Khi trẻ bị bỏ rơi trong chính gia đình!
Chắc có lẽ tin tức khiến nhiều người buồn nhất trong mấy ngày qua là tin tức về việc Hào Anh- cậu bé bị bạo hành đã bị công an huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) bắt giam 2 tháng nay vì liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản.
Buồn nhưng không bất ngờ bởi con đường trượt dài của Hào Anh không phải mới chỉ bắt đầu từ hôm nay, từ khi em nhận được số tiền gần 900 triệu đồng mà các nhà hảo tâm quyên góp, cậu bé đã thay đổi. Dư luận xã hội “nổi sóng” khi cho rằng: Đồng tiền đã làm hỏng cậu bé, tình thương không đúng cách đã làm hỏng cậu bé. Nhiều bạn đọc trên mạng hối hận vì đã từng quyên góp tiền cho em, họ bảo giá số tiền đó được chuyển thành một suất học bổng kéo dài trong nhiều năm thì đời em đã khác.
Câu chuyện Hào Anh ăn cắp trước đây khiến nhiều người hoài nghi dù em đã được minh oan. Đến chuyện Hào Anh đập phá đồ đạc, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà khiến dư luận ngỡ ngàng và tổn thương. Ngỡ ngàng vì khả năng “đốt tiền” của một cậu bé 18 tuổi. Nhiều người bị tổn thương vì số tiền họ bỏ ra, gửi gắm cả bao nhiêu tình thương tới cậu đã không được sử dụng một cách xứng đáng. Đến khi Hào Anh bị bắt vì ăn cắp, một bạn đọc thốt lên: “Tôi đã từng rất xúc động khi thấy Hào Anh bị đánh đập dã man và rất mừng khi biết Hào Anh được cả xã hội quan tâm đến, nhưng có lẽ tình thương của chúng ta đã đặt nhầm chỗ mất rồi”.
Làm từ thiện – chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là một hành động đẹp, cần khuyến khích trong bất cứ xã hội nào để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng giúp bằng cách nào lại là cả một vấn đề. Giúp đỡ bằng tiền mặt – vật chất, có thể giải quyết nhanh vấn đề nhưng lại không giải quyết được những vấn đề trong tương lai, cái mà đối tượng cần hơn.
Hào Anh khi bị bạo hành và giờ đây là trại tạm giam.
Nhiều người cho rằng, giúp đỡ Hào Anh một số tiền lớn, nhưng không ai dạy em cách tiêu tiền khiến cậu bé có tư tưởng hưởng thụ để bù đắp cho những ngày tháng thiếu thốn khó khăn. Hào Anh đã nhanh chóng tiêu hết số tiền mình được hưởng và vẫn chưa có một nghề gì ra hồn trong tay. Cậu vẫn thường xuyên phải ngửa tay xin tiền mẹ, và khi túng thiếu thì đi ăn cắp để rồi bị bắt giam.
Cái mà Hào Anh cần là sự chữa trị những tổn thương về tâm lý, được giáo dục, định hướng để vào đời thì lại không có. Theo TS Khuất Thị Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, quá trình hỗ trợ các trường hợp bị tổn thương về tâm lý như Hào Anh cần có quá trình dài, đủ để nhân vật được hỗ trợ ổn định cả thể chất và tâm lý. Ngoài ra, không phải chỉ hỗ trợ bằng tiền, các cơ quan chức năng cần phải hỗ trợ về phương kế sinh nhai, công việc để ổn định tương lai lâu dài… “Chúng ta đã giúp đỡ Hào Anh nhưng không tới nơi tới chốn. Nhiều đứa trẻ mới lớn, bình thường nếu không có công ăn việc làm, không được định hướng đúng còn dễ dính vào tệ nạn xã hội nữa là Hào Anh đã từng sống trong môi trường bạo lực, bị sang chấn tâm lý và không được học hành. Đáng ra cậu bé phải được quan tâm nhiều hơn về mặt tâm lý, tinh thần chứ không phải vật chất như vậy. Các nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất, họ không có lỗi. Trách nhiệm còn lại thuộc về các cơ quan chức năng. Đáng ra, các cơ quan này cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp về giáo dục, việc làm, giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý… Cần có hình thức hỗ trợ lâu dài chứ không phải đưa một cục tiền cho nạn nhân rồi muốn làm gì thì làm”, bà Hồng nói.
