‘Khiếu nại đất đai nhiều do cán bộ vô cảm’
Trong 7 năm, có hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó liên quan đến đất đai chiếm gần 70% với tỷ lệ đúng cao. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi xảy ra vi phạm.
Sáng nay, Quốc hội nghe báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai. Theo Thanh tra Chính phủ từ 2003 đến 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó số liên quan đến đất đai chiếm gần 70%. Số vụ khiếu nại đúng chiếm xấp xỉ 20%, có đúng có sai chiếm 28% số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6%.
“Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót”, ông Giàu nói và cho rằng, nguyên nhân đầu tiên của thực trạng này là sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai ở nhiều mặt như văn bản luật thay đổi nhiều, không sát thực tế. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất có sự chênh lệch lớn giữa giá nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với dân… Các quyết định hành chính được ban hành còn nhiều hạn chế, sai sót.
“Ngoài ra, còn có sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: TTXVN.
Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung ở 3 nội dung, gồm khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 70% khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20% khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%. Từ 2005 đến tháng 6/2009, cả nước có hơn 3.800 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người. Năm 2010 có trên 3.200 đoàn, năm 2011 có gần 4.200 đoàn. Trên 70% số vụ là khiếu nại, còn lại là tố cáo hoặc vừa khiếu nại, vừa tố cáo.
Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xảy ra các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, trong đó có một số vụ đông người nhiều lần kéo đến Trụ sở tiếp công dân, các cơ quan ở Trung ương với thái độ rất gay gắt. Các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người ngày càng tăng về số lượng. Đây là vấn đề phức tạp nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trước những con số được nêu trong báo cáo giám sát, đại biểu Hồ Thị Thủy khẳng định, để dẫn đến thực trạng này có nguyên nhân là “thái độ vô cảm, bàng quan với bức xúc của dân” của cán bộ hoặc “cố tình bao che vì lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm” việc bồi thường còn để xảy ra sai sót, thiếu công khai, minh bạch cán bộ cố tình làm sai để sách nhiễu…. “Một số người lợi dụng chính sách của nhà nước để bao chiếm đất, kiếm lợi bất chính. Các vấn đề xã hội nảy sinh sau thu hồi đất chưa được chú ý”, bà Thủy nói.
Video đang HOT
Để giải quyết, theo bà khi sửa luật đất đai cần thống nhất quy định thu hồi phải do nhà nước thực hiện, kết hợp với các chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ tái định cư…. “Cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu xảy ra vi phạm, tăng đối thoại với dân, tăng hòa giải cơ sở”, nữ đại biểu này nêu giải pháp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh đến sự bất cập trong việc ban hành văn bản pháp luật. Nữ đại biểu này dùng từ “ma trận” trong các văn bản hướng dẫn thi hành khiến đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai nhiều. “Tôi kiến nghị sớm ban hành luật đất đai sửa đổi, trong đó, những vấn đề cụ thể phải ghi rõ trong luật để hạn chế sự quá tải văn bản dưới luật”, bà Kim Bé nói.
Dẫn lại việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thu hồi lại đất một số dự án chậm triển khai để trả lại cho dân là “đúng, hợp lòng dân”, đại biểu Bé cho rằng, Nhà nước cần quan tâm tới khiếu nại chính đáng của người dân dân vì chỉ khi người dân yên tâm thì đất nước mới phát triển được.
Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã nêu nhiều bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương “chưa có lĩnh vực nào mà văn bản nhiều, nhanh lỗi mốt” như lĩnh vực này. Còn đại biểu Ngô Văn Hùng thì đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết kỹ hơn về việc thi hành chính sách đất đai cũng như quyền khiếu nại tố cáo của người dân trong những năm qua. Ông cho rằng, tuy rất cấp bách nhưng việc thông qua Luật đất đai sửa đổi cần thận trọng, dù phải thông qua tại 3 kỳ họp.
Nghiên cứu nhiều báo cáo giám sát về lĩnh vực này của các năm trước, đại biểu Hà Công Long cho biết, thực trạng phức tạp của khiếu nại đông người đã từng được cảnh báo từ năm 2008. Tính “phức tạp” của vấn đề được ông nêu bằng dẫn chứng, từ khi khai mạc kỳ họp đến nay (hơn 2 tuần) đã có gần 50 đoàn đông người kéo đến cơ quan tiếp dân, Văn phòng Quốc hội.
Dẫn ra một đơn thư được gửi tới đại biểu Quốc hội kỳ này về một vụ việc 10 năm chưa được giải quyết, theo đại biểu này, cần làm thế nào để đem lại quyền lợi cho người dân. Bằng việc giám sát tối cao của Quốc hội tại phiên họp, cần có giải pháp để sớm khắc phục những yếu kém, thiếu sót được nêu trong báo cáo giám sát.
“Ban Dân nguyện từng kiến nghị sửa Nghị định 181, báo cáo này vẫn nêu lại, chưa sửa. Đây là việc cụ thể thì ai chịu trách nhiệm, chẳng nhẽ cứ nói đi nói lại mãi?”, ông Long nói.
