Khó khăn của Mỹ khi ứng phó với 2 cuộc xung đột ở Ukraine và Israel
Nói một cách đơn giản, Mỹ không thể đủ nguồn lực hỗ trợ hai cuộc chiến lớn trong khi chuẩn bị cho khả năng xảy ra cuộc xung đột thứ ba.
Đó là một thực tế khó khăn và ngày càng trở nên rõ ràng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về cuộc xung đột Israel-Hamas. Ảnh: Reuters
Theo kênh CNN (Mỹ) ngày 11/10, cơ sở công nghiệp quân sự của Mỹ đang căng mình trước những áp lực từ cuộc xung đột ở Ukraine nhưng giờ lại nổ ra cuộc xung đột Israel – Hamas. Và phạm vi, quy mô của cuộc xung đột này có thể gia tăng: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã áp đặt lệnh phong tỏa ở Gaza và đe dọa tiến hành một chiến dịch trên bộ, từ đó có thể gây ra phản ứng từ Iran hoặc khiến các quốc gia khác trong khu vực can dự. Ngoài ra, mối lo ngại cũng đang rình rập với Mỹ là vấn đề eo biển Đài Loan ( Trung Quốc) vốn vẫn căng thẳng.
Mỹ đang gặp khó với cả ba tình huống, trong đó có hai tình huống là những cuộc giao tranh toàn diện. Trong khi các nguồn tài nguyên của quốc gia không phải là vô hạn, và sự xung đột giữa các dòng chính trị đang làm xáo trộn nền dân chủ của Mỹ cho thấy rằng Washington khó có thể thống nhất về việc sẵn sàng can dự quân sự vào cả ba trường hợp – mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục tuyên bố sẵn sàng ứng phó.
Với cuộc phản công của Ukraine, hiện sắp kết thúc khi mùa Đông đến gần, súng, pháo của họ bắn khoảng 6.000 viên đạn mỗi ngày, mặc dù Kiev có nhu cầu sử dụng 10.000 viên/ngày – một phần nhỏ so với khoảng 60.000 viên mỗi ngày mà Nga đang sử dụng. Tháng 7 năm ngoái, ngay cả trước khi cuộc phản công năm nay diễn ra, Mỹ tiết lộ họ đã cung cấp khoảng 2 triệu viên đạn pháo kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.
Video đang HOT
Hiện chính quyền Biden đã tăng sản xuất đạn pháo của Mỹ – đặc biệt là loại đạn tiêu chuẩn 155mm – từ mức 14.000 viên/tháng trước xung đột lên 24.000 viên/tháng hiện nay, với kế hoạch sớm tăng con số đó lên 28.000 viên/tháng. Nhưng không rõ có bao nhiêu đạn pháo trong số đó sẽ được dành cho Ukraine.
Mỹ cũng phải đối mặt với nhiệm vụ ngày càng thách thức là mua các linh kiện công nghệ cao cho tên lửa hành trình, pháo binh và máy bay không người lái phức tạp, trong bối cảnh giá các linh kiện và chip bán dẫn đã tăng 300% và giá thành của lithium tăng 400%, theo khảo sát của trang tin Defense News.
Israel pháo kích vào Gaza để đáp trả cuộc tấn công của Hamas. Ảnh: AFP
Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có cuộc thảo luận công khai nào về việc tăng cường vận chuyển vũ khí tới Israel, mặc dù chính quyền Mỹ đã ra hiệu trước Quốc hội nước này rằng yêu cầu như vậy có thể sắp được đưa ra. Bản ghi nhớ 10 năm mới nhất (2018 – 2028) giữa Mỹ và Israel có cam kết viện trợ quân sự 38 tỷ USD. Israel đã mua 50 máy bay chiến đấu F-35, máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất từng được sản xuất. Vào năm 2023, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoảng 520 triệu USD cho các chương trình phòng thủ chung giữa Mỹ và Israel, phần lớn là dành cho phòng thủ tên lửa.
Nhưng hầu hết các nhà quan sát độc lập đều cho rằng tốc độ tấn công bằng tên lửa của Hamas có nghĩa là Israel sẽ cần bổ sung đạn dược khẩn cấp và ngay lập tức cho hệ thống phòng thủ “Vòm Sắt” của mình.
Tất nhiên, điều thực sự không thể lường trước là liệu việc Israel phong tỏa Gaza – hay một cuộc tấn công toàn diện trên bộ và trên biển vào vùng lãnh thổ này – có thể dẫn đến việc Iran tham chiến hay không. Sự tham gia của Tehran có thể là gián tiếp, thông qua việc cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ quân sự khác. Câu hỏi đặt ra là Israel có thể trả đũa bằng hình thức nào đối với Iran.
Cuối cùng, có một vấn đề quan trọng – mặc dù hiếm khi được đề cập đến – là việc tiêu hao đạn dược của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tự vệ của nước này. Tại cuộc họp báo đầu tuần này, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên: “Chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ cho cả Ukraine, Israel và duy trì sự sẵn sàng toàn cầu của chính mình”. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ dường như không có dấu hiệu rõ ràng nào dẫn đến thành công cho cả Ukraine hay Israel, chứ chưa nói đến mặt trận Thái Bình Dương.
