Khó hiểu lãnh đạo Hà Nội mua nước sông Đuống đắt gấp đôi: Cần kiểm toán vào cuộc
Việc lãnh đạo Hà Nội quyết định mua nước sạch sông Đuống cao gấp đôi nước sạch của công ty khác, rồi lấy ngân sách bù lỗ vào giá bán cho dân, là điều rất khó hiểu trong khi chưa một lãnh đạo nào của Hà Nội trả lời trước công luận về việc này
Hiện nay TP Hà Nội đang có hai đơn vị bán buôn nước sạch lớn nhất là Nhà máy nước mặt sông Đuống và Nhà máy nước mặt sông Đà.
Nhà máy nước sạch sông Đuống có tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm và tổng đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng. từ khi dự án đang trong quá trình xây dựng, lãnh đạo TP Hà Nội có văn bản “lạ” về mức giá nước mua buôn gấp đôi so với với giá bán lẻ nước bậc 1 hiện nay.
Cụ thể, trong văn bản số 3310/UBND-KT ký ngày 6/7/2017 của UBND TP Hà Nội, thành phố đã chấp thuận giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Chuyên gia đề nghị phải kiểm toán nhà nước đối với Nhà máy nước sông Đuống….
Giá nước mua của Công ty CP Nước sạch sông Đà được thành phố phê duyệt năm 2015 và năm 2016 mức giá là 5.069,76 đồng/m3.
Như vậy, mức giá nước sạch sông Đà được Hà Nội phê duyệt chưa bằng một nửa so với giá nước sạch sông Đuống.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao Hà Nội lại chấp nhận mua giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao gần gấp đôi so với nước sinh hoạt của công ty khác? Và ngân sách Hà Nội đang phải “tự nguyện bù lỗ” vì chấp nhận “mua đắt bán rẻ” nước sinh hoạt của người dân?
Lý giải về sự đắt đỏ, đại diện nhà máy nước sông Đuống đã trả lời trên báo chí rằng: Do công ty đầu tư với dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, do việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng.
Thậm chí, bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Công ty nước mặt Sông Đuống cho biết, việc xây dựng nhà máy nước “có tới 60% nguồn vốn được sử dụng là vốn huy động, do đó, doanh nghiệp thực sự cũng đang phải “gồng mình”…
Trao đổi với PV Infonet, GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho rằng, lý giải của Nhà máy nước sông Đuống là không hợp lý, bởi lẽ tuyến ống nước thì dự án nào cũng phải dùng, cái chính là chủ đầu tư phải tính toán để đưa ra mức giá bán nước hợp lý.
Theo ông Uyển, công nghệ không có ảnh hưởng đến giá thành, bởi bất kỳ công nghệ nào thì khi sản xuất nước xong đều phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, chủ đầu tư có quyền tự quyết định công nghệ, chỉ cần đạt yêu cầu. Trong xây dựng nhà máy nước, công suất nhỏ thì giá lại đắt hơn công suất lớn, vì thế công suất càng lớn giá thành càng rẻ. Do đó, chủ đầu tư nào cũng muốn xây dựng nhà máy nước to.
Video đang HOT
Một chuyên gia cao cấp ngành nước đề nghị không nêu tên khẳng định:
“ Đó là quyết định “lạ” của Hà Nội, nhiều khi có nhiều cái rất khó hiểu. Tại sao phải chấp nhận mua nước mức giá cao như vậy? Vì sao giá thành của nhà máy nước sông Đuống đến hơn 10.000 đồng/m3, họ kê ra là đầu tư đến 5.000 tỷ. Vậy là chết rồi, họ đi vay đầu tư rồi bắt người dân phải chịu giá thành đầu tư quá cao và chịu lãi suất vay ngân hàng thương mại ở từng m3 nước là bất hợp lý”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.
“Kiên quyết đề nghị phải kiểm toán nhà nước đối với Nhà máy nước sông Đuống”, vị chuyên gia này đề nghị.
Cũng theo chuyên gia này, việc xử lý nước mặt thì công nghệ ở hai nhà máy nước là như nhau, chỉ khác ở thiết bị nên có thể chênh lệch giá ở thiết bị… nhưng cũng không thể làm tăng giá thành nước, chênh nhau giữa hai nhà máy nước như vậy.
