Khó người cũng chẳng dễ ta
Cái chết của thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Antonin Scalia đã làm xáo động cả chính trường lẫn cuộc tranh cử tổng thống ở nước này.
Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Antonin Scalia, người vừa qua đời hôm 13.2 – Ảnh: Reuters
Ông Scalia, 79 tuổi, là một trong 9 thẩm phán của tòa án tối cao và được bổ nhiệm năm 1986 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan thuộc đảng Cộng hòa.
Không còn ông Scalia, phe đảng này và phái đảng Dân chủ ngang bằng nhau với mỗi bên có 4 thẩm phán. Đương kim Tổng thống Barack Obama và đảng Dân chủ hiện có cơ hội chiếm đa số với quyền đề cử người thay thế ông Scalia.
Ở Mỹ, tòa án tối cao có quyền phán quyết về quyết sách của cả quốc hội lẫn chính phủ nên đảng đương quyền không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để bố trí nhân sự có lợi cho họ.
Cái khó của phe đảng Cộng hòa là ông Obama chứ không phải họ có quyền đề cử người thay thế ông Scalia. Nhưng cái khó đối với ông Obama là đề cử nhân sự phải được Thượng viện phê chuẩn, mà Thượng viện hiện tại do đảng Cộng hòa kiểm soát. Nếu chọn người thuộc phe mình thì ông Obama không thể vượt qua được sự bác bỏ của đảng Cộng hòa. Nhưng nếu chọn ứng viên để được phe đảng Cộng hòa chấp nhận thì ông Obama sẽ đi ngược lợi ích của đảng và sẽ không tránh khỏi sự bất bình trong nội bộ đảng Dân chủ. Còn nếu không thay thế ông Scalia thì tòa án này sẽ bị tê liệt – điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.
Bài toán tưởng dễ mà khó hóa giải đối với ông Obama và đảng Dân chủ. Thời thế tưởng đã mất mà hóa vẫn còn đối với đảng Cộng hòa. Cuộc tranh cử tổng thống vì thế có thêm chủ đề mới. Cuộc giằng co quyền lực giữa hai đảng này vì thế càng thêm quyết liệt.
Thảo Nguyên
Theo Thanhnien
Video đang HOT
Cuộc chiến quanh chiếc ghế thẩm phán tối cao Mỹ
Những tranh cãi giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ khiến quy trình lựa chọn thẩm phán tối cao mới của Mỹ trở nên khó khăn và gian nan hơn rất nhiều.
9 thẩm phán tòa án tối cao Mỹ năm 2010. Ông Scalia ngồi hàng trên, thứ hai từ trái sang. Ảnh: Wikimedia
Ngày 13/2, thẩm phán tòa án tối cao Mỹ Antonin Scalia bất ngờ qua đời vì đột quỵ, mở đầu cho cuộc chiến giữa các chính trị gia Mỹ trong việc lựa chọn ứng cử viên cho chiếc ghế thẩm phán bị bỏ trống ở tòa án quyền lực nhất đất nước này, theo Reuters.
Thẩm phán tòa án tối cao Mỹ là chức danh được bổ nhiệm trọn đời, đồng nghĩa với việc 9 thẩm phán ở tòa án này chỉ mất chức sau khi qua đời, hoặc bị buộc tội. Trong lịch sử tư pháp Mỹ, mới chỉ có duy nhất thẩm phán tối cao Samuel Chase bị buộc tội vào năm 1804, tuy nhiên ông này lại được Thượng viện tuyên bố vô tội và tiếp tục giữ ghế cho đến khi mất vào năm 1811.
Với việc ông Scalia qua đời, tòa án tối cao Mỹ hiện chỉ còn 8 thẩm phán để góp phần quyết định những vấn đề hệ trọng nhất đối với người Mỹ, và với vai trò này, các thẩm phán tối cao được coi là "thần hộ vệ" của hiến pháp Mỹ.
Trong 8 thẩm phán tối cao hiện nay có 4 người thuộc phe bảo thủ và 4 người thuộc phe tự do. Điều này dẫn đến thực tế rằng thẩm phán tối cao tiếp theo có thể làm thay đổi cán cân quyền lực tại tòa án cấp cao nhất của Mỹ, và nó nhanh chóng trở thành chủ đề nóng hổi trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống năm 2016.
"Chúng ta cần phải biến cuộc bầu cử năm 2016 thành cuộc trưng cầu dân ý về Tòa án Tối cao", Thượng nghị sĩ Ted Cruz, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tuyên bố.
Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama khẳng định sẽ đề cử một ứng viên thay thế ông Scalia, tuy nhiên quyết định này cần sự phê chuẩn của Thượng viện khi cơ quan này họp phiên đầu tiên trong năm mới vào ngày 22/2.
"Đến lúc đó, chúng tôi hy vọng Thượng viện sẽ xem xét ứng viên theo trách nhiệm mà Hiến pháp Mỹ đã giao phó cho họ", người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz nói.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, tổng thống sẽ lựa chọn một ứng viên vào chiếc ghế thẩm phán tối cao bị bỏ trống, và Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ tổ chức phiên điều trần để xem xét trình độ cũng như các vụ án mà ứng viên từng tham gia xét xử, đồng thời truy hỏi các nhân chứng ủng hộ hoặc chống lại ứng viên được đề cử này.
