‘Kho báu’ dưới tán rừng nguyên sinh
Không chỉ đơn thuần môi trường sống của các loài sinh vật, rừng nguyên sinh với đồng bào A Lưới còn là kho dược liệu quý, là tiềm năng du lịch hiking…
Chèo SUP dưới rừng nguyên sinh. Ảnh: Phan Thắng
1. Theo chân Viên Đăng Phú, một hướng dẫn viên người Tà Ôi (A Lưới) vào rừng nguyên sinh A Pat, ai nấy trong đoàn đều háo hức. Mỗi mùa, A Pat có một vẻ đẹp khác nhau. Nhiều đoàn khách Việt Nam, quốc tế gắng sức leo núi, lội suối, trải nghiệm cuộc sống hái lượm như người bản địa. Theo chân Phú, chúng tôi biết hái rau rừng, tìm nấm, bắt cá suối, lấy bẹ chuối làm dĩa đựng thức ăn… Với người đàn ông Tà Ôi này, rừng như người mẹ, người cha lớn ôm ấp, chở che, cho bao thế hệ đồng bào cái ăn, cái mặc. Giờ đây, khách du lịch kéo đến quê hương anh nhờ sự hấp dẫn của thiên nhiên hoang dã.
Sống với rừng chỉ một ngày nhưng ai cũng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Rebecca Andrew, du khách người Úc rất thích muỗng, thìa dân dã từ tre nứa nên thiết tha xin Phú làm một bộ cho riêng mình mang về nước. Mọi người còn dùng những tảng đá quây dòng nước, tạo riêng cho mình một chiếc “tủ lạnh” tự nhiên ngâm trái cây và nước uống đóng chai. Những ai may mắn gặp lúc thời tiết thuận tiện sẽ được cắm trại, ngủ lều, chờ đón bình minh và ăn sáng bên suối. Hàng trăm du khách học cách sống hòa mình vào thiên nhiên và bắt đầu yêu rừng nguyên sinh – nơi có những bụi thạch xương bồ quyện hương trong dòng nước thượng nguồn đổ về sông Hương.
Trước rừng, con người nhỏ bé trước sự hùng vĩ bao la của thiên nhiên. Không lo toan vướng bận, khách chỉ việc thả lòng nghe suối chảy, chim hót. Những tâm hồn tổn thương được bà mẹ rừng xanh an ủi, vỗ về bằng thứ năng lượng hoang dã bí ẩn, bụi trần như được thanh lọc, còn lại là sự nguyên sơ thanh thản. Cũng chính vì thế, một giảng viên trẻ ở Huế đang cùng Viên Đăng Phú nghiên cứu, thiết lập tour du lịch theo kiểu “chữa lành” dành cho các bạn trẻ. Hy vọng trong nay mai, nhiều người sẽ gặp từ khóa “tour A Pat” trên các trang web giới thiệu du lịch hiking A Lưới.
2. Hơn chục lần đến A Roàng làm việc, lần đầu tiên tôi đặt chân lên đỉnh A Po xem người dân trồng dược liệu. Cảm giác sáng đi A Pat, chiều trèo A Po thật… quá sức tưởng tượng. Có lẽ sự huyền bí của núi rừng đã tạo nên hấp lực khiến chúng tôi cứ mãi hăng say tiến về phía trước.
Video đang HOT
Để lên A Po, anh Nguyễn Văn Khây, Trưởng BQL rừng cộng đồng A Roàng và chị Hồ Thị Sần dùng mũi rựa khoét vào những mỏm đất vừa đủ chỗ đặt bàn chân. Tay bám vào mỏm đá, dây rừng; một chân leo, một chân trụ… không hiểu bằng cách nào, tôi và đồng nghiệp đã đi hết hành trình trong buổi chiều sương lạnh. Chúng tôi len lỏi dưới tán rừng tìm gừng gió, thiên niên kiện được đồng bào trồng phục vụ chưng cất tinh dầu và cao xoa bóp. Anh Khây bảo: “Ngày trước dược liệu tự nhiên có giá trị, đồng bào gặp là nhổ hết về bán. Nay cây con trong tự nhiên được gom trồng, vừa giữ đất, vừa bảo vệ hệ sinh thái quần thể dưới tán rừng già. Khi khai thác cho dự án, một phần cây dược liệu được giữ lại tiếp tục ươm trồng”.
