Kho đạn dược của Mỹ cạn kiệt vì xung đột ở Ukraine
Sắp tới, Mỹ sẽ không thể chuyển cho Ukraine một số loại đạn pháo và tên lửa quan trọng vì tốc độ tiêu thụ quá nhanh, vượt ngoài khả năng sản xuất.
Người phụ nữ đi ngang qua bức vẽ một binh sĩ Ukraine phóng tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: AFP
Cho đến nay, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt vào ngày 24/2, với hơn 16,8 tỷ USD hỗ trợ quân sự.
Tuy nhiên, kho dự trữ một số thiết bị của Mỹ đang giảm xuống mức cần thiết tối thiểu cho các kế hoạch chiến tranh và huấn luyện. Theo nhà phân tích Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), để kho dự trữ trở về mức trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine có thể mất nhiều năm.
Một quan chức quân đội Mỹ giấu tên thừa nhận rằng Washington đang rút ra bài học từ cuộc xung đột trên rằng nhu cầu đạn dược trong một cuộc chiến tranh với cường quốc sẽ lớn hơn nhiều so với dự kiến.
Các công ty quốc phòng Mỹ đã buộc phải giảm mạnh sản xuất trong những năm 1990, do Nhà Trắng cắt giảm chi tiêu quốc phòng sau khi Liên Xô sụp đổ. Số lượng các tập đoàn sản xuất cũng thu hẹp đáng kể từ vài chục xuống còn số lẻ.
Bây giờ, Chính phủ Mỹ phải thuyết phục ngành này mở lại dây chuyền lắp ráp và sản xuất lại các mặt hàng như tên lửa phòng không Stinger, vốn đã dừng sản xuất từ năm 2020.
Hệ thống tên lửa Himars của Mỹ. Ảnh: AFP
Video đang HOT
Một số thiết bị do Mỹ cung cấp đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến ở Ukraine. Chẳng hạn như vũ khí chống tăng Javelin được lực lượng Ukraine sử dụng rộng rãi để bảo vệ thủ đô, và Himars, một hệ thống tên lửa chính xác hiện đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc phản công chống lại quân đội của Nga ở mặt trận phía Đông và Nam.
Tuy nhiên, kho dự trữ đạn dược của Mỹ dành cho tên lửa dẫn đường Himars, với tầm bắn hơn 80 km, đang cạn kiệt.
Nếu Mỹ gửi một phần ba số lượng Himars đến Ukraine, Ukraine sẽ nhận được 8.000 đến 10.000 quả tên lửa. Ông cho biết số tên lửa đó có thể đủ sử dụng trong vài tháng. Nhưng khi kho hàng cạn kiệt, không có phương án nào để thay thế cả.
Ông Cancian nói: “Sức sản xuất Himars của Mỹ là 5.000 chiếc một năm. Mặc dù Mỹ đang nỗ lực để tăng số lượng nhưng sẽ mất nhiều năm”.
Mỹ cũng đã cung cấp khoảng 8.500 tên lửa Javelin cho Kiev, nhưng sản lượng của loại vũ khí này chỉ khoảng 1.000 quả mỗi năm. Chính phủ Mỹ đã đặt hàng số tên lửa trị giá 350 triệu USD vào tháng 5, nhưng sẽ phải mất vài năm nữa để các kho dự trữ được bổ sung.
Theo số liệu thống kê chính thức của Lầu Năm Góc, Mỹ cũng đã cung cấp hơn 800.000 quả đạn pháo 155mm tiêu chuẩn cho Ukraine, chiếm 3/4 tổng số lượng mà tất cả các nước phương Tây chuyển giao.
Ông Cancian nhận định rằng số lượng đạn pháo mà Washington cung cấp có lẽ đã gần đạt giới hạn cho phép để bản thân nước Mỹ không gặp rủi ro về tiềm lực chiến đấu.
Sản lượng đạn pháo này của Mỹ hiện ở mức 14.000 quả mỗi tháng, nhưng Lầu Năm Góc đã thông báo rằng họ đặt mục tiêu tăng con số đó lên 36.000 quả trong vòng 3 năm. Điều đó vẫn chỉ đưa sản lượng hàng năm lên 432.000 đạn pháo – ít hơn một nửa so với số lượng mà Ukraine được cung cấp trong bảy tháng qua.
Ngày 4/10, bà Laura Cooper, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm giám sát tình hình Nga và Ukraine, cho biết hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đang được tăng tốc. Bà khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine và cung cấp cho họ sự hỗ trợ an ninh cần thiết.
Nga tuyên bố tấn công chính xác phá hủy kho vũ khí 45.000 tấn của Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cuộc tấn công chính xác của lực lượng Nga đã phá hủy kho đạn 45.000 tấn của Ukraine ở miền Nam nước này.
