Khổ sở vì chồng lười biếng lại áp đặt tôn giáo
Tôi vừa đi làm, vừa đi học, còn anh thì rảnh rang cả ngày, anh không đi học thêm, cũng không đi kiếm tiền.
ảnh minh họa
Sau hai năm quen nhau, chúng tôi cưới nhau đến nay đã được gần nửa năm. Tôi và chồng cùng làm trong một bệnh viện ở tỉnh.
Trước đám cưới 6 tháng, chồng tôi được bệnh viện cử đi học thêm về chuyên môn ở một bệnh viện khác, mỗi ngày chỉ học buổi sáng. Tuy đi học nhưng bệnh viện vẫn trả lương cho anh đều đặn 4,5 triệu/tháng. Tôi có khuyên anh nên lấy thời gian rảnh rỗi buổi chiều để đi làm thêm kiếm thêm thu nhập, vì đám cưới cần rất nhiều khoản phải chi. Nhưng anh không đồng ý, anh nói rằng anh đã đi làm vất vả suốt mấy năm trời, giờ mới có dịp nghỉ ngơi.
Thời gian trôi qua, đám cưới cũng diễn ra. Ngay sau đó, anh kết thúc khóa học. Bệnh viện đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở vật chất nên anh chưa phải đi làm, anh ở nhà chờ việc và vẫn hưởng lương đều đặn như lúc đi học. Thời gian anh không đi làm, tôi có khuyên anh đi làm thêm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, rồi sinh con cái nữa, nuôi con nhỏ tốn tiền lắm. Nhưng một lần nữa anh không đồng ý, anh nói rằng anh đã đi làm suốt mấy năm trời, giờ mới có dịp nghỉ ngơi.
Video đang HOT
Sau đám cưới, hằng ngày tôi vẫn đi làm đều đặn, cuối tuần tôi đi học sau đại học để nâng cao chuyên môn, lương của tôi gấp đôi lương của anh. Tôi vừa đi làm, vừa đi học, còn anh thì rảnh rang cả ngày, anh không đi học thêm, cũng không đi kiếm tiền. Phải chi anh biết suy nghĩ, vợ đi làm thì chồng ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng không, bình minh của anh là 9-10 giờ sáng, ngủ dậy anh lướt Internet, đi đánh cờ tướng, đi cafe, cơm nước anh không nấu, nhà cửa anh không lau, không dọn dẹp.
Thử hỏi, thanh niên trai tráng nghỉ ngơi từ tháng này qua tháng nọ mà vẫn chưa hết mệt sao? Hay tôi lấy phải một ông chồng vừa lười biếng việc nhà, lười biếng kiếm tiền, lười biếng học hành. Là vợ, tôi nói hoài cũng thấy mệt. Cuộc sống của phụ nữ có chồng là vậy sao?
Ngoài ra, cưới nhau rồi anh mới lộ diện là một con người rất áp đặt tôn giáo. Anh theo đạo Thiên Chúa, anh muốn tôi cũng phải theo đạo giống anh. Mẹ của anh (theo đạo Thiên Chúa) và ba của anh (theo đạo Cao Đài) đã chia tay nhau từ khi anh mới lọt lòng, rồi sau đó mẹ anh đi thêm bước nữa sinh ra một đứa em cùng mẹ khác cha với anh.
Theo quan điểm của tôi, đạo không xấu, đạo giúp con người ta hướng thiện. Gia đình tôi không có đạo, chỉ thờ cúng ông bà tổ tiên thôi. Vì anh, tôi cũng tình nguyện đi học giáo lý dự tòng, đã rửa tội, đã gia nhập đạo. Nhưng cách sống của anh, một người chồng lười biếng nhưng luôn áp đặt tôn giáo lên vợ khiến tôi không chịu nổi. Thiên Chúa dạy con người phải yêu thương nhau chứ Thiên Chúa đâu có dạy người trong đạo ghét người ngoại đạo?
Tôi là một con người đã trưởng thành, có suy nghĩ, biết nhận thức. Trên thế giới này có rất nhiều tôn giáo, mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của riêng mình. Tại sao chồng tôi lại cướp đi cái quyền đó của tôi?
Tôi rất buồn và chua xót khi nghĩ tới tương lai. Bây giờ còn trẻ mà chồng tôi đã lười biếng như vậy rồi, sau này sinh con cái liệu tôi sẽ ôm hết mọi việc vào người chăng? Tôi là vợ mà chồng tôi còn áp đặt tôn giáo như thế này, thì với con cái, chồng tôi sẽ áp đặt tôn giáo đến nhường nào nữa?
Cuộc sống hôn nhân mới bắt đầu mà đã trăm bề khó khăn như vậy rồi, tôi rất rối trí, tôi không biết nên cư xử như thế nào? Tiếp tục khuyên chồng, cho chồng thời gian sửa đổi hay tôi sẽ theo quan điểm “chia tay sớm bớt đau khổ”?
