Khó “đánh cát tặc” vùng giáp ranh
Lợi dụng việc cấp phép khai thác cát sỏi trên tuyến sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Khoái Châu, Hưng Yên, giáp ranh với huyện Phú Xuyên, Hà Nội, rất nhiều “ sa tặc” ở khắp nơi tìm đến đây hút cát trái phép.
Lực lượng CSGT đường thủy phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra xử lý nghiêm tàu hút cát trái phép
Đào lòng sông khai thác cát
Ghi nhận thực tế tại khu vực sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, đoạn giáp ranh địa bàn xã Thụy Phú, Phú Xuyên, Hà Nội, rất nhiều tàu khai thác cát trái phép tập kết ở đây. Nếu như vào ban ngày, số tàu thuyền này dạt sang phần sông thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên thì vào ban đêm, chiều tối hoặc sáng sớm, lợi dụng khi vắng người, các chủ tàu đồng loạt thả vòi rồng xuống lòng sông Hồng hút cát trái phép. Đại diện Đội CSGT đường thủy số 3, Phòng CSGT đường thủy cho hay, trong hơn 50km đường sông do đơn vị quản lý thì đây là một trong những điểm phức tạp nhất về tình trạng khai thác cát trái phép. Trong khi khu vực sông nằm trên địa phận tỉnh Hưng Yên các cơ quan chức năng của tỉnh này cấp phép khai thác cát thì ở phía Hà Nội nghiêm cấm hành vi này.
Theo tìm hiểu, tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực giáp ranh này đã diễn ra từ khá lâu. Thủ đoạn hoạt động của các “sa tặc” là sử dụng đội ngũ chim mồi sẵn sàng “ăn chực nằm chờ” trên bờ nếu thấy xuồng của CSGT đường thủy Hà Nội đi kiểm tra sẽ dùng điện thoại báo cho chủ tàu, thuyền biết để chạy trốn. Trong trường hợp bị phát hiện, bắt giữ, các chủ tàu, thuyền này tắt máy cho tàu trôi tự do hoặc cố tình phá hủy tàu để… bắt đền lực lượng chức năng.
Hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của sông Hồng. Nguy hiểm hơn, tại khu vực này còn có những công trình trọng điểm quốc gia như kè Đại Gia, kè Cát Bi và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu. Ngoài ra còn có hàng trăm nhà dân sống dọc hai bên bờ sông Hồng cũng đang có nguy cơ bị nuốt mất nhà cửa do lở đất.
Siết chặt quản lý, xử phạt thật nghiêm
Video đang HOT
Khi tỉnh Hưng Yên chưa cấp phép khai thác cát ở khu vực huyện Khoái Châu, việc kiểm tra, xử lý của CSGT đường thủy đã khó thì nay một số khu vực được đơn vị bạn quy hoạch khai thác, công tác kiểm tra, phòng ngừa từ phía lực lượng chức năng của Hà Nội lại càng khó khăn bội phần. Từ khi nhận thấy tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực này “ nóng” lên, Đội CSGT đường thủy số 3 đã điều hẳn một tàu cùng tổ công tác gồm 5 CBCS ứng trực tại khu vực giáp ranh này, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Văn Quang – Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy khẳng định: “Cuộc chiến với “sa tặc” nếu chỉ có một mình CSGT đường thủy vào cuộc thì khó có thể đạt hiệu quả cao”. Chỉ huy Phòng CSGT đường thủy đề xuất, ngoài lực lượng CSGT đường thủy, chính quyền cơ sở cũng như UBND huyện cần tăng cường lực lượng xử lý việc đậu, đỗ trái phép của chủ tàu thuyền vi phạm.
Đại tá Nguyễn Hồng Thái – Trưởng CAH Phú Xuyên cho biết, trong năm 2013, đơn vị phát hiện và xử phạt gần 10 trường hợp. Phân tích sâu những nguyên nhân khiến các vi phạm vẫn dai dẳng tồn tại, đại diện CAH Phú Xuyên khẳng định, chính việc buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền cơ sở cho các chủ bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cũng là một nguyên nhân khiến cho “sa tặc” còn đất sống. Không loại trừ chính số cát được khai thác ở những điểm giáp ranh được bán lại cho các chủ bến bãi này. Qua kiểm tra tại địa bàn 5 xã như Thụy Phú, Quang Lãng, Khai Thái, Văn Nhân… đều phát hiện sai phạm về cho thuê bến bãi. Một số UBND xã như Quang Lãng còn cho các cá nhân, đơn vị thuê đất nằm trong khu vực trọng yếu của đê, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật Đất đai… Riêng các tổ chức và cá nhân thuê đất làm bãi trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở thị trấn Phú Minh cũng chưa thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến việc bảo vệ môi trường.
