Khó lạc quan về giá điều nhân dù cuối năm cận kề
Ngược với nhiều dự báo lạc quan trước đây, giá điều nhân cả xuất khẩu lẫn nội địa trong vài tuần qua chẳng những không tăng mà còn giảm nhe.
Theo Hội đồng thông tin của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), các giao dịch đối với mặt hàng điều không sôi động như các tuần đầu tháng, dù đang bước vào cao điểm mùa sản xuất cuối năm.
Giá điều nhân không thể tăng
Tại hội nghị sơ kết công tác sản xuất kinh doanh hồi giữa tháng 8, ông Trần Văn Hiệp – Trưởng Ban xúc tiến thương mại Vinacas cho biết, tháng 9 sẽ là thời điểm quyết định thị trường có thay đổi hay không. Khi đó, thông tin được quan tâm là giá điều nhân và thô đến cuối năm sẽ diễn biến ra sao. Nhất là sau khi gỡ bỏ được gánh nặng thiếu hụt nguyên liệu thô, ngành điều kỳ vọng sẽ có nhiều bước tiến trong giá điều nhân cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh đến cuối năm.
Ngược với dự đoán, giá điều nhân không tăng trong vài tuần vừa qua. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trước đó, giá điều nhân đi từ mức thấp nhất vào cuối tháng 4/2019 là 3,05USD/pound cho mã W320; tới tháng 8 tăng lên mức 3,35 – 3,40USD/pound. Tuy nhiên, tới cuối tháng 8, việc dự báo giá nhân tăng bao nhiêu vẫn chưa có đáp án cụ thể, nhất là lúc đó nền kinh tế thế giới đang trong vòng xoáy thương chiến toàn cầu, sức mua bị ảnh hưởng chung và ngành điều cũng không ngoại lệ.
Khi đó, ông Trần Văn Hiệp đã lưu ý, giá điều nhân trong tương lai sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhất là phụ thuộc vào giá điều thô. Việc mua bán điều thô trên thế giới không chỉ thuần túy thương mại mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, khó dự đoán. Các doanh nghiệp cần tính toán kỹ bài toán kinh doanh.
Kết thúc tháng 9, phần lớn người mua quan tâm đến các hợp đồng cho quý I và II/2020. Tuy nhiên mức giá không như người bán mong đợi. Mức giá mà người mua đề nghị cho loại điều mã W320 vẫn quanh ở mức 3,30 – 3,40USD/pound. Các hợp đồng cho giao dịch gần khá trầm lặng.
Với các mặt hàng cấp thấp, trong tháng 9, thị trường Trung Quốc đã mua trở lại nhưng giao dịch còn chậm. Giá các mặt hàng này rất thấp và không có khung giá chung. Chỉ khi có nhu cầu, khách xem hàng trực tiếp mới đưa ra giá cụ thể.
Video đang HOT
Tại Đồng Nai, lượng hạt điều xuất khẩu tháng 9 ước đạt 4.800 tấn; tăng 1,06% so với tháng 8. Tuy nhiên, giá hạt điều xuất khẩu tháng 9 bình quân ước đạt 6.530USD/tấn; giảm 5,5% so với tháng 8, và giảm 22% so với cùng kỳ. Trước đó, giá điều xuất khẩu tháng 8 bình quân ước đạt 6.914USD/tấn; giảm 4,5% so tháng 7.
Ông Dương Minh Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, để bù đắp sự thiếu hụt các loại hạt nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam trong những tháng tới.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ khiến giá hạt điều nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc cao hơn so với trước đó. Điều này phần nào ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hạt điều Việt Nam.
Thận trọng thu mua
Ngược lại với nhiều dự đoán lạc quan trước đây, giá điều nhân chẳng những không tăng mà đã giảm nhẹ trong vài tuần vừa qua. Tuy nhiên, Hội đồng thông tin Vinacas nhận định, điều này không gây ngạc nhiên vì nhiều lý do.
Suốt thời gian từ cuối tháng 5 đến nay, giá điều nhân ở mức thấp. Lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh so với năm 2018 ở cả 2 nhóm thị trường Âu Mỹ và Trung Quốc. Đến nay, lượng nhập khẩu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của 2 phân khúc thị trường này cho cả năm 2019, đặc biệt là với Âu Mỹ. Riêng Trung Quốc, có thể nhu cầu sẽ còn giữ ở mức cao để đáp ứng mùa tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán.
