Khó hiểu và mông lung với Vợ Ba? Bạn có thể tham khảo bài giải phân tích biểu tượng và những ẩn ý nghệ thuật này
Là một bộ phim mang tính nghệ thuật với những hàm ý và triết lý đặc biệt được cài cắm vào, khó trách khán giả xem xong Vợ Ba đều mang nét mặt khó hiểu ra rạp.
(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim, độc giả cân nhắc trước khi đọc)
Sau khi nhận được vô vàn lời khen từ các Liên Hoan Phim Quốc Tế, Vợ Ba (tựa Anh: The Third Wife) chính thức đến với khán giả Việt Nam từ ngày 17/5. Tuy nhiên, nhận nhiều giải thưởng chưa chắc đã khiến phim “hay” với khán giả đại chúng. Giải thích đơn giản bởi vì phim vẫn mang màu sắc nghệ thuật, nghiêng về hình thức, diễn xuất nhiều bằng biểu cảm khuôn mặt và tâm lý nhân vật chứ không qua thoại. Và dĩ nhiên, điều này gây ra không ít khó hiểu cho khán giả tại rạp.
Mặt khác, phim là một tác phẩm nghệ thuật đáng xem dù có khó hiểu đến thế nào. Những triết lý ẩn dụ sâu xa về một Việt Nam xưa, những hàm ý độc đáo về thân phận người phụ nữ đã được khắc họa khá rõ nét. Đương nhiên, những hình ảnh nghệ thuật như thế không dễ để người xem có thể nắm bắt.
1. Chủ đề của phim là gì?
Nếu phải chọn một từ rộng nhất để khái quát chủ đề của phim, “Gender” (Giới) là từ bao hàm rộng nhất. Song song đó, “Feminity” (Tính nữ) cũng là một phạm trù hẹp hơn nhưng khái quát được cả vấn đề.
Phim được kể dưới góc nhìn của Mây, người vợ ba, một cô bé ở tuổi mới lớn nhưng trong một năm phải trải qua gần như đủ các giai đoạn quan trọng nhất của một người phụ nữ: làm dâu, làm vợ, làm mẹ dưới khuôn khổ của một xã hội hà khắc. Từ góc nhìn này, phim đặt ra những câu hỏi: “thế nào là tính nữ?”, “tính nữ nên được khắc họa như thế nào trên điện ảnh?”, “nhân vật nữ có thể làm gì để phá đi vòng xoay của thể chế?”.
Mùa xuân của gia đình nhà Mây.
Nếu các bạn chú ý, Vợ Ba có dàn nhân vật đa phần là nữ, tính từ nhỏ tuổi nhất: bé Bồ Câu (3 tuổi), bé Nhàn (7 tuổi), bé Liên (11 tuổi), mợ Mây (vợ ba – 14 tuổi), mợ Xuân (vợ hai – 30 tuổi), mợ Hà (vợ cả – 40 tuổi) và bà Lao hầu gái (60 tuổi). Với dàn nhân vật trải dài qua nhiều thế hệ này, phim ẩn dụ về vòng xoay cuộc đời của một người phụ nữ. Mỗi nhân vật là một cột mốc, mà ba cột mốc quan trọng nhất chính là ba người vợ: Hà – Xuân – Mây.
Những thế hệ vòng đời của một người phụ nữ chỉ trong một khung hình.
Mợ hai Xuân đại diện cho giai đoạn đẹp, căng tràn và mơn mởn nhất của người phụ nữ. Có thể nói, tài sắc vẹn toàn, cơ thể gợi cảm và đầy những ham muốn xác thịt. Mợ cả Hà mặt khác, lại đại diện cho giai đoạn đã xế chiều của một người phụ nữ: điềm đạm, tần tảo, khắc khổ, phải lo cho cả con ruột lẫn con của mợ hai. Mợ Hà toát lên một vẻ bí ẩn, một người không dễ đoán nhưng rõ ràng mợ có nét đẹp rất hút của của một người ở tuổi của mợ. Thêm vào đội hình này là Mây, trong trắng, ngây thơ, nhìn cuộc đời qua lăng kính đầy những câu hỏi về bản thân mình. Mây vừa muốn được như mợ Hà, làm người phụ nữ của gia đình, có vị thế, lại vừa ngưỡng mộ mợ Xuân, xinh đẹp, sắc sảo, được sống với cảm xúc của bản thân.
