Kho đầy, tủ lạnh rỗng ở Mỹ
Nông dân Mỹ vứt bỏ nông sản trên cánh đồng, trong khi các trung tâm cứu trợ chật vật phân phát đồ ăn cho hàng triệu người thất nghiệp.
Các nông dân ở vùng thượng trung tây nước Mỹ đang phải tiêu hủy lợn con vì hàng loạt lò mổ đã bị thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa. Những chủ cơ sở sản xuất sữa phải đổ đi hàng nghìn lít mỗi ngày. Tại Salinas, bang California, các vườn xà lách, rau diếp xanh, rau diếp đỏ chờ được hái co rúm dưới ánh nắng mặt trời mùa xuân.
Video từ thiết bị bay không người lái cho thấy cảnh những hàng xe ôtô xếp dài hơn hai km chờ tới lượt nhận đồ cứu trợ từ ngân hàng thực phẩm ở Miami. Tại Dallas, các trường học phục vụ hơn 500.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày. Ôtô đi chậm qua các trạm cứu trợ xếp đầy túi cách nhiệt và hộp trữ đông, nhận sữa và những suất ăn đóng gói qua cửa sổ từ đội ngũ tình nguyện viên và giáo viên của trường.
Chris Petersen, chủ một trang trại lợn ở Iowa, Mỹ. Ảnh: AP.
Trên khắp nước Mỹ, tình trạng mất kết nối chưa từng có đang xảy ra giữa những nơi sản xuất ra thực phẩm với các ngân hàng phân phát đồ ăn miễn phí và những khu dân cư thu nhập thấp đang cần chúng nhất. Nông dân, chủ trang trại và các nhà sản xuất thực phẩm Mỹ cùng những nhà vận động cho người nghèo đang kêu gọi chính quyền liên bang giải quyết các bất cập trong hệ thống phân phối khiến các nhà sản xuất phải bỏ thực phẩm đi trong khi hàng trăm nghìn người dân vẫn bị đói.
Cuối tuần trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo về một chương trình trị giá 19 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn và phân phối thực phẩm tới những gia đình thiếu thốn. Theo gói cứu trợ này, chính phủ sẽ mua ba tỷ USD sữa và thịt rồi chuyển chúng đến những ngân hàng thực phẩm. Ngoài ra, các chủ trang trại và nông dân còn được hỗ trợ trực tiếp tổng cộng 16 tỷ USD.
Nhưng nỗ lực trên phải vượt qua được những thách thức căn bản dẫn tới tình trạng mất kết nối: Sữa và các sản phẩm tươi phải được vận chuyển từ trang trại tới ngân hàng thực phẩm bằng xe đông lạnh. Tủ lạnh và kho chứa đồ đông lạnh ở các ngân hàng thực phẩm phải luôn sẵn sàng để nhận hàng. Thực phẩm dự kiến cung cấp cho nhà hàng phải được đóng gói lại để sử dụng cho gia đình. Tất cả những yêu cầu trên phải được thực hiện trong khi vẫn duy trì cách biệt cộng đồng và không được làm tăng nhân lực bởi các ngân hàng thực phẩm hiện cũng thiếu tình nguyện viên.
Theo Karen Smilowitz, giáo sư kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Northwestern, bản thân chi phí vận chuyển và kho bãi đã rất đắt đỏ vì chúng yêu cầu nhiều thiết bị chuyên dụng và có tiêu chuẩn an toàn cao. Vì thế, ngay cả trong điều kiện bình thường, các ngân hàng thực phẩm đã gặp khó khăn với việc vận chuyển.
“Giờ đây, khi các tiêu chuẩn an toàn mới được thêm vào vì Covid-19 và số lượng tình nguyện viên giảm, thách thức càng lớn gấp bội”, Smilowitz nói.
6 tuần qua, mạng lưới ngân hàng thực phẩm thu thập sản phẩm nông sản dư thừa từ các trang trại, cửa hàng tạp hóa và nhà hàng sau đó phân phối tới người cần hỗ trợ. Nhu cầu hiện rất lớn bởi lượng người thất nghiệp đang tăng cao kỷ lục.
