Kho lương thực độc đáo của người Êđê
Ngày nay, hiếm khi trông thấy bóng dáng những kho lúa nho nhỏ của người dân. Nhưng ở Tây Nguyên, đồng bào Êđê ở buôn Zô ( xã Cư Prao, huyện M’Đrắk) vẫn gìn giữ nhiều nét đẹp truyền thống, phong tục này của dân tộc.
Kho lúa nhỏ nhỏ xinh trên nương được người dân làm từ ngày xưa.
Sống yên bình bên những triền đồi nhấp nhô, chúng tôi đến buôn Zô vào buổi chiều tà đúng lúc chị H’ Plya Ksơr mở kho kiểm tra xem lúa có bị đàn chim tấn công. Chị cho biết, kho thóc này là nơi cất chứa, dự trữ lương thực, hạt giống của gia đình được dựng cách đây 10 năm. Theo phong tục Êđê, tất cả các loại nông sản như lúa, bắp, sắn… thu hoạch về phơi khô rồi bảo lưu trong kho. Kho có hình dáng như ngôi nhà dài thu nhỏ, diện tích chỉ chừng 10 – 15 m2, được làm bằng ván, trụ gỗ, mái lợp tôn kiên cố, kín đáo tránh mưa, nắng và các loại chim chóc chui vào.
Kho được làm riêng biệt. Khi dựng nhà, người dân thường ưu tiên làm phần kho trước, thường nằm phía sau nhà ở, phần cửa đều được mở ở phía ngoài. Đặc biệt, kho có cầu thang riêng nhưng không đặt cố định mà khi nào cần mới bắc lên. Tùy vào điều kiện nhà đông người, có rẫy nhiều thì dựng thêm kho để chứa nông sản. Trong kho, người dân bố trí phần giống và lúa ăn riêng biệt. Những hạt giống như: Mướp, cà, ớt, bầu bí, bắp… thường treo lên cao ở một góc kho hoặc cho vào ống tre đậy kín chống mối mọt tấn công; lúa giống được đựng vào các bồ đan bằng nứa, mây có nắp tránh bị côn trùng, chim chóc phá hoại; còn lúa ăn, hoa màu dự trữ… thì để riêng một bên cho tiện lấy.
Kho thóc của gia đình chị H’ Plya Ksơr ở buôn Zô, xã Cư Prao.
Video đang HOT
Già làng Y Tháp Niê (buôn Zô, xã Cư Prao) lý giải về sự hiện diện của kho thóc: Người Êđê quan niệm, thóc do Yàng (thần linh) ban tặng nên người và thóc không được ở cùng nhau. Con người có nhà để ở thì hạt thóc cũng phải có kho. Mỗi gia đình phải có một kho thóc bài bản, tách riêng với nhà ở nếu không Yàng sẽ giận và không ban cho mùa màng bội thu. Lúa đến mùa thu hoạch sẽ bị con chim, con sâu, con sóc trên rừng ăn mất và người trong nhà sẽ bị đói kém.
Nên nhà ở có thể cũ nát nhưng kho thóc luôn phải khang trang bởi đó là nơi cất trữ nguồn lương thực thiết yếu của con người. Hơn nữa, kho thóc tách bạch với nhà ở cũng cách để tránh những thiệt hại do hỏa hoạn, bảo đảm nguồn lương thực và giống má cho mùa sau. Kho thóc còn là hình ảnh của no ấm, thể hiện sự quý trọng, biết giữ gìn hoa màu, lương thực của đồng bào bản địa.
Già Y Tháp kể tiếp, trước đây làm ra hạt thóc, hạt bắp rất khó lại trong điều kiện kinh tế tự cung tự cấp nên có năm mất mùa hoặc tới mùa giáp hạt là đói. May có kho thóc, nhà còn thì san sẻ cho nhà hết, cùng nhau dìu qua khốn khó. Những lúc ấy mới thấy hết ý nghĩa của kho thóc và cái tình đoàn kết sống vì cộng đồng của đồng bào Êđê.
Hạt lúa được bảo quản trong nhà kho.