70 hộ dân ở xã A Roàng giờ đây thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ rừng và theo dõi sự sinh trưởng của dược liệu. Nguồn lợi sau thu bán dược liệu sẽ được chia đều và tái đầu tư trở lại cho vụ sau. Từ cảnh khai thác cây thuốc trong tự nhiên cạn kiệt, giờ người Tà Ôi quay sang bảo vệ, gìn giữ để rừng sinh sôi tài nguyên.
3. Từ A Lưới về, trong đầu tôi mang theo bao chuyện hay ho sau chuyến khám phá; còn trong túi xách là sản phẩm từ rừng. Ấy là chai rượu xoa bóp từ vài loại thân, rễ cây thơm lừng; bánh xà phòng sáp ong với hoa rừng hay ống son lá rừng… Tất cả sản phẩm thú vị nói trên được chị Hồ Huế, một nữ kiểm lâm ở A Lưới làm nên. Ba mươi năm gắn bó với nghề, chị tích lũy một lượng kiến thức đáng nể về các loại cây rừng làm vị thuốc. Ngủ ở nhà chị, tôi chìm trong bầu không khí thơm tho của thảo dược phơi, ngâm. Sớm mai thức dậy, người tôi như thấm trong hương thơm của bạch đàn, hương nhu, gừng gió…
Mỗi lần đi tuần, ra chợ phiên gặp các loại cây trái ăn được hay làm thuốc, chị đều quay, chụp, hướng dẫn cách sử dụng cho bạn bè. Để có những sản phẩm thiên nhiên “handmade” chăm sóc sức khỏe cho người thân, bạn bè, chị thuê người bản địa đi kiếm nguyên liệu, gia công làm sạch. Chị còn làm trà túi lọc từ các loại nấm linh chi, sâm tự nhiên; ủ rượu nếp nương từ men lá… Ngồi với chị, tôi nghe được vô số điều thú vị từ hoa lá, cây cỏ chốn rừng già.
Chị Huế còn bày cho một số điểm du lịch nhiều món rau khai vị chào khách, loại thảo dược ngâm chân giúp thư giãn, loại lá bảo quản thực phẩm tránh nấm mốc. Chị ấp ủ kế hoạch chuyển giao cách làm sản phẩm chăm sóc sức khỏe đơn giản cho một vài cộng đồng du lịch. Chị bảo: “Dưới tán rừng là kho dược liệu quý báu. Sống gần kho vàng nhưng chưa biết cách khai thác và sử dụng thì thật là lãng phí. Mình muốn làm một cái gì đó hoàn toàn “made in A Lưới” để người từ xa đến đây được đắm chìm trong không khí của núi rừng thiên nhiên”.
4. Bên cạnh rừng tự nhiên, A Lưới cũng quy hoạch 360ha vùng trồng dược liệu theo chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 với mức đầu tư gần 230 tỷ đồng. Trong khi ngành chức năng triển khai một kế hoạch quy mô xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao thì ở một số nơi, người dân đã và đang thử nghiệm mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng.
Ngoài cánh rừng A Po, có một cánh rừng khác là nơi ươm mầm dự án sâm Ngọc Linh. Đặc thù sâm Ngọc Linh chỉ sống dưới tán rừng già, nơi có độ che phủ rừng trên 80%, nhiệt độ dưới 25 độ C. Mô hình trồng sâm này vừa góp phần bảo vệ rừng vừa tạo công ăn việc làm cho đồng bào vùng cao. Khoảng hai năm nữa sẽ có câu trả lời cho việc triển khai loài sâm quý được xem là quốc bảo Việt Nam tại A Lưới. Khi đó, những rừng sâm tiền tỷ sẽ mở cánh cửa đổi thay cuộc sống cho người dân trên dải Trường Sơn.
Xưa rừng che bộ đội rừng vây quân thù nhưng nay rừng đang mang lại ấm no, là du lịch, là dược liệu… Trong câu chuyện khởi nghiệp với Hồ Thanh Phương, ông chủ của homestay trại cá tầm quy mô ở xã Hồng Kim, anh bảo, trải qua nhiều thất bại và lớn lên ở vùng đất này, anh nghiệm ra rằng vì sao ngày xưa cha ông dựa vào rừng núi, nương rẫy vẫn sống tốt, sao giờ lớp trẻ phải ly hương. Đất mình đó, núi rừng mình đó, chỉ cần nhiệt huyết, hăng say.