Đồng tình với ý kiến của chỉ huy CAH Phú Xuyên, Thượng tá Phùng Quang Hiển – Phó trưởng Phòng CSPCTP về môi trường kiến nghị, nhu cầu xây dựng ngày càng lớn do vậy, bài toán khai thác ở đâu, như thế nào… cần phải được các cơ quan chức năng ở Hưng Yên tính toán kỹ, sao cho đảm bảo hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ. Trước mắt UBND huyện Phú Xuyên cần báo cáo với UBND thành phố về tình trạng khai thác cát ở khu vực giáp ranh, tham mưu cho TP phối hợp với phía tỉnh Hưng Yên để giải quyết. Riêng lực lượng chức năng trong đó có CSGT đường thủy, CAH, CSMT… sẽ phối hợp chặt chẽ, thành lập tổ ứng trực 24/24h nhằm kiên quyết xử lý nghiêm đối với những vi phạm ở trong khu vực thuộc địa bàn Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Chiêu – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho hay, sẽ báo cáo UBND TP sự việc cũng như kiến nghị các giải pháp.
Mặt trận Tổ quốc vào cuộc
Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo MTTQ thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, CATP Hà Nội, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) về vấn đề “cát tặc” ở một số địa phương, trong đó nổi cộm nhất là ở Hưng Yên và Hải Dương.
Bày tỏ bức xúc trước nạn “cát tặc” trên một số dòng sông vừa qua, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định, nếu không ra tay ngăn chặn việc khai thác cát trên các dòng sông thì chúng ta sẽ còn phải chứng kiến những diễn biến, hậu quả vô cùng phức tạp về môi trường và trật tự xã hội.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trước 15-1-2014, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ đánh giá sơ bộ tình trạng khai thác cát trái phép trên cả nước, sau đó báo cáo chính thức Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị cụ thể giải pháp để khắc phục, xử lý tình trạng này.
Hoàng Phong
Theo ANTD
Săn "cát tặc" mùa cao điểm
Khi nguồn cầu sử dụng cát tăng vọt thì cũng là lúc cuộc chiến chống "cát tặc" bước vào mùa cao điểm. Bất kỳ khúc sông nào có nhiều cát cánh to, ngay lập tức xuất hiện tàu khai thác tài nguyên trái phép. Với hệ thống vòi rồng như những con bạch tuộc khổng lồ, những cỗ máy hút cát đêm ngày gầm rú, "rút ruột" lòng sông.
Hai chiếc tàu hút cát cùng hệ thống "vòi rồng" bị cơ quan công an thu giữ
Kỳ công săn "cát tặc"
Lần đầu tiên tham gia chống "cát tặc", tôi rất háo hức,hồi hộp. Tuân theo yêu cầu nghiệp vụ, tôi bỏ lại đống máy móc lỉnh kỉnh, rồi phóng xe theo con đường đê rải nhựa phẳng lỳ, luồn lách giữa các khu dân cư đã chìm sâu trong giấc ngủ. Điểm hẹn, nơi tổ công tác CAH Đan Phượng đang mật phục nằm ngay sát sườn đê. Một bên là những dãy nhà cao sơn đủ màu sắc - kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Và phía đối diện là con sông Hồng đỏng đảnh, đang vào mùa nước, vỗ ì oạp vào kè đá liên hồi.
