“Khiển trách cảnh sát xô xát với phóng viên là thiếu thuyết phục”
“Hành vi của anh Hưng (cảnh sát xô xát với phóng viên trên cầu Nhật Tân – PV) nếu chỉ dừng ở mức khiển trách thì ngoài việc không thuyết phục, nó còn là sự thiếu công bằng”, luật sư Trần Thu Nam bày tỏ.
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư (LS) Trần Thu Nam, Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, ông và các cộng sự sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho phóng viên Trần Quang Thế (Báo Tuổi trẻ TP.HCM), người có va chạm với Công an huyện Đông Anh trên cầu Nhật Tân hôm 23.9.
Là người theo dõi sát vụ việc, ông nghĩ gì về kết luận của Công an TP. Hà Nội khi nói hành vi của cảnh sát Hưng chỉ là “gạt tay trúng má” phóng viên?
- Qua lời kể của phóng viên Quang Thế, qua clip và ảnh đăng trên báo tôi cho rằng hành vi của cảnh sát hình sự (Ngô Quang Hưng -PV) không phải là cái gạt tay. Qua ảnh có thể thấy anh cảnh sát một chân trên không, một chân dưới đất, đang nhào đến phóng viên Quang Thế. Ảnh khác và clip thì cho thấy nắm đấm của anh Hưng sát vào mặt phóng viên. Hình ảnh đó cho thấy anh cảnh sát mặc thường phục này không phải đang đứng một chỗ vung tay chỉ đạo hay làm việc gì đó rồi chạm vào má phóng viên.
Luật sư Trần Thu Nam, Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Tôi cho rằng, Công an TP. Hà Nội kết luận anh cảnh sát vung vào mặt phóng viên là không chính xác. Theo lời kể của phóng viên Quang Thế, sau cú đấm đó anh bị chảy máu mồm, bên cạnh đó hình ảnh cho thấy anh Thế phải chạy, nếu chỉ là vung tay làm sao tới mức chảy máu mồm?
Người cảnh sát có hành vi “gạt tay vào má” phóng viên bị khiển trách, còn người gạt tay vào một máy quay bị phê bình rút kinh nghiệm, ông thấy sao?
- Hình thức xử lý như vậy tôi thấy không thuyết phục, không mang tính răn đe. Trong clip thấy anh cảnh sát mặc áo thường phục màu đỏ có thái độ rất hung hăng, đập cả máy quay của phóng viên rớt xuống dưới đường nhằm hủy hoại tài sản.
Video đang HOT
Việc khiển trách không mang tính thuyết phục, như tôi đã từng nói. Người công an nhân dân có những lời thề, những điều lệnh là phải hòa nhã, tôn trọng, lễ phép để phục vụ nhân dân. Hành vi của cảnh sát Hưng đã đi trái với những lời thề của người chiến sĩ công an nhân dân, những lời anh được dạy bảo trong trường học.
Hành vi của anh Hưng nếu chỉ dừng ở mức khiển trách thì ngoài việc không thuyết phục, nó còn là sự thiếu công bằng.
Thời gian qua không ít vụ việc người dân chỉ cần kéo áo hoặc có những hành vi cản trở công vụ của công an, chưa cần phải xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản đã bị khởi tố về tội danh chống người thi hành công vụ. Đối với Công an – những người bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống bình yên cho nhân dân thì càng phải có hành vi chuẩn mực hơn. Là người dân tôi thấy hành vi của cảnh sát Hưng mà chỉ bị khiển trách là không thuyết phục. Xử lý như vậy nhiều người sẽ nghĩ có bao che.
Hình ảnh PV Quang Thế – Báo Tuổi trẻ TPHCM (áo trắng) bị Công an huyện Đông Anh “gạt tay vào má” trên cầu Nhật Tân (Ảnh: M.C)
Trong vụ việc này, PV Trần Quang Thế cũng bị xử lý vi phạm hành chính số tiền lên tới hơn 14 triệu đồng, ông thấy sao?
- Ra một quyết định xử phạt hành chính thì phải có biên bản vi phạm hành chính, biên bản này dựa trên cơ sở những hành vi người vi phạm đã thực hiện. Nói anh Quang Thế xâm phạm vùng cấm, liên quan đến bí mật quốc gia, nhưng tôi thấy hiện trường không có khoanh vùng.
