Khó phát hiện lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách
Được đại biểu đánh giá là thẳng thắn, không né tránh khi trả lời nhiều câu hỏi “hóc” đặt ra, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận nhiều “lỗi”, “lọt”, sơ xuất trong quá trình tham mưu xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật…
Có thể có nhưng chưa phát hiện
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu vấn đề, cử tri cho rằng, hiện tham nhũng đang xảy ra trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề tham nhũng chính sách, pháp luật. Ông Thuyền nghi ngờ thực tế có hiện tượng này vì rõ ràng có việc nhiều bộ ngành vẫn ban hành những văn bản “đá” nhau vì chuyện bảo vệ lợi ích của ngành mình.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thuyền, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ, chặt chẽ qua nhiều tâng nấc. Chỉ trừ việc ban hành thông tư và thông tư liên tịch của các bộ, ngành chưa có sự kiểm soát tập trung (theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật), còn các loại văn bản, từ quyết định của Thủ tướng đến Nghị định của Chính phủ, quy trình xây dựng rất chặt chẽ.
Bộ trưởng Tư pháp: “Không loại trừ văn bản này, quy định kia lọt… lợi ích nhóm”.
Không bác hẳn nghi vấn có tiêu cực, tham nhũng chi phối nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng phân trần, “có thể không phát hiện được vấn đề đó vì rất khó”.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) rót thêm nghi vấn từ việc Chính phủ nhiều lần xin điều chỉnh, “đưa vào, rút ra” các dự án luật trong chương trình chứng tỏ lợi ích nhóm đã tác động nhiều trong quá trình xây dựng luật. Ông Sơn yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp đưa ra một cách thức để chặn tác động của lợi ích nhóm trong việc làm luật.
Giải đáp thắc mắc này, ông Cường đi từ ví dụ thực tế, nhiều đại biểu Quốc hội từng nói nhiều về việc ban hành Nghị định về hoạt động kinh doanh vàng hay vận hành thị trường, kiểm soát giá xăng dầu, giá than, giá điện… Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, chủ trương tiến tới giá thị trường đối với những mặt hàng này thì khó “vặn vẹo” được vì đã được nhà nước xác định rất rõ. Nhưng vấn đề lộ trình thế nào để ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát thì bước đi Chính phủ đề ra phải rất chặt chẽ.
“Nếu nói lợi ích nhóm gì đó thì khó vì vấn đề được kiểm soát chặt. Nhưng cũng không loại trừ văn bản này, văn bản kia để hở, lọt. Thực tế có thể có việc đó” – Bộ trưởng Tư pháp nói.
Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) truy vấn tiếp: “Có hay không tình trạng các doanh nghiệp “tranh thủ” cơ chế chính sách để trục lợi, gây thất thoát tài sản của nhà nước. Bộ trưởng có giải pháp nào để chặn nguy cơ này?”.
Gọi thẳng tên sự việc đại biểu đề cập là “lobby chính sách”, Bộ trưởng Tư pháp giải thích, chuyện này ở các nước khá phổ biến nhưng ở Việt Nam chắc chắn rất khó, nếu có cũng rất hãn hữu vì sự khác nhau về chế độ chính trị. Vì chế độ Đảng lãnh đạo nên pháp luật, theo ông Cường, là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chắc chắn chỉ có một hướng thống nhất, không bị chi phối, ảnh hưởng, vận động bởi phái chính trị khác.
Video đang HOT
Thừa nhận có nghe những ý kiến phản ánh về việc này việc kia, bản thân không thể tự kết kết luận về vấn đề nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Bộ Tư pháp không phát hiện hiện tượng trong vấn đề ban hành vi phạm pháp luật (không phải vấn đề điều hành) – lĩnh vực kiểm tra của Bộ.
Không chỉ “lọt” quy định chứng minh thư ghi tên cha mẹ
Chuyển sang vấn đề kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Huỳnh Văn Tấn (Tiền Giang) nêu nhiều hạn chế như một số văn bản chưa được phát hiện kịp thời, chỉ được đề cập, sửa chữa khi có phản ánh của báo chí, dư luận. Đại biểu cho rằng trách nhiệm thuộc Bộ trưởng Tư pháp.
Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp tại UB thường vụ Quôc hôi.
Ông Hà Hùng Cường “thanh minh”, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu sự thẩm định toàn diện. Để đảm bảo việc này, luật đưa ra nguyên tắc sau 3 ngày ban hành văn bản, các bộ, ngành phải gửi văn bản cho Bộ Tư pháp để kiểm tra. Tuy nhiên, thực tế, việc gửi văn bản cũng chậm nên nhiều khi văn bản được đăng tải, thông báo rồi mà cơ quan kiểm tra vẫn chưa nhận được.
