Khi xấu là một cái tội đến nỗi để người ta dẫm đạp: Cười trên sự dè bỉu nhan sắc, vui nổi không?
Có nói hay nói dở như thế nào về một thông điệp nhưng cách truyền tải đi lại lợn cợn, chọi nhau như vậy thì khó mà yêu thương được.
Một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ muốn nâng niu sắc đẹp phụ nữ nhưng lấy sự xấu của một nhân vật ra để dẫm đạp, đúng nghĩa đen, trong MV ca nhạc, họ muốn gửi gắm điều gì?
Trên một bãi biển tại Philadelphia, Mỹ có đăng tấm biển quảng cáo của một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ in hình là một cô gái mảnh dẻ, thon gọn, đi bên cạnh là thông điệp “keeping our beaches beautiful” – tạm dịch: Hãy giữ cho những bãi biển của chúng ta luôn xinh đẹp. Thông điệp ở đây của trung tâm này là gì? Là phụ nữ gầy mới là chuẩn mực để xây dựng cảnh quan cho một bãi biển đẹp? và bạn cần đi phẫu thuật thẩm mỹ để phù hợp với thông điệp ấy?
Tất nhiên, cộng đồng dậy sóng phản đối, từ mạng xã hội tới ngoài đời thật. Phẫu thuật thẩm mỹ không phải một điều gì xấu và vài năm trở lại đây, người ta nói nhiều về việc không nên “bodyshaming” ( miệt thị ngoại hình) những người phẫu thuật thẩm mỹ, có nhiều hơn một lý do để ai đó tiến hành thay đổi cơ thể mình.
“Vẻ đẹp 4.0″ – MV bạc tỷ mới đây của Hồ Ngọc Hà cho một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ cùng dàn diễn viên hài nổi tiếng có vẻ như lại đi vào vết xe ấy. “Số phận nằm trong tay bạn” là thông điệp của MV, nhưng trong tay bạn hay “trong tay bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ?”.
Khi nhan sắc là thứ bị chà đạp
Có hai lần, câu chuyện nhan sắc phụ nữ “xấu” được lôi ra làm trò cười trong MV này. Cũng như một bộ phim, hay là hay, dở là dở, không phải cứ chuyện hài hước thì phải bôi xấu một ai đó – lại là miệt thị phụ nữ trong câu chuyện về những người phụ nữ muốn thay đổi bản thân.
MV mở đầu bằng việc một cô gái, có vẻ là học sinh mới bước tới trường trong những cái nhìn không mấy thiện cảm của bạn bè đồng lứa. Chỉ nhìn qua cũng biết vấn đề MV thể hiện: Cô gái này xấu, một cái xấu được tô vẽ như tuồng chèo. Khi hai cô gái cùng ngã dúi dụi trên sân, một cô gái “đẹp hơn” nằm bên cạnh nhân vật chính, những người xung quanh nhốn nháo nâng cô bạn kia dậy. Còn bạn gái “xấu” kia thì sao? Bị dẫm đạp lên người, tôi thậm chí thấy đó là lên sát mặt, lên tóc. Không có người phụ nữ nào đáng bị chà đạp như vậy, người ta chỉ thấy những màn giẫm đạp như vậy trong các đoạn video quay lén đánh ghen, bạo lực học đường, chứ không phải trong một quảng cáo để tôn vinh phụ nữ. Quá đáng hơn, đạo diễn cố tình để một cành cây rơi hay một con chim “bĩnh” lên mặt khổ chủ.
Chúng ta nhìn thấy ở đó điều gì ngoài việc cái xấu là một thứ bị cả đám đông không chấp nhận, thậm chí cả thiên nhiên hay vạn vật xung quanh. Hình ảnh cô gái đó được đưa đến trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ sau đó chẳng phải mang thông điệp: Nếu xấu như vậy, hãy thay đổi để được đẹp hơn? Rằng cái xấu là điều không chấp nhận được trong xã hội này?