Nhiều kiến giải, nhiều phân tích, nhưng điều sâu xa hơn trong câu chuyện của Hào Anh mà dường như chúng ta quên: Cậu bé Hào Anh có được sống một cuộc sống đầy đủ tình yêu thương trong chính gia đình của mình không? Hôm nay, câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra khi Hào Anh bước ra khỏi trại tôm 5 năm trước một lần nữa được đặt ra: Cha mẹ cậu bé đã ở đâu suốt chặng đời nhiều bi kịch của Hào Anh? Một người mẹ tốt thì đã không thiếu quan tâm đến mức không biết con mình bị bạo hành bao ngày tháng. Một người mẹ có lương tâm thì đã đón con về nhà thay vì giao phó cho trại bảo trợ xã hội. Các bạn có thể viện dẫn những hoàn cảnh riêng, những nỗi khổ tâm riêng. Nhưng chẳng có người mẹ có lương tâm nào mà lại bỏ hoang đứa con dứt ruột đẻ ra vì “hoàn cảnh riêng” vì “nỗi khổ tâm riêng”. Hình như cái bi kịch nhất của những đứa trẻ không phải là việc một mình cầu bơ cầu bất gầm cầu xó chợ hay…trại tôm, mà là việc chúng bị bỏ rơi ngay trong chính gia đình mình!
Theo Nha bao & Công luân
Hãy giúp Hào Anh hướng thiện!
Có thể nhiều người "bực mình" nói rằng: "Tốn quá nhiều giấy mực về cậu này". Nghiêm khắc hơn thì: "Hãy để pháp luật dạy dỗ Hào Anh nên người"... Tuy nhiên, tiếp xúc với Hào Anh, chúng tôi hiểu rằng, cậu ấy chưa "hỏng", cậu ấy không cần nữa (và cũng không nên) được giúp đỡ bằng vật chất, cậu ấy rất cần được ủng hộ về mặt tinh thần để hướng thiện!
Trước khi gặp Hào Anh (tên thật là Nguyễn Hoàng Anh, SN 1996, tạm trú TP.Cà Mau), tôi từng... hết thiện cảm khi biết hàng loạt các thông tin không hay về cậu ấy: Vòi vĩnh mẹ đưa hàng trăm triệu (tiền từ thiện của các nhà hảo tâm giúp Hào Anh) để ăn chơi, đập phá đồ đạc, đuổi mẹ đẻ và cha dượng ra khỏi nhà, nhuộm "quả" đầu nửa trên đỉnh vàng chóe,... Vậy nhưng, khi tiếp xúc, tôi nhắc mình phải thực tâm, bao dung để chuyển tải khách quan chân dung một con người "đặc biệt" đến bạn đọc.
Hãy giúp Hào Anh hướng thiện
Ngày 6-7-2015, nghe tin Hào Anh bị Công an huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) khởi tố, bắt giam cùng người em họ (thực ra là dì họ) về hành vi trộm dàn máy vi tính của một cơ sở sản xuất nước tương tại địa bàn huyện Đơn Dương, tôi thất vọng, (chắc cũng giống một số người) - nghĩ rằng: "không khá lên được!".
Tôi nhấc điện thoại xin phỏng vấn một vị lãnh đạo Công an huyện Đơn Dương, mục đích xác tín thông tin trên để viết về Hào Anh trong tình cảnh hiện tại.
Từ chiều tối ngày 6-7 và suốt nửa ngày 7-7, hàng loạt các trang báo viết bài, đưa tin về "vụ Hào Anh"; đến một số cơ quan liên hệ công việc cũng nghe nhiều lời bàn tán, đa phần là "thất vọng, chán, không buồn quan tâm, thậm chí là bực vì "bội thực" với thông tin về Hào Anh hiện tại. "Trăm nghe không bằng một thấy". Ý nghĩ ấy cứ thôi thúc, tôi quyết định gác mọi việc, bắt xe khách đến Công an huyện Đơn Dương, xin gặp bằng được "người nổi tiếng đầy tai tiếng".
