Kho hàng lậu khủng 40 nhân viên chốt đơn: ‘Một tháng bán trên 90.000 sản phẩm, doanh thu trên 10 tỷ đồng’
Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Kỳ Minh cho biết, toàn bộ kho hàng được cất giấu ở trong nhà khung thép tiền chế rất kín đáo, người bên ngoài sẽ không thể nhìn thấy được.
Tin từ báo Lào Cai cho hay, trong ngày 9/7, lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức khám xét chi tiết kho chứa hàng nhập lậu có diện tích hơn 10.000m2 tại số 145, đường Hoàng Diệu, phường Lào Cai, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, với nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.
Ông Trần Mạnh Lâm, phụ trách Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho nguồn trên biết, hàng hóa tại kho chủ yếu là giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm… nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như LV, Gucci, Chanel, Adidas.
Do số lượng hàng quá lớn nên đến cuối ngày 9/7, lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành kiểm đếm, phân loại, đóng gói để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tin với PV báo Đại Đoàn Kết, bà Trịnh Ngọc Ánh, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai nói, Cục QLTT tỉnh đã phải huy động toàn bộ lực lượng quản lý thị trường đến từ khắp các huyện, thị trong tỉnh để tập trung kiểm đếm lượng hàng trong kho này, và phải hết ngày 9/7 mới có thể hoàn thành công việc.
Bà Ánh cho biết, kho hàng lậu đã hoạt động gần 2 năm và cho tới ngày bị triệt phá đã có tổng giao dịch thương mại điện tử ước tính hơn 600 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, chủ kho hàng lậu là Trần Thành Phú (sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại Lào Cai). Phú cùng em gái của mình điều hành kho hàng.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin trên VTV, sau 24 giờ xảy ra vụ việc, các đối tượng cũng đã không thể cung cấp được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Chúng ta có thể khẳng định, các sản phẩm này hầu hết là các sản phẩm lậu, các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn của thế giới.
Về thủ đoạn của nhóm đối tượng, theo ông Minh, nhóm đã thuê một kho hàng đặt ngay tại trung tâm của thành phố Lào Cai, ở vị trí rất khó để phát hiện, nằm cách Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và biên giới của Trung Quốc chỉ chưa đến 2 km.
Video đang HOT
Kho hàng được canh phòng, bảo vệ rất cẩn mật, có bảo vệ, chòi canh gác, chó nghiệp vụ. Toàn bộ kho hàng được cất giấu ở trong nhà khung thép tiền chế rất kín đáo. Người bên ngoài không thể nhìn thấy bên trong đang diễn ra hoạt động gì.
“Chúng tôi cũng phỏng vấn cả những người hàng xóm ở xung quanh kho hàng này thì thậm chí họ cũng không biết được là có những hoạt động gì đang diễn ra trong kho hàng, chỉ thấy cứ xe tải đi ra đi vào ở trong khu vực.
Sau khi các đối tượng đã setup được một kho hàng như vậy thì song song với đó, họ mới tổ chức ra hàng loạt các bộ phận, các tổ nhóm để tiến hành kinh doanh”, ông Nguyễn Kỳ Minh thông tin trên VTV.
Kho hàng này có chứa các sản phẩm là giày, dép, đồng hồ đeo tay, kính mắt và hàng tiêu dùng… nghi giả nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng. Ảnh: VOV
Ông Minh cho hay, toàn bộ hoạt động kinh doanh này diễn ra trên môi trường trực tuyến, chứ không có cửa hàng nào ở ngoài để bán hàng. Qua khai thác thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiềm tra, các nhân viên khai, toàn bộ kho chia làm 5 khu vực chính: Livestream trên facebook; Chốt đơn hàng; Kế toán, tài chính, tổng hợp; Đóng gói hàng hóa sau khi chốt đơn hàng; Khu vực hậu cần khác.
“Sau khi thẩm tra một số thông tin, các nhóm đối tượng khai hàng ngày kho hàng ngày tiếp xúc thông qua các fanpage trên mạng xã hội. Số lượng các đơn hàng họ chốt được, chúng tôi đếm sơ bộ bình quân hàng ngày khoảng hơn 1.000 đơn hàng.
