Khi trẻ bị xâm hại chọn im lặng
Thông tin liên quan tới trẻ em bị quấy rối, xâm hại tình dục ngày một nhiều, gây bức xúc trong dư luận.
Thạc sĩ tâm lý Hoàng Dương – Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM – từng tiếp nhận nhiều bệnh nhi là nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục. Đa phần các bé chọn cách im lặng trước phụ huynh và chuyên gia tâm lý. Bên cạnh đó, sự thiếu tế nhị và kỹ năng trò chuyện của cha mẹ cũng khiến sự việc thêm tồi tệ.
Tại sao con im lặng?
Theo thạc sĩ Hoàng Dương, trẻ chọn im lặng được chia ra làm hai nhóm: Im lặng do còn quá nhỏ nên không nhận thức được và im lặng vì cha mẹ không thiết lập được mối quan hệ với con khiến trẻ không tin tưởng để chia sẻ (gặp nhiều ở độ tuổi vị thành niên).
Một trường hợp điển hình ở nhóm thứ nhất. Đó là bé gái mới chỉ hơn hai tuổi. Bé được cha đưa đến khám trong tâm trạng căng thẳng. Khi tiếp xúc với bé, thạc sĩ Dương dùng đủ cách thông qua các trò chơi, hình vẽ, kể chuyện, nhưng xu thế phòng vệ của bé rất cao, rất nhút nhát và không nói gì. Cha của bé nghi ngờ con gái bị xâm hại bởi người thân. Do thấy bé đang chơi dưới phòng người đó thì khóc thét. Ngay tối đó, cha bé phát hiện đáy quần con có dính máu. Người cha đau khổ chia sẻ: “Tôi đã hỏi con rất nhiều rằng người đó làm gì con, có phải làm thế này thế kia không, nhưng cháu không nói. Không khai thác được thông tin từ con nên tôi đưa đi khám tâm lý để xác minh nghi ngờ của mình”. Chính sự lặp đi lặp lại những câu hỏi trực diện của người cha một cách thô bạo đã khiến bé gái thêm tổn thương, tâm trí ngây thơ của bé như bị cắt cứa khắc sâu thêm nhiều lần, khiến bé hoảng sợ và co cụm lại.
Trường hợp thứ hai là bé gái 5 tuổi. Người mẹ cũng không trò chuyện được với con, bà chỉ phỏng đoán: “Tôi thấy bé hay sờ bộ phận sinh dục, tôi lo chắc bé bị ai đó lạm dụng nên mới có biểu hiện lạ như thế”. Quá trình tiếp cận bé gái này vô cùng gian nan, thạc sĩ Dương tốn gần 3 tháng để tạo được sự tin tưởng cho bệnh nhi, để bệnh nhi chịu tương tác với mình. Qua các bức tranh bé vẽ, thạc sĩ Dương xác định đúng là đứa trẻ này có sự quan tâm tới bộ phận sinh dục nhưng chưa thể kết luận bé có bị quấy rối hay không.
Nhận biết sớm sự bất thường
Phụ huynh cần dạy con cách phòng tránh bị xâm hại tình dục, cụ thể từ việc giáo dục giới tính cho con. Từ khi trẻ lên 3 tuổi, cha mẹ đã có thể dạy cho con về các bộ phận trên cơ thể (dùng từ thật chính xác), dạy con vùng nào người khác không được đụng đến, trong trường hợp nào người khác có thể hôn con, hôn vào chỗ nào, khi họ vẫn cố tình, con phải đẩy ra. Khi vào nhà vệ sinh con phải đóng cửa vì sao… Đối với trẻ vị thành niên thì cha mẹ cần nói thẳng như thế nào có thể mang thai, tình huống xử lý khẩn cấp khi bị xâm hại, cách tránh thai…
Video đang HOT
Khi nghi ngờ con bị quấy rối tình dục, trước tiên cha mẹ cần bình tĩnh, tránh những câu hỏi trực diện. Nếu cha mẹ làm bạn với con, đứa trẻ sẽ tự nhiên chia sẻ câu chuyện của mình. Chuyện đưa nhau ra tòa, kiện cáo là việc của người lớn, nhưng về mặt lợi ích của đứa trẻ, cần tránh tình trạng hết lần này tới lần khác lôi con ra làm bằng chứng, khắc sâu thêm tổn thương trong tâm hồn các bé.
Những biểu hiện trẻ có nguy cơ đã bị quấy rối tình dục
- Sự thoái lui về cảm xúc: trẻ trở nên nhút nhát, lệ thuộc hơn vào người chăm sóc, nhõng nhẽo hơn, hoặc cáu gắt hơn.
- Buồn, thẫn thờ. Thảng thốt khi bị gọi tên.
- Với những trẻ nhỏ 2-4 tuổi, có một dấu hiệu ít được để ý: trẻ lặp lại tình huống đã gặp khi chơi với gấu bông, búp bê.
- Trẻ ở tuổi vị thành niên thường cố gắng che giấu, thiếu tập trung, học hành giảm sút, tự ti. Những bé này không mơ ước về tương lai hay có hoài bão gì, khi được hỏi bé thường trả lời không biết mình thích gì, sau này làm gì và trở thành ai.
Thanh Huyền
Theo phunuonline.com.vn
'Đừng nhìn các bé bị xâm hại tình dục bằng ánh mắt tội nghiệp'
Chuyên gia tâm lý Hoài Yến cho rằng ánh nhìn thương xót, tội nghiệp của xã hội chỉ làm tăng thêm nỗi đau đối với trẻ bị xâm hại.