Phiêu diêu trên hồ Ba Bể
Nhìn từ trên cao, hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) giống như một viên ngọc xanh huyền diệu, nổi bật giữa hoang sơ núi non và rừng nguyên sinh trùng điệp.
Ẩn chứa sau nhiều huyền tích chờ được khám phá, mỗi khi có nắng và gió viên ngọc ấy lại lấp lánh, lao xao, thu hút mọi ánh nhìn...
Với sự liên tưởng trân quý và tự hào như thế, tôi đã đến với Ba Bể, thả hồn trôi theo những cơn gió thanh mát, dịu êm và lãng mạn đó không biết bao nhiêu lần. Chẳng biết vì cảm phục trước tấm lòng nhân hậu của mẹ con "bà goá", hay ôm hy vọng sẽ được ngắm "nàng tiên đánh cờ" mà thương mến Ba Bể đến nao lòng. Mỗi khi đất trời chuyển mùa, dù công việc bộn bề, dù đôi khi ngập ngừng, tôi vẫn tìm đủ lý do để vượt hơn 60km đường quanh co mà dừng chân nơi miền đất tưởng như đã quá đỗi thân quen.
Lần này tôi đến với Ba Bể khi mùa thu đã gõ cửa. Dọc đường đi, những cánh đồng lúa mênh mông rì rào ca hát, để từ đó hương thơm nhè nhẹ lan toả theo từng vòng bánh xe. Nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi và rừng nguyên sinh.
Hồ Ba Bể nằm ở cánh cung sông Gâm, được nước của hai con sông chảy vào là sông Chợ Lèng và sông Nam Cường rồi chảy ra sông Năng, đổ xuống thác Đầu Đẳng. Được hợp thành từ 3 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm, hồ Ba Bể có chiều dài hơn 8km, nơi rộng nhất 2km, diện tích mặt nước khoảng 650ha, độ sâu trung bình 20m, có nơi đến 35m. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài cá quý hiếm như: Cá chép kình, cá rầm xanh, cá chiên... Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.
Đến Ba Bể vào mùa mà nhiều người bảo cây thay lá, nhưng ở nơi đây cây cối và mặt hồ vẫn vẹn nguyên một màu xanh biếc. Trong chuyến đi lần này, tôi ghé vào homestay của một đôi vợ chồng trẻ mới mở được khoảng 3 năm trở lại đây. Nằm yên tĩnh bên bờ hồ, ngôi nhà sàn vững chãi được dựng lên ở trên những viên đá to, tại đây, du khách có thể check-in ở bất cứ góc nào cũng có ảnh đẹp. Không chỉ đầu tư trang trí lối lên xuống, chủ homestay còn sưu tầm nhiều đồ dùng cổ mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Tày như khung cửi, mũ, trang phục truyền thống... Trong bữa cơm có cá hồ chiên giòn và lạp sườn nướng, đậm vị truyền thống của cư dân vùng hồ Ba Bể.
Chủ homestay chừng 30 tuổi, anh chia sẻ chân tình: Du khách đến đây mong muốn trải nghiệm cuộc sống ở bản cùng đồng bào dân tộc thiểu số và lưu giữ những khoảnh khắc kỷ niệm đẹp, vậy mình làm du lịch, phải làm sao để khách không cảm thấy nhàm chán, khi ra về vẫn còn tiếc nuối vì thời gian ở lại quá ít.
Chèo thuyền Kayak trên hồ Ba Bể.
Trong chuyến đi lần này, tôi có một trải nghiệm thú vị, lần đầu tiên được ngồi thuyền độc mộc. Tôi đi xuồng máy ra đến đảo Bà Goá rồi theo chân cô gái Tày duyên dáng xuống thuyền. Vì không biết chèo nên tôi ngồi phía trước, cô gái đứng chèo phía sau. Thuyền độc mộc là phương tiện đi lại từ lâu đời của người dân vùng hồ, trước đây thuyền được làm bằng gỗ, nhưng ngày nay để giữ cho màu xanh của đại ngàn, thuyền đã được sử dụng những nguyên liệu khác, tuy vậy vẫn giữ nguyên hình hài "nửa hạt thóc" như trong Sự tích hồ Ba Bể đã ghi lại.
