‘Khi tôi trở về nhà, vợ tôi luôn giả vờ chết’ – Đằng sau hành động lầy lội của người vợ là một sự thật đẫm nước mắt
Tại đất nước Nhật Bản có anh chồng nọ muốn khi tan sở trở về nhà đều bị cô vợ hù dọa cho “hồn xiêu phách tán” bởi những màn cosplay hết sức kinh dị và đẫm máu.
Bàn đến sự quái dị, hài bựa với những ý tưởng kịch bản “khó đỡ” thì không thể không nhắc đến phim Nhật, trong đó bộ phim Khi Tôi Trở Về Nhà, Vợ Tôi Luôn Giả Vờ Chết là một ví dụ điển hình cho điều đó. Phim được sản xuất vào năm 2018 và khiến cư dân mạng Việt quan tâm, để ý đến thời gian gần đây vì sự lầy lội, duyên dáng lẫn hài hước trong các tình tiết độc lạ xoay quanh cuộc sống của cặp vợ chồng nhà Kagami.
Quý ông Kagami Jun ( Yasuda Ken) là một người bình thường, đã lập gia đình với Chie ( Eikura Nana), một quý cô cũng “bình thường”. Họ sống với nhau yên ổn, hạnh phúc trong căn hộ nhỏ tại thành phố Tokyo. Vào ngày kỷ niệm ba năm cưới nhau, Jun như thường lệ trở về nhà và bắt gặp sự việc kinh hoàng, anh thấy vợ mình ngã xuống, nằm bất động với cái miệng tuôn đầy máu. Jun hét lên trong đau đớn rồi tìm điện thoại gọi xe cứu thương thì đúng lúc đó cô vợ Chie tỉnh dậy, trợn trừng mắt rồi mỉm cười chào mừng chồng về nhà, còn Jun thì ngạc nhiên đến mức dựng tóc gáy, “cạn lời” với “màn troll” đỉnh cao của bà xã yêu dấu. Đó là màn mở đầu ấn tượng tạo sự bất ngờ cho chồng yêu của Chie và kể từ đó Jun phải đối mặt với hàng loạt cách giả chết rùng rợn do vợ anh dàn dựng nên.
Những “màn troll” đỉnh cao và đẳng cấp của vợ khiến chồng khốn khổ sống giật mình sợ hãi mỗi ngày.
Với sự sáng tạo vô bờ bến đó của vợ thì ban đầu Jun cũng hốt hoảng, đau đầu phiền não không biết làm thế nào với sở thích quái dị kia nhưng dần dần rồi anh cũng đành phải học cách thích nghi, diễn cùng vợ mình những phân cảnh bi thương mùi mẫn.
Anh chồng đành bất lực, phối hợp “diễn sâu” cùng vợ yêu.
Những màn hóa trang, diễn kịch của Chie cùng sự phối hợp ăn ý của anh chồng Jun diễn ra rất tự nhiên, mang lại bầu không khí vui tươi, hóm hỉnh cho bộ phim. Câu chuyện của Chie và Jun bắt đầu vui vẻ và lầy lội nhưng đoạn sau của phim lại man mác nỗi buồn với một hiện thực nghiệt ngã.
Sự thật giàu tính nhân văn về hành động lầy lội của người vợ
Ngay từ khi bắt đầu với những “màn troll” dù hưởng ứng nhiệt tình phi vụ bày trò của vợ nhưng trong thâm tâm Jun rất khổ sở khi nhìn thấy vợ mình dần trở nên lập dị, biến thành một kẻ khác thường thích trò chết chóc. Anh tìm cách tìm hiểu, chiều chuộng vợ mình như cho cô đi làm bán việc thời gian, mua hoa và bánh về tặng Chie nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Chie vẫn hóa thân thành các nhân vật khác nhau, vui thích với việc diễn kịch. Thế rồi sau biết bao lần giả chết quái dị đó thì Jun cũng hiểu ra được sự thật về hành động kỳ lạ của Chie.
