Khiếu nại lĩnh vực đất đai nhiều và phức tạp
Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2013 trên địa bàn thành phố, Thanh tra TPHCM nhận định: “Nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực bồi thường, giải tỏa, tái định cư tại các dự án”.
Trên 81% thuộc lĩnh vực đất đai
Trong năm 2013, ngành thanh tra TPHCM tiếp nhận hơn 6.000 đơn khiếu nại, giảm khoảng 1.500 đơn so với cùng kỳ năm trước. Trong số hơn 3.400 đơn khiếu nại đã giải quyết trong năm 2013 thì có 8% đơn khiếu nại đúng; 12% có điểm khiếu nại đúng, có điểm khiếu nại sai; 80% đơn khiếu nại sai. Trong số hơn 250 đơn tố cáo đã giải quyết năm 2013 thì có 9% đơn tố cáo đúng; 14% đơn tố cáo có điểm đúng, có điểm sai; 77% đơn tố cáo sai.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra thành phố đã phục hồi quyền lợi cho hơn 40 người, được bồi thường hỗ trợ thêm với trị giá tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước nước số tiền hơn 12 tỷ đồng. Trong năm 2013, khiếu kiện đông người trên địa bàn thành phố cũng đã được kiểm soát. Tuy nhiên, Thanh tra TP nhận định: “Tình hình khiêu nai, tô cao vân con co nhưng diên biên phưc tap, nhât la cac khiêu nai bôi thương tai cac dư an”.
Dự án xây dựng công viên Sài Gòn Safari (Thảo cầm viên mới), 1 trong 15 “điểm nóng” có thể xảy ra khiếu kiện đông người
Thống kê của Thanh tra TP cho thấy, nội dung đơn khiếu nại, tố cáo của người dân tập trung chủ yếu trong lĩnh vực hành chính (chiếm 92 %); trong đó, đơn khiếu nại trong lĩnh vực đất đai có tỷ lệ cao nhất (trên 81%).
Trong năm 2013, hầu hết các trường hợp khiếu nại đông người đều tập trung ở lĩnh vực đất đai. Thanh tra TP nêu vài dự án điển hình đã xảy ra như: các hộ thuộc Dự án Chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1), dự án 1Bis-1Kép Nguyễn Đình Chiểu, dự án Tứ giác Bến Thành (quận 1); dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2); dự án mở rộng cầu Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… Các vụ việc khiếu nại đông người này đều là những vụ việc cũ, kéo dài nhiều năm nay.
Video đang HOT
15 “điểm nóng” sắp tới
Trong báo cáo này, Thanh tra TP cũng dự báo những vụ việc có thể phát sinh khiếu nại đông người trong thời gian tới. Theo dự báo này, cả 15 “điểm nóng” có khả năng phát sinh khiếu nại đông người đều liên quan đến các dự án có thu hồi đất.
Cụ thể, ở quận 8 có 1 vụ liên quan đến dự án Trung tâm lưu thông hàng hóa (Khu E Nam Thành phố). Quận Gò Vấp có 2 vụ liên quan đến dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài và cưỡng chế tháo dỡ nhà xây không phép đối với một số hộ dân tại khu ấp Doi (phường 15). Quận Bình Thạnh có 4 vụ liên quan đến các dự án: lô 13-14 (phường 22), xây dựng mới cầu kinh Thanh Đa; chống sạt lở kênh Thanh Đa; xây dựng đầu tư xây dựng mới lô VI, lô VI cư xá Thanh Đa (phường 27).
Quận Tân Bình có 3 vụ liên quan đến các dự án: Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài và dự án đầu tư cải tạo tuyến mương Nhật Bản; dự án xây dựng chung cư 251 Hoàng Văn Thụ; dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư tại khu đất vườn rau -Bưu điện Chí Hòa. Quận Thủ Đức có 2 vụ liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Trường Thọ và dự án Đại học Quốc gia. Huyện Củ Chi có 2 vụ liên quan đến dự án Khu công nghiệp Đông Nam và dự án đầu tư xây dựng Thảo Cầm Viên. Huyện Nhà Bè có 1 vụ liên quan đến dự án KCN Hiệp Phước giai đoạn 2.
Trong 15 vụ việc dự báo có khiếu nại đông người nêu trên có 1 vụ việc đã được dự báo từ năm 2012, 14 vụ việc mới dự báo. Đây là những dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2010 (trừ dự án đầu tư xây dựng mới cầu Kinh Thanh Đa mới triển khai), quá trình triển khai dự án còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, về chính sách bồi thường…
Theo Thanh tra Thành phố, tình trạng khiếu nại nhiều trong công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư là do pháp luật hiện hành chưa tạo được những chuẩn mực chung về giá bồi thường đất và cơ chế điều chỉnh giá theo thời gian. Nhiều dự án được phân thành các giai đoạn khác nhau nên kéo dài, dẫn đến việc người dân so sánh giá bồi thường giữa các dự án.
Ngoài ra, việc thay đổi, điều chỉnh pháp luật thường xuyên có liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ cũng ảnh hưởng đến người dân tại các dự án bồi thường chậm, kéo dài… Những bất cập này nếu không giải quyết hợp tình, hợp lý sẽ phát sinh khiếu nại kéo dài.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
TPHCM sắp xếp lại các trạm thu phí giao thông
Với hệ thống trạm thu phí giao thông dày đặc tại các cửa ngõ, TPHCM là địa phương mà hầu như xe ô tô nào tiến vào đều phải đóng phí. Điều đó trở thành 1 trở ngại, 1 điểm trừ đối với năng lực cạnh tranh của thành phố.
