Khó cắt đứt lợi ích
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho biết, do hiện còn những ý kiến khác nhau, nên bản Dự thảo được trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung liên quan tới thành phần kinh tế, từ 3 phương án rút xuống còn 2. Phương án 1 là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Phương án 2 là nền kinh tế thị trường XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Ý kiến của các ủy viên Ủy ban cũng chưa thống nhất nên theo phương án nào. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, phương án 2 có tính bao quát hơn và mang hơi thở của Cương lĩnh. Nước ta đang ở giai đoạn phát triển mà các thành phần, hình thức sở hữu đan xen nhau, chưa thành phần kinh tế nào đạt được vị trí độc tôn. Nếu quy định theo phương án 1 thì thực tế đã dẫn đến hiểu lầm, đồng nhất quản lý Nhà nước về kinh tế với nhà nước làm kinh tế. Ý kiến của ông Chủ nhiệm Ủy ban cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 vừa qua.
Việc không nêu chi tiết vai trò của từng thành phần kinh tế trong Hiến pháp là hợp lý vì vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong từng giai đoạn phát triển kinh tế là khác nhau. Không quy định thành phần chủ đạo của kinh tế Nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Nếu theo phương án 2, các chuyên gia đề xuất, nên lập một ủy ban quản lý doanh nghiệp Nhà nước để tách bạch vai trò quản lý, lập chính sách của cơ quan hành chính với quản lý doanh nghiệp như hiện nay, tức là chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Video đang HOT
Bộ Kế hoạch – Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ 2 mô hình quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Bộ nghiêng về phương án thành lập Ủy ban quản lý, giám sát khối doanh nghiệp này thuộc Chính phủ. Mô hình này sẽ kiểm soát tốt hơn và dễ xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời tạo lập sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tuy vậy, một số chuyên gia lại cho rằng, với số lượng hơn 1.000 doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay, lập một ủy ban không thể quản lý xuể. Để có đủ thẩm quyền và năng lực, cần lập hẳn một bộ quản lý. Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép thành lập công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước để giúp thành phố đẩy nhanh việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước.
Tách chức năng quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp là bài toán khó với các bộ, ngành. Một quan chức Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn nói, việc “ôm” doanh nghiệp trong các bộ, ngành có nhiều bất ổn, nhưng rút toàn bộ doanh nghiệp khỏi các bộ không phải việc dễ dàng, vì đây chính là cắt đứt lợi ích của bộ, ngành.
Đan Thanh
Theo ANTD
Chớ bỏ lỡ cơ hội
Trong cuộc hội thảo "Cơ hội kinh doanh cuối năm cho doanh nghiệp" vừa diễn ra, các chuyên gia kinh tế cũng như một số đại diện giới doanh nghiệp cho rằng, trong khó khăn vẫn có cơ hội. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội để tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính, sản xuất kinh doanh. Dự đoán, năm 2013, tăng trưởng GDP khoảng 5,5%, CPI vào khoảng 6-7% là tiền đề quan trọng để nền kinh tế phục hồi từ cuối năm nay nhờ tín dụng tăng mạnh cho khu vực tiêu dùng.
Theo nhận định của Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế ứng dụng, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu hàng hóa cơ bản tiếp tục hưởng lợi vì thị trường vẫn ổn định cộng với lãi suất thấp, thanh khoản không thiếu sẽ "tiếp sức" cho sản xuất. Mỗi doanh nghiệp cần đặt ra cho mình câu hỏi: Đã kiểm soát được khả năng tài chính của mình hay vẫn còn lệ thuộc vào nó? Làm gì để quản lý tốt dòng tiền? Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội XIII vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra sốt ruột về tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, "xương sống" của cả nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng thừa nhận tiến độ tái cơ cấu còn quá chậm dù đã "rất khẩn trương". Tính từ đầu năm đến nay, đã có 17/21 tập đoàn, tổng công ty được Chính phủ phê duyệt đề án tái cấu trúc.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá sự chuyển động như vậy chỉ diễn ra ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ giữa các doanh nghiệp Nhà nước, chưa có tiêu chí phân loại theo nhóm để có giải pháp tái cấu trúc. Vì vậy, chưa tạo ra động lực và áp lực buộc các doanh nghiệp phải "thay máu", nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh.
Thẳng thắn nhìn nhận với con mắt khắt khe, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, một số công việc đã và đang làm liên quan tới tái cấu trúc, thực ra chỉ là xử lý phần "ngọn", chứ không phải vấn đề "gốc" với cách làm vẫn là "Nhà nước dẫn dắt", vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chứ không phải vì cả nền kinh tế. Đặc biệt, nhiều động thái vẫn thiên về hành chính, chưa tạo ra động lực mới, chưa thấy sự "hy sinh, đánh đổi" cũng như chưa thấy trách nhiệm giải trình buộc những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ phải "trả giá" cho yếu kém, sau lầm của mình.
Khẳng định trong bối cảnh kinh tế đang "ấm" dần lên tuy chưa hết khó khăn, một số nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để đẩy nhanh, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Trong khó khăn vẫn "ló" cơ hội, nếu không tận dụng sẽ kéo dài tình trạng trì trệ của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Đan Thanh
Theo ANTD
Việt Nam quyết liệt xử lý nợ xấu Chiều 6-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2012 (CG năm 2012) sắp tới. Thông báo về chính sách phát triển của Việt...