Khó cứu được đôi mắt nạn nhân ‘ma rừng’
Chiều 26.2, bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loan, Trưởng khoa Hồi sức – Cấp cứu Bệnh viện (BV) Phong – Da liễu trung ương Quy Hòa ( TP.Quy Nhơn, Bình Định), cho biết: “ Cháu Y Nôn đã có dấu hiệu sinh tồn ổn định, không còn trong tình trạng nguy kịch. Hiện Y Nôn đã ăn uống được, nói được, đi tiêu, tiểu được chứ không khó khăn nhiều như lúc mới vào”.
Cháu Y Nôn tại Khoa Hồi sức – Cấp cứu Bệnh viện Phong – Da liễu trung ương Quy Hòa – Ảnh: Tâm Ngọc
Chiều 21.2, Y Nôn (11 tuổi, ở làng Đăk Sú, xã Đăk Long, H.Kon Plông) được chuyển từ Kon Tum xuống trong tình trạng gần như đã tử vong. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng Lyell (hoại tử thượng bì nhiễm độc), nhiễm trùng máu và suy kiệt cơ thể nặng. Sau khoảng 3 giờ được cấp cứu, bệnh nhân mới tạm thời qua cơn nguy kịch.
Tại phòng cấp cứu BV, Y Nôn nằm lọt thỏm trên giường, giữa những tấm chăn vì quá gầy yếu, thỉnh thoảng lại rên lên vì đau đớn. Toàn thân em lốm đốm đen, hệt như vừa bị lửa thiêu cháy sém. Mọi công tác chăm sóc, vệ sinh, cho ăn uống đều do người của BV phụ trách để đảm bảo vệ sinh.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Loan, ngay cả khi bé đã khỏe lại thì việc phục hồi chức năng vận động sau đó cho Y Nôn cũng rất khó khăn. Trong sáng 26.2, các bác sĩ đã cho Y Nôn thử tập vận động, duỗi nhẹ tay chân và đỡ bé ngồi dậy nhưng chỉ được một lúc vì bé có dấu hiệu mệt, choáng. “Thương nhất là đôi mắt. Mắt phải của bệnh nhân đã bị mù do viêm loét giác mạc, mắt còn lại cũng chỉ nhìn được mờ mờ. Khi ngủ, Y Nôn không thể nhắm mắt được nên chúng tôi phải đắp gạc vô trùng lên để bảo vệ mắt cho cô bé”, bác sĩ Loan cho biết thêm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc BV, chia sẻ: “Đây là một ca bệnh đặc biệt về mức độ cũng như hoàn cảnh bệnh tình. Trong đêm đầu tiên Y Nôn nhập viện, bệnh viện đã dốc toàn lực, thức trắng đêm để cứu sống cô bé. Hiện Y Nôn đã có nhiều dấu hiệu hồi phục tốt hơn nhưng chúng tôi cũng chưa dám chắc chắn điều gì, chỉ có thể cố gắng hết sức trong việc chăm sóc và điều trị cho bé”.
Cũng trong ngày 26.2, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum (đơn vị đỡ đầu xã Đăk Long, H.Kon Plông) đã có thư kêu gọi và phát động quyên góp trong toàn ngành giúp cháu Y Nôn. Theo Sở VH-TT-DL, từ khi phát hiện cháu Y Nôn bị ba mẹ đưa ra sống cách ly ở rìa làng, Sở đã cùng Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Long trực tiếp chăm sóc, vận động gia đình và đưa cháu Y Nôn đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Đến nay, cán bộ, công nhân viên chức của ngành đã góp được 6,9 triệu đồng để giúp cháu điều trị bệnh.
Theo TNO
Vụ giải cứu nạn nhân 'ma rừng': Y Nôn vẫn đang phải 'chăm sóc đặc biệt'
Chiều 26.2, bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định), cho biết thông tin về nạn nhân "ma rừng": "Tuy Y Nôn đã qua cơn nguy kịch, nhưng đây là một trường hợp bệnh rất nặng, nên chúng tôi vẫn cho bệnh nhân ở chế độ chăm sóc đặc biệt và cố gắng hết sức, chứ chưa dám nói trước được điều gì chắc chắn".
Y Nôn đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa
Trước đó, chiều 21.2, Y Nôn được chuyển đến Bệnh viện Quy Hòa từ Kon Tum, trong tình trạng gần như đã tử vong.
Y Nôn lúc vào viện với tinh thần lơ mơ, đáp ứng chậm, khó thở, nhịp tim 130 lần/phút, hạ thân nhiệt (36,2 độ C), huyết áp tụt khó đo, nhịp thở chậm 12 lần/phút, người suy kiệt, gầy da bọc xương, lạnh run, đau rát toàn thân.
Ghi nhận về tổn thương da: toàn thân lở loét bong vảy trên nền da đỏ thẫm, tiết dịch nhiều, đóng vảy tiết dày, dấu hiệu Nikolsky ( ), viêm giác mạc, kết mạc mủ mắt phải, viêm trợt niêm mạc miệng, loét âm hộ. Phổi có nhiều ral ẩm ở hai phổi.
Nhận định đây là trường hợp bệnh rất nặng, có nguy cơ tử vong cao, tất cả các bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm của bệnh viện đã tập trung hội chẩn, tích cực cứu chữa.
Y Nôn được chẩn đoán bị hội chứng Lyell (hoại tử thượng bì nhiễm độc), nhiễm trùng máu và suy kiệt cơ thể nặng. Cô bé được cho thở ô xy, tìm đường truyền, đưa thuốc điều trị đặc hiệu vào... Khoảng hơn 3 giờ sau, huyết động của bệnh nhân gần như trở về bình thường, hiện tại đã qua cơn nguy kịch. Ngày hôm sau, Y Nôn đã có thể ăn được cháo loãng, các tổn thương da khô hơn, đỡ tiết dịch...
Bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loan, Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu Bệnh viện Quy Hòa kể lại: "Đêm đầu tiên Y Nôn vào viện, các bác sĩ đã thức trắng, kể cả bác sĩ giám đốc cũng ở lại trực để chỉ đạo quá trình cứu chữa. Khi nghe cô bé rên lên một tiếng, cả ê kíp trực mừng như người mẹ được nghe tiếng khóc đầu tiên của con mình. Vậy là cô bé có cơ may sống rồi".
Lúc mới vào, do thân nhiệt giảm nhiều nên Y Nôn được đặt tới 3 đèn sưởi hỗ trợ. Hiện nay cô bé chỉ cần đắp chăn giữ ấm. Tại Bệnh viện Quy Hòa ngày 26.2, Y Nôn đã có thể ăn uống được, đi vệ sinh cũng đã dễ dàng hơn.
Ba mẹ Y Nôn cũng ở lại bệnh viện với con gái, để động viên tinh thần cho bé.
Theo TNO
'Nụ hôn vĩnh biệt' - Khoảng khắc xúc động của ngành y Bức ảnh được ghi lại bằng điện thoại của một bác sĩ chụp bệnh nhi 1 tuổi đang hôn lên trán như lời vĩnh biệt em trai song sinh vốn dính liền với mình được đăng trên Facebook khiến nhiều người xúc động. Bức ảnh "Nụ hôn vĩnh biệt" - Ảnh: Facebook bác sĩ Trương Quang Định Ngày 23.2 vừa qua, Phi Phụng,...