Các binh sĩ của lực lượng ủng hộ Nga khai hỏa hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 Grad ở Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Sputnik
Theo đài RT, Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/9 tuyên bố các lực lượng quân sự của nước này đã phá hủy một kho đạn khổng lồ ở miền nam Ukraine khi tiếp tục tiến hành "các cuộc tấn công chính xác cao" vào lực lượng của Kiev.
Theo bộ trên, cuộc tấn công đã loại bỏ một kho chứa 45.000 tấn đạn dược gần thị trấn Voznesensk, vùng Nikolaev. Tuyên bố cũng cho hay những thiệt hại bên phía Kiev là "hơn 300 quân nhân thiệt mạng và tới 1.000 người bị thương" trong 24 giờ qua tại khu vực.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng các lực lượng của họ cũng đã nhắm mục tiêu vào quân đội của Kiev ở khu vực Kharkiv, nơi binh sĩ Nga gần đây đã rút lui khỏi một số khu định cư để tập hợp lại, trong bối cảnh Ukraine đang mở cuộc phản công. Theo tuyên bố, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công vào đơn vị Kraken theo chủ nghĩa dân tộc, Lữ đoàn 113 Lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ và Lữ đoàn Cơ giới 93, khiến 250 quân nhân Ukraine thiệt mạng và loại bỏ hơn 20 phương tiện quân sự.
Nga đã liên tục nhắm mục tiêu vào các kho đạn của Ukraine kể từ khi phát động cuộc tấn công quân sự vào ngày 24/2, trong nỗ lực phá hủy vũ khí và đạn dược do phương Tây cung cấp, cũng như làm giảm khả năng quân sự tổng thể của Kiev.
Lính cứu hỏa Ukraine dập lửa tại một nhà máy điện bị hư hại do cuộc tấn công tên lửa của Nga ở Kharkiv. Ảnh: Reuters
Các cuộc tấn công mới của Nga xảy ra sau một cuộc phản công của quân đội Ukraine ở khu vực Kharkiv. Tổng thống Zelensky của Ukraine ngày 10/9 đã ca ngợi việc lực lượng của ông giành lại quyền kiểm soát 2.000 km2 lãnh thổ.
Tiếp đó, theo tờ Wall Street Journal, Nga đã rút thêm lực lượng khỏi khu vực Kharkiv trong ngày 12/9, thoái lui khỏi một vùng rộng lớn ở đông bắc Ukraine khi binh sĩ Ukraine tiếp tục tiến mạnh vào lãnh thổ do Nga kiểm soát. Chính phủ ở Kiev tuyên bố sẽ giành lại tất cả các khu vực mà Moskva chiếm giữ.
Cơ quan tình báo SBU của Ukraine cùng ngày 12/9 đã công bố các bức ảnh cho thấy quân đội đang kiểm tra một nhà kho chứa đầy vũ khí và đạn dược của Nga ở Izyum, một thành phố ở đông nam Kharkiv từng là nơi đồn trú của lực lượng Nga trong nhiều tháng. SBU cho biết: "Lực lượng Nga đang rút chạy quá nhanh dưới áp lực từ các binh sĩ Ukraine đến mức họ bỏ lại toàn bộ kho vũ khí đạn dược".
Ảnh do Cơ quan An ninh Ukraine công bố cho thấy một kho vũ khí đạn dược của Nga bỏ lại sau cuộc tấn công của Ukraine ở Izyum, Vùng Kharkiv. Ảnh: Getty Images
Kể từ khi bắt đầu cuộc phản công hồi đầu tháng 9 này, Ukraine cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 9.000 km 2 lãnh thổ từ các lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv. Con số này tương đương 1/10 toàn bộ các khu vực mà Nga giành được kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy vậy, cuộc tiến công đã chậm lại trong ngày 12/9, khi người Ukraine bắt đầu củng cố quyền kiểm soát tại những vùng đất mới giành lại. Giờ đây, Kiev phải đối mặt với thách thức trong việc tìm kiếm nhân lực và đạn dược cần thiết để củng cố và sau đó là mở rộng những vùng lãnh thổ kiểm soát được.
Nga đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2, với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt của Ukraine. Điện Kremlin công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass, miền Đông Ukraine, là các quốc gia độc lập và yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập, không bao giờ gia nhập bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ.
EU thông qua gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine Ngày 18/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel xác nhận cơ quan này đã nhất trí thông qua gói hỗ trợ quân sự thứ 5 cho Ukraine trị giá 500 triệu euro (500 triệu USD). Binh sĩ Ukraine cầm tên lửa chống hạm Javelin do Mỹ sản xuất. Ảnh: Reuters Trên trang Twitter, ông Michel đã bày tỏ hoan nghênh thỏa...