Khó khăn triển khai chương trình nước sạch ở Hưng Yên
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, chưa tự nguyện đầu tư kinh phí lắp đặt đồng hồ, nên tiến độ lắp đặt đấu nối để sử dụng nước sạch còn chậm.
Ngày 21/9, tại Trung tâm văn hóa huyện Kim Động (Hưng Yên) đã diễn ra Hội nghị “Sử dụng nước sạch – tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và mục tiêu quốc gia nước sạch 2020″.
Quang cảnh hội nghị…
Ông Lê Trung Cần – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên – cho biết, đến nay chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch đã có 13 doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình cấp nước, được phân vùng cấp nước sạch cho 88 xã vùng nông thôn, 44 xã đang xây dựng đường ống cấp nước. Một số công trình đang mang lại hiệu quả thiết thực như nhà máy nước Ngọc Tuấn (Kim Động), dự án nước Phần Lan tài trợ xây dựng nhà máy nước tại thành phố Hưng Yên, Phố Nối và và các xã Phùng Hưng (Khoái Châu), Toàn Thắng (Kim Động) …
Ông Lê Trung Cần – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên.
“Điển hình là nhà máy nước sạch Ngọc Tuấn tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động có công suất 9.500 m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho 9 xã của 2 huyện Kim Động và Ân Thi. Với nguồn nước được lấy trực tiếp từ sông Hồng, chất lượng nước đảm bảo tiêu chuẩn theo QC 01-2009 của Bộ Y tế, nhà máy nước Ngọc Tuấn đã thu hút hơn 4.000 hộ và trên 80 doanh nghiệp tham gia đấu nối để sử dụng” – ông Cần cho biết.
Video đang HOT
Giám đốc Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn – Nagaoka, ông Nguyễn Ngọc Tuấn.
Theo ông Phan Tiến Sơn – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, nước sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, tại nhiều cơ sở cấp nước chưa đạt quy chuẩn. Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 38 cơ sở cung cấp nước sinh hoạt có công suất trên 1.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ mẫu nước đạt quy chuẩn là hơn 53%; tại 15 cơ sở cấp nước công suất dưới 1.000 m3 nước ngày đêm, tỷ lệ mẫu đạt quy chuẩn là hơn 21%, các mẫu còn lại không đạt quy chuẩn về lý hóa.
Còn theo ông Lê Trung Kiên – Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, hiện nay, do các doanh nghiệp tự bỏ vốn, không có hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ phía nhà nước nên việc huy động nhân dân đóng góp đầu tư cụm đồng hồ còn gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều địa phương người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, chưa tự nguyện đầu tư kinh phí lắp đặt đồng hồ, nên tiến độ lắp đặt đấu nối để sử dụng nước còn chậm.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, tỉnh đã giao cụ thể cho các doanh nghiệp sử dụng nước nguồn Bắc Hưng Hải và nước ngầm phải sử dụng nguồn nước cấp từ sông Hồng, sông Luộc. Các địa phương cần tuyên truyền vận động để người dân thấy rõ lợi ích về sử dụng nước sạch hợp lý, tiết kiệm chi phí so với dùng nước truyền thống; phổ biến để bà con hiểu rõ những quy định của tỉnh về việc đấu nối lắp đặt đồng hồ đo nước, có trách nhiệm trong việc đóng góp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2018 đạt 80% số hộ dân dùng nước sạch; đến năm 2020 đạt 100% hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch tại các nhà máy nước tập trung, với chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Hoàng Dũng
Theo Dantri
Thành phố Hưng Yên: Đảm bảo công tác an toàn thực phẩm phục vụ Tết trung thu 2018
Tết Trung thu đang cận kề nên nhu cầu tiêu dung các loại bánh, kẹo, đặc biệt bánh trung thu rất cao. Nhằm đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP Thành phố Hưng Yên đã liên tục đi kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh các cơ sở có nguy cơ mất ATTP trong dịp Tết Trung thu.
Bắt đầu từ 13/9, Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm, nhất là các mặt hàng phục vụ tết Trung thu 2018. Thời gian kiểm tra từ ngày 13/9/2018 đến hết ngày 21/9/2018.
Ông Ôn Quốc Thịnh - Trưởng phòng Y tế thành phố Hưng Yên cho biết: "Những năm trở lại đây ý thức về ATTP của các cơ sở đã được nâng cao, chất lượng luôn được giữ vững"
Trao đổi với phóng viên, ông Ôn Quốc Thịnh - Trưởng phòng Y tế thành phố Hưng Yên cho biết: "Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Năm nay bên cạnh việc thành lập đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm theo quyết định số 1985/QĐ - UBND ngày 10/9/2018, UBND thành phố Hưng Yên còn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành 389 theo quyết định số 79/QĐ - BCĐ ngày 17/8/2018 nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về đảm bảo an toàn thực phẩm.