Hóa ra cô làm vậy để chứng minh sự tồn tại của mình, để chồng chú ý đến người vợ suốt ngày lam lũ ở nhà, quanh quẩn với công nội trợ mà đánh mất chính bản thân. Cô nổi loạn để được người đàn ông sẽ chung sống với mình suốt quãng đời còn lại sẽ nhìn nhận sự vất vả, lo toan; đồng cảm và thấu hiểu với nỗi khổ của cô. Bên cạnh đó, Chie làm vậy để cho Jun thích ứng với sự mất mát, chia ly và đau khổ. Ngày còn bé, khi chứng kiến cảnh mẹ mình ra đi, người cha đau khổ thương nhớ bà nên Chie đã nghĩ cách làm cho ông vui bằng những màn hóa trang khác nhau. Khi là ninja, lúc lại thành mèo con, ẩn nấp xung quanh để cha đi tìm và vui mừng khi thấy Chie bé nhỏ. Từ đó, ông mới có thể vơi bớt đi nỗi buồn và an yên sống tiếp.
Hành động giả chết của Chie là quái dị, khác biệt nhưng việc cô làm đó chính là sự khao khát muốn được quan tâm, yêu thương của một người vợ. Phụ nữ khi lập gia đình họ đã hy sinh tất cả cho chồng con, họ dường như lãng quên trong chính ngôi nhà của mình. Qua hành động kỳ quặc, Chie chỉ muốn nhắc cho chồng biết rằng cô vẫn tồn tại, vẫn sống; rằng xuất hiện của người thân bên cạnh ta quý giá đến mức nào đừng để khi một ai đó ra đi chúng ta mới nuối tiếc, thương nhớ thì đã quá muộn màng. Sau tất cả, Jun đã nhận ra tình yêu của mình với vợ và anh vui vẻ chấp nhận sự lập dị của Chie. Mỗi ngày với anh là một niềm vui mới với những trò lầy lội của vợ; cuộc sống trở nên thú vị và đầy tính bất ngờ.
Khi Tôi Trở Về Nhà, Vợ Tôi Luôn Giả Vờ Chết là câu chuyện đong đầy niềm vui cùng nỗi buồn, giàu tính triết lý nhân sinh. Một tác phẩm đậm chất Nhật, ẩn trong sự hài hước là những thông điệp ý nghĩa, thâm thúy mà sâu cay về con người và cuộc đời.
Trailer phim
Vô Diện (saostar)
Review 37 Seconds: Tình yêu, tình dục, tình thân và những góc nhìn mới mẻ đầy nghệ thuật về tâm tư người khuyết tật
Là bộ phim đã giật được vô số giải thưởng từ liên hoan phim Berlin, 37 Seconds là một tác phẩm đáng xem của điện ảnh Nhật Bản.
(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)
37 Seconds (37 Giây) là tác phẩm debut của đạo diễn gốc Nhật Hikari, được dựng lên với chất liệu indie. Không hề nhí nhố, vô lý như dòng phim thị trường hay nặng nề, đậm chất suy tư của phim nghệ thuật Nhật Bản, 37 Seconds là câu chuyện nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc về cuộc sống của người khuyết tật với những xúc cảm về tình yêu, tình dục và tình thân.
Trailer phim 37 Seconds
1. Những con người khao khát cuộc sống bình thường giữa cái mác "ưu tiên"
37 Seconds kể về Yuma - một cô gái khuyết tật 23 tuổi. Vào ngày ra đời, Yuma đã ngừng thở 37 giây dẫn đến hệ quả bị bại não, liệt nửa thân dưới. Dẫu phải liên tục di chuyển với xe lăn nhưng cô nàng luôn cố gắng sống và khẳng định bản thân như một người bình thường. Một ngày nọ, sau khi nhận ra mình bị đồng nghiệp lợi dụng, Yuma quyết định sẽ xuất bản một bộ truyện riêng và bắt đầu vẽ truyện tranh người lớn. Thế nhưng biên tập của cô, dẫu khen ngợi kĩ thuật vẽ, lại than phiền Yuma thiếu "vốn sống" thực tế. Đó là khởi đầu cho những chuyến đi của Yuma để tìm hiểu về tình yêu và tình dục.
