Khó tin: 1 tấn mỳ, nông dân Sa Thầy bị trừ tạp chất chỉ còn 5 tạ
Vào vụ thu hoạch, người trồng mỳ (sắn) trên địa bàn huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) lại thấp thỏm lo âu trước tình trạng các nhà máy thu mua mỳ trừ tạp chất (bằng cảm quan) quá cao.
Theo phản ánh của người dân huyện Sa Thầy, mỗi khi cân mỳ bán cho các nhà máy, mỗi xe mỳ thường bị trừ tạp chất lên đến hàng chục phần trăm, khiến người trồng chịu thiệt.
Người dân huyện Sa Thầy vào vụ thu hoạch mỳ nhưng luôn trong tâm trạng thấp thỏm vì các nhà máy thu mua trừ tỷ lệ tạp chất quá cao và bằng mắt thường. Ảnh: B.A
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV của Đoàn ĐBQH tỉnh, anh Đồng Đức Khôi, thôn Bình Giang, xã Sa Bình ý kiến, theo nguyên tắc của nhà máy, mỗi khi cân, củ mỳ nhỏ thường bị trừ 6%. Thế nhưng khi người dân bán vào, củ lớn cũng bị trừ 6%, sau đó lại bị trừ thêm tạp chất.
“Mỳ nhà tôi đa phần là củ to vẫn bị trừ 13%, có gia đình bị trừ tỷ lệ lên đến 50%. Sau một năm làm, mỗi tấn mỳ chỉ còn 5 tạ, người dân chúng tôi coi như lỗ vốn” – anh Khôi cho biết.
Tương tự, ông Phan Văn Thanh ở thôn 2, xã Sa Bình bức xúc: Thực tế mỳ dính tạp chất không bao nhiêu nhưng các nhà máy mỳ trừ rất cao, có lúc trừ lên 15-16%. Hơn thế, khi mỳ được chở ra, họ chưa cho nhập liền mà cứ giữ trên xe, gây hao hụt của dân.
Từ phản ánh của người dân, phóng viên có tìm hiểu việc thu mua, trừ tạp chất tại các nhà máy mỳ trên địa bàn huyện. Theo đó, mỗi nhà máy có cách trừ tạp chất khác nhau.
Video đang HOT
Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Vina ở thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn trừ tạp chất từ 6-8% đối với mỳ tại khu vực đồi; còn mỳ tại vùng bán ngập sẽ bị trừ từ 12-25%.
“Dựa trên cái cảm quan chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể để trừ tỷ lệ phần trăm. Mỳ ở vùng bán ngập, đất, cát, bùn bám vào củ rất nhiều nên bị trừ tạp chất cao hơn. Mỳ ở khu vực đồi núi, tạp chất ít hơn nhưng nếu trời mưa, cát, đất bám nhiều thì trừ 8%” – ông Nghiêm Đức Thuần – Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Vina cho biết.
Các công ty thu mua mỳ chỉ dựa vào cảm quan để trừ tạp chất. Ảnh: B.A
Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum có quy định cụ thể cho việc trừ tạp chất, lấy mẫu, xác định hàm lượng tinh bột và trừ độ bột. Sau khi xe hàng đổ xuống, nhân viên công ty cùng khách hàng kiểm tra, đánh giá cảm quan để thống nhất tỉ lệ tạp chất.
Theo đó, công ty trừ tạp chất ban đầu khoảng 6-8%. “Đối với mỳ tại vùng bán ngập, đa số củ nhỏ nên khi đưa vào bóc tách vỏ thường rớt ra ngoài chứ không đưa lên băng chuyền sản xuất. Hơn thế, mỳ ở vùng bán ngập lượng đất, cát bám rất nhiều nên trừ tạp chất cao hơn” – ông Nguyễn Văn Thái – Phó giám đốc Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum cho biết.
Cũng theo ông Thái, khi trừ tạp chất, giữa người dân và công ty cùng thống nhất, kí cam kết rồi mới tiến hành mua bán. Tuy nhiên một số người dân cho rằng, khi đã chở mỳ về công ty, sau khi kì kèo, họ thường đồng ý với việc trừ tạp chất của công ty vì đã tốn công, tốn chi phí chở đến.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các công ty tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình thu mua nguyên liệu. Ảnh minh hoạ
Ngay sau khi nghe phản ánh từ cử tri, Sở Công thương đã làm việc với Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum về vấn đề trên.
Theo đó, lãnh đạo Sở Công thương đã yêu cầu các công ty tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình thu mua nguyên liệu, đồng thời thường xuyên nhắc nhở nhân viên giao tiếp nhẹ nhàng, tránh tình trạng xung đột với nông dân.
Sở Công thương cũng đã đề nghị các công ty có quy định cụ thể tỷ lệ trừ tạp chất tối đa trong quá trình thu mua, nếu vượt tỷ lệ quy định, công ty cương quyết không thu mua của người dân nhằm giảm các trường hợp cố tình trộn lẫn tạp chất vào xe mỳ.
Sở Công thương cũng gởi thông báo về thời gian tích nước lòng hồ thủy điện Ia Ly và Plei Krông cho các công ty để đơn vị chủ động thông báo, hỗ trợ người dân trong quá trình canh tác và thu hoạch nhằm giảm tình trạng hư hao mỳ, tỷ lệ tạp chất cao.
Theo Bình An (Báo Kon Tum)
Bò tót 800kg chết khi lao vào xe tải
Đi lạc đàn, con bò tót ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã lao thẳng vào xe tải và bị tông chết.
Ảnh minh họa
Chiều tối 17/2, khi tuần tra trên địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) thuộc lâm phần Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray, kiểm lâm viên Giả Đức Hùng chứng kiến một con bò tót lao vào ôtô tải đang chở đá thi công. Con vật chết ngay tại chỗ.
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra không thấy có dấu hiệu bò tót bị săn bắn, bẫy bắt.
Theo nhận định của Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, nhiều khả năng do lạc đàn và môi trường sống bị ảnh hưởng nên con bò xuất hiện, tự lao vào ôtô.
Con bò tót bị xe tông chết là giống đực, có tên khoa học Bosgaurus, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Xác con bò tót hiện được lực lượng chức năng xử lý để làm tiêu bản phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường.
Ngày 19/2, ông Bùi Văn Quang, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết đơn vị đã làm việc với bên thi công đường Tỉnh lộ 674 về việc hạn chế đào đắp để đảm bảo lưu thông cho bò tót.
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có một đàn bò tót khoảng 10 con. Các nhà chuyên môn đang khảo sát hướng di chuyển để bảo vệ và tìm kiếm môi trường sống tốt với đủ thức ăn cho cả đàn.
Theo TTXVN
Sắn ngập lũ, nhà nông "thối ruột" Cùng với hàng loạt bò và tôm hùm chết ở đồng bằng, tình trạng sắn (mì) thối củ ở miền núi đang "khoét sâu" nỗi đau của nông dân vùng lũ lụt Phú Yên... Ngày 11.11, theo Sở NNPTNT Phú Yên, đợt lũ lụt đầu tháng này đã làm nông dân nhiều vùng trong tỉnh thất thu nặng nề do sắn ngập úng,...