Xin mọi người tư vấn dùm tôi!
Theo VNE
Mệt mỏi vì định kiến
Không dưới hai lần mẹ chồng dạy em, sinh ra làm kiếp đàn bà là phải chịu khổ nhục, nhận về những vất vả khó nhọc, hi sinh. Anh cũng ngồi ngay đấy âm thầm chẳng ý kiến gì, chỉ khi về đến nhà mới rụt rè: "Anh chẳng bao giờ đồng tình với quan điểm đó".
Em không hiểu do thổ nhưỡng, do long mạch hay do gì mà cứ về quê là em với anh không tài nào cười nói nổi với nhau. Anh lườm: "Sao cứ mê tín đổ thừa như thế, là do con người hết". Điều này em đồng ý.
Nhưng anh bảo có vui nổi không, khi tất cả là em phải làm từ việc nhà cho đến việc họ, gánh vác cả công việc lẫn tài chính, tiền đóng gạo góp, góp công góp sức và em là đàn bà phải có trách nhiệm nặng hơn. Phải thu xếp xin nghỉ mà về lê la ở quê hai ngày cho dân làng nhìn vào. Trong khi đó anh sẽ ngồi ghếch chân, chỉ việc xem ti vi cho giống bố anh, khôn hồn đừng giúp vợ việc gì kẻo mẹ sẽ lườm nguýt, bố thì cười khẩy "mặc váy vào đi con".
Ông vẫn kể công rằng một tay ông nuôi con ăn học, xây nhà, mua sắm vật dụng, bà đã làm được cái gì... Bà vẫn phải im dù nhiều phen ấm ức, vì phụ thuộc mãi nên bà quen chịu chữ nhẫn và muốn con dâu mình cũng phải như thế.
Trong khi em khác bà nhiều chứ. Em sống chủ động, có công việc của mình, cũng đầu tắt mặt tối bỏ toàn bộ thời gian riêng tư dành cho bố con anh và tháng nào có giỗ chạp cũng vẫn về góp mặt. Anh hiểu điều đó, anh thương em nhưng cứ về quê là anh lại thể hiện mình là "trụ cột gia đình đích thực", chỉ ngồi chờ người khác phục vụ. Anh thích nghi nhanh thật đấy, kiểu gì cũng góp vui được và yêu cầu vợ cũng phải thay đổi lập tức, rồi anh trách em cầu toàn.
Điều bất công có chọn lọc ấy em không phục hàng bao năm rồi, nhưng anh cứ tỉ tê nịnh nọt kêu là có về mấy đâu, chịu khó tí. Chả mấy khi về thật, nhưng em khó chịu khi kiểu gì em cũng bị nói, bị chê, rồi được nghe kể về các tấm gương con bé nhà kia biết việc đảm đang, con dâu nhà nọ ỷ lại lười biếng không biết điều. Những câu chuyện của họ mang màu sắc chủ quan vô lý, em không tài nào tiêu hóa nổi. Vẫn phải miễn cưỡng ngồi nghe và nghĩ sống sao cho vừa lòng người?
Thế nên đừng ngạc nhiên khi em dần muốn thoái thác mỗi khi có việc cần về. Vì ở đó em luôn có cảm giác chồng như không phải chồng mình. Ai nói gì anh cũng gật, kể cả có ông to mồm bảo: "Không đánh được vợ là chưa thể hiện được sức mạnh đàn ông". Giá em mà là anh em sẽ mạnh miệng hơn: "Nắm đấm chỉ sử dụng khi não bộ đã bị vón thành cục".
Dù gì cũng là việc chung, trách nhiệm của anh cũng phải có trọng lượng một chút. Đằng này anh hất tất cả thành việc của đàn bà, còn anh thì đi câu cá, bẫy chim cùng mấy ông trong xóm, tối uống nước chè bàn chuyện với các cụ và giao lưu phỏm đến tối khuya. Mỗi lúc về quê vợ chồng lại giận nhau, cứ thế vết rạn dần loang lổ, quan hệ gia đình ngày một nặng nề. Em bắt đầu thấy những đổ vỡ, ít nhất là từ niềm tin ở trong tim.
Theo VNE
4 thói xấu dễ khiến con gái bị người yêu bỏ rơi Đôi khi con gái lại rất ít khi để ý đến điều này hoặc suy nghĩ thỏa hiệp rằng mình sẽ sửa nhưng lại chẳng sửa nổi. Thức khuya, dậy trễ Thế Duy (23 tuổi, ĐH Ngoại Thương TP.HCM) thở dài khi kể về bạn gái của mình: "Cô ấy có thói quen thức rất khuya. Lúc nào mình online Facebook cũng thấy...