Nhân vật bé Liên, con gái mợ Xuân, là biểu tượng của vòng lặp phong kiến. Khi cô bé vừa kì kinh nguyệt đầu tiên, câu đầu tiên thốt lên là: “cuối cùng cũng có rồi”, trong một tâm thế rất như đã chuẩn bị sẳn từ lâu. Ở xã hội thời bấy giờ, đó là dấu hiệu cho thấy một thiếu nữ đã đến tuổi được gả về nhà chồng. Còn bé Nhàn, lại là biểu tượng của sự bứt phá, thách thức ngược lại những lề thói và quan niệm xưa. Bé xin Phật đòi làm con trai, tính tình ngang bướng, không chịu khuất phục, dẫn đến cảnh tượng vô cùng ám ảnh và day dứt ở cuối phim. Tuy nhiên, bé Hà cũng là mơ ước của biết bao người phụ nữ xưa, muốn vùng lên, muốn thay đổi số phận.
Người đàn ông xuất hiện trong phim đa phần là hình ảnh thể hiện phục tùng và địa vị.
Cả bộ phim, sự xuất hiện của “giới nam” thật sự rất ít. Mỗi lần xuất hiện là một ý nghĩa riêng được khắc họa dành cho “giống chủ” này. Lúc thì “sinh hoạt giường chiếu” nhắm đến việc duy trì nồi giống, lúc thì ra tay phạt đòn roi khắc khe thể hiện quyền làm chủ. Tuy nhiên, chỉ có cậu Sơn là hình mẫu khác lạ nhưng cũng đầy trăn trở ở giới nam thời bấy giờ. Làm sao để tay không dựng nghiệp? Làm sao để nối dõi tong đường? Trong khi cả bộ phim tập trung vào số phận đầy bi ai của những người phụ nữ thì những khoảng lặng trong suy nghĩ và tâm hồn của Sơn lại là một điểm sáng. Không chỉ có phụ nữ, mà đâu đó, ngay cả đàn ông cũng chịu những hà khắc của xã hội đương thời.
Hình ảnh cậu Sơn nổi lên như một điểm sáng trong “giới nam” thời đó.
2. Những hình ảnh mang tính biểu tượng mà không phải ai cũng hiểu
Xuyên suốt phim là những hình ảnh biểu tượng báo hiệu việc sinh nở của Mây. Đó cũng là những biểu tượng rất tinh tế về cơ thể phụ nữ được đan cài vào thiên nhiên.
Teaser poster: Hình ảnh một con mắt nằm dọc, máu rỉ ra, sâu bên trong mắt là hình ảnh Hùng, người chồng. Máu ở đây là máu trinh tiết của người phụ nữ khi quan hệ lần đầu. Con mắt nằm dọc tượng trưng cho âm đạo. Ở đây, hình ảnh còn ám chỉ một cuộc sống bắt đầu bằng máu và có thể kết thúc bằng nước mắt của người phụ nữ trong xã hội xưa khi mọi thứ cô ấy nhìn thấy chỉ là người đàn ông, người chồng.
Hang động: con thuyền đưa Mây đến gia trang của Hùng phải đi qua một hang động, đây là một biểu tượng phồn thực về âm đạo của người nữ, con thuyền đi vào hang dự báo một bước chuyển lớn trong cuộc đời của cô gái trẻ: làm vợ.
Con thuyền đưa Mây đến nhà chồng, chuẩn bị đi qua hang động.
Hạt lựu: ở đám cưới của mình, bà Lao hầu gái đã đem cho Mây một chén hạt lựu. Xưa đến nay thường quan niệm, hạt lựu là loại trái biểu tượng cho sự sinh sôi và sức khỏe sinh nở. Ăn hạt lựu nhiều, thai nhi sẽ khỏe mạnh, sinh nở tốt, mẹ tròn con vuông.
Lòng đỏ trứng gà đêm tân hôn: với người Việt xưa, họ không chỉ đơn thuần xem việc động phòng là hành vi giao hoan nam nữ, mà đó là một nghi lễ. Trứng gà được sử dụng là trứng gà xo, trứng gà đẻ lần đầu, một loại thực phẩm (được cho là) làm tăng cường sức mạnh của nam giới. Trứng gà đặt ở rốn, điểm trung tâm, nơi giao thoa kết nối và nuôi dưỡng thai nhi. Đêm động phòng đó đã biến thành một nghi lễ để cầu cho Mây sinh được một người con trai khỏe mạnh cho gia đình.
