Khi vợ nổi như sao còn chồng lặn mất tăm
Tôi phụ trách về kỹ thuật còn cô ấy giao dịch kiêm quản lý tài chính, sổ sách. Phân công như thế cũng phù hợp, vì vợ tôi giỏi giao tiếp, dễ gây thiện cảm với mọi người.
ảnh minh họa
Do tính chất công việc nên cô ấy thường cùng lãnh đạo tiếp khách, bàn bạc công việc và tổ chức các hội nghị, đi giao dịch, ký kết.
Tôi cũng mừng vì vợ thăng tiến nhanh, có tiếng nói khiến nhiều người nể phục. Nhưng rồi dần dà, cô ấy nổi bật còn tôi như một cái bóng mờ nhạt trong mắt bạn bè. Ai có việc gì cũng chỉ hỏi ý kiến cô ấy, đến chơi gia đình tôi, họ cũng trò chuyện rôm rả với cô ấy. Đến mức tên tôi cũng dần bị gọi theo tên vợ.
Bạn bè bảo tôi chuyển đi nơi khác làm việc, chứ kỵ nhất là vợ chồng cùng làm một nơi, “cái gì đối phương cũng biết”, nhất là nơi này cô vợ thì nổi như sao, anh chồng dần lặn mất tăm. Như vậy, trước sau gì cô vợ sẽ coi thường chồng, đó là quy luật, và sẽ ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Cô ấy không coi khinh hay hỗn hào, nhưng việc quan tâm đến ý kiến của chồng trong nhiều chuyện đã không còn.
Tôi không phải anh chồng vô tích sự, cũng chả phong kiến, nhưng cứ như thế này tôi không thoải mái. Theo chị, chuyển công tác thì có nên không và tình hình có dễ chịu hơn không? Tôi nên thuyết phục cô ấy thế nào (vì tôi biết cô chắc không muốn xáo trộn, lương bổng của tôi ở đây cũng tốt)? Mong thư chị.
Vợ anh giỏi giang rồi coi thường chồng, hay là anh suy đoán tương lai sẽ như vậy và lo lắng? Dù sao thì nó đã xuất hiện thành vấn đề khó chịu trong anh và anh muốn thay đổi điều đó.
Thật ra, rất ít cặp vợ chồng muốn làm việc chung cơ quan, có nhiều lý do, tốt xấu còn tùy vào chính mối quan hệ gia đình của họ. Đã không êm ấm quý trọng nhau, phải đối phó từ chuyện che giấu tiền bạc thì không thể yên tâm khi cùng biết rõ các khoản thu nhập. Về giờ giấc, phía này cũng “biết tỏng” phía kia đi làm hay đi chơi, quan hệ thân thiết với ai… Nhiều người khó chịu, đơn giản vì không… nói dối nhau được. Ngoài ra, ngay những cặp êm ấm không có gì đối phó cũng cảm thấy khó khăn trong các tình huống tế nhị như khi họp hành, bầu bán (thậm chí xét phê bình biểu quyết, lấy ý kiến đề bạt lên lương này nọ, rất khó nói, dễ bị hiểu sai). Nhiều khi cô vợ điều hành hội nghị, anh chồng ngồi bên dưới ngại phát biểu vì phải giơ tay “xin phép” chủ tọa. Dù có nói nữ quyền bình đẳng, ai cũng hiểu đó là chuyện bình thường, nhưng về “tâm lý xã hội” lại khó tránh sự khó chịu. Vì vậy, anh chồng cần có bản lĩnh vững vàng. Bản lĩnh ở đây không chỉ ở tâm lý, mà anh phải khẳng định được tài năng, vị trí của mình, rằng mình không phải người chồng vô tích sự. Thiếu gì cặp mà cả vợ chồng đều giỏi các công việc khác nhau và có uy tín giữ vai trò tốt trong cùng một đơn vị.
Hạnh Dung nghĩ, anh đã hiểu rõ vợ mình chí thú với công việc và giỏi giang, nếu chồng cũng giỏi trong lĩnh vực của chồng thì chả ai dám nghĩ xấu. Anh nên thoải mái nêu ý kiến của mình, người vợ giỏi bao giờ cũng biết suy xét lắng nghe. Anh có thể thăm dò ý vợ về việc chuyển đi, nói rõ lo lắng phiền toái của anh, tôi tin chị ấy sẽ cho anh biết ý kiến của mình và anh sẽ dễ quyết định hơn. Phải ra đi vì thấy bị áp chế thì khác với những tính toán hợp lý. Hạnh Dung nghĩ, việc này cần có quyết định thống nhất, để khỏi gây ra mâu thuẫn mới, cũng là một dịp vợ hiểu tâm lý chồng hơn và biết giữ gìn trong cư xử.
Theo VNE