Hiện trường có một xe taxi đậu, các phương tiện giao thông đi qua cầu Nhật Tân vẫn đi gần chiếc taxi, như vậy khoảng diện tích nào được coi là hiện trường chưa được xác định rõ. Thứ hai là cảnh sát chưa kéo dây, kẻ vạch để xác định hiện trường, hay dùng loa để thông báo hiện trường như nào. Thứ ba là một số cảnh sát không mặc sắc phục, cho nên những chỉ đạo của họ không thuyết phục được những người xung quanh.
Như ở nước ngoài khi xảy ra vụ việc ngay lập tức cảnh sát đến căng dây phong tỏa hiện trường, ai bước vào khu vực cấm đó nói không nghe sẽ bị bắt giữ.
Trong vụ việc này giả sử phóng viên có vi phạm vào khu vực hiện trường thì cảnh sát phải dùng các biện pháp về hành chính, như lập biên bản vi phạm trong thời điểm đó. Qua tất cả các clip, hình ảnh tôi chưa thấy nói rõ cách xa chiếc taxi bao nhiêu mét là hiện trường.
Việc xử phạt hành vi về việc xúc phạm, chửi bới cảnh sát thì cần phải đưa ra chứng cứ thuyết phục, không thể căn cứ vào lời của những cảnh sát, cần lời khai của những người dân đi lại hoặc các phóng viên khác có mặt tại hiện trường, thuyết phục hơn nữa là băng ghi âm, ghi hình thể hiện phóng viên có sự nhục mạ những người đang làm nhiệm vụ như thế mới thuyết phục.
Riêng về hành vi anh Quang Thế để xe máy trên cầu Nhật Tân đó là hành vi vi phạm. Nói tóm lại ngoài lỗi để xe máy trên cầu, việc xử phạt những lỗi vi phạm hành chính khác với anh Thế tôi cho rằng không thuyết phục.
Nếu anh Quang Thế đề nghị tôi và các cộng sự tại Văn phòng sẵn sàng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh trong quá trình khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các thủ tục khiếu nại tiếp theo về giải quyết của cơ quan Công an.
Xin cảm ơn ông !
Theo Danviet
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm công an hành hung phóng viên
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa giao Công an Thành phố điều tra làm rõ thông tin phóng viên bị cản trở, hành hung để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc gửi Công an Thành phố về việc điều tra xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc Công an huyện Đông Anh cản trở, hành hung phóng viên.
Công văn nêu rõ, ngày 23/9, báo chí phản ánh thông tin một số cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an huyện Đông Anh hành hung phóng viên báo Tuổi trẻ, cản trở các phóng viên tác nghiệp trên cầu Nhật Tân.
Ngày 23/9, trong lúc tác nghiệp vụ tài xế taxi nghi nhảy cầu Nhật Tân tự tử, phóng viên Quang Thế - báo Tuổi trẻ TPHCM - bị một số người mặc thường phục cản trở, hành hung. Sau đó, công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) thừa nhận một số người hành hung Quang Thế là cán bộ Công an huyện này.
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Thành phố giao Công an Thành phố điều tra, xác minh, làm rõ nội dung nêu trên; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố trước ngày 27/9/2016; thông tin trả lời báo chí theo quy định.
Trước đó, sáng sớm ngày 23/9, tại khu vực cầu Nhật Tân có một người tử vong dưới chân cầu, trên cầu là chiếc xe taxi đang đỗ. Nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc và sự phân công của cơ quan, phóng viên Trần Quang Thế (Cơ quan đại diện báo Tuổi trẻ TPHCM tại Hà Nội) đã đến khu vực cầu Nhật Tân tìm hiểu vụ việc này.
Trong lúc đang tác nghiệp, phóng viên Trần Quang Thế bị một nhóm người, trong đó có cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát Hình sự - Công an Huyện Đông Anh mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung.
Phóng viên Trần Quang Thế bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng. Rất nhiều người dân, đồng nghiệp các báo có mặt ở hiện trường đã chụp ảnh, ghi hình việc phóng viên Trần Quang Thế bị hành hung.
Quang Phong
Theo Dantri
Hội Nhà báo đề nghị Công an Hà Nội làm rõ vụ công an đánh phóng viên Hội Nhà báo Việt Nam vừa có văn bản gửi Công an thành phố Hà Nội và Công an huyện Đông Anh, đề nghị làm rõ vụ nhà báo bị hành hung trên cầu Nhật Tân. Văn bản do Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi ký nêu rõ, qua báo cáo của các cơ quan báo...