Tấm trải giường máu: liên hệ với teaser poster của phim, đêm động phòng còn là nghi lễ “khám nghiệm trinh tiết”. Nếu sáng hôm sau, tấm trải giường có dính máu, nó sẽ được treo trước sân nhà như một sự công bố minh bạch, rằng Mây đã đường đường chính chính qua được “bài kiểm tra”.
Tấm trải giường máu được treo một cách trịnh trọng như lời thông báo của gia chủ đến mọi người.
Bò đẻ con: điềm báo về chuyện sinh nở của Mây.
Bà Lao hầu gái làm gà: cảnh bà Lao thọc tay vào con gà luộc cũng mang tính điềm báo về sự sinh nở.
Nước: hình ảnh nước được sử dụng rất nhiều trong phim. Nước từ dòng sông đưa Mây đến nhà Hùng và cũng là dòng sông đưa tang người đã khuất. Nước từ những con suối, ao sen, nước mưa, nước dùng trong sinh hoạt. Về cơ bản, nước tượng trưng cho dòng chảy bất biến của thời gian và cũng tượng trưng cho sự sinh nở trong nhiều tác phẩm trước đây.
3. Bí ẩn hình ảnh con tằm
Xuyên suốt phim, hình ảnh con tằm được để xen kẽ. Nếu trong nhiều bộ phim khác, thời gian được thể hiện bằng ngày tháng năm, hay bằng thoại, thì với Vợ Ba, vòng đời của tằm là một cuốn lịch sống. Đan xen hình ảnh này, phim vừa gợi được dòng chảy thời gian từ khi Mây về làm vợ ba đến khi cô mang thai, làm mẹ.
Thương thay thân phận con tằm. Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ!
Con tằm còn là hình ảnh ẩn dụ tinh tế cho hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa. Cả vòng đời của mình, tằm chỉ biết ăn lá, nhả tơ tạo kén, rồi sau đó bị thẳng tay cho vào nồi để nấu, tạo thành sợi tơ tằm, kết thúc một vòng đời không lối thoát. Cũng như phụ nữ ngày xưa chỉ biết lấy chồng, sinh con và làm vợ, không tiếng nói, an phận, chịu sự lệ thuộc của người đàn ông.
Cuộc đời phụ nữ những như những con tằm kia. Cả đời chỉ biết phục vụ người khác, không thể suy nghĩ và làm gì khác cho mình.
Tuy nhiên trong phim, có một con tằm may mắn đã thoát xác thành ngài. Khi Mây tiến đến bên quan tài của cô dâu xấu số đã treo cổ tự vẫn sau khi bị gia đình chối từ, một con ngài đã bay ra từ đó. Theo quan niệm tâm linh của người Việt, ngài và bươm bướm luôn được ví von là hiện thân của người đã khuất. Trong phim, việc một con ngài xuất hiện trong quan tài một cô gái, giữa muôn vàn kén tằm đã bị luộc làm sợi tơ, là ẩn dụ của sự giải thoát. Cô gái chọn cái chết đó đã tự giải thoát cho mình khỏi vòng lặp của xã hội lúc bấy giờ. Mây cũng nhìn thấy chính con ngài này hai lần trước đó, nhưng khán giả của chúng ta chỉ có thể cảm nhận qua một cái bóng bay lướt qua, hay một tiếng đập cánh bí ẩn.
Hình ảnh mợ Tuyết tự vẫn hóa ra không phải là một kết thúc. Đó là một cánh cửa mở ra thế giới mới như cách con tằm may mắn thoát xác thành ngài.
4. Thông điệp nữ quyền hiện đại đằng sau lớp vỏ truyền thống
Để có thể xem và hiểu được dụng ý của phim, cần trang bị một tâm thế rằng đây không phải là phim có nhịp nhanh, dứt khoát, nhiều thoại, nhiều drama. Nếu có một bài toán đặt ra rằng “Làm sao để khắc họa người phụ nữ phong kiến một cách đời nhất, sát với bản ngã con người của họ nhất, cho họ được làm cái họ “muốn làm”, chứ không phải cái họ “phải làm”?” thì đáp án sẽ là Vợ Ba.
Vợ Ba khắc họa đời sống hôn nhân, đời sống vợ chồng và chuyện quan hệ như một lát cắt rất đỗi bình thường của một gia đình. Trong gia đình đó, phụ nữ cũng có những giây phút chị chị em em, chia sẻ nhau chuyện giường chiếu, cũng có những cảnh ái ân, cũng có những rung động và những ẩn ức bất ngờ khó tỏ cùng ai. Đó là hành trình của một cô bé phải trải qua hầu hết các cột mốc quan trọng của một đời phụ nữ, chỉ trong hơn 90 phút phim. Còn chúng ta là chứng nhân cho những xung đột ngầm bên trong bản ngã bối rối đó.