Quyền phê chuẩn hay bác bỏ ứng viên này thuộc về toàn thể Thượng viện qua một cuộc bỏ phiếu, theo nguyên tắc quá bán. Nếu ứng viên được Thượng viện phê chuẩn, người đó sẽ trở thành thẩm phán tối cao trọn đời. Nếu ứng viên bị bác bỏ, tổng thống sẽ phải lựa chọn người khác, và quy trình này được lặp lại.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: USCNPM
Theo quy trình này, giới quan sát cho rằng việc đề cử thẩm phán tối cao mới sẽ trở thành một cuộc chiến thật sự giữa ông Obama và Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Ngay sau khi được tin ông Scalia qua đời, đảng Cộng hòa đã tuyên bố sẽ không phê chuẩn bất cứ ứng viên nào cho đến khi Mỹ có tổng thống tiếp theo vào tháng một năm sau. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện Harry Reid cho rằng việc cơ quan này không phê chuẩn ứng viên mới sẽ là "sự trốn tránh đáng hổ thẹn" của Thượng viện đối với nghĩa vụ hiến pháp của mình.
Chia rẽ sâu sắc
Cả hai phe đều có những lập luận của riêng mình. Ông Reid cho rằng nước Mỹ chưa từng có tiền lệ bỏ trống ghế thẩm phán tối cao tới tận một năm. Ví trí này bị bỏ trống lâu nhất là 363 ngày sau khi thẩm phán Abe Fortas từ chức vào tháng 5/1969.
Đảng Cộng hòa thì khẳng định trong 80 năm qua, không có bất cứ ứng viên thẩm phán tối cao nào được phê chuẩn trong năm chạy đua bầu cử tổng thống. Trong thực tế, thẩm phán Anthony Kennedy được phê chuẩn vào năm 1988, sau một cuộc chiến "trầy vi tróc vảy" khi Thượng viện bác bỏ đề cử đầu tiên của Tổng thống Ronald Reagan.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dữ liệu lịch sử mà cả hai bên dẫn ra đều quá ít ỏi để thể hiện được độ tin cậy, và lịch sử cũng không phải là yếu tố được coi trọng trong quy trình đề cử thẩm phán tối cao ngày càng bị chính trị hóa sâu sắc trong những năm gần đây.
Với hai thẩm phán được Obama đề cử trước đây là Elena Kagan và Sonia Sotomayor, tổng thống chỉ mất khoảng 30 ngày để lựa chọn sau khi hai thẩm phán tiền nhiệm của họ tuyên bố kế hoạch từ chức.
John Kasich, thống đốc bang Ohio, cho rằng Thượng viện không nên vội vàng, vì cuộc chiến này có thể làm sâu sắc thêm những chia rẽ trong lòng xã hội nước Mỹ. "Các bạn đã thấy mọi thứ bị chia rẽ như thế nào rồi. Thứ tôi không muốn nhìn thấy là tình trạng tranh giành, đấu đá lẫn nhau thêm nữa".
Nhưng thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy cảnh báo việc trì hoãn bầu thẩm phán tối cao mới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 11 tới đây. "Nếu lãnh đạo đảng Cộng hòa quyết không tổ chức ngay cả phiên điều trần, họ sẽ mất quyền kiểm soát Thượng viện, vì tôi không nghĩ rằng người dân Mỹ sẽ chấp nhận điều đó".
Ông Cruz, thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cho rằng chiếc ghế mà thẩm phán Scalia bỏ lại sẽ khiến cuộc chạy đua tổng thống Mỹ càng trở nên quyết liệt hơn. Ông này nhận định nếu các ứng viên đảng Dân chủ như ông Bernie Sanders hay bà Hillary Clinton lựa chọn thẩm phán tối cao, quyền sở hữu súng của người Mỹ được quy định trong hiến pháp sẽ bị "loại bỏ", và việc phá thai theo yêu cầu sẽ trở thành luật ở nước này.
Trụ sở tòa án tối cao Mỹ. Ảnh: Wikimedia
Khi được hỏi về thẩm phán tối cao mới, một ứng cử viên tổng thống khác của đảng Cộng hòa là tỷ phú Donald Trump lại nói một cách ngắn gọn là: "Người nào đó giống như Thẩm phán Scalia".
Ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton khẳng định việc đảng Cộng hòa cố tình trì hoãn phê chuẩn thẩm phán tối cao mới là hành động "không tôn trọng hiến pháp", và trách nhiệm của Thượng viện theo quy định của hiến pháp không thể bị ảnh hưởng bởi những lý do chính trị.
"Tòa án tối cao sẽ thực sự là một vấn đề lớn trong năm nay. Đó sẽ là một cuộc chiến vô cùng khốc liệt", David Axelrod, cựu cố vấn chính trị cấp cao của ông Obama, nhận định.
Trí Dũng
Theo VNE
Người gốc Việt trở thành ứng viên thẩm phán tối cao Mỹ Bà Jacqueline Nguyễn Thị Hồng Ngọc, người phụ nữ gốc Việt trở thành ứng viên thẩm phán tối cao tại Mỹ Sau khi ông Antonin Scalia, Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ qua đời ở tuổi 79, bà Jacqueline Nguyen, một phụ nữ gốc Việt được coi là một trong những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét để lựa...