Khó khăn trong việc mang thực phẩm tới người thiếu thốn xuất phát trực tiếp từ những vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Alison Meares Cohen, nhân sự cấp cao tại WhyHunger, tổ chức phi lợi nhuận vì người nghèo đói, nhận xét.
“Trong 30, 40 năm qua, khoảng cách từ cánh đồng tới bàn ăn đã bị nới rộng, nó phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng quốc gia và toàn cầu”, bà nói. “Khi chuỗi cung ứng ngừng hoạt động hoặc gặp trục trặc, giá thực phẩm sẽ tăng, dẫn tới gia tăng tỷ lệ mất an ninh thực phẩm. Chúng sẽ gây khó khăn cho cả những người đang cần thực phẩm hỗ trợ khẩn cấp”.
Sự sụp đổ chuỗi phân phối ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực của nông nghiệp Mỹ. Sau cơn cuồng nộ mua đồ tích trữ hồi đầu tháng ba, các nông dân chăn nuôi bò sữa bắt đầu chứng kiến mức sụt giảm mạnh về nhu cầu. Khi các trường học và nhà hàng đóng cửa, ngành sản xuất, chế biến sữa mất đi những khách hàng quan trọng nhất. 1/2 lượng pho mai của cả nước Mỹ và 60% bơ được tiêu thụ tại các nhà hàng. 7% sữa được sử dụng trong chương trình dinh dưỡng học đường. Giá sữa giảm 20%, xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Video đang HOT
“Thử tưởng tượng bạn đang vận hành một nhà máy cung cấp sữa cho Starbucks hay phô mai cho các cửa hàng bánh burger”, Jaime Castaneda, phó chủ tịch phụ trách chính sách chiến lược tại Liên đoàn các Nhà sản xuất sữa Quốc gia, nói. “Bạn ngồi đó và đột nhiên tất cả đơn hàng bị hủy”.
Rất nhiều nhà máy chế biến đã phải đóng cửa. Những nhà máy còn hoạt động phải yêu cầu nông dân giảm sản lượng 20% hoặc đổ bỏ sữa nhằm ngăn giá giảm.
Rau diếp héo khô trên cánh đồng tại thung lũng Salina, Trung California, giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: Washington Post)
Các nhà hàng bị đóng cửa còn ảnh hưởng tới người trồng rau xanh, hoa quả. Từ trước, nông dân trồng cà chua, ớt, dưa chuột, việt quất, dâu tây, bí ở Florida chủ yếu bán nông sản cho các nhà hàng trên khắp đất nước.
Các cửa hàng tạp hóa có xu hướng mua nông sản từ Mexico vì chúng rẻ hơn, khiến nông dân ở Florida và California phải tập trung xây dựng mối quan hệ với hệ thống nhà hàng. Nhưng hàng loạt quán ăn nay phải đóng cửa hoặc chật vật duy trì với lượng đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng.
“Không có những người mua này, chúng tôi không có khách, chưa kể nhiều chợ nông sản cũng đóng cửa”, Caleb Burgin, chủ một trang trại ở Wauchula, Florida, cho hay. “Nông dân đang tiêu hủy hàng triệu kg hoa quả, rau xanh”.
Với thịt lợn và thịt bò, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng xảy ra phần lớn bởi Covid-19 đã khiến các nhà máy chế biến thịt phải đóng cửa. Mặt khác, các nhà sản xuất thịt lợn không thể dễ dàng chuyển sang xuất khẩu bởi hàng loạt bến cảng đều đã giảm năng suất hoặc ngừng hẳn, Dallas Hockman, phó chủ tịch phụ trách quan hệ khách hàng công nghiệp tại Hội đồng các Nhà sản xuất thịt lợn Quốc gia Mỹ, cho biết.
Theo kế hoạch do chính quyền Trump công bố tuần trước, chính quyền liên bang sẽ mua 300 triệu USD hoa quả, rau tươi, thịt và các sản phẩm từ sữa mỗi tháng. Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ trực tiếp chi tiền cho bên phân phối tới lấy hàng từ nông dân và chủ trang trại rồi chuyển chúng tới những ngân hàng thực phẩm.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành công nghiệp thực phẩm cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản và họ nghi ngại về khả năng giải quyết các thách thức của chính quyền liên bang. Hiện chưa rõ thực phẩm sẽ được vận chuyển tới nơi cần chúng như thế nào và ai sẽ trả chi phí thuê tủ đông, xe lạnh nhằm tăng khả năng lưu trữ tại các ngân hàng thực phẩm.