Vặn nhỏ bộ đàm kết nối với 2 mũi trinh sát bí mật theo dõi chiếc tàu sắt vừa thả neo, Trung tá Tạ Đức Thành - Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về ma túy, kinh tế, chức vụ và môi trường cho biết: "Dạo này, "cát tặc" hoạt động ráo riết lắm. Dù đã bắt nhiều và xử lý mạnh tay nhưng xem ra vẫn phức tạp". Vị trí chúng tôi đang đứng chỉ cách mép nước chừng trăm mét. Từ đây dễ dàng quan sát từng chiếc xà lan lặc lè cát sỏi, như thể sắp chìm đang di chuyển ngược xuôi. Tuy nhiên, mục tiêu cần chú ý lại là những chiếc thuyền sắt trọng tải hàng trăm tấn nhả khói đen sì, bất ngờ đứng khựng giữa dòng nước. "Chúng luôn chọn những đoạn nước xoáy, có cát đen cánh to để hút trái phép. Nhìn có vẻ dễ phát hiện nhưng chỉ cần "động" là "cát tặc" lập tức nhổ neo, thu ống. Không bắt được quả tang thì kế hoạch coi như hỏng" - một trinh sát cho biết thêm, chỉ ở những khúc sông như thế này mới tập trung nhiều thuyền khai thác khoáng sản trái phép. Trong khoảng 3-4 tháng gần đây, do một số công trình xây dựng quy mô lớn cần mua cát đen cánh to nên "cát tặc" bất chấp mọi thủ đoạn, đêm ngày rút ruột lòng sông. Ngoài bố trí mạng lưới "chim lợn" dọc các tuyến đường chính, đối tượng khai thác cát trái phép còn cắt cử người cảnh giới tại các bến phà, bến sông. "Chỉ cần phát hiện bóng dáng cảnh sát thì ngay lập tức "cát tặc" dời đi. Nhiều khi để phát hiện, đấu tranh kịp thời, lực lượng công an phải hóa trang, trưng dụng tàu khai thác cát của những hộ dân ở nơi khác và phối hợp với công an các tỉnh, địa bàn lân cận" - Trung tá Thành nói về những khó khăn khi quét vét "cát tặc".
Câu chuyện bỗng chốc gián đoạn khi các trinh sát phát hiện chiếc tàu sắt nghi vấn bắt đầu hút cát trái phép. Sau vài phút, tiếng động cơ đã vang rền một khúc sông, nhiều bóng người di chuyển trên boong, xen lẫn là những cột khói bốc lên nghi ngút. Chỉ chờ hiệu lệnh xuất phát, thuyền và ca-nô cảnh sát từ những vị trí bí mật đã bủa vây lấy con tàu. Biết không thể tháo chạy, chủ tàu cùng đám công nhân làm thuê nhớn nhác, bỏ mặc những ống hút vẫn đang sục sạo dưới lòng sông. Tang vật bị thu giữ trong lần ra quân này là chiếc thuyền máy tự chế, chưa qua đăng kiểm, được lắp 4 máy hút gắn vòi rồng cỡ đại. Với thiết kế này, chỉ cần 1 giờ đồng hồ, "cát tặc" có thể hút 50-70 khối cát.
Trung bình mỗi giờ, máy hút khổng lồ này nạo vét được gần 100 m3 cát
Tịch thu thuyền để tăng sức răn đe
Trước tình trạng khai thác tài nguyên (cát) trái phép hoạt động rầm rộ, CAH Đan Phượng đã triển khai kế hoạch tập trung đấu tranh, xử lý "cát tặc" trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn. Ngoài việc giao trực tiếp trách nhiệm cho từng đội nghiệp vụ, đơn vị còn đề ra phương án phối hợp với Phòng CSGT đường thủy, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CATP Hà Nội, tổ chức xác minh, quản lý các tàu có dấu hiệu khai thác cát trái phép, đồng thời tìm hiểu quy luật hoạt động và đề xuất các chế tài xử lý phù hợp.
Trong 3 tháng gần đây, CAH Đan Phượng đã phát hiện, xử lý 7 vụ, 7 đối tượng, phạt hành chính 105 triệu đồng. Đặc biệt, cơ quan công an đã tịch thu 1 tàu tự đóng, chưa đăng ký; 2 tàu thủy nội địa, 8 đầu nổ, 4 sên hút cát và nhiều ống hút cát chuyên dụng... "Việc thu giữ tàu, phương tiện liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép để bàn giao cho cơ quan hữu quan tổ chức đấu giá, sung công quỹ là biện pháp cần thiết nhằm phòng chống tình trạng "cát tặc" hoạt động phức tạp, đang gây thay đổi dòng chảy, sạt lở đê kè toàn tuyến sông Hồng" - Chỉ huy CAH Đan Phượng đánh giá và khẳng định, mọi phương tiện thiết bị dùng để hút cát trái phép sẽ bị tạm giữ. Cơ quan công an sẽ xác minh và tịch thu các tàu thuyền không đảm bảo các quy định liên quan vận tải và giao thông đường thủy, hoặc các trường hợp tái phạm nhiều lần.
Theo ANTD
Triệt phá "ổ" khai thác cát trái phép lớn Phòng CSGT đường thủy CATP Hà Nội phối hợp với Cục CSGT đường thủy Bộ Công an đã bắt giữ gần 20 chiếc thuyền khai thác, mua bán cát trái phép . CSGT đường thủy kiểm đếm số phương tiện vi phạm Vào khoảng đầu tháng 3, thông qua quá trình trinh sát, quản lý địa bàn, Đội CSGT đường thủy số 3,...