Không còn là giải pháp tối ưu
Cách đây gần 20 năm, đề xuất cho doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng hạ tầng rồi lập trạm thu phí trong 1 thời gian để thu hồi vốn (hợp đồng BOT, xây dựng - khai thác - chuyển giao) là 1 trong những giải pháp tối ưu để huy động nguồn lực tư nhân, phát triển hạ tầng. TPHCM là địa phương áp dụng biện pháp này từ rất sớm nên nhờ đó thành phố mới có được đường Điện Biên Phủ, cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu 2, cầu Rạch Chiếc...
Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện chính sách này đã biến TPHCM thành địa phương bị bao vây bởi hàng loạt trạm thu phí. Nếu tính về mật độ lưu thông thì TPHCM chỉ có 2 cửa ngõ chính là Đông Bắc và Tây Nam, với các trục đường chính là quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, đại lộ Đông Tây (nay là đường Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt)... Trên các cửa ngõ này đều bị hàng loạt trạm thu phí "trấn thủ" như trạm Xa lộ Hà Nội, trạm Bình Triệu 1 & 2, trạm Phú Mỹ...
Trạm thu phí dày đặc ở TPHCM đang là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp vận tải
Việc bố trí các trạm thu phí hiện nay dày đặc và rối đến mức thành phố muốn kêu gọi nhà đầu tư tham gia các dự án BOT mới cũng không kiếm đâu ra chỗ để... đặt trạm thu phí. Điển hình như dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 song song với cầu Sài Gòn, ban đầu dự tính xây dựng theo hợp đồng BOT nhưng nhà đầu tư không tìm đâu ra chỗ đặt trạm thu phí vì xung quanh công trình này đã có 2 trạm thu phí lớn, đầu tư không có lời. Sau đó, thành phố đành phải chuyển sang hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thì nhà đầu tư mới chịu làm.
Ngoài ra, khi hệ thống trạm thu phí dày đặc thì nguồn thu này của các trạm mới không còn nhiều, nhà đầu tư khó thu hồi vốn nên hình thức đầu tư này chẳng còn hấp dẫn. Điển hình là ở dự án cầu Phú Mỹ, dù chủ đầu tư bỏ hàng ngàn tỷ đồng xây dựng công trình nhưng nguồn thu từ trạm thu phí không đúng như kỳ vọng, nhà đầu tư phải xin trả lại công trình cho thành phố.
Theo phòng Kế hoạch đầu tư - Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện các nhà đầu tư chẳng mấy "mặn mà" với các dự án xây dựng hạ tầng bằng hình thức BOT. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng thường kéo dài làm chi phí và rủi ro đầu tư gia tăng. Trong khi đó, nguồn thu từ thu phí giao thông không bù đắp đủ cho chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Sắp xếp lại
Ngoài việc không còn hấp dẫn nhà đầu tư, hình thức bán quyền khai thác đường như trên còn đang tạo thành 1 hệ lụy là có quá nhiều trạm thu phí trên đường, gây trở ngại cho các doanh nghiệp vận tải, làm tăng giá cước vận tải, gián tiếp ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Nhất là trong tình hình mức thu phí tăng cao, Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động thì mức phí này càng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của TPHCM.
Theo phòng Kế hoạch đầu tư, hiện TPHCM không thể đặt hàng loạt các trạm thu phí trên các tuyến đường vì nó sẽ làm gia tăng chi phí sử dụng đường bộ và ảnh hưởng đến mặt bằng giá nói chung của thành phố. Ngoài ra, việc đặt trạm dày đặc trên các tuyến cửa ngõ còn gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường không thu phí (do xe né trạm), làm ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Vì vậy, thành phố không còn xem BOT là giải pháp tối ưu mà bắt đầu nghiên cứu áp dụng các giải pháp mới như đổi đất lấy hạ tầng (cầu Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, 4 đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm...). Thành phố còn tiến tới nghiên cứu cho nhà đầu tư khai thác nhiều hình thức dịch vụ khác để thu phí hoàn vốn đầu tư công trình như quảng cáo, dịch vụ công cộng...
Song song đó, TPHCM cũng tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các trạm thu phí giao thông hiện có trên địa bàn thành phố. Đầu tiên là trạm thu phí Kinh Dương Vương "trấn thủ" cửa ngõ phía Tây thành phố đã đóng cửa. Sau đó, trạm thu phí hầm Thủ Thiêm (Đường hầm vượt sông Sài Gòn) đã xây dựng xong, đã thu phí thử nghiệm, dự kiến sẽ hoạt động trong năm 2012 nhưng đến nay vẫn hoãn. Thành phố dự kiến sẽ dùng ngân sách và Quỹ Bảo trì đường bộ để duy tu đường hầm này và không đặt trạm thu phí tại đây.
Ngoài ra, thành phố cũng tính đến chuyện dẹp bỏ trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh. Tuy nhiên, muốn dẹp trạm thu phí này thành phố phải bồi thường cho chủ đầu tư là công ty Phú Mỹ Hưng theo hợp đồng trước đây thành phố đã ký kết với công ty. Do đó, thành phố đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát kỹ nội dung hợp đồng đã ký kết, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp. Đến ngày 11/3, Sở Giao thông Vận tải cũng đã tiến hành họp rà soát số liệu tại trạm thu phí Nguyễn Văn Linh để có biện pháp đề xuất thành phố trong thời gian tới.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Khởi công gói thầu xây lắp số 1 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Sáng 8/3, tại km 03 700, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cùng nhà thầu tổ chức lễ triển khai thi công gói thầu xây lắp số 1 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự án xây dựng đường cao tốc...