Video đang HOT
Ở lứa tuổi 19, Hào Anh trông khá cao lớn và... hiền. Cái nét hiền này không hề giả tạo mà là thật chân chất miền Tây. Khác với đồng phạm - dì họ Phan Thảo Duy (SN 1994, HKTT phường 1, TP.Cà Mau) có vẻ mặt khá xấc, bất cần đời, nhìn tôi kiểu khó chịu vì đoán biết "lại bị lên báo".
Điều tra viên làm việc với Hào Anh, Thảo Duy
Lúc này em có buồn không? Có nghĩ là mình đã làm một việc rất sai, phạm pháp để phải vào nhà tạm giam Công an thế này? Nhiều người thấy buồn, thất vọng về em lắm, em có biết không? Em có muốn nói gì không?
(Hào Anh cúi mặt, bóp tay): Em xin lỗi mọi người. Em biết mọi người đã luôn quan tâm đến em, dành cho em một tình cảm quá lớn, nhưng em đã làm mọi người thất vọng.
Cảm giác như bị phản bội, phản bội niềm tin, kỳ vọng mà các nhà hảo tâm đã nghĩ em sẽ trở thành người tốt.
(Hào Anh vẫn cúi đầu): Em biết.
Nếu thời gian quay lại, Hào Anh nghĩ rằng em có muốn có được số tiền đó không. Nếu không có số tiền đó em sẽ như thế nào?
Em muốn số tiền đó. Thời gian chờ đến tuổi trưởng thành, em đã mong nhận được tiền để sống theo ý thích.
Chính thức Hào Anh nhận được bao nhiêu tiền từ các nhà hảo tâm?
Dạ, hơn 800 triệu.
Số tiền đó theo Hào Anh là lớn không?
Dạ, lớn.
Giờ hết tiền rồi, Hào Anh có tiếc không?
Em không biết chi xài, hết lúc nào chẳng hay.
Khi đó sao em không nghĩ dùng tiền đi học một cái nghề gì, như: sửa xe máy, cơ khí hay mở quán cà phê, quán ăn nho nhỏ để có nghề nghiệp sau này?
Em không học nghề được, em học không vô, em không nhớ được (những gì người khác truyền nghề lại - PV).
Sao lại không nhớ? Em đã thử học nghề chưa mà biết mình không nhớ?
Bạn bè, người quen em ở quê có làm nghề. Em không nhớ (không tiếp thu - PV) được.
Vì sao?
Vì đầu óc em, tay em run (trên đầu Hào Anh có đến trên 20 vết sẹo, đều khá to. Lưng, tay, đùi cũng có khoảng chừng đó vết tích do bị tra tấn hồi đi ở mướn - PV).
Hào Anh học đến lớp mấy thì nghỉ?
Em học hết lớp 5.
Lớp 5 mà em viết chữ đẹp quá nhỉ? Thế nghề gì thì thích hợp với em nhất?
Em thích nấu ăn.
Vậy sao khi có tiền em không mở quán ăn?
Em cứ nghĩ chơi đã rồi tìm nghề sau, nhưng...
Sau này ra trại, em sẽ làm gì?
Em xin đi học nấu ăn, nếu không được, em đi làm thuê.
Thu nhập của em ở Công ty Bình Dương mỗi tháng được bao nhiêu?
Dạ, 5,6 triệu đồng.
Nghe nói em không phải gửi tiền về phụ cha mẹ, vậy em chi xài ra sao?
Em đóng tiền phòng trọ, mua đồ cá nhân, quần áo.
Xài hết à?
Dạ.
Nên mới đi ăn trộm máy tính bán để có tiền xài à?
Dạ, không. Em trộm máy tính về để chơi game
Số tiền từ thu nhập đó không hề ít so với chi phí khá rẻ nơi đây. Sao em không để dành tiền mua máy tính?
(Im lặng)...
Theo lời khai của Hào Anh và Thảo Duy cùng tài liệu của Công an, cả hai đến thuê phòng trọ, tạm trú tại thị trấn D'ran (huyện Đơn Dương) từ tháng 3-2015, làm công nhân tại Công ty Bình Dương.
