Khổ vì… Mẹ
Vì sao em không cằn nhằn anh? Đáp lại cái thắc mắc có vẻ khó tin của tôi, vợ tôi buồn bã nói, nếu bây giờ, em còn la lối này nọ nữa, thì chắc là anh đến phát điên mà thôi.
ảnh minh họa
Tôi rơi nước mắt vì xót thương lẫn xúc động khi vợ thấu hiểu hoàn cảnh của mình.Vợ tôi làm dâu. Tôi luôn tin rằng, một người mẹ yêu con như mẹ tôi thì cũng sẽ thương dâu. Trong nhà, mẹ vốn gần gũi tôi nhất. Từ bé, mẹ chăm chút tôi thật nhiều. Tôi luôn là cậu con trai biết vâng lời, muốn làm mẹ vui lòng. Mọi việc, mọi thứ của tôi mẹ đều nắm rõ, từ quần áo, đồ đạc tôi có những gì, tới công ăn việc làm, bạn bè, buồn vui, tôi đều chia sẻ với mẹ… Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi đương nhiên sống với mẹ. Mẹ thường kêu đó là cái “phần phước” của tôi, so với các chị em trong nhà, tôi được “hưởng lợi” nhiều nhất, không tốn tiền thuê nhà, có mẹ ra vào trông nom cơm nước, sau này sinh cháu thì mẹ nuôi nấng đỡ đần; sao tôi còn luôn tỏ vẻ mệt mỏi buồn phiền như thế, đòi hỏi gì thêm nữa đây…
Đã nghe người ta nói nhiều về việc một bà mẹ quá yêu con trai thì sẽ “ghen” với con dâu, nhưng tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ rơi vào cảnh ấy. Làm gì có chuyện ngược ngạo đó được. Mẹ tôi thương con thì phải hiểu, con dâu là người mang lại hạnh phúc cho con trai mình chứ! Thế nhưng, giờ sống trong cảnh “đứng giữa” hai người phụ nữ quan trọng nhất, tôi mới thấm thía. Mẹ luôn tìm cách xỉa xói, nặng nhẹ con dâu trước mặt tôi. Cái áo vợ tôi sắm, mẹ chê “quê”, chê “già”. Món ăn vợ tôi làm, mẹ thường chê mặn, nhạt. Tôi thật không biết nên nói sao cho vẹn cả đôi đường.
Nhiều lần, mẹ kể lể với mọi người là tôi “bênh” vợ, quên công ơn của mẹ. Nhưng mẹ không ở vào vị trí của tôi, chẳng hiểu được cảm giác khó xử và khổ tâm của con trai. May mà vợ tôi biết chuyện, ít giận hờn bắt bẻ, luôn khuyên tôi nên gần gũi mẹ nhiều hơn. Tôi biết ơn vợ về điều đó. Và tôi càng băn khoăn rằng, một phụ nữ tốt như cô ấy, tại sao mẹ vẫn không thể mở lòng đón nhận mà phải “hơn thua” như thế? Nếu chẳng may tôi rước về một cô gái hỗn hào, ương bướng thì cảnh nhà sẽ thế nào, thật không dám hình dung.
Có gia đình riêng rồi, nhưng nhất cử nhất động của tôi, mẹ luôn lưu ý. Từ việc tôi đi đứng, giờ giấc bên ngoài, cho tới thức khuya hay dậy sớm, mẹ đều ý kiến. Tôi thấy mình vẫn như một đứa trẻ. Vợ tôi tất nhiên cũng không thoát. Chúng tôi không còn chút gì là tự do thoải mái, muốn cùng ăn một bữa cơm tiệm cũng không dám, nói gì đến du lịch xa nhà. Rủ mẹ cùng đi thì mẹ cương quyết từ chối. Không thể để mẹ ở nhà một mình khi hai vợ chồng đi vắng, tôi có lần đề nghị mẹ qua nhà mấy chị ở chơi vài bữa, mẹ lu loa lên rằng vợ chồng tôi muốn… chiếm nhà, đẩy mẹ ra khỏi cửa! Tiếng dữ đó, chắc sợ tôi gánh không nổi, nên mẹ mang đổ hết qua cho con dâu, rằng cô ấy xúi bẩy, bày trò.
Cuộc sống cả nhà chẳng có mấy niềm vui, luôn nặng nề căng thẳng vì những chuyện không đáng, dù lẽ ra hoàn toàn có thể đề huề yên ấm. Rồi thì công việc của tôi gặp khó khăn. Mẹ đổ thừa do vợ tôi không hợp tuổi, lấy vợ quá sớm để giờ nặng gánh. Thường xuyên tôi phải nghe những ca thán của mẹ về giá cả mắc mỏ, chi dùng khó khăn… Tôi mặc cảm với ý nghĩ rằng, mẹ không hài lòng vì thu nhập của tôi, về khoản tiền mà hàng tháng vợ chồng tôi gửi mẹ trang trải trong nhà. Là đứa con trai mà mẹ từng nói những lời yêu thương kỳ vọng, vậy mà từ lúc có vợ, tôi bị hắt hủi ghẻ lạnh, như thể mình đã gây nên tội lỗi gì to lớn, bất hiếu với mẹ vậy.
Những ngày này, tôi thất nghiệp, nhưng cứ đi lang thang, không dám về nằm nghỉ. Tôi sợ phải đối diện với mẹ và bao lời trách cứ không ngớt. Thái độ lạnh lùng im lặng của mẹ làm tôi thêm khổ sở. Một người đàn ông đã gần 30 tuổi như tôi, dưng không thấy mình bế tắc khốn khổ đến cùng cực, trong chính mái nhà mình.
Theo VNE