Khó làm, khó ăn, “hết thời” làm bưởi da xanh vụ tết?
Nhiều nhà vườn ở Đông Nam Bộ và khu vực ĐBSCL cho biết, giá bưởi da xanh đang giảm mạnh. Hiện thương lái vẫn đến vườn thu mua nhưng giá loại bưởi 1 (mã đẹp, trọng lượng từ 1,4-1,8 kg/quả) chỉ còn 32.000 – 35.000 đồng/kg, loại 2 chỉ từ 20.000 – 23.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với 2 tháng trước.
Bưởi tết khó làm, khó bán
Khác với mọi năm, dịp này các nhà vườn trồng bưởi tại xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã không xử lý cho ra hoa để bán tết nữa mà cho cây ra hoa đậu trái tự nhiên, dù đây là vùng trồng bưởi lớn nhất tỉnh. Điều này có nghĩa là năng suất và sản lượng vụ bưởi tết năm nay sẽ giảm đáng kể.
Để xử lý bưởi cho trái vào dịp Tết Nguyên đán, cứ vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch là các nhà vườn trồng bưởi đã phải tiến hành các biện pháp cắt nước, ngắt lá, tăng cường phân bón… để cây bưởi ra hoa, đậu quả đúng thời gian. Do đó đến dịp cận Tết Nguyên đán, không khí thu hoạch bưởi tại đây rất nhộn nhịp, các thương lái ra vào “ăn” hàng liên tục và cũng là dịp mà người trồng bưởi bán thu lợi nhuận cao nhất trong năm.
Hiện đang là mùa thu hoạch rộ nhiều loại cây có múi nên giá bưởi da xanh, cam sành ở ĐBSCL giảm mạnh. ảnh: I.T
Tuy nhiên, gần đây diện tích trồng bưởi da xanh tăng lên nhanh chóng ở nhiều nơi, thậm chí giống bưởi này cũng “Bắc tiến”, cộng với người tiêu dùng ngày càng khắt khe về mẫu mã, chất lượng nên số lượng bưởi thường được thương lái lựa chọn rất kỹ và thu mua rất ít. Số còn lại do không được thu mua nên nhà vườn phải neo lại trên cây, chất lượng trái bưởi giảm đáng kể.
Vì vậy, năm nay hầu hết các nhà vườn trồng bưởi tại Sông Xoài đã để bưởi vụ tết ra hoa tự nhiên, vừa đỡ chi phí tiền thuốc xử lý, tránh tình trạng đến vụ tết bưởi hàng nhiều nên khó bán, trong khi chất lượng không cao.
Gia đình ông Phạm Anh Ta ở ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, đang trồng 1,5ha bưởi da xanh, năng suất trung bình 1 vụ khoảng 40 tấn; trong đó riêng vụ tết gia đình ông thu được khoảng 15 tấn. Mọi năm, với giá bán bưởi trung bình từ 40.000 – 45.000 đồng/kg đối với vụ thường, 60.000 – 75.000 đồng/kg đối với vụ tết, ông Ta thu lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, gia đình ông Ta đã không còn chú trọng vụ bưởi tết vì các vùng bưởi, cam khác trong cả nước cũng đầu tư mạnh cho vụ này nên lượng hàng cung ứng cho thị trường rất nhiều, chưa kể bạt ngàn loại trái cây khác. Thương lái ép chỉ chọn mua những trái bưởi đẹp loại 1, còn đối với bưởi loại 2, 3 phải neo lại trong vườn, chất lượng bưởi giảm, giá cũng giảm theo.
Ông Ta cho biết: “Năm nay, khi trời mưa xuống tôi bỏ phân cho cây ra hoa tự nhiên, đậu trái được bao nhiêu thì chăm sóc. Bưởi tết giá cao nhưng yêu cầu mẫu mã phải đẹp, cạnh tranh tiêu thụ khá vất vả. Cho nên tôi và các nhà vườn trồng bưởi trong vùng mấy năm gần đây thường tập trung xử lý cho bưởi ra hoa nhiều vào các tháng 2 và tháng 3, khi đó bưởi dễ bán, giá cũng ổn định”.