Còn việc nhà máy nước sông Đuống lý giải một phần giá nước cao là do phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện… thì chuyên gia này cho rằng, đó là giá thành dịch vụ lại là câu chuyện khác, không phải là yếu tố làm tăng giá mỗi mét khối nước lên. Hơn nữa, sử dụng nước mặt thì nhiều khi giá thành còn có thể hạ thấp hơn giá nước ngầm.
Theo Infornet
Toàn cảnh nhà máy nước sông Đuống phục vụ 3 triệu dân Hà Nội
Với mức tổng đầu tư giai đoạn 1 lên tới gần 5.000 tỷ đồng, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô lớn nhất miền Bắc sẽ là giải pháp cung cấp nguồn nước sạch thay thế nguồn nước ngầm đang gần bị ô nhiễm.
Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha có mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng. Nhà máy này sẽ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người dân Hà Nội và một số địa phương lân cận như: Bắc Ninh, Hưng Yên...
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 3/6/2016.
Với tổng mức đầu tư lên đến 5.000 tỷ đồng, đây được xem như là một dự án đắt đỏ hơn so với vốn đầu tư ban đầu của các nhà máy khác.
Được biết, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống phải lắp đặt hệ thống truyền dẫn qua 3 con sông cũng là thách thức lớn khiến suất vốn đầu tư cao. Trong đó, sông nhỏ nhất là sông Bắc Hưng Hải, tới sông Đuống với chiều rộng hơn 200m, chiều sâu khoảng 15-20m, lòng sông Hồng dù chỉ sâu 10m nhưng rộng 0,5 km là thách thức kỹ thuật khiến các nhà đầu tư trước đây chùn bước.
Việc xây dựng nhà máy nước sông Đuống sẽ chia ra làm 2 phân kỳ, phân kỳ 1 khánh thành vào tháng 10/2018 với công suất 150.000m3/ngày đêm; phân kỳ 2 nâng công suất lên 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người - chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
"Với giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm", ông Đỗ Văn Định, giám đốc dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết.
Cận cảnh các bể chứa nước đang trong quá trình lọc nước và phân loại bùn thải.
Nhà máy được đầu tư với dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới. Quy trình xử lý khép kín hạn chế thất thoát nước và không có nước xả thải ra môi trường.
Một bể chứa nước được lọc với công nghệ hiện đại, mặt nước sôi sục và bốc khói trên bề mặt nước.
Với một nhà máy công suất lớn, việc vận hành sẽ tốn nhiều nhân lực, tuy nhiên đối với nhà máy nước sạch sông Đuống chỉ cần 20 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật làm việc. Quy trình được tự động hoá hoàn toàn, kiểm soát tuyệt đối toàn bộ các khâu từ lấy nước thô đến truyền dẫn tại điểm giao nhận nước sạch tới khách hàng theo thời gian thực.
Khu vực hầm kỹ thuật của nhà máy nước sạch sông Đuống.
Về chất lượng nguồn nước từ nhà máy Sông Đuống, đơn vị vận hành khẳng định chất lượng nước đầu ra của nhà máy có thể uống nước tại vòi với một số chỉ tiêu cao hơn QCVN 01-2009 của Bộ Y Tế áp dụng cho nước ăn uống.
Những chiếc máy khủng với công suất vận hành lớn của dự án nhà máy nước sông Đuống.
Năm chiếc máy bơm khổng lồ với công suất cực lớn hút nước từ sông Đuống đến các bể lọc nước trong khu vực nhà máy.
Sau khi khánh thành phân kỳ 2, nhà máy nước sông Đuống sẽ tiếp tục bổ sung cung cấp nước sạch cho các quận nội thành, khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội; cung cấp nước sạch cho một số vùng bổ sung thuộc ngoại thành như huyện Ứng Hòa, Thanh Oai và khu vực phía Nam các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, các khu vực còn lại của huyện Đông Anh, Sóc Sơn... Bên cạnh đó, Nhà máy còn bổ sung nước cho các xã thuộc huyện Văn Giang - Hưng Yên, Khu đô thị EcoPark, thị xã Từ Sơn, Khu đô thị công nghiệp VSIP (Bắc Ninh)...
Theo dân việt
An ninh nguồn nước: Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước hàng triệu dân uống nước "bẩn"? Nước quan trọng tới cuộc sống mỗi người dân như thế nào có lẽ không cần phải nói rõ. Nhưng sau vụ nước sạch sông Đà bốc mùi mới thấy cả chính quyền và đơn vị cung cấp nước không hề có một quy trình xử lý khủng hoảng nào để người dân có thể an tâm. Nhìn cách xử lý khủng hoảng...