Xác nhận thông tin phản ánh từ báo chí là một nguồn quan trọng để Bộ Tư pháp nắm thêm tình hình dư luận, ông Cường cho biết đã chỉ đạo thực hiện chế độ điểm báo hàng ngày liên quan đến việc phát hiện văn bản sai phạm để yêu cầu kiểm tra vào cuộc ngay. Nhưng người đứng đầu ngành Tư pháp cũng cho rằng, Bộ không hoàn toàn chỉ kiểm tra khi sự việc đã được nêu trên báo chí.
Từ năm 2010, Bộ đã ban hành quy chế để yêu cầu đến các Sở, phòng Tư pháp chủ động thẩm định, kiểm tra văn bản của các cấp ngành trong những lĩnh vực mà dư luận, người dân quan tâm, chờ đợi. Ngoài 4 nội dung yêu cầu bắt buộc, cơ quan kiểm tra còn mở rộng thêm việc thẩm định, đánh giá tính khả thi, phù hợp thực tế của luật.
Việc phát hiện bất hợp lý trong quy định về ưu tiên cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học do Bộ GD-ĐT ban hành là một ví dụ được Bộ trưởng Tư pháp nêu ra làm dẫn chứng cho nhận định này.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh truy vấn tiếp, có bao nhiêu văn bản của Chính phủ “lọt” không qua Bộ Tư pháp thẩm định?
Ông Cường trình bày, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định hơn 400 văn bản, trung bình mỗi văn bản 50 nội dung, tính ra có trên 2 vạn nội dung được kiểm tra, xem xét. Ông Cường xác nhận, “cũng có nội dung này khác dư luận không đồng tình nhưng số lượng không nhiều so với số nội dung được thẩm định”.
Nhắc lại câu chuyện “lọt” quy định chứng minh thư nhân dân ghi tên cha mẹ, Bộ trưởng Tư pháp phân trần, Nghị định từ năm 1999 đã quy định vấn đề này. Khi Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp nhận Nghị định mới đề xuất của Bộ Công an, các cán bộ chỉ tập trung vào nhưng vấn đề mới, vấn đề cũ “coi như đã rồi” nên… bỏ sót. Vì vậy, chỉ đến khi Bộ Công an triển khai thí điểm cấp chứng minh thư mẫu mới ở 4 quận của Hà nội, dư luận lên tiếng, Bộ Tư pháp mới lật lại và thống nhất kiến nghị Thủ tướng dừng việc thí điểm.
“Thực tế là quá trình kiểm tra có lọt chứ không phải không. Tôi đã yêu cầu anh em báo cáo, kiểm điểm để rút kinh nghiệm” – Bộ trưởng Tư pháp thẳng thắn.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: “Bộ Tư pháp để lọt kiểm tra, thẩm định bao nhiêu văn bản?”.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nối tiếp bức xúc, chưa bao giờ các bộ, ngành có nhiều thông tư ban hành gây bức xúc như thời gian qua. Ông Nam điểm qua các quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm khi thi đại học, chó, mèo phải “có hộ khẩu”, xử phạt người gọi điện ở cây xăng, quan tài cán bộ không được lắp ô kính…
Mượn lại một lời nhận xét là cơ quan chức năng “ngồi trên trời làm chính sách”, ông Nam chỉ ra nghịch lý, nhiều khoảng trống khác lại không có quy định, văn bản nào điều chỉnh, cơ quan nào kiểm soát và yêu cầu truy tìm nguyên nhân của tình trạng này.
Phủ nhận nhận xét của ông Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường quả quyết, chưa bao giờ Việt Nam xây dựng được ý thức thực sự cao trong thực thi công vụ của cán bộ cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân như hiện nay. Kể từ khi ban hành Hiến pháp 1980 đến nay, ông Cường cho rằng, ý thức pháp luật của người dân, cán bộ đã cải thiện hơn trước, cao hơn 1 bước đáng kể.
Xác nhận có 1 số quy định đưa ra chưa phù hợp thực tế nhưng ông Cường cũng nêu quan điểm, cần dần dần đưa các hoạt động trong cuộc sống vào khuôn khổ pháp luật. Dẫn chứng vụ cháy trạm xăng đối diện bệnh viện 108 ở Hà Nội ít tháng trước, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, việc sử dụng điện thoại di động ở nơi bán xăng là một nguồn nguy hiểm cao độ nên có quy định về việc đặt biển cấm, nhắc nhở, xử phạt là đúng để xây dựng thói quen, ý thức chấp hành của người dân, còn “chưa chắc quy định nào đưa ra cũng phải để xử phạt”.
“Bản thân tôi là người nghiện thuốc lá nhưng sang Singapore, nhìn thấy trong thang máy đề rõ quy định hút thuốc phạt 1.000 USD thì tôi cũng không bao giờ dám… thử vi phạm” – ông Cường ví von.