Đời sống buôn làng ngày nay đã khởi sắc, hiếm cảnh thiếu đói song người dân buôn Zô vẫn duy trì kho thóc. Theo trưởng buôn Y Sóc Niê, buôn Zô có 96 hộ với 238 nhân khẩu, trong đó chỉ có 2 hộ người kinh, còn lại là Êđê. 100% hộ Êđê còn lưu giữ kho thóc, mỗi nhà có từ 1 – 2 kho để đựng lúa bắp, hạt cà phê…
Hằng năm, người dân còn duy trì lễ cúng hồn lúa từ khi đem hạt giống ra rẫy trồng tỉa cho đến lúc thu hoạch kết thúc vụ mùa. Quy mô lễ cúng to, nhỏ tùy thuộc vào điều kiện từng nhà nhưng lễ cúng phải có các lễ vật cơ bản gồm: Cơm nếp, thịt lợn, thịt gà, rưụ cần… cúng ngay trên kho thóc với lời cầu cho Thần lúa quản lý lúa trong kho, đừng cho hao hụt, lúa ăn đến ngày giáp vụ, no đủ cả năm.
Theo baodansinh.vn
Thăm chiến lũy Đá Rồng - Truông Mua
Chiến lũy Đá Rồng - Truông Mua ở thôn 1, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) được chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887) cho xây dựng để làm nơi chiêu mộ binh lính, rèn sắm vũ khí, cất giấu lương thực và luyện quân.
Chiến lũy Đá Rồng - Truông Mua ở thôn 1, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) được chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887) cho xây dựng để làm nơi chiêu mộ binh lính, rèn sắm vũ khí, cất giấu lương thực và luyện quân. Tại chiến lũy này, nghĩa quân của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đã nhiều lần tổ chức mai phục và giao chiến với quân Pháp và quân Nam triều Đồng Khánh.
Vào thời điểm 1884-1885, triều đình nhà Nguyễn ngày càng tỏ ra bất lực trước bọn giặc ngoại xâm, đã lần lượt cắt đất dâng cho thực dân Pháp, Trung Kỳ trở thành đất "bảo hộ" của thực dân; một số bọn quan lại Nam triều làm tay sai cho giặc, quay sang đàn áp các phong trào kháng Pháp của nhân dân ta.
Khi vua Hàm Nghi xướng hịch Cần Vương, Trần Văn Dư liền ứng nghĩa, cùng với các Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, Cử nhân Phan Bá Phiến, ấm sanh Tiểu La Nguyễn Thành... đoàn kết làm nghĩa hội.
Phát lộ dấu vết lũy Đá Rồng tại Phú Ninh.
Lúc này, triều đình Huế đã thấy được vị trí quan trọng của Sơn phòng Dương Yên ở Quảng Nam cũng như uy tín của Trần Văn Dư đối với nhân dân trong vùng có thể gây trở ngại cho triều đình, quan quân triều Nguyễn muốn dùng kế "Điệu hổ ly sơn" đối với Trần Văn Dư để chia rẽ nội bộ Nghĩa hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàn áp và chiếm đóng các vùng ở phía Nam. Nguyễn Văn Tường đã mượn chỉ dụ của Từ Dũ Thái hậu, bổ nhiệm Nguyễn Đình Tựu vào thay thế Trần Văn Dư, điều ông vào làm Bố Chánh tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 25-9-1885, quân đội viễn chinh Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Schanits và linh mục Maillard với trang bị đầy đủ các phương tiện chiến tranh mở cuộc tấn công hòng chiếm lại thành tỉnh La Qua. Quân Pháp tiến quân theo hai hướng chính: đường thủy từ Huế, Đà Nẵng vào cửa biển Hội An và đường bộ theo hướng quốc lộ vào Bắc Vĩnh Điện ồ ạt tấn công đánh chiếm thành tỉnh.
Trước tình hình ấy, Tiến sĩ Trần Văn Dư cùng Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu quyết định rút đại bộ phận về căn cứ Sơn phòng Dương Yên (nay thuộc thôn 5, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) để bảo toàn lực lượng, phục vụ cho một cuộc chiến đấu lâu dài. Đồng thời cho xây dựng nhiều căn cứ, bố trí lực lượng để chặn đánh quân Pháp và quân Nam triều Đồng Khánh nếu chúng tấn công vào Sơn phòng Dương Yên như lũy Đá Rồng, Truông Mua, Suối Đá...