Việc nhận Hào Anh vào làm việc là do chủ doanh nghiệp ưu tiên khi biết lai lịch thanh niên này chứ không thiếu công nhân. Biết văn phòng công ty này cửa chỉ luôn khép hờ, không khóa, đêm 15-5-2015, Hào Anh rủ Duy đột nhập lấy trọn bộ một dàn máy tính mang về nơi trọ.
Sáng 16-5, cả hai chở nhau trên xe máy của Thảo Duy (cô này bỏ nhà đi cùng chiếc xe máy), mang máy tính trộm được đến một cửa tiệm nhờ phá mật khẩu. Nghi ngờ đồ trộm cắp, chủ tiệm báo Công an xã Lạc Xuân. Từ đây, sự việc bị vỡ lở.
Có thông tin hai cô cậu này "chơi" hàng đá, ma túy. PV trực tiếp gặng hỏi, cả hai khẳng định không có. Thượng úy Phạm Văn Vân Trường và cán bộ quản giáo trại tạm giam cũng xác nhận, không có chứng cứ về việc này.
Tháng 9-2014, khi xảy ra việc Hào Anh ngược đãi mẹ ruột, bị Công an TP. Cà Mau xử phạt hành chính 200.000 đồng, Hào Anh viết "tâm thư" xin lỗi cha mẹ. Nhiều bạn đọc thắc mắc, không biết Hào Anh học lớp mấy? Không tin đó là chữ viết của Hào Anh vì nét chữ giống con gái, khá sạch đẹp; cho rằng, có ai đó "đạo diễn" nhằm "lấy lòng dư luận" cho Hào Anh. Để làm rõ điều này, chúng tôi đã yêu cầu Hào Anh viết chữ, cùng đó là "Tờ tường thuật" của Hào Anh tại Công an huyện Đơn Dương, khẳng định, đúng là một nét chữ của Hào Anh.
Bản tự khai của Hào Anh
Suốt buổi phỏng vấn, Hào Anh tạo cho chúng tôi sự thiện cảm nhất định. Không thể "trông mặt mà bắt hình dong", nhiều người nhận xét, khuôn mặt của Hào Anh thiếu nét hiền lành, chân chất, có vẻ hơi lưu manh; nhưng hỏi cán bộ điều tra, quản giáo, công ty nơi Hào Anh làm việc cùng thời gian gần 3 tiếng đồng hồ quan sát, tôi tin rằng Hào Anh có bản tính lương thiện.
Do ảnh hưởng của những trận đòn tra tấn dã man lúc nhỏ, cha bỏ đi khi anh em Hào Anh mới chỉ là một bào thai (Hào Anh còn một người em trai sinh đôi); dồn dập đón nhận nhiều cung bậc cảm xúc (hoảng loạn, được quan tâm quá mức, sở hữu nhiều tiền, yêu đương sớm, thiếu sự định hướng...), Hào Anh có dấu hiệu sang chấn tâm lý, đầu óc không bình thường, dẫn đến thiếu kiểm soát hành vi.
Hi vọng cậu ta sẽ dừng lại ở tội danh nhẹ nhất trong các tội trạng. Hãy mở lòng với em!. Đôi khi, chỉ vì những định kiến áp đặt sai lầm mà dìm chết số phận một con người.
Hào Anh đáng trách, nhưng chưa đến mức bị tẩy chay. Những lời đổ lỗi, (nói Thảo Duy dụ dỗ Hào Anh đi ăn trộm), bao che cho Hào Anh của mẹ ruột em, cũng đáng được thông cảm. Người mẹ ấy hiểu và muốn chở che cho con mình. Hào Anh luôn nhắc đến mẹ với lòng ân hận, biết ơn.
Theo Công an TP.HCM
Bắt nữ quái trang bị vũ khí nóng để mua bán 'ma túy' Là con gái duy nhất của một gia đình vùng quê nghèo, chỉ có một mẹ một con, thế nhưng, 17 tuổi, thị đã theo chân nhóm dân "bụi", sống dặt dẹo dọc các bến xe, ga tàu, bất chấp lời khuyên ngăn của bạn bè, sự trông chờ mòn mỏi của người mẹ già. Cuộc sống buông thả, ăn chơi đua đòi...