Rồi sao nữa, rằng khi chiếc gương đưa cận mặt, cô gái cũng không thể chấp nhận vẻ ngoài của mình?
Kịch bản tương tư nhưng khủng khiếp hơn trong phân cảnh hai, dù đã phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn bị “ăn hành”. Người ta có thể nhận ra một sự thật buồn, nếu bạn xấu thì sẽ chỉ làm vai phụ mờ nhạt trong cuộc đời người khác mà thôi, kể cả bị dè bỉu, đánh đập, một khung cảnh gợi buồn không đáng có.
Đáng nhẽ ra, thông điệp của MV cần thay đổi những định kiến đó, thay vì theo đóm ăn tàn.
Khuyến khích phụ nữ không biết hài lòng với bản thân hay gì?
Chúng ta luôn cần vươn tới những đỉnh cao trong cuộc sống, không ngừng nỗ lực thay đổi bản thân. Tuy nhiên, sự ngớ ngẩn trong thông điệp này mắc phải 2 điều không ổn (1) nỗ lực thay đổi bản thân khác với việc phẫu thuật thẩm mỹ không ngừng nghỉ để đạt được vẻ ngoài mong muốn mà không tính đến những hệ lụy về sức khỏe, tinh thần và (2) chúng ta chỉ nên thay đổi vì bản thân mình, chứ không phải vì người khác nhìn vào. Câu chuyện trong MV này vô tình rơi vào cả hai điều này.
“Lột xác” đến hai, ba lần, nhân vật chính dường như vẫn chưa hài lòng, vẫn được câu chuyện đưa đẩy phải lột xác thêm lần nữa. Việc kể câu chuyện thay đổi nhiều lần đến vậy khiến người xem có cảm giác nó đang cổ súy cho tinh thần “không bao giờ hài lòng với bản thân” – với bất cứ ai, giữ tư tưởng đó luôn khiến cuộc đời họ khổ sở. Nếu không hài lòng với bản thân vì một lý do gì đó lớn lao, người ta có thể bớt lý trí đi để không soi xét, nhưng đây là vì một bộ ngực hơi nhỏ, vì một chàng trai thấy gái vòng một đẫy đà đi qua là liếc mắt thòm thèm, như chiếc bánh bao đầy dụng ý trên bàn ăn. Họ gán cho điều này thông điệp gì vậy? thay đổi vì tình yêu của cuộc đời? Ôi những thứ tình yêu của cuộc đời sao nó lại đơn giản vậy – một đoạn video dài hơn 8 phút nhưng cho ra những thứ thông điệp méo mó và rời rạc.
Câu chuyện xoáy sâu vào những người phụ nữ không biết trân trọng bản thân mình, để một xã hội miệt thị ngoại hình họ nhưng bản thân các nhân vật đó cũng được xây dựng là những người không bao giờ chấp nhận vẻ ngoài: Khuôn mặt không đẹp, ngực hơi “lép” là phải cuống cuồng nhét hai chiếc bánh bao vào trong áo – phụ nữ ngực lép họ không lố đến vậy, cũng chẳng bao giờ phải “kịch” như vậy để che đi điều mà người đời cho là khiếm khuyết.
Trên mạng xã hội, có những lượt bình luận đùa rằng, thông điệp của MV này phải là “trên đời này không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ xấu không có tiền để làm đẹp”. Quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ của ekip lần này thực sự phải rất táo bạo và dũng cảm khi đưa ra nhiều những tình tiết trái chiều như vậy.
Đôi khi nói nhiều không phải cách hay khi câu chuyện càng lúc càng sa đà vào những thứ thừa thãi, vô duyên. Ý tưởng là một sự chắp vá, lấy từ những video hài kịch vốn đã nổi rần rần từ rất lâu, nếu có điểm gì để khen cho một MV quảng cáo trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ như này, chắc đó là sự đầu tư lớn để có một dàn diễn viên, ca sĩ nổi tiếng vậy.