Chuyện chăn gối giờ đây không còn là chuyện của riêng ai. Ba người vợ, ba phong cách, đến cả chuyện “giường chiếu” cũng như vậy.
Đôi khi, nữ quyền phim ảnh không nhất thiết là cho các chị em cơ hội để “đá đít” cánh đàn ông, mà chỉ cần một sự khắc họa chân thật, không dồn họ vào lề thói xã hội, để họ có một tiến nói phản biện những rập khuôn ngàn đời, thoát khỏi định kiến và sống với thôi thúc. Đó chính là nữ quyền của Ash Mayfair.
5. Giải thích kết thúc khiến không ít khán giả hoang mang của phim
Như đã nói từ đầu, vòng lặp cuộc đời của một người phụ nữ đương thời đã khắc họ đầy đủ trong chỉ hơn 90 phút. Mây chính là nhân chứng sống, là người kinh qua hết những cay đắng ngọt bùi mà một người phụ nữ phải gánh chịu. Song cuối cùng, cô chỉ tìm thấy con đường giải thoát duy nhất ở cuối phim lúc cô đến thăm quan tài của mợ Tuyết. Đối với cô, mợ Tuyết chết đi là lựa chọn của sự giải thoát chứ không phải là một con đường “cụt” khép lại những quãng ngày trên thế gian này. Bởi vì, dù có sống thì phụ nữ cũng chỉ như một con tằm nương thân vào những lá dâu, không có ngày mai.
Ngài thoát xác đậu trên xác của mợ Tuyết.
Ở cuối phim, hình ảnh Mây ôm con ngồi chơi vơi ở núi rừng khiến người ta có cảm giác sao thênh thang cảm xúc và quá đỗi cô đơn. Mây ngồi đó, ngước nhìn từng nhành lá ngón đung đưa, thứ lá mà trước đây cô được con của mợ Xuân nói đó là thứ lá độc, giết người. Cô băn khoăn liệu có nên lựa chọn giải thoát, cho mình và cho cả con mình. Bởi vì cô biết rằng sau tất cả, phụ nữ cũng chỉ như con tằm kia, trải qua một cuộc đời lặp đi lặp lại những đau khổ và hà khắc. Thế rồi cô quyết định đưa tay bẻ ngay nhành lá ấy. Không ai biết cô có đưa cho con gái mình hay không nhưng ai ai cũng biết, cô đã rất lo sợ và biết chắc rằng đời người con gái khó tìm được hạnh phúc trong xã hội lúc bấy giờ.
Hình ảnh cô độc, Mây ôm con đi tìm câu trả lời cho số phận người phụ nữ.
Tiếp sau đó, ta thấy hình ảnh bé Nhàn ngồi bên dòng nước. Bé chuẩn bị sẳn cây kéo bên mình, ra tay cắt phăng đi mái tóc, thứ được cho là quý giá của người phụ nữ. Ai cũng biết, bé có khao khát và ước vọng được làm đàn ông nhưng không ai nghĩ một con bé ở tuổi mới lớn ấy lại dám hành động đáng suy ngẫm như vậy. Hình ảnh bé Nhàn cắt đi mái tóc chính là hình ảnh của hy vọng và mong ước chung của người phụ nữ đương thời. Được làm điều mình thích, được thoát ra khỏi cái vỏ bọc đau khổ của người phụ nữ và được sống để làm điều mình “muốn làm”.
Việc Nhàn cắt tóc thể hiện mơ ước bình quyền và sự đứng lên chống chọi số phận của xã hội đương thời.
Vợ Ba của Ash Mayfair hay ở chỗ cô tạo ra cho người xem biết bao nhiêu đắng cay và cô đơn của người phụ nữ trong xã hội đó nhưng cũng chính cô tạo ra niềm hy vọng cho họ. Kết thúc của phim không khó đoán và nhọc nhằn, nó là một kết thúc mở, là chìa khóa hướng sự nữ quyền của người phụ nữ trong quá khứ đến tương lai.
Teaser trailer “Vợ Ba”
Vợ Ba hiện đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo trí thức trẻ
Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại
Ở Người Vợ Ba, khán giả có thể thấy truyền thống ở lớp vỏ ngoài và bối cảnh phim, nhưng lại thức thời và đậm tính nữ quyền ở phía sâu bên trong đó, như những đợt sóng ngầm không thể nhìn bằng mắt mà chỉ có thể cảm thụ.