Bạo lực học đường, xâm hại tình dục là vấn đề nhức nhối, để lại hậu quả lâu dài nhưng các chuyên gia thừa nhận khung hình phạt của pháp luật dành cho tội này không tương xứng, gây "phản ứng ngược" trong cộng đồng.
Khó loại trừ xâm hại tình dục?
Tại buổi tọa đàm " Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - chống được không?", do báo Tiền Phong tổ chức sáng 8/4 , thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên ĐH An ninh Nhân dân, cho biết thời gian qua, xã hội chú ý và bức xúc với vấn đề bạo lực học đường, xâm hại trẻ em vì nó đang diễn ra liên tục với mức độ nghiêm trọng hơn trước. Mặt khác, chính phụ huynh, học sinh nhận thức được quyền của mình và lên tiếng mạnh mẽ.
TS Lê Hoàng Việt lâm chia sẻ với học sinh về bạo lực học đường và xâm hại tình dục. Ảnh: M.N.
Thiếu tá Lâm cũng thừa nhận pháp luật đang không theo kịp diễn biến thực tế ngoài xã hội, tạo ra kẻ hở. Những hành vi vừa mới xảy ra nhưng lại áp dụng những quy định của trước đây, tạo "phản ứng ngược" trong cộng đồng. Đơn cử là việc xử phạt 200.000 đồng với đối tượng Đỗ Mạnh Hùng trong vụ việc sàm sỡ ở Hà Nội là một minh chứng.
Các đối tượng thực hiện hành vi dâm ô, xâm hại tình dục thường chọn trẻ em vì các bé thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Nhiều em không phân biệt đâu là hành vi dâm ô, đâu là hành động thể hiện sự yêu thương. Bởi vì, giới hạn giữa dâm ô và yêu thương đôi khi rất gần nhau.
Ông Lâm đề nghị nhà trường và gia đình cần dành nhiều thời gian cho con, cũng như học hỏi và đề ra quy định trong giáo dục nhân cách cho trẻ. Gia đình, thầy cô hãy biết lắng nghe và gần gũi để biết những tâm tư, suy nghĩ mà con trẻ cần.
Mỗi trường nên có lực lượng chuyên trách về tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục giới tính. Đồng thời, nhà trường nên tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh.
Học sinh lắng nghe những phân tích từ các chuyên gia. Ảnh: M.N.
"Vấn đề mấu chốt là chúng ta phải tìm cách phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế nó ở mức tốt nhất. Giải quyết nó chắc chắn không thể ngày một ngày hai, cũng không thể chỉ có vài giải pháp, cũng chẳng thể nào do một vài cơ quan chức năng thực hiện...
Nó cần phải có những giải pháp tổng thể, giải quyết căn cơ từ gốc, ở đó có sự tham gia của cả cộng đồng, xã hội, truyền thông hay chính bản thân những người có khả năng bị xâm hại, bạo lực", ông Lâm nêu quan điểm.
Cho trẻ môi trường an toàn chứ không phải lòng thương hại
Từng chữa trị cho nhiều trường hợp sang chấn tâm lý khi bị xâm hại tình dục, bà Phan Thị Hoài Yến, giảng viên bộ môn Tâm lý Y học, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết nhiều nạn nhân tưởng như đã nguôi ngoai nhưng đến 10 năm sau, nỗi đau vẫn ám ảnh, đeo đẳng.
Theo bà Yến, khi phát hiện con em mình bị xâm hại tình dục, điều gia đình cần làm ngay lập tức không phải là nghĩ cách bảo vệ chứng cứ hay đắn đo có nên trình báo công an hay không.
"Điều trẻ cần nhất chính là sự vỗ về, cảm nhận sự an toàn từ người thân và người xung quanh. Việc bắt trẻ kể lại sự việc, dù chỉ một lần cũng góp phần in sâu vào đầu trẻ những điều tồi tệ vừa xảy ra", bà Yến nói.
Chuyên gia tâm lý Hoài Yến cho biết những nạn nhân của xâm hại tình dục sẽ chịu ám ảnh kéo dài có khi là cả đời. Ảnh: M.N.
Chuyên gia tâm lý cho hay khi sự việc xảy ra, câu hỏi thường trực của nạn nhân và gia đình là: "Tại sao lại là tôi?", "Tại sao con tôi phải chịu đựng những điều này?". Phụ huynh sẽ phân vân nên đưa vụ việc ra ánh sáng, cho mọi người biết hay âm thầm chịu đựng.
"Việc quan trọng nhất ngay lúc đó là làm cho trẻ bình tâm, ôm con vào lòng, vỗ về và nói rằng lỗi này không phải do bé. Sau đó, chúng ta sẽ nói chuyện và hỗ trợ bằng cách cho người thân luôn bên cạnh trẻ trong thời gian tương đối. Khi các em cảm thấy an toàn, bình tĩnh, gia đình mới nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ chuyên gia tâm lý, luật sư", bà Yến hướng dẫn.
"Nhiều người cảm thấy tội nghiệp cho nạn nhân. Các em đi đâu cũng có nhiều người nhìn tỏ vẻ thương xót. Thực tế, các em không cần được thương xót mà cần sự an toàn, phải được hỗ trợ tâm lý để vượt qua", bà Yến nhấn mạnh.
Theo Zing
Đây là những điều cha mẹ cần dạy con về tình dục ở tuổi dậy thì Tùy thuộc độ tuổi của con mà cha mẹ sẽ có các biện pháp giáo dục phù hợp về tình dục. Ở độ tuổi dậy thì trẻ cần được biết nhiều hơn về tình dục an toàn và sự đồng thuận khi "yêu". Theo Health Line, cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức về tình dục của con nhiều hơn họ...