Hiện tại, Nhà Trắng được cho là đang xem xét gộp viện trợ cho cả Ukraine và Israel vào 1 gói, vì Israel có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn của lưỡng đảng. Một quan chức chính quyền Mỹ nói với tờ Washington Post rằng cách tiếp cận như vậy đặc biệt khả thi vì nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã kiên quyết phản đối việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine trong khi ủng hộ mạnh mẽ việc hỗ trợ quân sự bổ sung cho Israel. Quan điểm rằng Mỹ sẽ luôn đến giải cứu và cung cấp vũ khí quân sự để hỗ trợ một đồng minh đang cần giúp đỡ có thể dễ được chấp nhận – nhưng một ngày nào đó Washington sẽ phải đối mặt với những lựa chọn và thực tế khó khăn.
Ukraine chịu áp lực từ phương Tây về các điều kiện viện trợ vũ khí
Để tiếp tục nhận viện trợ quân sự từ các nước phương Tây, Kiev phải tuân thủ các điều kiện cụ thể do những nước ủng hộ Ukraine đặt ra.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko thảo luận với đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc về về hỗ trợ tài chính cho Kiev. Ảnh: ukrinform.net
Theo bình luận của tờ báo điện tử Echo24.cz của CH Séc mới đây, hình thức hỗ trợ quân sự "không hạn chế" cho Ukraine, bao gồm đạn dược, vũ khí, xe tăng và xe bọc thép quan trọng, dường như sắp kết thúc. Để tiếp tục nhận viện trợ quân sự từ các nước phương Tây, Kiev phải tuân thủ các điều kiện cụ thể do những nước ủng hộ Ukraine đặt ra. Những điều kiện này bao gồm việc thực hiện cải cách nhà nước và các biện pháp chống tham nhũng.
Xung đột ở Ukraine đã kéo dài hơn một năm rưỡi, với sự thành công từ cuộc phản công, được phát động vào đầu tháng 6 năm nay, vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở khu vực phía Đông. Ngoài ra, Ukraine phải đối mặt với một số thách thức do điều kiện thời tiết theo mùa đặt ra, với những cơn mưa xuất hiện khiến địa hình trở nên lầy lội và khó cơ động liên quan đến các trang thiết bị hạng nặng. Điều này có thể mang lại lợi thế cho các lực lượng Nga khi họ được củng cố để sẵn sàng cho chiến lược phòng thủ.
Tình trạng khó khăn của Ukraine càng trở nên phức tạp hơn khi Mỹ, nhà hỗ trợ chính của nước này, tuyên bố rằng vấn đề viện trợ quân sự tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc đáp ứng một loạt điều kiện tiên quyết cụ thể. Mỹ là nước ủng hộ nhiệt tình cho Ukraine kể từ khi nổ ra xung đột và đã cung cấp viện trợ đáng kể với tổng trị giá hơn 43 tỷ USD.
Thông báo trên được đưa ra trực tiếp từ Nhà Trắng cách đây vài ngày, nêu rõ những cải cách mà chính quyền Ukraine cần thực hiện để nhận thêm hỗ trợ tài chính từ Mỹ, EU, các quốc gia G7 và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân hàng Thế giới. Tài liệu đã được Mike Pyle, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng về Kinh tế Quốc tế, gửi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Denys Shmyhal và Cơ quan Điều phối các nhà tài trợ cho Ukraine.
Những đề xuất nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của các cơ quan, tổ chức và ngành khác nhau trong chính phủ Ukraine. Các tổ chức này bao gồm Ban kiểm soát doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan chống tham nhũng, văn phòng công tố và toàn bộ ngành tư pháp. Những cải cách trong Bộ Quốc phòng và tất cả các cơ quan thực thi pháp luật cũng được yêu cầu.
Tài liệu nêu ra một chuỗi cải cách ưu tiên mà Ukraine phải thực hiện trong các khung thời gian khác nhau từ 0 đến 3 tháng, 3 đến 6 tháng, một năm và 18 tháng. Nhà lập pháp Ukraine Yaroslav Zheleznyak cho biết khoản viện trợ trị giá 42 tỷ USD từ các nhà tài trợ khác nhau phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu này.
Trong khi đó, tính khả thi của việc Ukraine đáp ứng những cải cách cụ thể này với khung thời gian được chỉ định vẫn chưa chắc chắn. Ukraine cũng đã nhận được một danh sách tương tự từ EU, với 7 điều kiện cần phải đáp ứng vào cuối tháng 10 này để bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU. Những điều kiện này liên quan đến việc giảm ảnh hưởng của những đối tượng là "đầu sỏ chính trị" và loại bỏ những nơi sản sinh ra tham nhũng.
Tuy nhiên, Ukraine mới chỉ hoàn thành được 2 trong số 7 điểm cho đến nay. Ví dụ, Brussels đang yêu cầu khôi phục việc kê khai tài sản điện tử cho các quan chức nhà nước và chính trị gia, điều mà Ukraine đã bãi bỏ ngay sau khi xung đột bắt đầu. Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương, Olha Stefanishina, đã thừa nhận sẽ mất vài năm để hoàn thành toàn bộ danh sách các yêu cầu.
Tác động từ việc Mỹ cắt giảm viện trợ với năng lực chiến đấu của Ukraine Các chuyên gia cho biết, quân đội Ukraine sẽ sớm thiếu đạn dược và trang thiết bị cần thiết nếu Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự, làm suy yếu các hoạt động trên bộ và giảm khả năng phòng thủ của họ trước các cuộc tấn công từ Nga. Việc cắt giảm viện trợ của Mỹ sẽ để lại những khoảng trống...