Điều cuối cùng, có lẽ không nằm trong câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi tại sao nói về câu chuyện những người phụ nữ muốn phẫu thuật thẩm mỹ lại cứ phải dùng hình ảnh những người nam giới giả gái? Tôi tin rằng khi muốn truyền đi một thông điệp có ý nghĩa, yếu tố gây cười cần phải tiết chế một cách khéo léo.
Theo Trí Thức Trẻ
Loạt nhân vật bị 'ném đá' khi tham gia game show hẹn hò
Trong khi Mon 2K hứng "gạch đá" vì có màn hôn táo bạo trên sóng truyền hình, cô gái tên Giang Coco bị miệt thị ngoại hình và chê bai cách nói xen lẫn nhiều từ tiếng Anh.
Mon 2K (tên thật Trần Ngọc Ánh, sinh năm 1994) là cô gái được dân mạng mệnh danh "hot girl tai tiếng" vì có phát ngôn miệt thị cơ thể phụ nữ và thường xuyên phô thân táo bạo. Gần đây, cô đổi tên thành Ly Ly, tham gia game show hẹn hò trên sóng truyền hình. Tại chương trình, cô có màn hôn táo bạo người chơi nam và bị dân mạng "ném đá".
Nhiều người cho rằng cái tên Mon 2K đã "hết thời" và đây là cách cô cố tình gây chú ý trở lại. Đáp trả điều này, cô nói với Zing.vn là tham gia game show để tìm người yêu chứ không phải PR bản thân. Tuy nhiên, dân mạng nói lời lý giải này khó tin vì những lùm xùm trước đó của cô.
Xuất hiện tại talkshow hẹn hò của Dustin Nguyễn vào ngày 9/6, Giang Coco bỗng bị dân mạng "ném đá" ngoại hình và cách nói chuyện xen lẫn nhiều từ tiếng Anh. Nhiều người cho rằng cô gái này có phần thể hiện hơi quá đà khi nói về bản thân và chuyện tình cảm.
Sau khi chương trình phát sóng, không ít người dùng lời lẽ gay gắt để chê bai ngoại hình và cách nói chuyện của cô gái này. Một số dân mạng còn vào trang cá nhân Giang Coco để lại bình luận miệt thị cơ thể 9X.
Nguyễn Đức Cảnh (27 tuổi, Hà Nội) là trường hợp tiếp theo bị dân mạng "ném đá" vì chia sẻ quan điểm tình yêu trên sóng truyền hình. Tại chương trình Bạn muốn hẹn hò, anh chàng nói khi đi chơi, bản thân chỉ trả tiền hai bát phở chứ không đồng ý thanh toán nếu bạn gái ăn thêm.
Trước nhiều chỉ trích như "ích kỷ", "keo kiệt" từ dân mạng, Đức Cảnh nói bát phở chỉ là ví dụ, quan trọng đối phương phải chia sẻ chuyện kinh tế trong lúc yêu nhau.
Cô gái gây chú ý sau khi tham gia chương trình hẹn hò giấu mặt. Cách nói chuyện, biểu cảm, ngoại hình của Giang Coco, cô gái xuất hiện trong một show hẹn hò gần đây, trở thành chủ đề chế giễu của một bộ phận dân mạng.
Ảnh: FBNV, Instagram NV
Theo Zing
Bị chê là ông chú béo khi đang xếp hàng mua gà rán, phản ứng cực gắt của người đàn ông đã khiến bà mẹ vô duyên "tức nổ mắt" Không chỉ khiến cộng động mạng hả hê, mà người chê anh chàng này béo cũng phải ôm ngay về một "cục tức". Body-shaming hay "miệt thị ngoại hình" là một hình thức dùng ngôn ngữ để chê bai, chế giễu người khác. Cho dù là đùa, mua vui hay là răn đe trẻ con, thì điều này cũng hoàn toàn không nên...