Một tháng như vậy, kho hàng này bán ra thị trường khoảng trên 30.000 đơn và số lượng sản phẩm bán ra là trên 90.000 sản phẩm. Doanh thu thu về là trên 10 tỷ đồng mỗi tháng”, ông Minh nói.
Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ, lực lượng chức năng gặp phải rất nhiều khó khăn khi triệt phá kho hàng lậu này.
Thứ nhất là toàn bộ việc kinh doanh diễn ra trên mạng xã hội facebook, livestream trực tiếp trên facebook, việc lưu trữ các bằng chứng trong xử lý đối tượng rất khó khăn. Các giao dịch hoàn toàn không có gặp mặt trực tiếp nhau.
Thứ hai, toàn bộ kho hàng được che chắn cẩn mật, trong quá trình khai thác thông tin gặp nhiều khó khăn. Thứ ba, chủ thực sự của nhóm đối tượng này không đứng ra giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng mà thông qua nhân viên thuê ở địa điểm đó.
Ông Minh nói, Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá đây là sự việc rất nghiêm trọng.
“Chúng tôi cảnh báo với tất cả các tỉnh thành phố khác trên cả nước, đặc biệt các tỉnh thành phố có đường biên giới tiếp cận với nước ngoài. Đây sẽ là một trong những cơ hội để các đối tượng xây dựng kho hàng và bán hàng trực tiếp”, ông Nguyễn Kỳ Minh cho hay.
Các cán bộ quản lý thị trường kiểm đếm khu kho chứa đồng hồ, kính mắt ở kho hàng lậu. Ảnh: Báo Lào Cai
Trong kho thường xuyên bố trí 3 đến 5 nhân viên chuyên livestream cùng gần 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn hàng. Ảnh: Tổng cục QLTT
Bắt kho hàng lậu 10.000 m2 bán online trên Facebook
Sau hơn 6 tháng theo dõi liên tục, chiều ngày 7/7, cơ quan chức năng đã tấn công một kho hàng lậu hơn 10.000 m2 tại thành phố Lào Cai.
Cụ thể, kho hàng có địa chỉ tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai đã bị Tổng Cục quản lý thị trường phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công An tấn công, xử lý vi phạm.
Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy Đồng giá... Theo khai nhận ban đầu của các nhân viên này, ngày nào tối thiểu thì cũng chốt được 100-200 đơn...
Kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai chuyên chứa hàng để bán trên Facebook. Ảnh: DMS.
Sau khi livestream bán hàng thì các đơn hàng này sẽ được hơn 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn hàng bằng phần mềm cực kỳ chuyên nghiệp, quản lý tập trung. Theo lời khai, có cả trăm đơn hàng mỗi ngày được đóng gói cẩn thận để gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát lớn như Viettel Post, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt 2 năm qua.
Theo xác nhận của cơ quan chức năng, chủ của kho hàng là Trần Thành Phú, sinh năm 1992, có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai, cùng em gái của mình điều hành kho hàng. Các mặt hàng tại kho này đều là: Giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Gucci, Chanel, Adidas...
Hàng chục nhân viên ngồi chốt đơn thông qua phần mềm. Ảnh: DMS.
Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá đây là hoạt động có đường dây, ổ nhóm được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hóa từng khâu, phân công giữa các thành viên phối hợp nhịp nhàng. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng Internet bao gồm cả bán buôn, bán lẻ.
Việc đầu tư các trang thiết bị livestream của các đối tượng cũng rất rẻ tiền, thô sơ, nhưng được thúc đẩy bởi các nền tảng mạng xã hội của thế giới nên mang lại hiệu quả chốt đơn hàng rất cao. Hiện toàn bộ kho hàng đã bị thu giữ và kiểm đếm, đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo để xử lý nhóm đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Bác tin chó nghiệp vụ hy sinh khi truy tìm quân nhân trốn trại Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết thông tin chó nghiệp vụ hy sinh khi truy tìm Triệu Quân Sự trốn trại giam là không chính xác. Trao đổi với Zing ngày 7/6, lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết thông tin trên mạng xã hội về việc chó nghiệp vụ tham gia truy tìm Triệu Quân...