Tương tự, vườn bưởi 1,8ha của anh Nguyễn Minh Thắng ở ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ cũng chỉ phục vụ thị trường dịp tết khoảng 1/3 số cây trong vườn, còn lại anh để sau tết mới thu hoạch. Anh Thắng cho biết, làm bưởi vụ tết rất vất vả, tốn nhiều công chăm sóc để bưởi có mẫu mã đẹp, các khâu xử lý cũng cầu kỳ hơn, trong khi đó bưởi tết rất kén hàng, thương lái đòi hỏi khắt khe nên anh không mấy chú trọng cho vụ này.
Không trông chờ thị trường Trung Quốc?
Báo cáo mới đây của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, giá nhiều loại quả có
múi ở khu vực ĐBSCL đang giảm mạnh, nhất là bưởi da xanh và cam sành. Bưởi loại 1, mã đẹp, trọng lượng gần 2kg/quả cũng chỉ còn khoảng 35.000 đồng/kg, giảm một nửa so với trước đây.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguyên nhân chính khiến giá các loại trái cây trên giảm là do tháng 11.2018 là thời điểm thu hoạch của nhiều loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt tại nhiều tỉnh trên cả nước. Hơn nữa, điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, sản lượng trái cây có múi đều tăng so với năm trước, như bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, cam Canh, cam sành Hà Giang, cam Cao Phong, quýt ngọt…
Trong đó, giá bưởi da xanh giảm giá mạnh chủ yếu do hình thức bưởi trái không đạt, thị trường Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch bưởi nên hạn chế mua hàng của Việt Nam.
Trước đây, lợi nhuận từ trồng bưởi da xanh lên tới 600 triệu đồng/ha/năm nên nhiều nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, khiến sản lượng loại trái cây này tăng cao. Ảnh: I.T
Đáng chú ý, không chỉ bưởi da xanh “hết thời” về giá mà ngay cả đặc sản cam sành ĐBSCL, giá cũng liên tiếp sụt giảm. Hiện, giá cam sành tại đây chỉ đạt 3.000 – 4.000 đồng/kg, do hiện nay vào thời điểm thu hoạch rộ trái cam sành, trong khi rất ít thương lái tìm mua. Đó là chưa kể, vì muốn thu lợi nhuận nhanh, nông dân trồng cam chỉ hơn 1 năm là đã ép cho trái, khiến chất lượng quả không đạt và cây bị bệnh nhiều, dẫn đến mẫu mã trái không đẹp như trước đây.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính quan trọng nhất vẫn là do sự phát triển quá nóng về diện tích cây có múi (bưởi, cam, quýt), bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và các địa phương đã khiến sản lượng các loại cây trồng này tăng chóng mặt, tới mùa vụ thu hoạch cao điểm, thị trường tiêu thụ không xuể nên giá giảm là điều dễ hiểu.
Theo Bộ NNPTNT, thời gian qua, diện tích cây ăn quả tăng tập trung ở nhóm cây có múi (cam, quýt, bưởi). Tính đến tháng 9.2018, diện tích cây có múi trên cả nước đạt 192.700ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017.
Trước đây, lợi nhuận từ việc trồng bưởi da xanh đạt từ 600 triệu đồng/ha/năm trở lên; cam sành 370 triệu đồng/ha, quýt 500 – 700 triệu đồng/ha/năm…, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Vì vậy, ở nhiều nơi đã phát triển mạnh diện tích cây có múi, kéo theo những hệ luỵ về sản lượng, dịch bệnh, đầu ra.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, trong tổng số hơn 103.000ha trồng cây có múi, đang có 760ha bị vàng lá thối rễ, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà vườn.