Từ lúc phim bắt đầu đến lúc kết thúc, Người Vợ Ba đưa khán giả vào một thế giới vừa gần gũi thân quen nhưng cũng quá đỗi xa lạ. Tự nhiên mà lại ngượng ngùng, đằm thắm mà lại dữ dội, từ tốn mà cũng gấp gáp, đó là những thái cực đối lập nhau trong phim đầu tay của đạo diễn Ash Mayfair, cùng với sự cố vấn của đạo diễn Trần Anh Hùng. Có thể nói, Người Vợ Ba là một tác phẩm hài hòa giữa truyền thống và hậu hiện đại.
1. Hành trình của Mây
Phim là hành trình khám phá bản thể cá nhân của Mây (Nguyễn Phương Trà My), cô gái trẻ được gả làm vợ ba của một gia đình giàu có cuối thế kỷ 19. Mây đẹp tinh khôi, hồn hậu như sương sớm và mơn mởn như chính làn nước đã đưa cô đến ngôi nhà đó. Từ những thước phim đầu, phim đã tạo cảm xúc hiệu quả bằng nhịp phim chậm, mang tính ước lệ cao khi liên tục có những phân cảnh xen kẽ giữa cảnh thiên nhiên và con người.
Cũng chính những thước phim đầu đó, Mayfair như muốn nhắn gửi: Xem Người Vợ Ba không thể vội, mà phải từ tốn ngắm từng khung hình được canh chuẩn đến mức "sướng người", hay ánh sáng được dàn dựng để tạo nên cảm giác vừa mờ ảo hư vô của thời xưa, lại vừa sắc nét rõ ràng của thời nay.
Sự phát triển nhân vật của Mây được đặt trong mối quan hệ của cô với những người trong gia đình của cậu Hùng, đặc biệt là với mợ Hà (Trần Nữ Yên Khê), mợ Xuân (Maya) và những con người ở gia trang: hai đứa con gái của mợ Xuân, bà Lao quản gia hay cả Sơn, con trai cả của mợ Hà. Trong tất cả những mối quan hệ này, Mây như một chứng nhân, theo dõi và quan sát tất cả. Ngây thơ, hồn hậu nhưng cũng đầy sự tò mò, câu chuyện xoay quanh góc nhìn của Mây rất ít thoại hay những lời giải thích dông dài.
Mayfair khéo léo xây dựng được một sự kín đáo và khẽ khàng rất truyền thống của phụ nữ Việt Nam cuối thế kỷ 19, nhưng đột phá ở chỗ cô không để nhân vật của mình là một người người phụ nữ bị động và chịu sự chi phối bởi quy chuẩn xã hội hay người đàn ông. Tương tự với những mợ Hà, mợ Xuân, bé Liên (Lâm Thanh Mỹ) hay bé Nhàn (Mai Cát Vi), Mayfair đều cho họ có những phân cảnh tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng lại là hạt mầm gieo vào lòng Mây những khát khao rất con người đã bị xã hội phong kén đè nén từ lâu.
Vợ cả Hà của Trần Nữ Yên Khê với nét đẹp ám ảnh.
2. Người Vợ Ba, tác phẩm điện ảnh đậm nét Á Đông
Lấy câu chuyện về đời sống vợ chồng và những ẩn ức giới, Vợ Ba là một tác phẩm erotic thuần Á Đông mà không phải khán giả nào cũng mở lòng đón nhận được. Đạo diễn Mayfair cho những người phụ nữ của mình được nói lên những tâm tự thầm kín và nhạy cảm nhất mà tất cả những tác phẩm khác xem là "taboo", cấm kỵ.
Có bao nhiêu bộ phim Á Đông lấy bối cảnh xưa cho phép người phụ nữ được bàn về sắc dục hay chuyện giường chiếu (những điều rất con người) một cách tự nhiên như Người Vợ Ba? Có bao nhiêu bộ phim Việt Nam bối cảnh phong kiến cho phép mối quan hệ bí mật của mợ Xuân diễn ra? Và cuối cùng, người viết khẳng định, có lẽ chỉ có Ash Mayfair mới cho phép Mây nói ra những cảm xúc thầm kín nhất của mình, bất chấp mọi định kiến xã hội với mợ Xuân: "Em yêu chị".
"Làm sao để thỏa mãn hả chị?", một câu hỏi rất đời trong phim.