"So với những năm trước, năm nay các cơ sở đã nhận thức được việc chấp hành tốt các quy định về ATTP sẽ "níu chân" được khách hàng nên đã chú trọng đầu tư các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất: sử dụng lò điện nướng bánh, dùng máy dập khuôn, dụng cụ sử dụng 100% bằng inox...Vừa qua, đoàn Thanh tra về kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Y tế đã kiểm tra một số cơ sở trên địa bàn thành phố và đã lấy mẫu các loại bánh để kiểm nghiệm, qua kiểm tra đoàn Thanh tra của Bộ Y tế đã ghi nhận những nỗ lực của các cơ sở trong việc duy trì và đảm bảo ATTP" ông Thịnh chia sẻ thêm.
Đi ghi nhận những chuyển biến, ý thức của các cơ cở trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phóng viên đã phối hợp Phòng Kinh tế hạ tầng thành phố Hưng Yên đi thực tế.
Công nhân của cơ sở Đông Hưng trong quá trình sản xuất được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.
Tại cơ sở bánh trung thu Đông Hưng có địa chỉ 132 Điện Biên 1, Thành phố Hưng Yên. Nhiều năm qua, nhắc đến bánh trung thu Đông Hưng người tiêu dùng đã quá quen thuộc với chất lượng và hương vị đặc trưng danh tiếng của mình. Với dòng sản phẩm chính là bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm được sản xuất theo phương pháp gia truyền, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Mạnh Dũng - Chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Đông Hưng bộc bạch: "Năm nay giá các nguyên liệu đầu vào: Thịt lợn, lạp sườn, hạt dưa... tăng so với năm trước, nên giá bánh năm nay tăng nhẹ từ 5 - 10 %. Để giữ được lòng tin của khách hàng chúng tôi luôn chú trọng đến từng khâu nhỏ nhất từ chọn nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, làm bánh... điều đó đã tạo nên hương vị từng chiếc bánh của Đông Hưng không chỉ thơm ngon mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cơ sở Đông Hưng đầu tư lò nướng điện hiện đại vào sản xuất.
Được biết suốt những năm qua, cơ sở đã không ngừng đầu tư và cải tạo nâng cấp khu sản xuất, chế biến. Đến nay tất cả các khay chậu đã được thay bằng inox, lò nướng bánh bằng điện nên rất vệ sinh và sạch sẽ. Dự kiến sang năm, cơ sở sẽ có sự điều chỉnh hơn nữa về điều kiện khu sản xuất.
Bác Nguyễn Văn Bình tại Phố Nguyễn Thiện Thuật, phường Lê Lợi cho biết: "Bánh trung thu của cơ sở Đông Hưng có hương vị rất đặc biệt, nhà tôi năm nào cũng mua bánh ở đây để làm quà gửi ra nước ngoài cho con cháu."
Ngoài ra, tại cơ sở Bánh trung thu Hương Quỳnh tại 135A Điện Biên I và Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hùng tại Đội 15, xã Liên Phương, Tp. Hưng Yên. Ghi nhận tại đây, hai cơ sở sản xuất bánh trung thu đã có những cố gắng nhất định trong sản xuất, lò nướng bánh được thay bằng điện, nguồn nguyên liệu được mua tại các đơn vị chuyên cung cấp và có đầy đủ hóa đơn chứng từ, các sản phẩm đã được kiểm nghiệm định kỳ và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Theo đánh giá của ông Đỗ Ngọc Cường - Chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng, Thành phố Hưng Yên cho biết: "Qua đợt kiểm tra vừa rồi các cơ sở đã thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP, các sản phẩm bày bán tại cửa hàng được niêm yết giá theo đúng quy định, khu vực sản xuất sạch sẽ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, hàng hóa nguyên liệu có hóa đơn chứng từ chứng minh ngồn gốc đầy đủ".
Với ý thức chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất và sự tích cực thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng thành phố Hưng Yên đã góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời quảng bá thương hiệu bánh trung thu cổ truyền Hưng Yên tới đông đảo người tiêu dùng.
Thùy Dương
Theo moitruong
Nghịch lý: Giữa Thủ đô hàng nghìn hộ dân vẫn khát nước sạch Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm (Hà Nội), hiện còn 4 xã "trắng" nước sạch gồm xã Lệ Chi, Kim Sơn, Văn Đức, Trung Mầu và một số xã mới "phủ sóng" được ít hộ dân dùng nước sạch, trong khi tiến độ một số dự án cấp nước đang rất chậm....