Liên quan tới 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tính đến 15/10/2012, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát được 486/528 vụ (đạt 92%), với kết quả cụ thể như sau: số vụ thống nhất với địa phương dự kiến chấm dứt khiếu nại hoặc chấm dứt thụ lý, giải quyết là 282 vụ việc (chiếm 58%) số vụ yêu cầu địa phương giải quyết, giải quyết lại hoặc xem xét hỗ trợ cho người dân là 131 vụ việc (chiếm 27%) số vụ việc thống nhất xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là 41 vụ việc (chiếm 8,4%) số vụ việc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đang phối hợp giải quyết là 32 vụ việc (chiếm 6,6%).
Theo VNE
Vô cảm, tiêu cực dẫn đến sai sót trong giải quyết khiếu nại đất đai
Sai sót trong việc giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính về đất đai, ngoài chuyện thiếu trách nhiệm, còn có nguyên nhân cán bộ vô cảm, thờ ơ. Không ít quyết định ban hành sai do tiêu cực, bao che" - chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh của QH nhận xét.
Thực trạng giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính về đất đai là một nội dung giám sát tối cao của QH trong năm 2012 đã được đoàn giám sát hoàn thành báo cáo, đưa ra xin ý kiến Thường vụ QH ngày 18/9.
Báo cáo giám sát cho thấy, trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào khiếu nại tố cáo các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%). Khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%. Khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Vụ cưỡng chế đầm tôm tại Tiên Lãng, Hải Phòng là bài học lớn cho công tác giải quyết khiếu nại về đất đai.
Thời gian qua, các cơ quan hành chính đã công nhận khiếu nại đúng và đúng một phần chiếm 47,8% tổng số khiếu nại tố cáo. Tòa án hai cấp xử thì có thêm 19,5% đúng nữa nghĩa là người dân khiếu nại đúng tới 67,5%, đồng nghĩa với việc các quyết định hành chính về đất đai sai tương đương mức đó. Ít có lĩnh vực hành chính nào sai nhiều đến thế.
Đoàn giám sát chỉ ra nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại tố cáo về đất đai có nhiều nhưng chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nói thẳng, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này chưa tốt, bởi có đến gần 70% quyết định bị khiếu nại là "có vấn đề".
Đề cập trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong quản lý hành chính nhà nước về đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị chỉ rõ cấp độ, phạm vi sai phạm và phải xác định rõ trách nhiệm của những người có hành vi sai phạm, và việc xử lý những cá nhân, tổ chức này.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa nêu thực tế, không ít quyết định ban hành sai là do tiêu cực, tham nhũng, trên bao che cho dưới... Ông Khoa dẫn chứng một vụ việc ở Phú Thọ, qua 2 đời Tổng Thanh tra Chính phủ không giải quyết được, đến giờ cũng chưa ổn. Có trường hợp chỉ trong 1-2 ngày mà cùng một ông Chủ tịch tỉnh ký ban hành hai quyết định về cùng một vụ việc với ý kiến trái ngược nhau.
"Ngoài chuyện thiếu trách nhiệm, còn có nguyên nhân quan trọng là sự vô cảm, thờ ơ" - ông Khoa dẫn lại chuyện người dân khiếu kiện vì khi chỉ một tuần nữa là lúa chín, người dân có thể thu hoạch mà chính quyền nhất quyết cho xe ủi đổ đất san lấp mặt bằng
Đề cập vụ cưỡng chế đầm tôm tại Tiên Lãng (Hải Phòng) Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh đặt câu hỏi: "Tại sao các vụ cướp tiệm vàng, chỉ sau 24 - 48 giờ là điều tra ra ngay được, mà cưỡng chế phá nhà dân trái phép thì hàng tuần lễ liền không xác định được trách nhiệm ở đâu?".
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo giám sát phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình khiếu nại tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai đến nay là rất nghiêm trọng. Về số lượng thì chiếm đến 69%, còn các quyết định hành chính tỷ lệ sai đến một nửa. Ngay cả ở các vụ việc công dân khiếu nại tố cáo có đúng có sai, thì tức là nhà nước vẫn sai.
Còn trường hợp quyết định của cơ quan quản lý không sai mà nhân dân vẫn khiếu kiện, ông Hùng phán đoán, do chính sách pháp luật về đất đai chưa chuẩn, giáo dục pháp luật chưa tốt. Điều quan trọng, theo Chủ tịch QH, sau giám sát cần yêu cầu các cơ quan liên quan rà lại tất cả các quyết định sai để xử lý, với dân thì phải đền bù, với cán bộ thì phải tìm ra địa chỉ sai ở đâu, đã giải quyết thế nào...
Số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ thể hiện, từ năm 2003 - 2010 các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý gần 1,3 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo (trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%). Trong 3 năm 2008-2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 670.000 đơn thư với gần 500.000 vụ việc.
Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28%, số khiếu nại sai chiếm 52,2% số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và số đơn tố cáo sai chiếm 54,2%. Các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài đạt 66,7%, hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Theo Dantri
GS Đặng Hùng Võ: Nguy cơ tăng khiếu kiện đất Cách tiếp cận của Luật Đất đai sửa đổi không những không giảm nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện mà còn có khả năng tăng cao hơn sau khi thực thi Luật này trên thực tế - GS. Đặng Hùng Võ nhận định. Vấn đề đất đai đã được Ban Chấp hành TW Đảng xem xét ở hai Hội nghị lần thứ...