“Liệu chúng ta có thể dùng xe tải vốn chở đồ ăn tới các nhà hàng để vận chuyển đồ ăn tới ngân hàng thực phẩm rồi tận dụng chúng như kho đông lạnh trữ hàng tại chỗ không?”, Jaime Castaneda gợi ý. “Nhưng ai sẽ giúp trả chi phí này? Chính quyền liên bang sẽ phải làm những việc mà họ chưa bao giờ làm trước đây”.
Vũ Hoàng
Khốn đốn vì Covid-19, nông dân Mỹ phải tiêu hủy loạt nông sản "ế ẩm"
Việc hàng loạt nhà hàng, trường học, khách sạn đóng cửa do Covid-19 khiến nông dân Mỹ rơi vào tình thế khốn đốn khi họ buộc phải tiêu hủy các nông sản ế ẩm.
Một nông dân Mỹ đứng trên cánh đồng hành có từ 3 đời qua. Anh đã phải chôn 500 tấn hành vì không có đầu ra (Ảnh: New York Times)
Tại Winconsin và Ohio, các nông dân đang đổ hàng nghìn lít sữa tươi xuống hồ và các hố. Một nông dân ở Idaho đào rãnh lớn để chôn 500 tấn hành. Tại South Florida - khu vực cung cấp nông sản cho miền Đông nước Mỹ, những chiếc máy đang cày nát những ruộng đậu và bắp cải khiến chúng lẫn vào đất.
Vài tuần sau khi đại dịch bùng phát, người nông dân Mỹ đang phải đối mặt với một tác động nghiêm trọng khác của Covid-19. Họ buộc phải phá hủy hàng triệu tấn nông sản tươi không có đầu ra.
Nhà hàng, khách sạn, trường học đóng cửa khắp nơi đã khiến các nông dân không thể bán được hơn một nửa số nông sản họ làm ra. Ngay cả khi người dân đổ tới các siêu thị và hàng bán lẻ mua đồ ăn để nấu tại nhà, mức tăng này vẫn không thấm vào đâu so với số lương thực cung cấp cho các trường học và doanh nghiệp trước đại dịch.
Máy nông nghiệp cày nát các ruộng đậu ở Florida (Ảnh: New York Times)
Lượng nông sản bị đổ bỏ là "đáng kinh ngạc", theo New York Times. Hợp tác xã sữa lớn nhất Mỹ, Dairy Farmers of America, ước tính các nông dân đã đổ bỏ khoảng 14 triệu lít sữa mỗi ngày. Một nhà máy phải tiêu hủy trung bình 750.000 quả trứng chưa nở mỗi tuần.
Nhiều nông dân cho biết họ đã quyên góp lương thực thừa cho các ngân hàng thực phẩm và chương trình "Meals on Wheels". Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện không có đủ thùng lạnh và tình nguyện viên để nhận hết số thực phẩm.
Và chi phí để thu hoạch, xử lý và chuyển thành phẩm tới các ngân hàng thực phẩm đặt tiếp một gánh nặng về tài chính lên vai các nông dân khi họ đã mất một nửa số khách hàng. Xuất khẩu cũng không phải là phương án khả thi vì nhiều đối tác quốc tế của ngành nông sản Mỹ cũng đang vật lộn với đại dịch và biến động tiền tệ khiến xuất khẩu không sinh lời.
"Thật đau lòng", nông dân Paul Allen - người đã phá hủy những cánh đồng đậu và cải bắp ở nông trại của ông tại South Florida và Georgia - cho biết.
Nghịch lý của việc tiêu hủy
Hàng trăm tấn hành đang chờ bị chôn bỏ (Ảnh: New York Times)
Đây rõ là một nghịch lý, theo New York Times. Việc phá hủy đồ ăn diễn ra trong bối cảnh nhiều người Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tài chính và hàng triệu người mất việc khiến họ lâm vào cảnh khó khăn để sinh tồn.