Đến nay, việc nhập điều nhân giá thấp với số lượng lớn để chuẩn bị cho cuối năm 2019 đã cơ bản xong. Do đó, người mua không hề vội vàng cũng như không thể mua tiếp với giá cao hơn vào thời điểm này. Với điều thô, nguồn nguyên liệu hiện đã cung cấp đủ chế biến cho đến cuối năm. Các tháng giáp vụ (từ tháng 12/2019 – 3/2020) có thể xảy ra tình trạng thiếu hàng. Tuy nhiên, vùng sản xuất điều ở các nước Tanzania, Mozambique, Indonesia… cũng sắp vào vụ. Thông thường, từ cuối tháng 12 đã có hàng từ vụ mới về đến Việt Nam.
Với những lý do như trên, Vinacas nhận định giá điều nhân sẽ còn giữ ổn định trong ít nhất 1 tháng nữa cho đến khi Trung Quốc cần thêm hàng cho Tết Nguyên đán và khi Việt Nam khan hiếm tạm thời về nguyên liệu trong thời gian giáp vụ.
Với điều thô, thời điểm cuối năm và mùa giáp vụ cũng rất khó dự báo. Bởi thời điểm này trùng với thu hoạch và bán hàng của các nước Tanzania, Indonesia. Trong khi chính sách bán điều thô của các chính phủ liên quan, hoặc các yếu tố đầu cơ trong và ngoài nước của các công ty hàng đầu trong kinh doanh điều thô vẫn là những ẩn số khó đoán. Những ẩn số này lại là các yếu tố chính ảnh hưởng đến giá điều thô.
Theo Danviet
Tin vui: Tiêu chuẩn kỹ thuật mới bảo vệ danh tiếng hạt điều Việt
Ngành điều Việt Nam dù xuất khẩu lớn nhất thế giới nhưng vẫn phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu nhập từ các nước. Việc đưa ra hàng rào kỹ thuật là cần thiết đối với mặt hàng có sản lượng nhập khẩu và kim ngạch lớn như hạt điều.
Hạn chế rủi ro
Nhờ làm chủ công nghệ chế biến, Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu điều thô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, do thiếu bộ tiêu chuẩn thống nhất, chất lượng điều nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ đã ảnh hưởng rất lớn đến hạt điều Việt Nam.
Sau nhiều nỗ lực xây dựng, Tiêu chuẩn hạt điều thô nguyên liệu TCVN 12380:2018 hạt điều thô - yêu cầu kỹ thuật đã được Bộ Khoa học - Công nghệ thông qua.
Tiêu chuẩn hạt điều thô nguyên liệu TCVN 12380:2018 sẽ là hàng rào kỹ thuật cần thiết để bảo vệ chất lượng và danh tiếng hạt điều Việt Nam. Nguyên Vỹ
Giữa tháng 6, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) gửi thông báo chính thức đến các doanh nghiệp đề nghị quan tâm tiêu chuẩn này, sớm áp dụng đưa vào trong các hợp đồng chuẩn bị ký sắp tới.
Vinacas khẳng định bộ tiêu chuẩn hạt điều thô nguyên liệu vừa được ban hành sẽ là cơ sở tham chiếu quan trọng để hạn chế rủi ro về chất lượng nguyên liệu nhập khẩu và góp phần bảo vệ danh tiếng hạt điều Việt Nam.
Theo Vinacas, đây là bộ tiêu chuẩn có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá, phân loại chất lượng nguyên liệu điều thô nhập khẩu và xử lý tranh chấp. Tiêu chuẩn này sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và thương hiệu của ngành điều. Vinacas đang tích cực tuyên truyền, giới thiệu đến các doanh nghiệp bộ tiêu chuẩn này.
Thực tế, chất lượng hạt điều thô nhập khẩu là mối quan tâm hàng đầu từ nhiều năm nay của các doanh nghiệp chế biến. Trong nước, sản lượng điều thô không đủ đáp ứng nhu cầu, tốc độ tăng trưởng chưa nhanh. Việt Nam vẫn phải nhập một số lượng lớn nguyên liệu điều thô từ các nước khác. Khu vực châu Phi thì có Tây Phi, Đông Phi; khu vực Đông Nam Á thì có Indonesia, Campuchia...
Ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Vinacas cho biết, chất lượng điều nguyên liệu nhập khẩu trở thành vấn đề đáng ngại vì xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau và không đồng đều. Ở các thời điểm đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ, chất lượng hạt cũng khác biệt. Đã có không ít lô hàng nhập khẩu về không đảm bảo chất lượng.
"Về mặt giá trị, điều này gây thiệt hại rất lớn cho các đơn vị nhập khẩu. Vấn đề nữa là thương hiệu điều nhân Việt Nam sau chế biến dễ bị ảnh hưởng nếu các nhà nhập khẩu phát hiện có vấn đề khi truy xuất nguồn gốc nguyên liệu chế biến" - ông Giang nói.
Chú trọng chất lượng chế biến
Tại Đại hội hạt và trái cây khô thế giới 2019 do Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC) tổ chức hồi đầu tháng 6, điều mà các nhà thu mua quan tâm nhất là chất lượng điều thô đang giữ ở kho các nước. Có tới khoảng 250.000 tấn điều của Tanzania mà chưa ai biết chắc bao giờ họ sẽ bán ra, bán với giá nào.
Đặc biệt là chất lượng hạt điều ra sao sau 1 năm chất hàng trong kho. Chất lượng hạt điều ở Bờ Biển Ngà cũng khiến nhiều người lo ngại do nông dân ở nước này vẫn đang giữ hàng vì các công ty xuất khẩu không chịu mua theo giá nhà nước quy định.
Theo số liệu từ INC, sản lượng điều đưa vào chế biến năm nay chỉ khoảng hơn 3,6 triệu tấn, tương đương với sản lượng của năm 2018. INC dự tính, sản lượng sản xuất năm nay không có sự tăng đột biến. Lượng điều thô cung cấp cho thị trường nếu có chênh lệch chủ yếu là do lượng tồn kho. Trong khi đó, các nhà rang chiên và các siêu thị lớn cho biết sắp tới đây sẽ khắt khe hơn với vấn đề an toàn thực phẩm.
Một vấn đề khác được quan tâm tại đại hội năm nay là sự dịch chuyển sản xuất từ châu Á sang châu Phi vì nhiều người cho rằng hàng hoá đang phải chạy lòng vòng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến thống nhất hiệu quả sản xuất ở châu Phi chưa tốt. Tới đây, vốn đầu tư vẫn dồn vào sản xuất và chế biến điều ở Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng Giang cho biết, rất nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nguyên liệu. Trước đó cũng đã có bộ tiêu chuẩn cơ sở cho hạt điều thô của Vinacas, hoặc bộ tiêu chuẩn ở cấp độ địa phương của Bình Phước. Tuy nhiên trên thế giới chưa có bản tiêu chuẩn nào hoàn chỉnh đối với hàng hóa nhập khẩu. Việt Nam là nước tiên phong xây dựng tiêu chuẩn cho hạt điều thô.
Tiêu chuẩn này không mang tính bắt buộc vì hoạt động thương mại vẫn dựa trên thỏa thuận giữa người bán và người mua.
"Tuy nhiên, Hiệp hội vẫn đề nghị các doanh nghiệp quan tâm vấn đề tiêu chuẩn hóa để đảm bảo thương hiệu hạt điều quốc gia. Đây là bộ tiêu chuẩn thống nhất làm cơ sở để tham chiếu, giúp hạn chế rủi ro về chất lượng hàng hóa nhập khẩu" - ông Giang chia sẻ.
Theo Danviet
Doanh nghiệp điều trong nước giẫm đạp lên nhau để tự... hại nhau Tín hiệu đáng mừng nhất nửa đầu năm 2019 là các doanh nghiệp chế biến điều bớt cạnh tranh bừa bãi, giẫm đạp lên nhau mà chuyên tâm hơn vào chế biến và phân tích cặn kẽ thị trường. Ông Trần Văn Hiệp - Trưởng ban Xúc tiến thương mại Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đưa ra nhận định như thế tại...