Khi vợ không đi làm – có vô tích sự không?
Vợ: Dù em vẫn tất bật tối ngày nhưng trong mắt mọi người em vẫn như kẻ vô tích sự.
Ảnh minh họa: Internet
Em không phải người phụ nữ thích ỷ lại chồng. Em càng không phải người phụ nữ không biết làm gì nên phải ở nhà giặt rũ, cơm nước. Nhưng vì chúng ta không sắp xếp được người trông con nên em đành ở nhà chờ khi con lớn hơn. Bố mẹ hai bên đều không thể trông cháu. Thuê ôsin thì hai vợ chồng đều không thích vì tự dưng có người lạ ở trong nhà, và cũng không dám chắc họ nuôi con theo đúng ý mình. Gửi con đi học sớm thì thật khổ thân nó.
Trong cuộc lựa chọn giữa em và anh, ai là người ở nhà, em đã chấp nhận. Lúc ấy cả hai chúng ta đều chỉ nghĩ việc nuôi con, dạy con là điều quan trọng nhất. Anh còn bảo “Cảm ơn em đã hy sinh vì con”.
Video đang HOT
Nhưng thời gian trôi đi, điều thiêng liêng đó đã nhạt nhòa. Mỗi tháng anh đưa cho em một khoản tiền rồi bảo “cố gắng tiêu cho tiết kiệm nhé”, chứ không như ngày xưa, anh chỉ đưa tiền cho em chứ không có lời dặn dò kèm theo. Anh sợ em không đi làm nên đã quên giá trị của đồng tiền? Mỗi lần vợ bảo “Anh ơi, giờ cái gì cũng tăng giá…” thì anh vội nói “Anh đưa thế em vẫn tiêu chưa đủ à”. Những lúc ấy vợ thấy mình như gánh nặng.
Đôi lúc vợ mệt, nằm nghỉ thì chồng càm ràm “Anh có để em vất vả đâu mà cũng ốm nhỉ”. Anh còn kể người phụ nữ này, người phụ nữ kia lăn lộn trong công việc để nuôi gia đình. Em muốn nói với anh rằng, phụ nữ phải ở nhà trong khi họ có thể làm việc xã hội thì đó mới là sự đày đọa.
Không những thế, em còn cảm thấy anh đang coi thường trình độ của em. Ví như khi anh kể về khó khăn ở cơ quan, em góp ý thì anh lại bảo “Em ở nhà không biết được đâu”. Anh nghĩ vợ ở nhà thì lạc hậu u tối, không như các em năng động xinh đẹp ngoài kia ư? Đó chỉ là những người vợ không có ý chí học hỏi thôi.
Còn em vẫn tranh thủ lúc con ngủ để lên Internet đọc tin tức, thậm chí vẫn tìm hiểu về chuyên môn, vẫn nói với các đồng nghiệp cũ để mình không tụt hậu. Em cũng không muốn là một cô vợ suốt ngày chui trong những bộ đồ ngủ nhăn nhó, những bộ quần áo đơn giản khi vào bếp.
Ở nhà cũng cần mặc đẹp. Nhưng nhiều lần muốn mua chiếc váy đẹp, mua hộp mỹ phẩm mà em không dám vì cảm giác đó là tiền của anh. Nên dù đã lường trước được việc vợ ở nhà thì dễ thành lôi thôi, xấu xí, vậy mà em vẫn bị xấu đi nhiều so với việc được đi làm. Em muốn được đi làm để xinh đẹp hơn, thoái mái hơn, chồng ạ!
Em nghĩ với những người phụ nữ không đủ kiến thức trình độ, không có khả năng kiếm tiền được bằng chồng, họ bị coi thường đã là không hợp lý. Bởi vì sao, vì họ cũng thay vì lao động kiến thức thì đang làm việc chân tay quần quật kìa. Có họ ở nhà lo việc nhà cửa, lo con cái học hành nên chồng mới thuận lợi công tác hơn đấy. Đằng này, em cũng là người có trình độ, có thể kiếm một việc làm tương đối với thu nhập cũng tương đương anh.
Bây giờ chúng ta đổi vai nhé, anh ở nhà, em sẽ đi làm, anh có thể chỉ cần thử 1-2 tháng thôi. Hoặc em cũng sẽ đi làm và chúng ta thuê osin. Anh có thấy thoải mái khi có osin trong nhà không? Anh có tin tưởng osin chăm con tốt hơn em không?