Theo Danviet
Xuất khẩu 10 tháng năm 2018: Gạo nếp "lép vế" trước gạo tẻ
Xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2018 đã đạt được con số vô cùng ấn tượng, 5,2 triệu tấn và 2,6 tỷ USD. Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá lúa sẽ còn khởi sắc.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2018 ước đạt 264.000 tấn với giá trị đạt 136 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2018 ước đạt 5,2 triệu tấn đạt kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 1,7% về khối lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng thứ nhất về thị trương xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng năm 2018 với 23,6% thị phần, đạt 1,13 triệu tấn và 580,9 triệu USD, giảm 37,2% về khối lượng và giảm 27,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Chín tháng năm 2018, các thị trương có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp 67 lần), Irắc (gấp 3,6 lần), Hồng Kông (tăng 67,7%), Philippines (tăng 51,9%) và Malaysia (tăng 24,7%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng năm 2018 đạt 503 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu gạo năm 2018 có nhiều khởi sắc. Ảnh: I.T
Giá xuất khẩu của gạo thơm/Jasmine cao nhất, đạt 575 USD/tấn, giá gạo Japonica/gạo Nhật xuất khẩu đạt mức 526 USD/tấn. Gạo xuất khẩu 5% tấm bình quân của Việt Nam nửa đầu tháng 10/2018 đạt 410 USD/tấn, cao hơn của Ấn độ đạt 372 USD/tấn tương đương Thái Lan 411 USD/tấn.
Về chủng loại gạo xuất khẩu trong 9 tháng năm 2018, gạo trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (58% về lượng và 55% về giá trị), tiếp theo là gạo thơm/gạo Jasmine chiếm 24% về lượng và 28% về giá trị và gạo nếp chiếm 13% về lượng và 12% về giá trị. Đáng chú ý là cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng chất lượng trung bình và cao. Đồng thơi, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp khi trong 9 tháng năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,07% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Thị trương xuất khẩu gạo thơm và gạo Jasmine lớn nhất vẫn là Trung Quốc, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu loại gạo này, trị giá 175 triệu USD; Ghana là thị trương lớn thứ 2 với 21% thị phần, giá trị 145 triệu USD. Thị trương gạo nếp, Trung Quốc tiếp tục là thị trương chủ lực của Việt Nam, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo nếp với kim ngạch 250 triệu USD. Tuy nhiên, so với năm trước, xuất khẩu gạo nếp năm nay có vẻ trầm lắng hơn nhiều so với gạo tẻ.
Tháng 10/2018, thu hoạch vụ Hè Thu đã kết thúc và một số địa phương bắt đầu thu hoạch vụ Thu Đông. Giá lúa Thu Đông tại khu vực ĐBSCL tăng nhẹ trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp. Theo hệ thống cung cấp giá địa phương, tại Vĩnh Long, lúa Thu Đông giống IR50404 tăng 200 đ/kg từ 5.100 đ/kg lên mức 5.300 đ/kg; lúa khô IR50404 ở mức 5.900 đ/kg; gạo IR50404 ở mức 10.000 đ/kg.
Tại Bạc Liêu, giá lúa khô OM 5451 bán buôn của Công ty Lương thực tỉnh ở mức 6.200 - 6.300 đ/kg. Tại An Giang, gạo tẻ IR50404 ổn định mức 10.000 đ/kg; gạo chất lượng cao ở mức 12.500 đ/kg; gạo thơm đặc sản jasmine 14.000 đ/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 5.800 - 5.900 đ/kg; lúa OM 4218 ở mức 6.100 - 6.200 đ/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.300 - 6.400 đ/kg; lúa Jasmine ở mức 7.000 - 7.200 đ/kg.
Dự báo, thời gian tới, giá lúa trong nước sẽ tiếp tục tăng do các doanh nghiệp thu mua thêm lúa gạo để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trong tháng 10/2018 và các đơn hàng có thể trúng thầu trong các đợt đấu thầu cuối năm. Ngày 18/10 vừa qua, Phillipines đã đóng thầu (250.000 tấn) chỉ mua 47.000 tấn gạo, trong đó có 28.000 tấn từ Việt Nam. Cũng trong ngày 18/10, Ai Cập đã mở phiên đấu thầu nhập khẩu 25.000 tấn gạo đầu tiên trong năm 2018. Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10, đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu được ký kết, như đơn hàng trị giá 2,5 triệu USD của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với khách hàng Mỹ và Malaysia.
Theo Danviet
Bỏ quýt để trồng bưởi da xanh sai trĩu cành, anh Hưng mau "thịnh" Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi da xanh sai trĩu cành, anh Nguyễn Phùng Hưng cho biết, mỗi năm khu vườn có diện tích 4 sào cho thu hơn 8 tấn bưởi. Anh Nguyễn Phùng Hưng (42 tuổi) ở khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, cho biết, giá bưởi da xanh dao động từ...