Dựa vào núi non hiểm trở, Nguyễn Duy Hiệu cho xây đắp lũy Đá Rồng - Truông Mua tại khu vực giáp ranh 3 xã: Tam Vinh, Tam Dân (huyện Phú Ninh) và Tiên Phong (huyện Tiên Phước) để làm căn cứ của Nghĩa hội. Chiến lũy Đá Rồng - Truông Mua lấy núi Thị làm nơi quan sát, thành lũy đắp bằng đá cao chừng 1,5 m, rộng 1 m chạy dọc theo dãy núi Hòn An có chiều dài khoảng 2 km.
Bờ lũy hình vòng cung ôm trọn vẹn quả đồi, kéo dài từ đỉnh đồi đến sát chân đồi. Nhìn về hướng Đông, bờ thành lũy chạy dài theo hướng Bắc - Nam điểm đầu từ bờ suối dưới chân núi Thị theo hướng núi Dương Hố Bạch, nay phát hiện còn lại hơn 150 m. Nhìn về hướng Nam, bờ thành lũy chạy theo hướng Đông - Tây, sát dòng suối nay phát hiện còn khoảng hơn 200 m, tạo thành góc vuông.
Theo lời kể của người dân địa phương, trước đây bờ thành cao hơn 3 mét, trên thành xây dựng nhiều bệ đỡ để lắp đặt súng thần công và đặt các chòi quan sát, trong đó chòi quan sát cao nhất được đặt trên đỉnh núi Thị. Chiều cao thành lũy hiện nay còn hơn 2 m, rộng 1 m, được xây dựng bằng đá núi xếp chồng lên nhau. Liền kề bên dòng suối có độ dốc lớn là ngọn núi Thị cao sừng sững và nối liền các dãy núi thấp qua Tài Thành, Ngọc Tú giáp đến chiến lũy Suối Đá (nay đã sụp đổ) tạo thành bức tường thành tự nhiên vững chắc.
Liền kề dòng suối là con đường độc đạo đi từ Tú Bình (Tam Vinh) qua địa phận xã Tiên Phong (Tiên Phước). Đứng trên bờ lũy phóng mắt nhìn ra xa quan sát cả một vùng đồng ruộng rộng lớn về hướng đông Tú Bình thuận lợi cho việc bày binh bố trận và phòng thủ nếu bị đối phương tấn công.
Năm 1985, tại khu vực này, nhân dân địa phương phát hiện được một khẩu súng thần công trong lúc rà tìm phế liệu. Hiện nay khẩu súng này đang được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Tam Kỳ như là một minh chứng cho sự tồn tại của một căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam trên vùng đất Phú Ninh.
Tháng 11-1885 (Ất Dậu), quân Pháp đã huy động một lực lượng hùng hậu cả về quân số và vũ khí và phương tiện chiến tranh cùng với quân Nam triều Đồng Khánh tiến đánh Sơn phòng Dương Yên. Tại lũy Đá Rồng - Truông Mua, nghĩa quân Nghĩa hội Quảng Nam dưới sự chỉ huy của Nguyễn Duy Hiệu đã lập phòng tuyến chống trả, chặn đường tiến quân của quân Pháp gây cho quân Pháp và quân Nam triều Đồng Khánh nhiều tổn thất nặng nề. Thế nhưng, do phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn mọi bề: lực lượng, vũ khí, lương thực... sau một thời gian chống trả, cầm cự một cách anh dũng, kiên cường, nghĩa quân đã bị thất thủ.
Theo baodaklak.vn
Thử nghiệm thành công sản xuất thịt trên vũ trụ với máy in 3D Thí nghiệm trên được Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga đồng tài trợ, cùng với sự phối hợp của một số công ty công nghệ Mỹ, Nga và Israel. Tương lai các nhà du hành vũ trụ có thể thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn ngoài Trái Đất đang trở nên gần hơn sau khi các nhà khoa học thí nghiệm...