Sự nguy hiểm của những tác phẩm như Người Vợ Ba chính là phim sẽ dễ sa đà vào việc biến cơ thể con người thành một món đồ để trang trí và trầm trồ. Trong nhiều tác phẩm kinh điển của Hollywood, châu Á luôn được khắc họa bằng góc nhìn rất phiến diện mà Edward Said đã gọi là "học thuyết phương Đông" (1978).
Người đàn ông châu Á luôn là người chủ động, đa thê, còn người phụ nữ châu Á thì luôn là sự bị động, là quyến rũ về da thịt, đầy sự mê hoặc và huyền bí khi đặt cạnh cái đẹp chuẩn của phương Tây. Họ không có giọng nói hay tính chủ thể, mà chỉ là một bệ đỡ để tôn người đàn ông, hoặc một bức tranh làm nền cho câu chuyện thêm hương sắc. May mắn thay, có lẽ vì cùng là phụ nữ, lại là tuýp phụ nữ hiện đại, Mayfair không cho phép điều này xảy ra trong phim của mình. Nét đẹp Việt Nam với tóc dài, yếm đào, làn da bóng lưỡng trong đêm có thể làm khán giả xao xuyến, nhưng chính những tư tưởng hiện đại then cài suốt phim qua cử chỉ, hành động đã thổi sức nặng đến phim.
Khi phim kết thúc, có lẽ người viết sẽ không bao giờ quên được ánh mắt sắc và đầy quyết tâm của Mai Cát Vi khi bé xuống tóc để thực hiện câu nói bâng quơ ngày nào: "lớn lên em sẽ làm đàn ông". Đôi khi ta tưởng nữ quyền là phải khắc họa những người phụ nữ dữ dội, với siêu sức mạnh và nắm quyền làm chủ, nhưng đôi khi, nữ quyền chỉ đơn giản là cho nhân vật nữ của mình một cơ hội để được nói ra tâm tư và làm chủ cuộc đời mình trong phút chốc.
Maya quyến rũ và gợi cảm trong vai mợ hai Xuân.
3. Bí ẩn hình ảnh con tằm
Câu chuyện của Mây, của những người phụ nữ còn được khắc họa rất rõ qua hình ảnh con tằm nhả tơ được cài cắm suốt phim. Hai số phận này giống nhau ở chỗ, cả đời chỉ sống vì người khác, ít nhất là trong xã hội lúc bấy giờ. Các mợ luôn đau đáu việc hầu chồng, sinh con trai cho cậu Hùng, còn con tằm thì suốt đời nhả tơ, chưa kịp hóa thành ngài thì đã bị thả vào nước sôi để ươm tơ và kết thúc cuộc đời ngắn ngủi.
Tuy nhiên, trong phim có một con tằm đã thoát kiếp đau khổ và hóa thành ngài, đó là người vợ xấu số của Sơn. Tủi nhục vì gia đình không chấp nhận mình sau cuộc hôn nhân không thành, cô treo cổ bên suối tự vẫn. Lúc Mây tới bên thi hài cô, một con ngài đã bay ra từ trong quan tài. Ngoài ý nghĩa tâm linh gắn liền với hình ảnh bươm bướm, con ngài lúc này tượng trưng cho sự giải thoát và tự do tuyệt đối khỏi những rào cản xã hội. Phải chăng vì vậy mà Mayfair đã để cho Mây đứng trước một lựa chọn khó khăn vào cuối phim.
Với số điểm hiện tại 91% trên Rotten Tomatoes, cũng như gặt hái được rất nhiều thảnh quả ở các liên hoan phim quốc tế, "phim châu Á xuất sắc nhất" ở Toronto sẽ được công chiếu ngày 17/5 tới tại Việt Nam. Hy vọng phim sẽ vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ điện ảnh để đến với khán giả đại chúng, góp phần tăng thêm sức sống và niềm tự hào cho phim Việt.
Trailer "Người Vợ ba"
Người Vợ Ba khởi chiếu trên các cụm rạp từ 17/5.
Theo trí thức trẻ
Người Vợ Ba (The Third Wife): Chân thực, mộng mơ và đầy nữ tính Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Ash Mayfair - Người Vợ Ba (The Third Wife) - đã chuyển tải một câu chuyện khơi gợi, sầu muộn và quen thuộc đến mức tráng lệ về chủ đề trọng nam khinh nữ ở Việt Nam thế kỷ 19. Nhẹ nhàng đưa người xem chìm vào một thời quá khứ đã xa, bộ phim đầu...