Diễn biến đột ngột của dịch bệnh đã đẩy ngành nông nghiệp vào thế khó.
Ngay cả với ông Allen và các nông dân khác, họ không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi với niềm hy vọng nền kinh tế sẽ tốt trở lại vào thời điểm thu hoạch đợt nông sản kế tiếp. Tuy nhiên, đây cũng là một tương lai không dễ đoán định, vì nếu ngành dịch vụ tiếp tục đóng cửa, thì những cánh đồng xanh mướt mà họ vun trồng sẽ lại tiếp tục bị phá hủy thêm 1 lần nữa.
Shay Myers, một nông dân trồng hành truyền thống 3 đời ở Oregon và Idaho, không còn cách nào để duy trì độ tươi cho nông sản mà anh trồng được. Khách hàng của anh - những nhà hàng ở California và New York, nay đã đóng cửa.
Anh phải đóng hành thành túi nhỏ để bán trong các cửa hiệu tạp hóa. Những nỗ lực đông lạnh hành cũng "như muối bỏ bể" vì anh chỉ có những tủ lạnh có sức chứa giới hạn.
Không còn lựa chọn nào khác, Myers buộc phải đào hố chôn hành và để mặc chúng mục ruỗng dưới những rãnh sâu.
Các nông dân Mỹ không còn lựa chọn nào khác khi họ trở nên "khốn đốn" vì Covid-19 (Ảnh: New York Times)
Với những nông dân sản xuất sữa tươi, khó khăn tăng lên gấp bội. Các trường học, quán café đóng cửa khiến các dây chuyền trong nhà máy sữa cũng giảm cường độ sản xuất.
Trước đại dịch, nhà máy của Dairymens ở Cleveland cung cấp cho hãng café Starbucks ba lô hàng sữa mỗi ngày. Giờ đây, Starbucks chỉ mua 1 lô hàng sữa cho mỗi 3 ngày.
Tuy đã nỗ lực thu mua và "giải cứu" sữa cho nông dân, nhưng Dairymens không còn chỗ để chứa sữa. Brian Funk, một nhân viên của Dairymens, tuần trước đã phải gọi điện cho các nông dân thông báo rằng họ sẽ ngừng nhập sữa. Funk nói rằng ông đã phải kìm chế để không rơi nước mắt khi báo tin dữ.
"Chúng tôi sẽ không lấy sữa của ông ngày mai. Chúng tôi đã hết chỗ để chứa", Funk nói.
Để tránh việc bỏ sữa đi, các nhóm nông dân đã thử mọi cách. Họ thuyết phục các chuỗi bán bánh pizza cho thêm bơ lên các lát bánh. Tuy nhiên, rào cản về hậu cần cũng tạo nên sự khó khăn cho việc cung cấp sữa cho các nhà bán lẻ.
Tại các nơi chế biến sữa, máy móc thường chỉ đóng gói phô mai vụn trong túi lớn cho nhà hàng hoặc đóng các gói sữa nhỏ cho trường học. Để cung cấp cho các nhà bán lẻ, họ phải đầu tư máy móc mới để có thể đóng gói phù hợp. Đây rõ ràng không phải là khoản đầu tư có lợi vào lúc này.
Rào cản vệ hậu cần cũng khiến các nhà máy chế biến gia cầm lâm vào thế khó. Họ thường đưa thẳng gia cầm tới các nhà hàng hơn là các siêu thị và hãng bán lẻ. Việc đầu tư máy móc không phải là một lựa chọn tốt. Chính vì vậy, nhà máy Sanderson Farms đã tiêu hủy 750.000 quả trứng chưa nở rồi gửi tới nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.
Đức Hoàng
Thời buổi 4.0 vì sao nông dân Mỹ lại tranh nhau mua máy cày cũ? Thay vì các sản phẩm mới tích hợp công nghệ cao, những chiếc máy kéo ra đời từ những năm 1980 hoặc lâu hơn đang trở thành mặt hàng "hot" đối với các nông dân vùng Trung Tây nước Mỹ. Kris Folland trồng ngô, lúa mì, đậu nành và chăn nuôi gia súc trên 2.000 mẫu đất gần Halma ở góc tây bắc...