Chồng: Nếu thực sự còn thương yêu anh, đừng bắt anh ở nhà thay em.
Anh đã nghĩ giá như vợ anh thuộc tuýp người không giỏi giang, không kiến thức có lẽ chúng ta đã yên ổn hơn và chắc em đã không nặng lời như hôm nay. Em sẽ chấp nhận việc ở nhà như một lẽ đương nhiên và cam chịu. Và có lẽ lúc ấy anh sẽ không phải đau đầu vì cái sự tự tôn, tự trọng cao vợi của em. Nhưng nghĩ kỹ hơn, anh thấy thật may mắn vì vợ mình có lòng tự trọng cao, có kiến thức. Anh xin lỗi đã để em tủi thân.
Nhưng em à, anh nghĩ, có lẽ từ khi ở nhà nội trợ, em nhạy cảm hơn, dễ tủi thân hơn đấy. Ngày xưa, nếu anh nói “Em làm sao biết được việc ấy”, em sẽ tự tin nói “Vì có anh biết rồi, nhà có hai người thì một người biết là đủ, em phải biết việc khác nữa chứ”. Vậy mà bây giờ, khi anh nói ý đó, thì em nghĩ luôn rằng anh đang coi khinh em. Rõ ràng em cũng đã nhạy cảm và suy diễn hơn đúng không nào? Và điều đó khiến chính em căng thẳng hơn.
Còn về việc anh kêu “Anh đưa thế, em vẫn tiêu chưa đủ à” không phải vì trách em đâu mà anh tự giật mình, tự lo lắng vì bản thân kiếm không đủ đấy. Khi đồng ý để vợ ở nhà nuôi con, anh nghĩ người chồng nào cũng sẽ thấy áp lực đấy em ạ. Như anh, anh cũng thấy trách nhiệm kiếm tiền của mình phải lớn hơn. Thế nên khi em không thoải mái về tiền thì anh sợ, anh thấy mệt mỏi, thấy trách mình. Và đôi khi cũng vì những áp lực như thế mà anh kém sáng suốt, nói năng không được tinh tế như trước. Hãy thông cảm cho anh, vợ nhé. Và đặc biệt đừng cố suy diễn vẫn đề làm gì, được không em?
Còn về việc em không dám mua thêm chiếc váy đẹp, lọ mỹ phẩm, đó là lỗi của anh. Thực sự anh đã vô tâm không để ý đến điều đó. Anh đã nghĩ em ở nhà nội trợ thì không hay dùng. Nhưng giờ anh hiểu, những người phụ nữ nội trợ hiện đại như vợ anh thì sẽ khác. Anh sẽ tích cực kiếm tiền hơn để em không phải đắn đo chuyện đó nữa, và cũng để xứng đáng với người vợ hiện đại.
Anh công nhận vợ anh là một bà nội trợ hiện đại, em luôn thoát khỏi mẫu hình người phụ nữ nội trợ xưa kia. Anh thật may mắn vì điều đó. Và bằng chứng để chứng tỏ anh tôn trọng em đó là, anh không bao giờ ra ngoài than thở về vợ mình. Anh cũng hứa là sẽ lắng nghe hơn để hiểu những cảm xúc của em. Đừng giận anh nữa nhé!
Em à, anh nghĩ đàn ông hiện đại, nếu không kiếm tiền bằng vợ thì ở nhà cho vợ đi làm cũng bình thường thôi. Nhưng em ơi, chồng của em vụng về việc nhà lắm, vụng hơn em rất rất nhiều. Giờ em mà để anh ở nhà thì hỏng việc đấy. Ba bữa nửa tháng có khi con mình sút mất vài cân vì anh không khéo chăm. Anh nghĩ, chỉ cần con được khoảng 3 tuổi, lúc đó chúng ta cho con đi học, và anh hứa sẽ không ép em ở nhà đâu. Anh sẽ phụ giúp em việc nhà khi em đi làm. Anh muốn em hãy tin, với người phụ nữ thông minh, luôn học hỏi như em thì dù em ở nhà hay em đi làm, những ông chồng như anh không thể không tôn trọng.
Theo Tienphong