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng: "Không thể "né" hôn nhân đồng giới"
Nhận định hôn nhân đồng giới là một thực tế xã hội đang đòi hỏi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, đây là vấn đề của toàn cầu, không thể "né". Thủ tướng thống nhất đưa vấn đề vào luật Hôn nhân-Gia đình sửa đổi để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình được đưa ra thảo luận tại Chính phủ trong phần cuối phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ. Nhiều vấn đề lớn, quan trọng lần lượt được đề cập như việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình; vấn đề giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng trong chế độ tài sản theo luật định; vấn đề xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...
Bộ trưởng - Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử "can gián" quy định công nhận việc mang thai hộ, chấp nhận hôn nhân đồng giới. Theo ông Phử, những vấn đề này chưa phù hợp với truyền thống, thói quen suy nghĩ của người Việt Nam.
"Có thừa nhận hôn nhân đồng giới thì trong thâm tâm cũng vấn thấy "gờn gợn". Tuy nhiên, bộ phận người đồng tính cũng là những công dân trong xã hội, đảm bảo quyền lợi cho họ cũng là vấn đề cần xem xét" - ông Phử diễn giải.
Ngược lại quan điểm này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại cho rằng nên ủng hộ quy định cho phép mang thai hộ bởi thực tế có những cặp vợ chồng rất muốn có con. Đó là mong muốn chính đáng của mỗi người, mỗi gia đình nhưng vì người vợ không thể mang thai được, cuộc sống gia đình cũng thiếu hạnh phúc, nhiều nguy cơ mâu thuẫn.
Bà Tiến phân tích thêm, thực tế, không cho phép thì vẫn có những cách thức làm chui, bất hợp pháp để nhờ mang thai hộ. Nữ Bộ trưởng dẫn chứng, nhiều người nổi tiếng, giàu có ở Việt Nam cũng đã chọn cách ra nước ngoài để "làm dịch vụ", chủ yếu sang Thái Lan.
Nhấn mạnh ý nghĩa đây là một quy định mang tính nhân văn, Bộ trưởng Y tế khẳng định hoàn toàn ủng hộ vấn đề này.
Tuy nhiên, bà Tiến lại nêu nhiều băn khoăn đối với quy định về ly thân được bổ sung thêm trong dự thảo luật.
Bộ trưởng Y tế đặt câu hỏi, nhiều gia đình, cả 2 vợ chồng vẫn sống cùng một nhà, cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính, chăm sóc, nuôi dạy con cái nhưng tư tưởng, tình cảm thì mỗi người có thế giới riêng, có phòng riêng. Nêu giả thiết "đăng ký" sống ly thân, bà Tiến nghi ngại ít người muốn "khai báo" thật về đời sống riêng, về tình trạng hôn nhân, gia đình, đời sống của vợ chồng mình.
"Đưa chế định này ra có làm vấn đề thêm phức tạp? Có quy định này, người sống ly thân thật mà không khai báo thì có phạm luật, có chế tài xử lý?" - nữ Bộ trưởng đặt vấn đề.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường "trấn an", chế định ly thân trong dự thảo luật được quy định rất chặt chẽ. Ông Cường giải thích thêm "ban soạn thảo day dứt, nghĩ nhiều về việc này cũng vì mục đích bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em". Bộ trưởng đề xuất giữ nội dung này để trình Quốc hội cho ý kiến thêm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc, mục đích là bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong gia đình nhưng cần xem xét những điều kiện chặt chẽ như vợ chồng phải cùng khai báo, cam kết về việc thiết lập trạng thái ly thân với cơ quan chức năng.
Lưu ý thêm về quan điểm cho phép mang thai hộ, không cấm hôn nhân đồng tính, Thủ tướng cho rằng, thực tế xã hội đòi hỏi, yêu cầu thì cần nêu các ý kiến khác nhau ra để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ vì đây không còn là "chuyện của Việt Nam nữa" mà đều là những vấn đề của toàn cầu.
Cũng trong ngày 13/8, Chính phủ thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Dự án luật được bổ sung những quy định mới và sửa đổi những quy định không phù hợp, không khả thi của Luật hiện hành nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường; đảm bảo kiểm soát ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước và bổ sung một số nội dung mới liên quan đến tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường; coi trọng công tác phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường;... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ban soạn thảo cần làm rõ các quy định về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về môi trường trong Luật, tránh sự chồng chéo và nhầm lẫn giữa các khái niệm. Thủ tướng cho rằng không đưa vấn đề tổ chức bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh vào Luật, tuy nhiên cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm xử phạt những vi phạm liên quan đến môi trường lưu vực sông.
P.Thảo
Có mã số định danh vẫn giữ chứng minh thư, hộ khẩu? "Mã số định danh có thay thế chứng minh thư hiện nay?", "Có thêm số định danh chỉ thêm rắc rối chứ không thay thế được gì. Như thê khác nào thêm người thêm việc"... Các đại biêu băn khoăn vê dự luât Hô tịch. Chiều 13/8, dự luật Hộ tịch lần thứ 2 được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quôc...