Vốn là người sợ nước, khi mái chèo mới khua những cái đầu tiên, quả thật tôi không ngừng run sợ, hai tay nắm chặt lấy hai bên thuyền. Nhưng khi đi xa hơn, tôi bỗng thấy mình như thể lạc vào một giấc mộng xa xôi nào đó. Sóng vỗ nhè nhẹ, ánh nắng dịu dàng, mơn trớn, nước hồ mênh mông thăm thẳm. Bốn bề xung quanh là cây cối cổ thụ vững chãi. Mùa thu trên hồ Ba Bể hiếm hoi mới có lác đác vài chiếc lá vàng bay bay trong gió, lá khẽ đáp xuống mặt hồ, ở đó mặt nước lăn tăn, lấp lánh dưới ánh nắng như những chuỗi ngọc đang tan theo sóng nước.
Bắt gặp ánh mắt ngẩn ngơ trước phong cảnh của tôi, cô lái thuyền cười nhẹ rồi bảo: Không phải riêng em, chị sống ở đây từ nhỏ, bơi lội, chèo thuyền, bắt cá... tưởng như đã quá quen thuộc, thế mà chưa bao giờ hết những ngạc nhiên về cảnh đẹp nơi đây. Đi xuồng máy không cảm nhận được hết những cảnh đẹp ở hồ Ba Bể, ngoài những điểm đến như: Thác Đầu Đẳng; ao Tiên; đền An Mạ; động Puông... thì yên lặng cảm nhận hồ Ba Bể cũng là gợi ý rất tuyệt vời. Mỗi lúc như vậy, dường như gió của hồ thổi bay đi mọi ưu tư, buồn bã và cả những áp lực của cuộc sống bận rộn bên ngoài.
Tối đó, chúng tôi ra bãi đất rộng giữa hồ, nướng thịt và ngồi quây quần bên ngọn lửa. Phía trong có vài chiếc lều ngủ đêm của du khách, đây là một trong những dịch vụ mới có ở hồ Ba Bể.
Cô bạn mới quen sinh năm 1995 cũng là người trẻ mạnh dạn đưa hình thức kinh doanh du lịch này vào thực hiện. Cô gái Tày cười tươi dưới ánh lửa: "Bây giờ đến du lịch hồ Ba Bể bớt chán rồi chị ơi. Ở đây chúng em có dịch vụ thuê thuyền kayak, thuê xe đạp để đi trải nghiệm, đi bộ trekking vườn quốc gia. Đêm đến du khách có thể trải nghiệm ngắm sao, nướng thịt và ngủ lều, dịch vụ có đệm hơi và túi ngủ nên rất thoải mái. Du khách ở các homestay còn có buffet ăn sáng, tối nào ở bản Bó Lù, Cốc Tộc, Pác Ngòi cũng sáng ánh đèn, rộn ràng tiếng nhạc. Hiện nay có rất nhiều đội văn nghệ đã được thành lập. Các đội cũng đầu tư trang phục, chương trình đa dạng, không chỉ có Then Tày, múa quạt, mà còn có hát Páo dung, múa chuông của dân tộc Dao. Nếu cần chỗ dừng chân nghỉ ngơi thì ghé cà phê Nàng Bân mới mở ở bản Bó Lù, xinh lắm nhé, trang trí đẹp mắt đậm đà bản sắc dân tộc, du khách rất thích".
Đêm ở hồ Ba Bể tĩnh mịch và thơ mộng vô cùng. Chúng tôi trải đệm và nhìn lên bầu trời. Trời đêm nơi non ngàn bát ngát không bị khuất bởi nhà cao tầng và khói bụi. Những ngôi sao cứ thế mà nhấp nháy, ẩn hiện như chơi trò trốn tìm. Phía xa xa, mặt hồ bồng bềnh một làn sương mỏng, không gian rộng lớn như thể ôm lấy lòng người đang nhỏ bé, chênh chao. Nếu như một tác phẩm nghệ thuật mới có thể khiến người xem chiêm ngưỡng không biết chán, thì có lẽ với tôi, hồ Ba Bể quả thật là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ của đất mẹ yêu thương...
Đà Lạt vào danh sách 9 điểm du lịch thiên nhiên được yêu thích tại châu Á Theo kết quả khảo sát lượng tìm kiếm thực hiện vào tháng 1/2024 của Agoda, Đà Lạt được xếp trong danh sách 9 điểm du lịch thiên nhiên yêu thích tại châu Á. Danh sách này được nền tảng du lịch trực tuyến Agoda khảo sát từ các điểm đến thiên nhiên nổi bật tại nhiều quốc gia, từ đó gợi ý điểm...