... bia. Mà đâu chỉ uống một vài chai. Hứng lên là 5-7 chai/người. Một đoàn 10 người, cả khách lẫn chủ nhà cũng mất vài thùng, ngót nghét triệu bạc.
Để cho hợp lý chứng từ, cô kế toán buộc phải bắt nhà hàng ghi phần "nước uống" là nước khoáng. Một triệu tiền nước khoáng hiện nay là khoảng 300 chai! Tài chính ở trên về kiểm tra, thấy cái "list" nước khoáng cho một bữa ăn ấy là không thể nhịn được cười vì nó quá vô lý với thực tế nhưng nó lại "hợp lý" với quy định. Ai cũng biết chuyện "đóng kịch" này là rất vô lối nhưng rồi tất cả đều... gật đầu chấp nhận.
Đó là thực tế rất hài hước của những quy định hiện hành, ai cũng kêu nhưng sửa cho hợp lý thì không biết đến bao giờ!
Dạy thêm 2.000 đồng/tiết !
Theo Văn bản số 91/THPT ngày 12.2.2011 về việc "Tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm" tại Bình Định, có đề ra 5 tiêu chuẩn của các lớp dạy thêm, gồm: số lượng học sinh một lớp không quá 45 em đối với lớp luyện thi đại học và 30 em đối với lớp phổ thông diện tích bình quân tối thiểu là 0,7 m2/ học sinh đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, hợp vệ sinh có bảng, bàn ghế phù hợp với học sinh có nhà vệ sinh cho học sinh. Trong khi đó, mức thu học phí thực hiện theo Quyết định 59/1999/QĐ-UB ngày 6.5.1999 của UBND tỉnh Bình Định như sau: khối tiểu học từ 12.000 - 15.000 đồng/tháng (vùng ngoại thành và các huyện từ 8.000 - 10.000 đồng/tháng), khối THCS không quá 12.000 - 15.000 đồng/môn học, khối THPT không quá 15.000 - 20.000 đồng/môn học, trung tâm luyện thi thì không quá 1.500 - 2.000 đồng/tiết/môn học.
Hai văn bản này đến nay vẫn còn hiệu lực. Một thầy giáo THPT cười cười, xòe tay tính toán rồi nói: "Nếu làm theo quy định, tôi tạm tính thế này: lớp học cao nhất 30 em, thu 20.000 đồng/tháng thì giáo viên dạy thêm thu được 600.000 đồng/tháng. Chừng ấy tiền chưa đủ để thuê địa điểm dạy, trả tiền điện, nước chứ nói gì đến cải thiện thu nhập. Quy định đưa ra để đọc chơi chứ có ai làm theo đâu? Làm theo thì giáo viên dạy thêm sẽ chuyển từ hộ nghèo sang hộ đói hết rồi".
Theo TNO
Phe đối lập Syria tiếp tục chia rẽ nội bộ sâu sắc Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) của phe đối lập đang tiếp tục chia rẽ nội bộ khi không thể hành động thống nhất. Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) của phe đối lập đã thất bại trong việc vượt qua những chia rẽ nội bộ chứ chưa nói đến những thách thức trong việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, một cựu...