Với cốt truyện đầy mới lạ và có phần nhạy cảm, 37 Seconds đã đưa chúng ta đến với một góc nhìn mới về người khuyết tật. Họ là những cá nhân được cộng đồng dành cho sự ưu tiên nhất định, nhưng đôi khi chính cái mác ưu tiên đó lại là vỏ bọc của sự kì thị. Điều đó được thể hiện vô cùng rõ thông qua những mối quan hệ xung quanh Yuma, từ người bạn - người đồng nghiệp luôn lợi dụng cô nàng và bù đắp bằng sự quan tâm giả tạo, những chàng trai giả lả về tình yêu và tình dục và thậm chí là sự bảo bọc quá mức của người mẹ.
Thế nhưng bộ phim không đưa ta một góc nhìn nặng nề đậm chất phê phán mà trái lại, lấy đó làm bước đệm để làm bật lên ước muốn được sống, được yêu thương và đánh giá như những người bình thường của Yuma nói riêng và những người khuyết tật nói chung. Nhờ vậy mà 37 Seconds mang đến cho người xem những góc nhìn mới, đầy xúc cảm về một vấn đề vốn khá nhạy cảm.
2. Tình yêu, tình dục, tình thân - những tình cảm không cần phải nói thành lời
Khởi nguồn từ mong ước của một cô gái muốn hiểu thêm tình dục nhưng tình dục trong 37 Seconds chỉ xuất hiện một cách tế nhị, đầy tiết chế ở đầu phim như một bước đệm để mở ra những câu chuyện về tình yêu, tình bạn và tình thân. Khách quan mà nói, đạo diễn Hiraki đã khai thác một tình dục một cách vô cùng tinh tế, để vấn đề nhạy cảm này xuất hiện trong phim như một phần thật sự cần thiết thay vì chỉ để câu kéo sự chú ý của khán giả.
Bên cạnh đó, tình yêu và tình thân lại thật sự nổi bật và mang lại nhiều xúc cảm cho khán giả. Xem phim, khán giả có thể nhận ra một cảm xúc gì đó vô cùng đặc biệt đang nảy nở giữa Yuma và anh chàng lái xe, qua từng ánh mắt, những cuộc tâm tình chứ tuyệt nhiên không được thể hiện thành lời. Mối quan hệ gia đình, với những mâu thuẫn về sự bao bọc quá mức của mẹ, khao khát tìm cha của Yuma cũng được tháo gỡ một cách hợp lý và thuyết phục, không bị đẩy lên quá kịch tính nhưng vẫn đủ khơi dậy bao cảm xúc trong lòng khán giả.
3. Những thước phim nhẹ nhàng cho một chủ đề nhạy cảm
Đúng như lời đạo diễn Hikari chia sẻ: "Tôi không muốn tạo nên một bộ phim gai góc đến mức đầy tính kịch. Như thế sẽ rất khó để bạn thưởng thức đến tận cùng tác phẩm", 37 Seconds mang đến cho khán giả một câu chuyện đầy tính nhân văn trong những thước phim vô cùng nhẹ nhàng. Phần hình ảnh và âm thanh không quá nổi bật với những góc quay đơn giản và các bản nhạc không lời, giúp người xem tập trung hết mức vào nhân vật cùng mạch truyện.
Mặt khác, 37 Seconds có cách khai thác những chất liệu nhạy cảm của mình theo một cách vô cùng nhẹ nhàng, không đánh vào trực diện tâm lí nhân vật khi hạn chế thể hiện cảm xúc thông qua lời thoại mà gián tiếp qua ánh mắt, cử chỉ. Từ đó, bộ phim đã phản ánh vấn đề tình dục, tình yêu sex của người khuyết tật qua góc nhìn đầy rung động.
Một vài hình ảnh có trong phim:
37 Seconds đang trình chiếu trên Netflix.
Theo trí thức trẻ
The Forest of Love: Phim tâm lý tội phạm ghê rợn hơn cả Joker, chống chỉ định người "yếu bóng vía" Khán giả sau khi xem xong The Forest of Love sẽ bị ám ảnh không chỉ bởi tâm lý biến thái của nhân vật, mà còn bởi những pha đổ máu tới rùng mình. (Cảnh báo: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim) The Forest of Love (Khu Rừng Tình Yêu) là một tác phẩm trinh thám pha kinh dị của...